Theo dấu rác độc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những núi rác thải nặng hàng trăm nghìn tấn, những con đường khói độc phủ kín và những ruộng lúa, con kênh đặc quánh nước thải vẫn ngày ngày đầu độc người dân, bất kể ở thành thị hay nông thôn. Bài toán giữa phát triển kinh tế làng nghề với xử lý ô nhiễm dường như chưa có lời giải. 
Kỳ 1: Làng nghề trong “vòng xoáy” ô nhiễm
 
Hồ nước thải lớn tại cụm công nghiệp Phong Khê II (Phong Khê, Bắc Ninh).
Hồ nước thải lớn tại cụm công nghiệp Phong Khê II (Phong Khê, Bắc Ninh).
Rác thải ở làng nghề nào cũng có điểm chung. Đó là sự dày lên theo từng ngày, mức độ ô nhiễm cũng tăng theo từng ấy. Nhưng tốc độ và mức độ xử lý thực trạng này thì chậm trễ tính bằng tháng, bằng năm. 
Ngửi nhiều thì quen thôi!
Giữa những cái tên “quen thuộc” trong các làng nghề gây ô nhiễm môi trường, không thể không nhắc tới làng tái chế nhôm Mẫn Xá (xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh). Quanh năm, ngôi làng bị phủ kín khí thải từ khoảng 450 cơ sở tái chế nhôm, thải liên tục 10-12 tiếng/ngày. Khói bụi mờ mịt vây kín mọi con đường, ngóc ngách, ôm chặt lấy người đi đường. Có những đoạn phải liên tục bấm còi “cảnh báo” xe đi ngược chiều, vì không thể nhìn thấy gì trước mặt.
Đó là chưa kể tới gần 400 nghìn tấn chất thải gồm tro, xỉ không qua xử lý bị vứt thẳng ra đường, tạo nên những bãi rác lớn rộng hàng nghìn m2. Những ngày mưa, mùi nồng của xỉ nhôm bốc lên nồng nặc, quyện mùi khét từ hàng trăm ống khói, khiến việc hít thở cũng trở thành một cực hình. Mỗi ngày, các xưởng nhôm “đắp” thêm vào đây khoảng 80 tấn xỉ. Nhưng theo người làng Mẫn Xá, số lượng tro, xỉ nhiều như vậy là bởi Mẫn Xá còn phải “gánh” cả tro, xỉ từ những công ty, doanh nghiệp khác trong huyện, tỉnh và cả từ cụm công nghiệp (CCN) Hanaka. Đây là CCN được UBND tỉnh Bắc Ninh thành lập năm 2015, diện tích 26,5 ha, nhằm giải quyết nạn ô nhiễm môi trường tại làng Mẫn Xá. Tuy nhiên, do giá đất trong CCN quá cao so mặt bằng các khu công nghiệp (KCN) khác trong tỉnh, nên mới chỉ có khoảng 30-40 hộ/300 hộ sản xuất chuyển được vào. Không chỉ vậy, CCN Hanaka đến nay vẫn “ba không”: không khu lưu chứa chất thải rắn, hệ thống nước thải và hệ thống thoát nước.
“Độc hại á? Hồi trước tôi từng nấu nhôm mấy chục năm rồi, có làm sao đâu. Ở đây đời sống bình thường, người dân khỏe mạnh. Ngửi nhiều thì quen thôi”, bà Ngô Thị Vân (60 tuổi), người từng là chủ một lò nhôm trong làng nói. Khi chúng tôi tới khảo sát ở một số cơ sở khác trong làng, cũng nhận được câu trả lời y chang. Có vẻ như “ngửi nhiều thì quen thôi” đã thành câu cửa miệng với không ít người.
Nhưng liệu họ có thay đổi quan điểm sai lệch đó không nếu chứng kiến con em mình là học sinh Trường tiểu học Văn Môn đang bịt mũi, cố rảo bước thật nhanh qua màn khói bụi dày đặc? Chị Trần Thu Thảo (42 tuổi), chủ một xưởng nhôm nói: “Nhiều người như chúng tôi hiểu mưu sinh thế này rất độc hại, nên muốn chuyển đi từ lâu rồi. Dân ở đây thường sống không thọ, chỉ ngấp nghé 60 tuổi thôi. Nhưng giá thuê đất trong CCN Hanaka đắt quá. Một lô đất diện tích tối thiểu 200m2 đã có giá vài tỷ đồng rồi, lại còn phải thuê qua bên thứ ba nên càng đắt hơn”. 
Ngũ Huyện Khê có chết một lần nữa?
