Theo bước chân cha: Quân y sĩ của Hải đội 2

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trên tấm bia ghi danh 33 liệt sĩ Đồn biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng (Bộ đội Biên phòng Lai Châu) đặt ở khu tưởng niệm ngoài cổng đồn, tên anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Văn Hiền đứng đầu tiên.

Nhiều người đọc nội dung bia, thắc mắc: "Anh Hiền hy sinh khi 30 tuổi, chắc đã có vợ con. Nhưng không thấy ai nhắc đến gia đình hiện nay"… Vì thế, chúng tôi tìm gặp lại các đồng đội đã cùng chiến đấu với liệt sĩ Hiền và lặn lội đến Thanh Hóa để dò cho được câu chuyện về người vợ và 3 con của liệt sĩ.

Cản địch cho đồng đội rút

Ông Phạm Trục, nguyên Chính trị viên Đồn biên phòng Ma Lù Thàng những năm 1977 - 1980, hiện đang nghỉ hưu tại Yên Bái, kể: khi xảy ra cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc (1979), thiếu úy Nguyễn Văn Hiền chỉ huy phân đội chặn đánh địch ở mũi chính diện, đẩy lùi 15 đợt tấn công liên tiếp, bắn cháy 2 xe tăng…

Thiếu tá Nguyễn Việt Hùng kể lại kỷ niệm về cha với PV Thanh Niên

Thiếu tá Nguyễn Việt Hùng kể lại kỷ niệm về cha với PV Thanh Niên

Trầy trật nửa ngày không chiếm được đồn, lính Trung Quốc tăng viện tấn công. Thiếu úy Hiền bị thương ở tay nhưng tự băng bó và tiếp tục chỉ huy đơn vị chiến đấu. Bị thương đến lần thứ ba, gãy cả 2 chân, Nguyễn Văn Hiền vẫn không rời vị trí, chỉ huy bộ đội đánh trả quyết liệt. Địch dùng chiến thuật "biển người" ào lên, cơ số đạn cạn kiệt, thiếu úy Hiền lệnh cho 12 chiến sĩ phá vây, rút về tuyến sau. Một mình anh ở lại, bắn đến viên đạn cuối cùng ghìm chân địch và anh dũng hy sinh.

"Lần bị thương thứ hai, máu chảy nhiều nhưng anh Hiền vẫn không lùi về phía sau", ông Lê Văn Năm, nguyên Đồn trưởng Đồn biên phòng Ma Lù Thàng (thời điểm 1976 - 1980) nhớ lại: "5 giờ chiều 17.2.1979, đạn dược hết sạch. Ban chỉ huy đồn quyết định rút lui. Anh em bò đến định cõng Hiền gãy 2 chân, băng bó khắp người, nhưng anh vẫn ôm khẩu RPD còn chưa đầy băng đạn và cương quyết: "Tôi bị thương nặng, đi theo sẽ gây khó khăn cho anh em. Để tôi ở lại cản địch cho mọi người rút"".

Di ảnh anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Văn Hiền

Di ảnh anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Văn Hiền

"Anh Hiền còn dặn rất kỹ: "Tôi nắm chắc phần chết, nên sẽ câu giờ để mọi người mang hết thương binh ra ngoài"", ông Tạ Quang Lượng, nguyên chiến sĩ của đồn thời điểm ấy, nhớ rành rọt: "Chúng tôi rút ra ngoài, vẫn nghe tiếng RPD điểm xạ từng loạt ngắn và tiếng súng chỉ dứt khi địch bắn liên tiếp 4 phát B41 vào vị trí anh ngồi". Ông Lượng trầm ngâm: "45 năm nay, cựu chiến binh của đồn biên phòng tổ chức nhiều đợt tìm kiếm ở khu vực Ma Lù Thàng, mà vẫn chưa thấy thi hài của anh Hiền"…

Một nách nuôi 3 đứa con

"Những dấu mốc cuộc đời của bố tôi luôn gắn với con số 9", thiếu tá - quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Việt Hùng (con trai của anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Văn Hiền) nói rồi giải thích: sinh năm 1949, nhập ngũ năm 1969 khi vừa tròn 20 tuổi, hy sinh năm 1979 khi vừa tròn 30 tuổi.

Anh hùng Nguyễn Văn Hiền quê gốc ở xã Thiệu Long, Thiệu Yên, Thanh Hóa (nay thuộc H.Thiệu Hóa, Thanh Hóa). Năm 1954, ông Nguyễn Văn Viện (bố anh hùng Nguyễn Văn Hiền) sau khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, không về quê Thanh Hóa mà ở lại xây dựng kinh tế, và năm 1959 đón cả nhà lên quê hương mới Điện Biên.

