Theo bước chân cha: Ít người biết là con anh hùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ở thôn Mỏ Thổ (xã Minh Đức, H.Việt Yên, Bắc Giang), ai cũng biết gia đình anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Vũ Tráng. Thế nhưng ở đơn vị nơi ông từng chiến đấu, hy sinh, nhiều người lại không rõ về gia đình, thân nhân liệt sĩ sống ra sao. Và chúng tôi đã lần tìm theo địa chỉ cũ...

45 năm chưa tìm thấy mộ liệt sĩ

Trong các tài liệu đều ghi anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Vũ Tráng sinh năm 1948. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Diền (72 tuổi, vợ anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Vũ Tráng) khẳng định: "Ông ấy sinh năm 1950, hơn tôi 2 tuổi. Ông là con cả, trai duy nhất trong gia đình có 4 người con. Sau là 3 cô em gái, đang sống ở xã".

Phần mộ anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Vũ Tráng tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Lai Châu

Phần mộ anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Vũ Tráng tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Lai Châu

Năm 1968, Nguyễn Vũ Tráng nhập ngũ và vào chiến đấu trong chiến trường miền Nam. Sau ngày đất nước thống nhất, ông được cử đi học Trường Sĩ quan Biên phòng (nay là Học viện Biên phòng). Khi ra trường, nhận quyết định lên đội công tác của Công an nhân dân vũ trang Lai Châu (nay là Bộ đội Biên phòng Lai Châu), chuyên bám bản làng - biên giới, củng cố chính quyền, xây dựng thế trận bảo vệ biên giới.

Đầu năm 1977, thiếu úy Nguyễn Vũ Tráng cưới cô Nguyễn Thị Diền (sinh năm 1952) cùng thôn Mỏ Thổ, và đầu tháng 12.1977 sinh con trai Nguyễn Vũ Sỹ. "Sinh thằng bé được 4 tháng, ông ấy về thăm con được một lần rồi lại tất tả lên biên giới, đến đầu năm 1979 thì hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc", bà Diền kể.

Ngày 6.3.1979, thiếu úy - chính trị viên phó Nguyễn Vũ Tráng anh dũng hy sinh trong khi đánh trả quân xâm lược tấn công vào trận địa của Đồn biên phòng Sì Lờ Lầu (Phong Thổ, Lai Châu). Cuối năm 1979, gia đình nhận được giấy báo tử, đồng thời với tin "liệt sĩ Nguyễn Vũ Tráng được truy tặng danh hiệu anh hùng".

"Lúc ấy, cả nhà chỉ mong ai đó kể xem ông ấy hy sinh thế nào, thân xác được chôn ở đâu", bà Diền nhớ lại và kể: "Mấy tháng sau, gia đình mới nhận được thư của anh Nguyễn Quang Phổ (trợ lý chính trị, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lai Châu - NV), thông báo vắn tắt là cả đơn vị hy sinh hết, phần mộ ông Tráng chôn cạnh Đồn biên phòng Vàng Ma Chải, nếu gia đình muốn tìm thì cứ đi lên Lai Châu hỏi".

Tên anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Vũ Tráng xếp đầu tiên trên bia tưởng niệm các liệt sĩ Đồn biên phòng Sì Lờ Lầu (Phong Thổ, Lai Châu)

Tên anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Vũ Tráng xếp đầu tiên trên bia tưởng niệm các liệt sĩ Đồn biên phòng Sì Lờ Lầu (Phong Thổ, Lai Châu)

Tháng 7.2012, gia đình thuê xe chạy từ Bắc Giang lên Phong Thổ (Lai Châu) tìm mộ liệt sĩ. Do thời điểm đó có mưa lũ, đường sá sạt lở, nên xe phải dừng lại ở xã Dào San (Phong Thổ). Gia đình thuê xe ôm vào tận Đồn biên phòng Vàng Ma Chải hỏi thăm. Không có thông tin về phần mộ, cả nhà bốc một ít đất ở cổng Đồn biên phòng Vàng Ma Chải, mang về thả vào ngôi mộ gió của anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Vũ Tráng trong Nghĩa trang liệt sĩ H.Việt Yên (Bắc Giang).

Nghe câu chuyện của bà Nguyễn Thị Diền, chúng tôi chợt nhớ: Tháng 7.2012, trong chuyến công tác Lai Châu, chúng tôi đã vào nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh (ven quốc lộ 4D, thuộc P.Quyết Thắng, TP.Lai Châu) thắp hương cho các liệt sĩ, trong đó có phần mộ anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Vũ Tráng.

Ngày 27.7.2014, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lai Châu khánh thành nhà bia ghi danh các liệt sĩ Đồn biên phòng Sì Lờ Lầu ở ngọn đồi ngay cạnh doanh trại. Trên tấm bia đá ghi danh liệt sĩ, tên của anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Vũ Tráng đứng đầu tiên.

Nghe chúng tôi nói, bà Nguyễn Thị Diền ngạc nhiên: "Từ hồi ông ấy hy sinh tới giờ, chưa có ai thông báo việc này", và mong mỏi: "Trước khi nhắm mắt, tôi phải lên Lai Châu thăm mộ ông. 45 năm rồi…".

