(GLO)- Bác sĩ Trần Minh Nghĩa-Phó Trưởng khoa Khám-Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Thời tiết chuyển lạnh, ngoài trẻ em thì số lượng người già mắc các bệnh như: viêm phổi, viêm đường hô hấp, chứng tê nhức chân tay… có chiều hướng gia tăng do người già sức đề kháng kém, hệ miễn dịch suy giảm dẫn đến dễ bị nhiễm vi khuẩn, vi rút…
Theo bác sĩ Nghĩa, bệnh thường gặp nhất ở người già khi thời tiết giao mùa (đặc biệt từ nóng sang lạnh) là các bệnh về đường hô hấp như viêm mũi-họng, viêm phế quản... Biểu hiện của viêm mũi-họng là người bệnh thường hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi, ngứa mũi… Trường hợp viêm họng cấp tính nếu không được điều trị sẽ chuyển thành mạn tính gây ra tình trạng đau rát họng, ho, ngứa họng, đôi khi có cảm giác nuốt vướng rất khó chịu. Có thể ho khan hoặc ho có đờm gây khó chịu cho người bệnh.
Thời tiết chuyển lạnh, bệnh ở người già gia tăng. Ảnh: K.N.B |
Đối với viêm đường hô hấp dưới ở người già là viêm phế quản, viêm phổi. Khi bị viêm phổi, nhiều trường hợp người bệnh không sốt cao, thậm chí không sốt dễ gây lầm tưởng là bệnh nhẹ, có người khi được phát hiện và đưa đến bệnh viện đã trong tình trạng bệnh trở nặng, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. “Vì vậy, khi người già mắc một trong các bệnh đường hô hấp, phải cấp cứu khẩn trương, tránh gây biến chứng nguy hiểm đến tính mạng”-bác sĩ Nghĩa cho biết.
Ngoài bệnh về đường hô hấp, chứng tê nhức chân tay cũng có chiều hướng gia tăng ở người già khi trời chuyển lạnh do tuổi cao, sức yếu, hệ cơ khớp xương dần lão hóa, các khớp không tiết đủ các chất nhờn bôi trơn cho vận động, hoạt động của các bộ phận trong cơ thể dần suy giảm... Một số bệnh mạn tính khác ở người già như: mỡ máu cao, huyết áp cao, đái tháo đường… cũng khiến cho chứng tê nhức chân tay thêm trầm trọng. Ngoài ra, cũng cần đề phòng đột quỵ não ở người già khi thời tiết lạnh.
“Phòng bệnh thường gặp cho người cao tuổi vào mùa đông là việc làm cần thiết nhằm bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống. Thời tiết lạnh, người già cần mặc đủ ấm, ngủ nên đắp chăn ấm, tránh gió lùa. Những người bị bệnh tăng huyết áp cần hết sức tránh lạnh đột ngột, nhất là lúc ngủ dậy vào sáng sớm. Hạn chế ra ngoài khi thời tiết giá lạnh nếu ra ngoài cần đảm bảo cơ thể mặc đủ ấm. Nên tập thể dục hoặc đi lại, vận động thân thể ở trong nhà; thường xuyên vệ sinh họng, miệng sạch sẽ, súc họng bằng nước muối sinh lý. Ngoài ra để bảo vệ sức khỏe, cần từ bỏ các thói quen xấu như bỏ hút thuốc lá, thuốc lào và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh để tăng sức đề kháng. Khi có dấu hiệu bệnh cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để kịp thời khám và điều trị tránh để bệnh diễn tiến nặng gây nguy hiểm cho tính mạng và sức khỏe”-bác sĩ Nghĩa khuyến cáo.
Như Ý