"Thiên đường" hàng lậu Tân Thanh: Thót tim giáp mặt "chim lợn"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Để có được những chuyến “hàng ngầm” an toàn trót lọt, thì bộ đàm, điện thoại là những công cụ hỗ trợ đắc lực nhất cho giới buôn lậu ở Tân Thanh (Lạng Sơn). Thời gian, địa điểm, số lượng hàng, loại hàng... tất cả đều đã được thống nhất. Chỉ còn canh “giờ đẹp”, hàng tấn hàng các loại từ hạt, đông lạnh, hoa quả… lần lượt được cánh cửu vạn “cõng” vượt biên sang Trung Quốc và ngược lại.
Giáp mặt "chim lợn"
Rẽ từ con đường mòn vào khu vực Rọ Bon (Tân Thanh), đi sâu vào trong là đường đất gập ghềnh sụt lún hằn lên bởi những vết bánh xe tải nhỏ, xe ba bánh chuyên chở hàng. Bên trong nữa là những dãy nhà kho bằng gạch bê tông, những khu nhà trọ chật chội, luộm thuộm và đầy rác.
Chị D dặn tôi đứng ngoài rồi đi vào cửa sau của ngôi nhà nhỏ xếp hàng lấy tiền công của 3 đêm trước đó. Ngó vào theo sau tôi thấy hơn 50 người đang xếp hàng và một thanh niên trẻ tay xăm trổ, đeo vòng bạc lớn ở cổ đang ngồi với bút sổ trên bàn. Từng người lần lượt đọc số (số đã ghi trong sổ khi vác hàng) để nhận tiền.
Người ra người vào, người được ít người được nhiều nhưng ai nấy đều phấn khởi vì chủ hàng này dễ tính, không chửi mà phát tiền rất nhanh.
 
Nam thanh niên ra mặt thay chủ hàng thanh toán tiền công cho cánh phu cửu đang xếp thành hàng dài ngay cửa sau của kho hàng.
Chị D cho biết “Người cầm sổ ghi chép kia chính là chủ nhà kho nhưng họ không phải chủ các thùng hàng. Chủ hàng là những người có tên, địa chỉ... được ghi ngoài bao hàng. Những người mang mác chủ hàng kia thực chất là lực lượng bao biên, chịu trách nhiệm nhận hàng, sau đó thuê cửu vạn vận chuyển hàng cho khách, mọi giao dịch được tiến hành qua điện thoại”.
Phía bên ngoài nhiều cửu vạn vẫn đang đi hàng, người gùi lên, người gùi xuống con đường dốc đồi bằng đất rộng chỉ đủ tránh nhau. Cách dãy các kho hàng 20m là điểm bắt đầu của 2 con đường: đường keo và đường hồi.
Chị D cũng cho biết: Ở đây có “chim lợn” chuyên làm công việc ngồi ở quán nước quan sát mọi di chuyển của lực lượng Hải quan và Bộ đội biên phòng. Hễ thấy “động” thì ngay lập tức thông báo qua bộ đàm cho các “cai cửu”. Nếu “chim lợn” làm tốt công đoạn này thì rất ít khi hàng lậu bị tóm. “Xe vừa ra khỏi cổng đã có điện đàm đánh động nên tần suất hàng bị bắt là rất ít”.
Ngồi cạnh chúng tôi chờ hàng là người phụ nữ chừng 37 tuổi, giọng Thanh Hóa về đây vác hàng kiếm sống. Chị này nói: “Đêm qua giờ này đã được 3 chuyến rồi, đến giờ chắc chưa “bôi trơn” nên hàng vẫn chưa lên được”.
Một người đàn ông nghe được nhanh nhảu: “Hàng được bốc từ xe container chuyển qua xe tải nhỏ rồi mới chở lên đây. Nãy đi đến đường rẽ thì gặp Biên phòng mình đi tuần nên xe quay về kho hết. Hôm nay chắc phải nửa đêm hàng mới đi được”.
Qua cuộc hội thoại giữa người đàn ông và người phụ nữ kia thì hàng họ sắp đi là của chủ hàng tên Toàn Bính. Thường hàng nhà này sẽ mở nhiều công (container) 1 đêm nên thường chia cửu vạn thành 2 đội: đội xanh và đội đỏ, cửu đội nào sẽ được phát 1 khăn buộc tay màu tương đương rồi ghi số như bình thường.
Để đi được hàng thì chủ hàng Việt Nam phải có thỏa thuận qua điện thoại trước với chủ hàng Trung Quốc về thời gian, địa điểm đón hàng. “Nhiều khi chủ bên mình đầy hàng trong kho nhưng không đi được vì bên kia làm căng không đón được hàng”, người phụ nữ nói.

