"Thiên đường của những chuyến trải nghiệm"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cao nguyên Gia Lai từ lâu đã làm say đắm những trái tim yêu thích sự hùng vĩ của thiên nhiên cùng giá trị độc đáo của di sản văn hóa. Nhiều tour du lịch mới trong năm 2023 hứa hẹn mang đến những trải nghiệm độc đáo, hấp dẫn du khách khi đến với vùng đất được mệnh danh là “thiên đường của những chuyến trải nghiệm” này.

Palsol-cỏ hát trên đồi

Sau hơn 1 năm khảo sát, tour “Palsol-cỏ hát trên đồi” đã được Gia Lai Discovery đưa vào khai thác. Tour 2 ngày 1 đêm này đã làm say đắm những trái tim yêu thích sự hùng vĩ của thiên nhiên, nơi không chỉ mỗi bước chân mà cả tâm trí bạn cũng chạm đến tự do.

Palsol như một thảo nguyên rộng lớn dưới chân dãy núi hùng vĩ, nơi giáp ranh giữa 2 tỉnh Gia Lai và Đak Lak. Anh Nguyễn Anh Tuấn-hướng dẫn viên kiêm support của tour-cho biết: “Tổng quãng đường trekking dài khoảng 13-14 km trên nhiều dạng địa hình của thảo nguyên xanh ngát. Bãi camping (địa điểm cắm trại) là vị trí du khách có thể ngắm khoảnh khắc đẹp nhất của bình minh và hoàng hôn; thưởng ngoạn vẻ đẹp của 2 vùng đất Tây Nguyên là thị xã Ayun Pa (Gia Lai) và Ea H’leo (Đak Lak)”.

Bay dù lượn chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên Gia Lai từ trên cao. Ảnh: Hoàng Ngọc

Bay dù lượn chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên Gia Lai từ trên cao. Ảnh: Hoàng Ngọc

Sau 1 ngày trekking mệt nhoài, đêm xuống trong những túp lều sặc sỡ, bên ly trà nóng, du khách được nghe những câu chuyện của dân du mục trên thảo nguyên mênh mông và dần chìm vào giấc ngủ trong tiếng gió hát trên đồi. Cũng bởi trải nghiệm đặc biệt này mà chị Nguyễn Bảo Khuyên-du khách TP. Hồ Chí Minh, đồng thời là người làm việc trong lĩnh vực du lịch ở mảng inbound (dịch vụ cho khách quốc tế khi du lịch đến Việt Nam) thỉnh thoảng vẫn dành cho mình những chuyến trải nghiệm như một phần thưởng. “Tôi chuẩn bị đi lần thứ 6 cùng với hướng dẫn viên của Gia Lai Discovery. Tôi đến đây vào các mùa trong năm, cảm giác được sống thuần tự nhiên nhất, con người trở về với trạng thái cân bằng nhất và mỗi chuyến đi đều có một trải nghiệm đặc biệt”-chị Khuyên tâm sự.

Còn chị Nguyễn Hồng Lạc-du khách đến từ Hà Nội lại tự nhận mình đã “phải lòng” Gia Lai. Chị đã đưa cả gia đình chinh phục “thác 50-nàng công chúa giữa rừng già” hay “Chư Nâm-đi để thấy đường chân trời”. “Tôi yêu những điểm đến Gia Lai bởi đây đúng nghĩa là nơi để trở về với tự nhiên. Chắc chắn năm mới này, tôi trải nghiệm tour Palsol để nghe cỏ hát trên đồi”-chị Lạc bày tỏ.

Có thể ví những tour trekking ở Gia Lai giống một hành trình của cảm xúc, tựa câu nói của một nhà hiền triết lựa chọn lối sống thuận tự nhiên: “Một mặt, sự sống mang tính hứng khởi và sôi động. Mặt khác, nó lại hoàn toàn tĩnh lặng. Sự tĩnh lặng bên trong nuôi dưỡng hoạt động bên ngoài”. Nhiều du khách đã tìm được những giây phút hứng khởi nhưng cũng tĩnh lặng như vậy khi chọn cao nguyên xanh Gia Lai cho hành trình trải nghiệm cuộc sống.

