Khai mạc tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya năm 2022

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Tối 11-11, UBND huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) khai mạc tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya tại sân nhà rông làng Ia Gri (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh). Tham dự buổi lễ có lãnh đạo một số sở, ban, ngành; hàng ngàn người dân, du khách trong và ngoài tỉnh.

Với chủ đề “Cồng chiêng, âm vang đại ngàn”, đội cồng chiêng đến từ 14 xã, thị trấn và trường THCS Dân tộc nội trú huyện đã có màn diễu hành, trình diễn mãn nhãn từ nhà rông làng Ia Gri đến chân núi lửa Chư Đang Ya và vòng ngược lại sân nhà rông chào đón đại biểu và du khách dự khai mạc. Diễu hành cùng đoàn cồng chiêng là các đội xoang, múa rối, hóa trang mang đậm sắc màu văn hoá Tây Nguyên. Đây là cách để người dân tôn vinh di sản văn hoá, thiên nhiên và đời sống tinh thần phong phú của cư dân bản địa.

Toàn cảnh lễ không mạc Lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya 2022. Ảnh Nguyễn Tấn Kần
Toàn cảnh lễ khai mạc lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya 2022. Ảnh: Nguyễn Tấn Kần

Điểm mới của lễ hội năm nay là có hoạt động bay trải nghiệm dù lượn ngắm toàn cảnh bức tranh thiên nhiên Chư Đang Ya vào mùa hoa dã quỳ từ trên cao. Là năm đầu tiên câu lạc bộ Dù lượn Sơn Trà (thuộc Công ty cổ phần Dù lượn Đà Nẵng) phối hợp với ban tổ chức lễ hội đưa tour trải nghiệm “Bay trên sắc màu đại ngàn” phục vụ du khách nên giảm 40% cho dịch vụ bay mùa đầu tiên.

Các đội cồng chiêng chào đón du khách trong lễ khai mạc. Ảnh Hoàng Ngọc
Các đội cồng chiêng chào đón du khách trong lễ khai mạc. Ảnh: Hoàng Ngọc

Đến với lễ hội, du khách không chỉ được ngắm một trong những ngọn núi lửa đẹp nhất thế giới, thắng cảnh nổi bật của du lịch Gia Lai mà còn được hoà mình vào không khí lễ hội, trải nghiệm các hoạt động văn hoá đặc sắc, xem nghệ nhân trình diễn nghệ thuật đan lát, tạc tượng gỗ, dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ dân tộc và hướng dẫn du khách trải nghiệm các loại hình nghệ thuật dân gian tại lễ hội.

Lễ hội là dịp tôn vinh bản sắc văn hoá, di sản thiên nhiên vùng đất Chư Pah. Ảnh Hoàng Ngọc
Lễ hội là dịp tôn vinh bản sắc văn hoá, di sản thiên nhiên vùng đất Chư Păh. Ảnh: Hoàng Ngọc

Với chủ đề “Ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc”, du khách được tham gia các trò chơi dân gian cùng người dân địa phương như: bịt mắt đập niêu, bắt vịt, nhảy bao bố, đi cà kheo, đẩy gậy, kéo co, đi xe đạp chậm, múa sạp dân gian, tham gia hội thi chinh phục đỉnh Núi lửa Chư Đang Ya.

Với những người yêu mến văn hoá Tây Nguyên, đây còn là dịp tìm hiểu về không gian văn hoá cồng chiêng qua lễ hội “Mừng lúa mới” của người Jrai do các nghệ nhân tái hiện nguyên bản tại sân nhà rông làng Gri.

Cồng chiêng ngày hội. Ảnh Hoàng Ngọc
Cồng chiêng ngày hội. Ảnh: Hoàng Ngọc

Bên cạnh đó, lễ hội còn có không gian trưng bày sách về văn hoá, lịch sử Gia Lai; trưng bày ảnh đẹp của các nhiếp ảnh chuyên và không chuyên đang sinh sống trên địa bàn huyện Chư Păh. Đây là những hình ảnh lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, các lễ hội, cảnh quan thiên nhiên, con người, ẩm thực đặc trưng của các dân tộc bản địa, các điểm du lịch, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng trên địa bàn huyện Chư Păh. Những tượng gỗ dân gian, nhạc cụ dân tộc truyền thống được tạo ra bởi các nghệ nhân Jrai, Bahnar trên địa bàn huyện cũng được trưng bày tại ngày hội để du khách thưởng lãm.

Với 30 gian gian hàng lưu niệm, đặc sản địa phương, đây còn là dịp quảng bá sản vật đặc trưng, sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu để du khách mua về làm quà, tặng người thân như: cà phê, hồ tiêu, chuối rừng, rượu ghè, măng khô, cá thát lát sông Sê San; các quầy hàng sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên, phụ nữ hay sản phẩm của các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện như: nấm các loại, mật ong, dầu phộng ép lạnh… Sản phẩm đặc sản của vùng đất Chư Đang Ya gồm có: miến dong riềng, bột dong riềng, khoai mật và các sản phẩm chế biến từ khoai lang.  

Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya diễn ra từ 11 đến 17-11, trong đó các các hoạt động trọng điểm trong 3 ngày 11 đến 13-11. Đây là sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện Chư Păh. Ban tổ chức kỳ vọng lễ hội năm nay sẽ đón trên 100 ngàn lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Một số hình ảnh trong ngày đầu tiên của lễ hội: 

Nghệ nhân trình diễn nghệ thuật tạc tượng gỗ trongngày hội . Ảnh Đức Thuỵ
Nghệ nhân trình diễn nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên. Ảnh: Đức Thuỵ
Ẩm thực truyền thống phục vụ du khách tại lễ hội. Ảnh Đức Thuỵ
Ẩm thực truyền thống phục vụ du khách tại lễ hội. Ảnh: Đức Thuỵ
Du khách hào hứng với những món quà lưu niệm mang đậm bản sắc văn hoá. Ảnh Đức Thuỵ
Du khách hào hứng với những món quà lưu niệm mang đậm bản sắc văn hoá. Ảnh: Đức Thuỵ
Những ngả đường dẫn đến núi lửa Chư Đang Ya phủ sắc dã uỳ vàng. Ảnh Đức Thuỵ

Những ngả đường dẫn đến núi lửa Chư Đang Ya vào mùa này được thắp sáng bởi sắc dã quỳ vàng.

Ảnh: Đức Thuỵ

HOÀNG NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Sản phẩm đặc trưng địa phương sẵn sàng cho Tuần lễ Hoa dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

Sản phẩm đặc trưng địa phương sẵn sàng cho Tuần lễ Hoa dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

(GLO)- Tuần lễ Hoa dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya năm 2024 diễn ra từ ngày 6 đến 12-11 tại khu vực sân nhà rông làng Ia Gri (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh). Ngoài hoạt động văn hóa-thể thao đặc sắc, sự kiện này còn là dịp để quảng bá các mặt hàng truyền thống của địa phương.