Theo Chi cục Hải quan Tân Thanh, cơ quan này đã chủ động xây dựng kế hoạch, chuyên đề, xác lập, đấu tranh thành công nhiều chuyên án, bắt giữ, xử lý thành công nhiều vụ việc, giải quyết dứt điểm hiện tượng buôn lậu nóng, nổi cộm. Chỉ riêng tính từ đầu tháng 11.2018 đến nay lực lượng kiểm soát hải quan đã đấu tranh phát hiện, bắt giữ, xử lý hơn 51 vụ vi phạm; trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 94 triệu đồng.


Vẫn với cách thức là đánh số, kiểm hàng, cai hàng hạch sách quát tháo cửu vạn chen lấn hàng. Chuyến vác hàng này tôi theo chị D vượt chừng 400m thì gần đến điểm nhận hàng. Một cai hàng hỏi tôi hàng nhà nào? Lúc đó do luống cuống chỉ nhớ là có chủ tên Khang nên tôi nói hàng nhà Khang. Cai hàng rọi đèn pin vào mặt tôi quát lớn: “Nhà Khang nào? Con này mới đi à? Mày người mới à?”. May lúc đó chị D chạy ra nói em gái và đang đi hàng xanh, sau đó chúng tôi "xì xồ" vài tiếng dân tộc thì cai hàng mới thôi nghi ngờ.
Hàng tại đây sẽ được đội bốc vác xếp lên xe, chủ hàng Việt Nam và Trung Quốc cùng kiểm lại, xe đầy là lập tức đi để xe khác lui vào. Nếu điểm nhận bị dồn lại nhiều hàng chưa kịp chở đi thì có ngay lệnh “chống” là tất cả cửu vạn đang vác phải đứng nguyên tại chỗ chờ lệnh.
Phương thức nhanh gọn
Mặt hàng nhập lậu ở Tân Thanh chủ yếu là quần áo may mặc sẵn, hàng tiêu dùng, hàng thực phẩm, hoa quả (sầu riêng, chanh leo) và hàng khô (hạt dẻ cười, hạnh nhân...). Thỉnh thoảng có cả hàng đông lạnh, hàng gỗ, thậm chí là hàng cấm như pháo nổ…
 
Hàng về đến kho tạm sau đó sẽ nhanh chóng được xếp lên xe ba bánh vận chuyển xuống khu vực thị trấn Đồng Đăng. (ảnh cắt từ clip)
Về phương thức vận chuyển, chủ yếu là lợi dụng sự thông thoáng của thủ tục hải quan nhập khẩu, lợi dụng những chính sách về thuế, những kẽ hở trong quy trình xuất nhập khẩu hàng hóa, trao đổi hàng hóa cư dân biên giới để gian lận về số lượng, số tiền thuế, giá ghi trên hóa đơn bán hàng. Các đối tượng đầu lậu (cai hàng) vẫn tiếp tục thuê người mang, vác, vận chuyển nhỏ lẻ hàng hóa qua các khu vực đường mòn, lối mở dọc biên giới, chủ yếu tập trung ở khu vực Đồi Keo, Rọ Bon (Tân Thanh)..
Sau khi hàng lậu đã vượt biên qua các đường mòn, các đầu lậu sẽ nhanh chóng cho người vận chuyển hàng xuống các dãy nhà kho dọc tuyến giao thông chính để tập kết. Khu vực này, nhiều nhà dân dựng san sát, cửa đóng kín tạo thành những kho chứa hàng lậu. Mỗi khi có cánh cửa nhà nào mở ra, lại có hàng loạt xe máy chở theo những bọc hàng cồng kềnh phóng ào ào hướng sâu vào nội địa Lạng Sơn.
 
