'Thế giới' trầm, kỳ: Kỳ nam huyền bí

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Từ trong giai thoại, lịch sử cho đến những sự thật sống động của thời hiện tại luôn có những câu chuyện rất ly kỳ và hấp dẫn về kỳ nam.

Để giải đáp sự ly kỳ của kỳ nam, chúng tôi đã dành nhiều thời gian tìm hiểu những văn thư xưa, gặp những nhà nghiên cứu, tiếp cận các tư liệu giá trị, cũng như thâm nhập thực tế… Và câu trả lời là từ quá khứ cho đến hiện tại, báu vật này luôn mang đến những điều lạ lùng đôi khi ngoài sức tưởng tượng.

HIỆN THỰC CŨNG LY KỲ

Giới kinh doanh và chơi trầm hương tiết lộ, một trong những người sở hữu kỳ nam có "số má" ở VN là ông Ngô Mỹ (biệt danh Mỹ Đen). Theo họ, người này đã và đang sở hữu các khối kỳ nam rất đắt đỏ. Tôi đến nhà ông Mỹ, rồi bị choáng ngợp trước những sản phẩm trầm "độc lạ" và số lượng quá khủng ở đây. Tuy nhiên, khi hỏi về kỳ nam đang sở hữu, doanh nhân từng là dân địu trầm này tỏ ra hết sức "bí hiểm". Ông hẹn "một ngày đẹp trời" mới cho xem kỳ nam. Ông còn nói: "Tui có kỳ nam, nhưng chắc gì bằng người khác".

Hình ảnh cây dó được khắc trên Nhân đỉnh. ẢNH: NGUYỄN VĂN BẢY
Hình ảnh cây dó được khắc trên Nhân đỉnh. ẢNH: NGUYỄN VĂN BẢY

Ông Mỹ cho hay, cách đây 20 năm trở về trước, kỳ nam cũng chỉ đắt hơn trầm hương loại 1 một chút. Lúc đó, người từ Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông… qua lùng mua gần hết. "Bây giờ kỳ nam ở nước ta cực kỳ hiếm. Ngay cả người Việt hiện nay còn phải qua nước ngoài mua lại kỳ nam với giá hàng triệu USD", ông Mỹ chia sẻ.

Theo nhiều người am hiểu trầm, kỳ, ông Ngô Mỹ là người đang sở hữu nhiều sản phẩm trầm hương rất có giá trị, trong đó có kỳ nam. ẢNH: QUANG VIÊN
Theo nhiều người am hiểu trầm, kỳ, ông Ngô Mỹ là người đang sở hữu nhiều sản phẩm trầm hương rất có giá trị, trong đó có kỳ nam. ẢNH: QUANG VIÊN

Giới am hiểu kỳ nam còn cho biết một ông "trùm" kỳ nam khác tên là T.K ở Khánh Hòa. Trước đây, ông T.K vung tiền nuôi phu trầm đi khai thác, nên phu trầm nào "mang nợ" với ông T.K thì phải đem trầm, kỳ (trầm hương, kỳ nam) về bán cho ông. "Ông T.K chơi chiêu "độc" lắm. Đem trầm hoặc kỳ tới bán, ổng đem mấy chục khúc trầm, kỳ trong kho ra quăng cái đụi gây áp lực. Ổng không thèm để ý đến hàng của phu trầm đem tới mà rủ phu trầm đi nhậu cho say rồi mới ra giá. Thường thì ổng mua rẻ hơn thị trường. Biết vậy mà cũng phải chịu, vì phu trầm mang nợ ổng rồi", một người thổ lộ.

Kỳ nam qua lời kể của phu trầm còn rất huyền bí. Nhiều phu trầm ở xứ trầm hương (Khánh Hòa) tin rằng kỳ nam là hiện thân của nữ thần Thiên Y A Na. Nữ thần trấn bốn cây kỳ nam khổng lồ tại bốn ngọn núi thiêng nằm bốn hướng. Một trong bốn cây kỳ nam ấy tọa ở núi Hoàng Ngưu thuộc địa phận H.Diên Khánh, Khánh Hòa. Dân địu trầm hầu như phải tới suối Đổ, cửa ngõ dẫn lên đỉnh núi Hoàng Ngưu.

Nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Văn Bảy giới thiệu các ghi chép về kỳ nam trong sách Đại Nam nhất thống chí mà ông đang lưu trữ. ẢNH: QUANG VIÊN
Nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Văn Bảy giới thiệu các ghi chép về kỳ nam trong sách Đại Nam nhất thống chí mà ông đang lưu trữ. ẢNH: QUANG VIÊN

Nhiều phu trầm còn cho biết, trong cả triệu cây dó mới có một cây cho kỳ nam, nên "Bà Cô" cho lộc mới gặp được kỳ nam. Họ cũng không hiểu tại sao cả triệu cây dó mới có một cây ăn kỳ nam. Những giả thuyết về dó có kỳ nam hầu hết đều dựa vào suy đoán. Chẳng hạn, nhiều người gặp cây dó cho kỳ nam thì trên thân đó có kiến vàng. Từ đó họ nhận định, cây dó này tiết ra loại nhựa đặc biệt thu hút kiến vàng đến ở, rồi kiến vàng thải phân và nước tiểu, cộng hưởng với nhựa đặc biệt của cây dó mới tạo ra kỳ nam. Lại có người lý giải, do cây dó bị bão làm gãy, chỗ gãy đó hấp thụ sấm chớp, gió thiêng mà sinh ra kỳ nam. Giả thuyết này có lẽ gắn với truyền thuyết về nữ thần Thiên Y A Na rằng khi nữ thần về thì có sấm.

Hương ấy (kỳ nam) là do lõi cây dó kết thành. Dó có 3 loại: Dó lưỡi trâu thì thành khổ trầm, dó niệt thì thành trầm hương, dó bầu thì thành kỳ nam. Người ta thấy cây già lá vàng mà nhỏ, thân cây nổi nhiều u bướu, thì biết ngay là cây có hương, chặt bổ để lấy.

Ghi chép trong sách Đại Nam nhất thống chí

VÀNG SON DĨ VÃNG

Tôi đem những ảnh chụp mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí (quyển 11, mặt khắc 29) tới gặp ông Nguyễn Văn Bảy, một nhà nghiên cứu Hán Nôm, ông Bảy cho biết nội dung mộc bản này đúng với sách Đại Nam nhất thống chí (bản giấy) ông có. Theo sách dẫn: "Kỳ nam: Sản ở sơn man. Dân xã An Thành, H.Tân Định, hằng năm đi kiếm… Xét sách Phủ Biên tạp lục của Lê Quý Đôn: Kỳ nam sản xuất từ đầu núi các xã thuộc hai phủ Bình Khang và Diên Khánh là hạng tốt nhất, sản xuất từ Phú Yên và Quy Nhơn là thứ nhì…".

Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí quyển 11, mặt khắc 29. ẢNH: TƯ LIỆU
Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí quyển 11, mặt khắc 29. ẢNH: TƯ LIỆU

Dưới triều Nguyễn, kỳ nam là sản vật tiến vua. Các vua Nguyễn không chỉ dùng kỳ nam mà còn làm quà tặng ngoại giao. Chẳng hạn, vào năm Ất Mão (1795), chúa Nguyễn Ánh sai Bảo hộ quản Hậu thủy dinh Nguyễn Văn Nhàn sang sứ Xiêm báo tin thắng trận, tặng Phật vương các sản vật, trong đó có 10 lạng kỳ nam. Năm Quý Mùi (1823), vua Minh Mạng ban kỳ nam cho Thượng thư bộ Hộ Nguyễn Hữu Thận khi ông ốm. Năm Kỷ Tỵ (1869), vua Tự Đức ban kỳ nam cho Nguyễn Tri Phương nhân sinh nhật 70 tuổi.

Mộc bản Đại Nam nhất thống chí (quyển 11, mặt khắc 29) cũng cho biết thời vua Gia Long đã lập đội quân khai thác kỳ nam, ưu đãi, miễn lao dịch với đội quân này và cũng cấm thuyền buôn nước ngoài mua kỳ nam. Nếu làm trái thì bị tội.

