'Thế giới' trầm, kỳ: Những vụ giao dịch kỳ nam giả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Kỳ nam cực kỳ quý hiếm, gần như tuyệt chủng trong tự nhiên, nên hàng thật trên thị trường Việt Nam vô cùng ít ỏi. Tuy vậy, giao dịch mua bán sản phẩm được xướng tên là kỳ nam vẫn rất nhộn nhịp.

Chúng tôi tìm gặp rất nhiều người trong giới kinh doanh, lãnh đạo hội trầm hương, hoặc "dân chơi" trầm hương, kỳ nam. Hầu hết họ đều khẳng định Việt Nam "làm gì còn nhiều kỳ nam mà ra-o bán rôm rả như vậy?". Theo họ, phần lớn trong số kỳ nam giao dịch ngoài "chợ đen", trên mạng xã hội… đều là hàng giả.

NGƯỜI TRONG CUỘC VẠCH TRẦN

Một người am hiểu về kỳ nam cho chúng tôi biết vì hiện nay kỳ nam rất hiếm, giá cực kỳ đắt, có thể lên đến hàng chục tỉ đồng một ký nên nhiều giao dịch mua bán kỳ nam không đi theo "chánh đạo". Người này nói: "Kỳ nam không sạch được bán bởi người không sạch".

Sản phẩm này không phải kỳ nam dù được rao bán là kỳ nam. ẢNH: L.N.Đ
Sản phẩm này không phải kỳ nam dù được rao bán là kỳ nam. ẢNH: L.N.Đ

Trong mấy tháng thâm nhập thực tế để tìm hiểu nhằm thực hiện loạt phóng sự này, chúng tôi có dịp giao lưu với nhiều người được coi là "chánh đạo" trầm, kỳ (tức trầm hương, kỳ nam). Nhiều người "chỉ điểm" cho tôi đến gặp ông Ngô Mỹ (biệt danh là Mỹ Đen), một trong những người được giới kinh doanh, cũng như "dân chơi" trầm, kỳ nể phục. Gặp ông Mỹ, hỏi thật hư về các sản phẩm được gọi là kỳ nam bán trên thị trường, nhiều nhất là qua mạng xã hội, ông Mỹ cho biết 3 năm trở lại đây rừng Việt Nam chưa cho ra lô hàng kỳ nam nào được nửa ký. Còn kỳ nam thật ẩn giấu trong giới kinh doanh cũng không còn bao nhiêu.

"Kỳ nam hiện ở Việt Nam cực kỳ hiếm, nhưng bây giờ hỏi ai cũng nói có hết. Vậy là biết phần lớn kỳ nam đó là hàng gì rồi", ông Mỹ chia sẻ. Qua trò chuyện, chúng tôi được biết thêm ông Mỹ Đen là "quý nhân" của giới sở hữu "quý vật" kỳ nam trên thế giới. Ông thường được người ở Đài Loan, Trung Quốc đại lục, Nhật Bản mời qua kiểm định những sản phẩm kỳ nam mà họ mua được.

Một sản phẩm giả kỳ nam. ẢNH: L.N.Đ
Một sản phẩm giả kỳ nam. ẢNH: L.N.Đ

Chỉ Việt Nam có kỳ nam, mà Khánh Hòa là vùng đất nổi tiếng nhất về kỳ nam. Vì thế, chúng tôi tìm gặp ông Biện Quốc Dũng, Chủ tịch Hội Trầm hương Khánh Hòa. Hỏi giá trị thật của những sản phẩm mỹ nghệ như vòng tay được rao bán là làm từ kỳ nam với giá vài chục triệu đồng, ông Dũng khẳng định: "Một ký kỳ nam hiện giá khoảng 30 tỉ đồng. Sản phẩm vòng tay tự nhận làm từ kỳ nam có giá vài chục triệu đồng thì chắc chắn 100% là hàng giả. Người mua nên cẩn trọng vì điều này hoàn toàn vô lý".

Trong khi đó, L.N.Đ vốn là người "ngoại đạo", nhưng bị hương thơm trầm, kỳ "thôi miên" nên đã bén duyên với nó. Với hiểu biết khá sâu về trầm, kỳ và mong muốn góp phần đem lại sự "trong sạch" cho báu vật này, anh đã thẩm định sản phẩm trầm, kỳ giúp nhiều người. L.N.Đ chia sẻ có người mua một vòng tay "kỳ nam" có giấy kiểm định hẳn hoi với giá lên đến 250 triệu đồng. Nhưng sau khi thẩm định thì đây hoàn toàn không phải là sản phẩm được làm từ kỳ nam. "Chắc chắn 100% đó không phải là vòng kỳ nam. Vì nó không có những đặc trưng của kỳ nam, phần giác rất nhiều, tinh dầu rời rạc, thậm chí có hiện tượng xì dầu do bị ép dầu. Kỳ nam thật hoàn toàn khác, tia dầu đều, thẳng tắp, mùi thơm ngọt sống mạnh, và khi nếm nghe vị cay tê", L.N.Đ nói về sản phẩm được nhờ kiểm định.