Gần 9 năm biên giới, không ai biết là con anh hùng

Thiếu tá - quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Vũ Sỹ là con trai của anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Vũ Tráng. Anh Sỹ sinh ngày 10.12.1977, hơn 1 năm sau thì bố hy sinh, anh lớn lên trong sự chăm chút của mẹ và bà nội.

Đại tá Trần Quang Phương, Chính ủy Trường cao đẳng Biên phòng (trái) và cán bộ Phòng Chính trị thăm hỏi bà Nguyễn Thị Diền (vợ anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Vũ Tráng)

Đại tá Trần Quang Phương, Chính ủy Trường cao đẳng Biên phòng (trái) và cán bộ Phòng Chính trị thăm hỏi bà Nguyễn Thị Diền (vợ anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Vũ Tráng)

Năm 1995, Nguyễn Vũ Sỹ tốt nghiệp trung học phổ thông. Bà Diền khuyên nhủ con trai vào bộ đội biên phòng, vừa tiếp nối truyền thống, vừa có điều kiện gặp gỡ, tìm lại đồng đội và phần mộ của bố. Do là con duy nhất của anh hùng - liệt sĩ và H.Việt Yên không có chỉ tiêu nhập ngũ vào bộ đội biên phòng nên đơn xin của Nguyễn Vũ Sỹ bị gác lại. Anh lại mướt mải đi làm thuê, từ thợ xây đến công nhân may, da giày, khắp các địa bàn trong tỉnh Bắc Giang.

Mãi đến đầu năm 2000, sau khi bà nội Nguyễn Thị Túc trực tiếp cầm đơn lên gặp Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng xin cho cháu nội, Nguyễn Vũ Sỹ mới được nhập ngũ vào bộ đội biên phòng.

Sau khóa huấn luyện tân binh, Sỹ được chuyển về trường Trung cấp Biên phòng 1 (nay là Cao đẳng Biên phòng) đóng ở xã Việt Lập, H.Tân Yên, Bắc Giang. Sau 2 năm làm đủ mọi việc, từ chiến sĩ vệ binh, văn thư, hậu cần…, đầu năm 2002, binh nhất Nguyễn Vũ Sỹ được đưa đi học sơ cấp y tế ở Vĩnh Phúc. Cuối năm 2003, Sỹ hoàn thành khóa học, nhận quân hàm thượng sĩ và quyết định công tác ở Đồn biên phòng Lý Quốc (nay là Đồn biên phòng cửa khẩu Lý Vạn), đóng ở xã Lý Quốc, H.Hạ Lang, Cao Bằng.

"Bây giờ đi lại dễ dàng thuận tiện rồi. Hồi tôi công tác, việc phân giới cắm mốc chưa xong, đi lại toàn phải theo đường rừng", Nguyễn Vũ Sỹ kể và nhớ lại: "Rất ít người biết mình là con trai của anh hùng - liệt sĩ trong lực lượng. Có thủ trưởng công tác ở đồn dài ngày, nhẩn nha nói chuyện, khi biết mới tròn mắt: "Là con trai duy nhất của anh hùng - liệt sĩ biên phòng, sao họ lại cử cậu lên đây? Lỡ xảy ra chuyện gì, thì ăn nói làm sao với hậu phương? Tôi bảo: "Cháu khổ vậy quen rồi, chú đừng lo"".

Bà Nguyễn Thị Diền và con trai Nguyễn Vũ Sỹ

Bà Nguyễn Thị Diền và con trai Nguyễn Vũ Sỹ

Sau gần 9 năm bám trụ biên giới, chuyển hết tổ công tác này đến chốt biên giới khác, toàn những nơi khó khăn gian khổ nhất tỉnh Cao Bằng, trung úy - quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Vũ Sỹ mới về xuôi.

Tháng 9.2011, anh Sỹ được đưa về Trường trung cấp Biên phòng 1 (nay là Trường Cao đẳng Biên phòng) học chuyên ngành trinh sát. Đầu năm 2013 hoàn thành khóa học, anh Sỹ xin ở lại công tác trong trường để tiện chăm sóc bà nội 90 tuổi, mẹ 61 tuổi và người vợ mới cưới 4 năm.

Hiện nay, Nguyễn Vũ Sỹ đeo quân hàm thiếu tá - quân nhân chuyên nghiệp, công tác tại Phòng hậu cần, Trường Cao đẳng Biên phòng. Trò chuyện với chúng tôi, đại tá Trần Quang Phương, Chính ủy Trường Cao đẳng Biên phòng, nói rất nhiều về tính cách chăm chỉ, nhiệt tình công tác và sự quan tâm đến đồng chí, đồng đội của thiếu tá - quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Vũ Sỹ.

"Đồng lương của Sỹ dồn vào nuôi mẹ già, vợ làm công nhân may và 2 con nhỏ. Gia đình vẫn ở trong ngôi nhà cũ xây từ những năm 1990. Đơn vị thấy khó khăn, dự định chuyển tiêu chuẩn sửa nhà tình nghĩa, nhưng cậu ấy nhất mực từ chối, nhường cho anh em khác khó khăn hơn", đại tá Trần Quang Phương kể.

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.