“Bay trên sắc màu đại ngàn”

Ngắm bức tranh thiên nhiên Gia Lai đầy sắc màu từ bầu trời cũng là tour du lịch mới mẻ, hấp dẫn dự kiến đưa vào khai thác chuyên nghiệp trong năm 2023. Tour dù lượn “Bay trên sắc màu đại ngàn” do Công ty cổ phần Dù lượn Đà Nẵng phối hợp với UBND huyện Chư Păh tổ chức lần đầu tiên trong khuôn khổ Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya năm 2022 đã rất thành công khi được du khách hào hứng đón nhận. Theo anh Lê Phước Bình-Phó Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Dù lượn Đà Nẵng, đây không chỉ là điểm bay dù lượn rất đẹp của Gia Lai mà của Tây Nguyên. Ngoài khai thác tour “Bay trên sắc màu đại ngàn” định kỳ du lịch Gia Lai có thể khai thác tour này vào các ngày cuối tuần trong những tháng mùa khô. “Ngay sau hoạt động bay trải nghiệm dù lượn tại Chư Đang Ya diễn ra thành công, lãnh đạo huyện Mang Yang đã đặt vấn đề mời chúng tôi đến bay khảo sát một số điểm. Bay dù lượn đã trở thành sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn ở nhiều địa phương và tỉnh Gia Lai nắm bắt rất nhanh xu thế này”-anh Bình cho hay.

Trong đợt bay ra mắt tour trải nghiệm dù lượn ở đỉnh núi lửa Chư Đang Ya, hơn 20 phi công của các câu lạc bộ dù lượn Đà Nẵng, Nha Trang và TP. Hồ Chí Minh cùng tham gia. Các phi công nhận định, đặc trưng địa hình đồi núi và lượng gió trong mùa khô ở cao nguyên Gia Lai rất phù hợp cho bộ môn thể thao mạo hiểm này. Nhưng để có thể khai thác tour du lịch dù lượn thì cần có sự phối hợp giữa địa phương, đơn vị lữ hành với các câu lạc bộ dù lượn của cả nước.

Đường vào thác 50 là một hành trình trải nghiệm nhiều cảm xúc với du khách. Ảnh: Hoàng Ngọc

Đường vào thác 50 là một hành trình trải nghiệm nhiều cảm xúc với du khách. Ảnh: Hoàng Ngọc

Chị Nguyễn Thu Trang-một trong những du khách đầu tiên của tour dù lượn ở thắng cảnh núi lửa Chư Đang Ya-chia sẻ: “Lần đầu tiên bay dù lượn ngắm toàn cảnh núi lửa từ trên cao, cảm xúc rất mới mẻ. Tôi chọn bay dù lượn không động cơ để được trải nghiệm cảm giác phiêu lưu, mạo hiểm, hoàn toàn dựa vào sức gió. Phi công rất chuyên nghiệp, giúp mình có sự trải nghiệm tuyệt vời. Hoạt động này nếu được tổ chức thường xuyên sẽ tạo sức hút rất lớn cho du lịch Gia Lai”.

Làm mới sản phẩm đặc trưng

Làm mới các sản phẩm đặc trưng để “tăng chất” cho du lịch cũng là định hướng phát triển của “ngành công nghiệp xanh”. Định vị du lịch Gia Lai chính là các sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa khai thác từ giá trị bản địa. Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Đức Hoàng, cùng với các loại hình du lịch hiện có, du lịch nông nghiệp cũng là sản phẩm mới trong giai đoạn sắp tới. Thế mạnh của Gia Lai và ngành du lịch đã có sự chuẩn bị đón đầu xu hướng du lịch xanh này.

Cuối năm 2022, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã mời Tiến sĩ Ngô Thị Thu Trang-Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn-Saemaul Undong, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho nông dân về xây dựng mô hình du lịch nông thôn. Đại diện các địa phương có thế mạnh về du lịch đã được chuyên gia phổ cập những kiến thức và trên hết là tư duy khai thác du lịch, dịch vụ dựa trên thành quả của quá trình sản xuất và sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Khảo sát thực tế tại các địa phương, Tiến sĩ Ngô Thị Thu Trang khẳng định, vùng nông thôn Gia Lai mang đặc điểm của hệ sinh thái nông nghiệp, lâm nghiệp và giá trị văn hóa nông thôn đặc sắc. Việc phát triển du lịch nông nghiệp ở Gia Lai có nhiều thuận lợi, đó chính là kế thừa thành quả của nền nông nghiệp lâu đời và thành tựu của công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho rằng, du lịch Gia Lai đang đứng trước nhiều cơ hội làm mới mình và bứt phá. Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng, Di tích quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo, Di tích quốc gia khảo cổ Rộc Tưng-Gò Đá… mang đến nhiều cơ hội phát triển, cảm xúc của du khách đối với các sản phẩm gắn với các di tích, di sản này. Nông thôn mới ở Gia Lai đã và đang tạo ra một hệ sinh thái để xây dựng các sản phẩm du lịch mới theo chiều sâu, nhiều trải nghiệm. Ngành du lịch cũng tăng cường liên kết, hợp tác xúc tiến, quảng bá du lịch ở 2 thị trường lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên để tăng lượng khách và giúp các doanh nghiệp mở rộng cơ hội hợp tác để tăng lượng khách.

Có thể bạn quan tâm

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.