Hàng chủ yếu được vận chuyển qua đường mòn vào ban đêm, lợi dụng lúc giao ca của lực lượng chức năng.
Đến 6h sáng hàng tập kết lại và xếp lên xe, phu vạn thưa dần, chủ hàng kiểm lại hàng rồi quay đầu xe về kho nghỉ ngơi. Kết thúc một đêm dài chúng tôi quay lại bãi xe và rời khỏi cửa khẩu khi vùng biên này đã thức dậy từ lâu.
Trong cảm nhận của tôi, biên giới không còn xa xôi, không còn rùng rợn. Ở đó là sự nhọc nhằn mưu sinh của những người muốn trụ lại vùng biên. Nhìn đồng hồ đã 7h sáng, cánh cửu vạn “ăn sương ngủ bụi” giờ này ai nấy đều về nhà ngủ để đợi những chuyến hàng “đi ngầm” về đêm tiếp theo...
Trao đổi với Dân Việt, bà Hoàng Thị Thiều Hoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh, Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết: "Địa bàn rộng, địa hình phức tạp, nhiều đường mòn lối tắt qua lại biên giới, có nhiều khu chợ, khu dân cư trong khu vực cửa khẩu gây nhiều khó khăn cho công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại. Thời gian tới đơn vị sẽ tăng cường quản lý, giám sát có hiệu quả đối với các loại hình hàng hóa xuất nhập khẩu, trong đó tập trung vào các đối tượng, loại hình trọng tâm, trọng điểm, mặt hàng trọng điểm, nhất là giai đoạn trước trong và sau Tết Nguyên đán".
P.V cũng đã liên hệ với ông Phan Văn Phương, Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn nhưng vị này từ chối cung cấp thông tin vì cho rằng chưa có ý kiến chỉ đạo từ Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng.
Cũng trao đổi với Dân Việt, ông Hoàng Văn Quyến, Chủ tịch UBND xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng (địa bàn cửa khẩu Tân Thanh) cho biết: Hiện số lượng dân từ các tỉnh thành khác, các huyện thị trên địa bàn tỉnh đổ về khu vực cửa khẩu Tân Thanh vác hàng, làm cửu vạn khá đông. Chúng tôi cũng không nắm rõ được hết vì công việc của họ mang tính chất thời vụ. Khó khăn nhất là lực lượng này di chuyển liên tục, họ đăng ký tạm trú, hết hàng họ lại về.
“Do làm việc kiểu thời vụ nên gây khó khăn lớn cho công tác quản lý tại địa phương. Nhiều người khi đến có đăng ký tạm trú, nhưng lúc rời đi lại không báo lại, kiểm tra thì mới biết không còn ở trên địa bàn nữa”, ông Quyến nói
"Hàng tuần, hàng tháng chúng tôi đều có lực lượng phối hợp với Công an, Biên phòng... thường xuyên đi kiểm tra tạm trú, tạm vắng. Đồng thời cũng tăng cường tuyên truyền cho người dân các thôn bản không tiếp tay, buôn bán, vận chuyển những mặt hàng cấm..." - ông Quyến cho hay.
Nghị định số 14/2018/NĐ-CP quy định chi tiết các hoạt động thương mại biên giới
Điều 9. Hình thức thỏa thuận trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới của thương nhân
1. Hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới của thương nhân được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa thương nhân Việt Nam với thương nhân hoặc cá nhân của nước có chung biên giới bằng một trong các hình thức sau:
a) Hợp đồng bằng văn bản.
b) Trường hợp không xác lập hợp đồng bằng văn bản thì thương nhân phải lập bảng kê hàng hóa mua bán, trao đổi qua biên giới. Thương nhân Việt Nam ký tên, đóng dấu và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của bảng kê, có giá trị pháp lý tương đương hợp đồng.
2. Bảng kê mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới của thương nhân quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
Điều 14. Quản lý mua gom hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới
1. Hàng hóa trong định mức theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định này nhưng cư dân biên giới không sử dụng cho sản xuất, tiêu dùng phải nộp thuế theo quy định của pháp luật.
2. Thương nhân được thực hiện mua gom hàng hóa quy định tại khoản 1 Điều này tại khu vực chợ biên giới và phải lập bảng kê mua gom hàng hóa.
3. Hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới quy định tại khoản 1 Điều này khi mua gom phải thực hiện kiểm dịch, kiểm tra về an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng theo quy định tại Điều 8 Nghị định này.

4. Bộ Tài chính hướng dẫn, quy định việc thu thuế đối với hàng hóa trong định mức nhưng không sử dụng cho sản xuất, tiêu dùng của cư dân biên giới quy định tại khoản 1 Điều này...

Nhóm PV Đông Bắc (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Cẩn trọng với giấc mơ hóa 'thiên nga': Phẫu thuật thẩm mỹ tay ngang

Cẩn trọng với giấc mơ hóa 'thiên nga': Phẫu thuật thẩm mỹ tay ngang

Nhu cầu làm đẹp là chính đáng nhưng phải chọn bác sĩ, cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, làm đẹp một cách thận trọng, tỉnh táo. Đã có nhiều sự cố y khoa từ những ca phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở hành nghề “chui”, dưới tay bác sĩ “chui” khiến người thì bỏ mạng, người thì tiền mất tật mang.