Thầy Tân 'vé số'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với thầy Nguyễn Nhựt Tân ở TP Cần Thơ, công việc không kết thúc trên bục giảng mà kết thúc trên những nẻo đường bán vé số để giúp người khó khăn và học trò nghèo.

Sau khi kết thúc công việc trên bục giảng, có một người thầy không quay trở về nhà mà đi lấy vé số bán, cứ khi nào tích cóp được một số tiền người thầy ấy lại mang đi hỗ trợ học trò có hoàn cảnh khó khăn và người nghèo.

Gác lại sĩ diện

"Chị Hân ơi! Cho em lấy tập vé số với!". Đó là tiếng gọi cửa quen thuộc mỗi chiều suốt gần 4 năm nay của thầy giáo Nguyễn Nhựt Tân, sinh năm 1982, giáo viên bộ môn Mỹ thuật tại Trường Tiểu học thị trấn Phong Điền 1, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.

Thầy Nguyễn Nhựt Tân hiện dạy môn Mỹ thuật tại Trường Tiểu học thị trấn Phong Điền 1

Thầy Nguyễn Nhựt Tân hiện dạy môn Mỹ thuật tại Trường Tiểu học thị trấn Phong Điền 1

Nhưng thầy giáo Tân không đi bán vé số kiếm lời nuôi sống bản thân mà tích cóp lại giúp đỡ học trò, người nghèo ốm đau, bệnh tật. Bước vào nghề giáo được 17 năm cũng là khoảng ấy thời gian thầy Tân gắn bó với công tác thiện nguyện, hết lòng vì học trò.

Tranh thủ chút thời gian nghỉ chân, thầy giáo Tân kể với tôi rằng, trong đợt tiêm vắc-xin COVID-19 mũi 2, thầy tham gia nhóm thiện nguyện Từ Tâm của cô giáo Bích Nhi. Do nguồn kinh phí vận động đã cạn kiệt, nhóm bàn nhau đi bán vé số kiếm lời bổ sung vào quỹ hỗ trợ, đặc biệt hỗ trợ các cô chú bị mù trên địa bàn huyện Phong Điền.

Vậy là từ đó, cứ vào khoảng 2 giờ chiều, hình ảnh thầy giáo Tân trong bộ đồ áo sơ mi bỏ trong quần tây, đi giày xách cặp sách, chạy xe bán vé số khắp ngõ ngách ở huyện Phong Điền. "Ban đầu tôi cũng hơi ngại chút xíu, rồi có người bàn ra tán vào kìa thầy giáo mà đi bán vé số... Tôi phải giải thích rằng đi bán vé số giúp người khó khăn họ mới tin và mua ủng hộ. Hôm đầu tiên tôi bán được khoảng 500 tờ và lãi được 500.000 đồng. Số tiền đó rất lớn để hỗ trợ cho các cô chú mù có cơm ăn hằng ngày và tôi thấy rất thiết thực nên cứ khi nào rảnh rỗi tôi lại đi lấy vé số bán" - thầy Tân chia sẻ.

Thầy Tân sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo có 4 anh chị em. Hồi nhỏ, do khó khăn mà anh em thầy Tân không có đủ sách vở đi học, cha mẹ còn phải đi vay tiền cho các con đến trường. Để tạo động lực cho học trò, thầy giáo chủ nhiệm hồi tiểu học của thầy Tân đặt ra phần thưởng tặng cây bút hoặc tập vở cho trò nào đạt thành tích học tập trong tốp 4 của lớp. Thầy còn thường xuyên trích lương tháng hỗ trợ học trò nghèo.

Chính tấm gương thầy giáo thuở ấu thơ đã truyền cảm hứng để thầy Tân noi theo. "Người thầy giỏi là người có thể dạy được từ trái tim mình chứ không phải từ sách vở" - thầy Tân xúc động nói.

Chị Trần Thị Mỹ Hồng, người dân sinh sống tại thị trấn Phong Điền, cho biết chị rất ngạc nhiên khi biết một thầy giáo tranh thủ ngoài giờ đi bán vé số. "Thầy Tân không ngại ngần hay sĩ diện, bởi đó là lao động chính đáng, kiếm được bao nhiêu lời lãi thầy lại đem giúp những người có hoàn cảnh khó khăn. Thầy còn vận động, góp tiền lời từ bán vé số xây nhà cho các hộ nghèo, cụ già sống neo đơn không nơi nương tựa" - chị Hồng bày tỏ.

Hết lòng vì học trò nghèo

Thời trai trẻ, thầy Tân làm cán bộ tại TAND huyện Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang). Sau đó mong muốn được về làm việc gần nhà nên thầy đã học thêm sư phạm. Thầy Tân vào nghề giáo năm 2006 và năm 2008 thầy về công tác tại Trường Tiểu học thị trấn Phong Điền 1.

Tình yêu với học trò và bảng đen phấn trắng cứ lớn lên trong thầy mỗi ngày, thầy còn tự bỏ tiền mua phần thưởng khen 4 học trò xuất sắc nhất lớp, giống như người thầy năm xưa của thầy. Những học trò nghỉ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, thầy lại đến từng nhà vận động cha mẹ học sinh và hỗ trợ các em để quay lại mái trường. Cứ thế, thầy tin rằng "tổ nghề" dạy học đã chọn mình.

Cách Trường Tiểu học thị trấn Phong Điền 1 khoảng 2 km là xưởng may gia đình của anh Nguyễn Quốc Hiếu, người cũng từng có 20 năm làm thầy giáo. Thầy Tân đã kết nối và được anh Hiếu dành khoảng 100 bộ đồng phục để tặng cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn dịp đầu năm học mới hằng năm.