Ô nhiễm không kém gì Mẫn Xá là làng nghề giấy Phong Khê (phường Phong Khê, TP Bắc Ninh). Theo ông Đào Quang Khải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, trong năm 2021, tỉnh mạnh tay xử phạt tới 53 doanh nghiệp tại phường Phong Khê vì ngang nhiên xả nước thải ra sông, hồ, đường sá, thậm chí là trường học. Tổng số tiền xử phạt hơn 18,5 tỷ đồng, cùng hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động từ 4,5 đến 9 tháng.
Hiện, toàn phường Phong Khê có 326 cơ sở sản xuất, kinh doanh giấy đang hoạt động và khoảng gần 1.000 cơ sở kinh doanh phụ trợ cho ngành tái chế giấy phế liệu. Dù không còn tình trạng xả thải vô tội vạ vào khu dân cư như trước, nhưng nguồn nước tại Phong Khê vẫn bị ô nhiễm rất nặng nề. Đơn cử như khu vực chung quanh CCN Phong Khê II. Ngay ở đường vào CCN là một hồ nước đen ngòm, nổi lềnh bềnh giấy phế liệu. Phía trong là một con kênh đặc quánh chất thải, có những đoạn đậm đặc đến mức đóng bánh lại thành các tảng bùn. Đường ra của con kênh này là dòng sông Ngũ Huyện Khê chảy quanh CCN. Đi đến đây, chúng tôi nuốt nước bọt liên tục, cố ngăn cảm giác buồn nôn do mùi hôi thối của đủ các loại phế liệu đang phân hủy gây ra.
Cuối năm ngoái, có tin “dòng sông chết” Ngũ Huyện Khê đã “hồi sinh” sau những biện pháp quyết liệt của chính quyền. Nước đã trong xanh trở lại, người dân còn có thể đánh bắt cá, tôm trên sông. Nhưng thực tế, không phải khúc sông nào cũng sạch sẽ như vậy. Ở đoạn sông chảy qua thôn Ngô Khê (phường Phong Khê, TP Bắc Ninh), tình trạng ô nhiễm vẫn nghiêm trọng. Không còn các ống xả thải bắc thẳng ra sông. Nhưng vẫn còn đó những núi rác lớn sừng sững ở hai bên bờ, những mảng giấy rác đang lững lờ trôi, những mảng váng, bọt mầu trắng, xám nổi lềnh bềnh do nước thải gây ra. Và tất nhiên, không thể thiếu mùi hôi thối đã ám ảnh người dân Phong Khê gần hai thập kỷ qua.
Một số doanh nghiệp tại CCN Phong Khê II còn xả thẳng nước thải vào ruộng lúa đang canh tác. Ngay sát CCN, là những thửa ruộng ngập trong nước thải và bùn thải. Lúa ở đây đều mọc cao đến ngang người. Theo như cách gọi của người dân, đây là lúa “tốt lốp”, tức hiện tượng lúa bị thừa chất, phát triển xanh tốt bất thường nhưng không thể kết hạt. Chỉ cần nắng gắt là thối rễ, thối lá rồi chết ngay. “Đất với nguồn nước ở đây ô nhiễm, hỏng hết rồi, chẳng trồng được gì nữa. Phản ánh rồi, kiến nghị rồi, nhưng có ai giải quyết gì đâu. Ruộng vườn cứ thế mà mất hết cả thôi”, anh Phan Sỹ Hùng (41 tuổi), nhà đối diện CCN Phong Khê II nói. 
 
 Nước thải tại làng miến Phú Diễn xả thẳng ra sông Nhuệ thông qua một trạm xả.
Nước thải tại làng miến Phú Diễn xả thẳng ra sông Nhuệ thông qua một trạm xả.
Làng nghề ven đô cũng kêu cứu 
Hà Nội là địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước với 806 làng đang hoạt động. Theo số liệu từ Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, doanh thu của 318 làng nghề được thành phố công nhận đạt tới hơn 20 nghìn tỷ đồng/năm, gần bằng một nửa doanh thu từ khối doanh nghiệp tư nhân tại Thủ đô năm 2021 (56,6 nghìn tỷ đồng). Đóng góp nhiều cho kinh tế, nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề ven đô đang ngày một trầm trọng.