Ông Ngô Mỹ cho biết 3 năm trở lại đây rừng Việt Nam chưa cho ra lô hàng kỳ nam nào được nửa ký. ẢNH: QUANG VIÊN
Ông Ngô Mỹ cho biết 3 năm trở lại đây rừng Việt Nam chưa cho ra lô hàng kỳ nam nào được nửa ký. ẢNH: QUANG VIÊN

Chúng tôi vào một trang Facebook của một người khoe mua được khối kỳ nam "giá bèo" chỉ 200 triệu đồng, có "giấy khai sinh" (thông tin kiểm định nguồn gốc, xuất xứ) hẳn hoi và đặt trong tủ kính, trong phòng máy lạnh. Tuy nhiên, khi đem chuyện này hỏi L.N.Đ thì anh cười ngất, giải thích: "Theo tôi đó chỉ là trầm hương thôi. Nếu đúng kỳ nam thì cục đó phải vài chục tỉ đồng. Và trầm hương hay kỳ nam tự nhiên thì không thể có "giấy khai sinh", vì không ai biết được độ tuổi của nó bao nhiêu và ngày hình thành trầm hương".

LẬT TẨY CÚ LỪA BÁN KỲ NAM GIẢ

Theo hồ sơ của công an H.Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận cung cấp, cuối năm 2018, họ đã xử lý một vụ lừa đảo mua bán kỳ nam giả với thủ đoạn tinh vi. Khoảng cuối tháng 11.2018, T.C.T. (66 tuổi, ở tỉnh Ninh Thuận) đến tỉnh Khánh Hòa mua kỳ nam giả đem về Ninh Thuận để tìm người bán. Sau khi mua được kỳ nam giả, T.C.T đến nhà ông C. (76 tuổi, ở H.Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) để bán. T.C.T còn tự xưng tên là Nguyễn Văn Bình, nhà ở Trảng Bom, Đồng Nai làm nghề buôn bán kỳ nam, trầm hương, rồi bảo ông C. biết ai có bán loại này thì mua và bán lại cho T.C.T kiếm lời.

Một tin rao bán kỳ nam trên mạng bị dân trong nghề lật tẩy là giao dịch lừa đảo vì tất cả sản phẩm này đều không phải kỳ nam. ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
Một tin rao bán kỳ nam trên mạng bị dân trong nghề lật tẩy là giao dịch lừa đảo vì tất cả sản phẩm này đều không phải kỳ nam. ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Đến đầu tháng 12.2018, T.C.T báo cho N.T.K (39 tuổi) và M.H.H (37 tuổi, cả hai đều ở H.Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) lấy tên khác, rồi đóng giả làm người đi đào trầm được 6 cục "kỳ nam" có trọng lượng 110 gr đem đến nhà ông C. để bán. Ông C. gọi cho T.C.T hỏi cách kiểm tra lô hàng và được hướng dẫn cụ thể nên đồng ý mua với giá 1,1 tỉ đồng. Sau đó, ông C. gọi T.C.T để bán 6 cục kỳ nam này với giá 1,5 tỉ đồng thì T.C.T đồng ý mua nên ông C. đã đưa cho N.T.K và M.H.H số tiền 1,1 tỉ đồng. Để tạo niềm tin, T.C.T chuyển vào tài khoản ngân hàng ông C. 300 triệu đồng đặt cọc. Sau khi nhận tiền cọc, ông C. nhiều lần liên hệ với T.C.T để giao hàng nhưng T.C.T nói bận việc chưa vào lấy được và còn nói với ông C. rằng nếu ai bán thì mua thêm để T.C.T vào lấy hàng một lần luôn cho tiện.

Ngày 27.12.2018, T.C.T tiếp tục cử N.T.K và M.H.H đến nhà ông C. rao bán 5 cục kỳ nam giả khác có khối lượng 170 gr với giá 1,7 tỉ đồng, nhưng ông C. không mua. Biết ông C. nghi ngờ nên T.C.T đã cắt liên lạc. Nhiều lần ông C. liên lạc với T.C.T không được nên mang 6 cục kỳ nam đến Công ty trầm hương Khánh Hòa tại TP.Nha Trang kiểm tra thì mới tá hỏa phát hiện mình bị lừa và đã làm đơn tố giác tội phạm đến Công an H.Ninh Sơn (tỉnh Ninh Thuận)...

(còn tiếp)

Cách nhận biết kỳ nam

Nhìn: Dưới kính phóng đại, sẽ thấy những thớ thịt của kỳ nam xếp chồng lên nhau, chạy dài, chỉ trầm mỏng. Kỳ nam khi rọi đèn ánh sáng mạnh sẽ có màu đỏ ánh kim, các thớ thịt nhìn thấy ẩm ướt.

Nếm: Nhai một lượng kỳ nam sẽ thấy có độ kết dính hai răng lại với nhau, lưỡi sẽ bị tê trong thời gian dài.

Ngửi: Sẽ thấy mùi kỳ nam có hương thơm ngọt, bốc hương the mát kiểu kẹo bạc hà. Khi đưa lại gần mắt thì cảm giác the và cay mắt.

Đốt: Kỳ nam khi đốt sẽ tỏa ra mùi thơm rất mạnh, hương ngọt sâu và kéo dài dai dẳng trong cuống họng, khói xanh bay cao và thẳng tắp không bị ngắt đoạn.

Theo Quang Viên (TNO)

Có thể bạn quan tâm

'Người cha' của rừng gỗ quý

'Người cha' của rừng gỗ quý

Gần 30 năm miệt mài ươm trồng, cánh rừng với hàng vạn cây Pơmu, Samu của gia đình ông Vừ Rả Tênh (trú xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài huyện vui chơi, tận hưởng không khí trong lành.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...