Những bộ đồng phục mới từ xưởng may của anh Nguyễn Quốc Hiếu được tặng cho các em học sinh. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Những bộ đồng phục mới từ xưởng may của anh Nguyễn Quốc Hiếu được tặng cho các em học sinh. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

"Đa phần các em học sinh hoàn cảnh khó khăn có cha mẹ ly hôn và sống với ông bà, thiếu thốn tình cảm gia đình. Tôi tặng quà cho các em học sinh gồm tập viết, sách vở, quần áo, cặp... để các em vững bước đến trường" - thầy Tân cho biết.

Anh Nguyễn Quốc Hiếu cũng tâm sự: "Tôi nhớ lúc đi dạy thấy nhiều học sinh mặc đồ cũ từ năm này qua năm khác, chẳng bao giờ mặc đồ mới đến trường nên tôi suy nghĩ làm sao may những bộ đồ mới, đẹp tặng cho các em để tiếp thêm động lực học tập cho các em. Nhìn các em tung tăng đến trường, trong lòng tôi và thầy Tân vui lắm".

Bông hoa hướng thiện

Thầy Tân chẳng mấy khi có thời gian rảnh vì luôn bày ra việc để làm. Bao năm nay, người dân địa phương đã quen với hình ảnh thầy Tân vá đường, dọn cỏ để bà con đi lại an toàn. Cứ dư chút tiền thầy lại mua xi-măng, cát kêu gọi thêm anh em chòm xóm đi xóa ổ gà, ổ voi trên đường.

Ngoài ra thầy còn thường xuyên đi dọn rác trong khu dân cư và tham gia dự án "Xanh Cái Răng" xóa điểm đen rác thải nhiều năm nay. Hằng ngày, trên đường đi làm, thầy Tân luôn mang theo chiếc mũ bảo hiểm để chở các cô chú ốm đau đi bệnh viện.

Trong đợt dịch COVID-19, thầy Tân năng nổ vận động nhu yếu phẩm giúp đỡ người dân trong khu cách ly, hỗ trợ cán bộ y tế tại các chốt phòng chống dịch. Hễ thấy ai có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, thầy Tân lại vận động nhà hảo tâm giúp đỡ, đến nay nhờ chiếc cầu kết nối của thầy mà hàng trăm người nghèo bệnh tật đã được hỗ trợ, vượt qua bạo bệnh. Tổng số tiền mà thầy Tân đã vận động được và trao đi vào khoảng hơn 7 tỉ đồng.

"Mỗi tháng tôi kêu gọi hỗ trợ được cho 5-10 trường hợp với số tiền khoảng trên dưới 100 triệu đồng. Trao đi bằng cả tấm lòng sẽ nhận lại bằng cả trái tim" - thầy Tân bộc bạch.

Thầy Nguyễn Nhựt Tân và đại diện đoàn thể địa phương trao tiền giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn

Thầy Nguyễn Nhựt Tân và đại diện đoàn thể địa phương trao tiền giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn

Cô Thái Kim Nga, 61 tuổi, làm nghề bán bún riêu và đang ở trọ tại thị trấn Phong Điền. Cô Nga bị tai biến và nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, gia cảnh rất khó khăn. Hay tin, thầy Tân đã vận động được 4.750.000 đồng, mua thẻ bảo hiểm y tế giúp đỡ cô Nga và vẫn đang tiếp tục kêu gọi để giúp đỡ cô được lâu dài. Số tiền tuy chưa lớn nhưng chứa đựng tình người của một thầy giáo nghèo đối với người khó khăn, bệnh tật.

Hiện tại, thầy Tân và nhóm "Xanh Cái Răng" đang triển khai nấu cháo miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn hằng tuần tại phường Hưng Phú, quận Cái Răng. Sắp tới, "Xanh Cái Răng" sẽ triển khai nấu cháo miễn phí cho người nghèo tại các bệnh viện tại TP Cần Thơ.

Vì hăng say "một tay hai việc" với nghề dạy học và thiện nguyện nên đến giờ thầy Tân vẫn chưa lập gia đình, sớm tối về khuya một mình. Hằng đêm, thầy lại cặm cụi bên trang giáo án và danh sách các hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ. Với thầy Tân, công việc không kết thúc trên bục giảng mà kết thúc trên những nẻo đường bán vé số, không kết thúc lúc chập tối mà vào lúc đêm đã chìm khuya để lo lắng cho những phận đời bất hạnh.

Mong thầy có sức khỏe, tìm được bạn đời

Anh Nguyễn Văn Cưng, người cùng quê với thầy Tân tại xã Nhơn Nghĩa (huyện Phong Điền), nói: "Thầy Tân sống giản dị lắm, có lương, có lời từ tiền bán vé số, thầy dành hết làm việc thiện, chẳng tiêu dùng gì cho bản thân. Ở đây ai cũng ủng hộ thầy, mỗi khi gặp thầy bán vé số tôi đều mua lúc 5 tờ, lúc 10 tờ. Thầy bán vé số lịch thiệp, không chèo kéo, một số khách còn trả dư tiền vì biết thầy sẽ mang tiền đó đi giúp người nghèo. Tôi mong thầy có nhiều sức khỏe và sớm tìm được người bạn đời để tiếp tục công việc trồng người cũng như giúp đỡ người nghèo".

Thầy Lê Nhựt Tân thường xuyên chở các cụ già đi khám bệnh

Thầy Lê Nhựt Tân thường xuyên chở các cụ già đi khám bệnh

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.