Giai đoạn 2017-2020, Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT) Hà Nội đã đánh giá, phân loại mức độ ô nhiễm đối với 293 làng nghề. Kết quả cho thấy, có 139 làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (chiếm 47,5%); 91 làng nghề ô nhiễm (chiếm 31%). Khảo sát năm 2021 của Sở cũng cho một kết quả đáng buồn: 60/65 làng nghề được khảo sát gây ô nhiễm môi trường. Trong danh sách này, phải kể tới hai làng miến có tiếng là Phú Diễn (huyện Thanh Trì) và Cự Đà (huyện Thanh Oai). Hầu hết các cơ sở sản xuất đều nhỏ lẻ, tự phát, do hộ gia đình lập ra nên không có hệ thống xử lý nước thải. Toàn bộ chất thải từ quá trình sản xuất của hai làng này đều được đổ thẳng ra sông Nhuệ, vì “chẳng đáng bao nhiêu mà tận dụng”, theo lời chủ một cơ sở làm miến ở làng Phú Diễn.
Chưa kể tới làng tái chế nhựa lớn nhất Hà Nội tại xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa), nơi có 180 hộ dân làm tái chế và thải ra môi trường ước tính 1,5 tấn rác mỗi ngày. Rác nhựa xuất hiện gần như trên mọi con đường tại xã. Đó có thể là những bãi tập kết rác đang đỏ lửa, bốc khói nghi ngút ngay bên vệ đường; hoặc hàng nghìn bao tải lớn nhỏ, sặc sỡ đủ mầu chứa rác nhựa, xếp thành hàng dài vài chục đến vài trăm mét. Trong khi đó, những thửa ruộng ngập trong thứ hóa chất tẩy rửa nhựa nhớp nhúa, làm cây lúa còng queo, gãy gập và chết rụi. Làng tái chế nhựa Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) cũng có một khu tập kết nơi rác chất cao như những bức tường thành, cùng hàng trăm bao tải rác nhựa bị vứt bừa bãi.
Thiếu giải pháp lâu dài và hiệu quả
Đáng nói là trước thực tế ô nhiễm nghiêm trọng này, khi phóng viên Thời Nay đến trụ sở UBND xã đề nghị làm việc để được cung cấp thông tin thì kết quả nhận được phần nhiều là sự im lặng, lảng tránh trả lời từ phía chính quyền một số địa phương, như trường hợp tại Phú Diễn (huyện Thanh Trì) và Cự Đà (huyện Thanh Oai). Sau đó, nhóm phóng viên liên hệ được với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO), đơn vị đảm nhận công tác vệ sinh môi trường tại địa bàn huyện Thanh Oai, trong đó có xã Cự Đà từ 1/1/2021. URENCO đã đưa nhiều nhân công, phương tiện xe máy, thiết bị vào thu gom, xử lý rác tại địa phương. Qua đó chất lượng dịch vụ vệ sinh môi trường ngày càng được nâng lên rõ rệt. Nhưng bên cạnh một số kết quả tích cực, đại diện phía URENCO cho biết: “Vẫn còn có nơi, có lúc công nhân thu gom của chi nhánh Hai Bà Trưng, thuộc URENCO 3 là đơn vị chịu trách nhiệm chính tại Cự Đà, chưa làm hết trách nhiệm và công việc được phân công, cụ thể như bỏ đường, làm không hết phần đường, chưa đi hết các ngõ sâu... Bộ phận chuyên môn, kiểm tra giám sát của URENCO đã có biện pháp nghiêm túc phê bình, nhắc nhở đối với những trường hợp kể trên, tuyệt đối không để rác thải tồn đọng đến ngày hôm sau”.
Trong quá trình làm việc với các bên hữu quan, nhóm phóng viên cũng gặp được một số ít cán bộ lãnh đạo địa phương, như tại UBND xã Quảng Phú Cầu. Đại diện phía xã cũng thừa nhận việc xử lý ô nhiễm của địa phương này còn gặp khó khăn, giải pháp vẫn mang tính tạm thời, hạn chế về chế tài xử lý và thẩm quyền buộc phải chờ đợi phương án lâu dài từ cấp cao hơn. Tháng 10/2021, xã Quảng Phú Cầu đã ký một dự án với Công ty Bắc Sơn thuộc Công ty cổ phần Môi trường đô thị Hà Nội để thu gom xử lý rác tại xã. Công ty cam kết làm hết năm 2022, tuy nhiên đến tháng 3 thì bất chợt dừng. Bởi vậy, xã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Môi trường công nghệ cao Hòa Bình để tiếp tục thu gom, xử lý rác thải còn tồn đọng và phát sinh về sau. Trong một tháng, lượng rác thải từ việc tái chế phế liệu của thôn Xà Cầu tại đây là 40-45 tấn, trung bình 1,5 tấn/ngày. Theo đại diện chính quyền địa phương, cả Hà Nội có mỗi một thôn Xà Cầu thu gom phế liệu số lượng lớn thôi nên mới nhiều như thế.
(Còn nữa)
Theo Bài và ảnh: VIỆT KHÔI, VŨ ANH (NDĐT)
 

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.