Học hết lớp 10, anh Nguyễn Văn Hiền viết đơn xin nhập ngũ Bộ đội Biên phòng Lai Châu. Sau giai đoạn huấn luyện tân binh, anh được giao nhiệm vụ nuôi quân - quản lý và sau đó là công tác cơ sở biên giới Việt - Lào.

Đầu năm 1971, anh bộ đội Nguyễn Văn Hiền nghỉ phép về nhà ở TX.Điện Biên Phủ (nay là TP.Điện Biên Phủ), gặp cô giáo Nguyễn Thị Đường (sinh năm 1951), quê Hà Tĩnh nhưng cũng theo chú lên Điện Biên sinh sống, học tập và đang làm giáo viên cấp 1. Sau gần 1 năm tìm hiểu, hai anh chị tổ chức lễ cưới; đến cuối năm 1973 sinh cậu con trai đầu Nguyễn Việt Hùng, năm 1975 sinh thêm cậu con trai thứ hai Nguyễn Việt Hà và năm 1979 là cô con gái út Nguyễn Thị Thu Huyền.

Bia ghi danh 33 liệt sĩ Đồn biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng

Bia ghi danh 33 liệt sĩ Đồn biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng

Liệt sĩ Nguyễn Văn Hiền hy sinh đúng thời điểm cô giáo Nguyễn Thị Đường đang theo học lớp hoàn chỉnh hệ trung cấp sư phạm ở TX.Lai Châu. "Trước tháng 2.1979, anh ấy từ Ma Lù Thàng xuống thị xã công tác nên vợ chồng ở với nhau được vài ngày. Sau đó, tôi được nhà trường cho nghỉ học về Điện Biên đón Tết Kỷ Mùi, anh ấy ngược lên biên giới. Không ngờ đó là lần gặp cuối cùng", bà Đường nức nở và lẩn mẩn: "Lần gặp cuối cùng ấy, chúng tôi có con gái út Nguyễn Thị Thu Huyền. Anh ấy hy sinh mà chưa biết là mình đã có con gái".

"Giữa năm 1979, gia đình và địa phương tổ chức lễ truy điệu cho anh Hiền, cả hai thằng Hùng và Hà còn nhỏ dại. Thấy nhiều người đến thăm viếng, lại làm cỗ, nên tưởng được ăn tết lần hai, cứ hát hò inh ỏi vui sướng. Nhìn chúng lại trào nước mắt", cô giáo Đường kể lại và lặng người: "Bây giờ, tôi ở trong miền Nam với con trai Nguyễn Việt Hà (đang làm doanh nghiệp tư nhân tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - PV) và con gái Nguyễn Thu Huyền (công tác tại Công ty chứng khoán Rồng Việt, TP.HCM - PV), nhưng không thể quên những ngày đau xót 45 năm trước".

Đi con đường của bố

Năm 1992, chàng trai Nguyễn Việt Hùng nhập ngũ Bộ đội Biên phòng Lai Châu. Sau 2 năm công tác tại Phòng Hậu cần - kỹ thuật thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, lăn lóc biên giới, Hùng được cấp trên tạo điều kiện cho học quân y ở Sơn Tây. Cũng thời điểm Hùng đi học quân y, bà Đường đưa 2 con ra lại Thanh Hóa, để người thân 2 bên nội - ngoại tiện tương trợ, giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn.

Cửa khẩu Ma Lù Thàng, nơi liệt sĩ Nguyễn Văn Hiền chiến đấu và hy sinh tháng 2.1979

Cửa khẩu Ma Lù Thàng, nơi liệt sĩ Nguyễn Văn Hiền chiến đấu và hy sinh tháng 2.1979

Năm 1997, tốt nghiệp với cấp hàm chuẩn úy - quân nhân chuyên nghiệp, anh Hùng xin về Thanh Hóa để tiện chăm sóc mẹ và 2 em. Sau nhiều năm công tác ở nhiều đơn vị trong tỉnh, hiện nay thiếu tá - quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Việt Hùng công tác tại Hải đội 2, thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, đóng quân ở cảng Nghi Sơn.

Đối với những ngư dân chuyên đánh bắt hải sản trên vùng biển Thanh Hóa, hình ảnh người quân y sĩ luôn có mặt trên tàu biên phòng, thường xuyên tham gia cứu hộ cứu nạn, cứu chữa bà con bị bệnh, hướng dẫn các biện pháp an toàn trên biển, đã trở thành quen thuộc. Ít ai biết, đó là con trai của anh hùng - liệt sĩ Nguyễn Văn Hiền.

(còn tiếp)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.