Một phu trầm kể lại sự kỳ bí xung quanh báu vật kỳ nam. ẢNH: TƯ LIỆU
Một phu trầm kể lại sự kỳ bí xung quanh báu vật kỳ nam. ẢNH: TƯ LIỆU

Vua Minh Mạng cũng khuyến khích người dân đi lấy kỳ nam và quy định nếu lấy được kỳ nam thì phải đem nộp hết để tính trừ vào thuế, nếu giấu đi hoặc bớt thì bị tội. Vị vua này còn cho khắc cây dó lên cửu đỉnh, đặt trước Thế miếu, trong Hoàng thành. Ghi chú khắc trên Nhân đỉnh viết: "Cây ở vùng rừng Khánh Hòa, ruột lõi rất thơm".

Các sách như Phủ Biên tạp lục của Lê Quý Đôn, Đất Việt trời Nam của Thái Văn Kiểm, Xứ trầm hương của Quách Tấn đều khẳng định giá trị đặc biệt của kỳ nam. Quách Tấn dẫn nhận xét của vị giáo sĩ Alexandre de Rhodes (Pháp) rằng: "Chỉ VN mới có kỳ nam và tốt nhất là kỳ nam của Khánh Hòa"...

(còn tiếp)

Kỳ nam cũng có mặt tại Nhật Bản từ rất lâu đời

Giáo sư Vĩnh Sính (1944 - 2014), người được biết qua các công trình nghiên cứu lịch sử VN và lịch sử Nhật Bản cận đại, hiện đại, đã đề cập về kỳ nam trong bài "Từ thú thưởng thức trầm hương đến sự hình thành hương đạo (Kôdô)", có những chi tiết thật thú vị. Theo đó, trong chùa Tôdaiji (Đông Đại Tự) tại Nara có một khúc kỳ nam gọi là Ranjatai (Lan xa đãi) dài chừng một mét rưỡi. Cả ba nhân vật góp phần vào công cuộc nhất thống Nhật Bản vào cuối thế kỷ 16 là Oda Nobunaga, Toyotomi Hideyoshi và Tokugawa Ieyasu từng dòm ngó khúc trầm được xếp vào hàng "linh bảo" này.

Tương truyền, Nobunaga cho người đẽo hai miếng, mỗi miếng dài chừng 40 phân; một miếng dâng Thiên hoàng, một miếng dùng để xông lên trong những buổi uống trà đạo. Hideyoshi (hình như) cũng bắt chước Nobunaga cho người đến đẽo kỳ nam tại chùa Tôdaiji. Trong khi đó, tướng quân Tokugawa Ieyasu có sai người vào xem khúc Ranjatai, nhưng không ai biết rõ là ông ta có cho đẽo đem về hay không. Tuy nhiên, qua những văn thư mà hiện nay còn lưu lại cho biết Ieyasu rất mê thích trầm và đã từng gửi thư cho Quốc vương Chămpa và chúa Nguyễn xin kỳ nam. "Qua văn thư, chúng ta cũng biết rằng ít nhất trong hai năm 1605 và 1606, chúa Nguyễn Hoàng đã gửi một số tặng vật đáp lễ cho Tokugawa Ieyasu, mỗi lần gồm một miếng trầm kỳ nam, cả hai lần mỗi lần một cân... Sau khi Ieyasu mất, nghe nói trong các di vật của ông có đến hơn 100 ký kỳ nam và hơn 180 ký các loại trầm khác", Giáo sư Vĩnh Sính viết.

Theo Quang Viên (TNO)

Có thể bạn quan tâm

'Người cha' của rừng gỗ quý

'Người cha' của rừng gỗ quý

Gần 30 năm miệt mài ươm trồng, cánh rừng với hàng vạn cây Pơmu, Samu của gia đình ông Vừ Rả Tênh (trú xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài huyện vui chơi, tận hưởng không khí trong lành.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...