Thầy Takano của tôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngày ngày, giữa thủ đô Hà Nội, thầy xách chiếc làn nhựa màu đỏ, không phải để đi chợ, mà là lên giảng đường đại học. Trong "chiếc làn phong cách" ấy là tranh ảnh, sách, băng đĩa, hộp sắt, còi, giấy thủ công, phấn màu, đèn pin - "tạp hóa" đạo cụ, đồ dùng để dạy tiếng Nhật trực quan.
Nhờ chiếc làn ấy mà lớp lớp sinh viên Trường Đại học Ngoại thương, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trong đó có tôi thêm say mê học ngôn ngữ của đất nước mặt trời mọc. Bao năm qua, tôi vẫn nhớ về thầy với một niềm yêu kính, thầy Takano của tôi!
Bài học từ những mất mát
Thầy Takano của tôi dành tình yêu cho tiếng Việt, cho người Việt từ những ngày còn rất trẻ. Khi vào học Đại học Ngoại ngữ Tokyo, thầy đã chọn khoa Đông Dương và học tiếng Việt. 
Từng đi nhiều nước từ châu Âu sang châu Á, nhưng thầy đã chọn Việt Nam là nơi gắn bó dài lâu. Từ năm 2004, vợ chồng thầy đã đến Việt Nam để dạy tiếng Nhật cho sinh viên. 15 năm sống ở Hà Nội là quãng thời gian đong đầy kỷ niệm không thể nào quên với vợ chồng thầy.
Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn thấy mình may mắn khi những ngày tháng đầu tiên chinh phục một ngôn ngữ khó là tiếng Nhật, lại có thầy bên cạnh. Dạy đến từ nào, danh từ hay động từ, dù là tượng hình, tượng thanh hay khó giải nghĩa đến mấy, thầy cũng sẽ minh họa bằng những đạo cụ đơn giản trong "chiếc làn nhựa đỏ thần thánh". 
Thầy còn lập hẳn website https://www.thay-t.com để dạy tiếng Nhật cho sinh viên Việt Nam. Đều đặn hàng tuần, chúng tôi ngóng chờ thầy đăng bài. Từ thơ ca, tục ngữ, cách chơi chữ cho đến bút ký, tin tức thời sự, học hát theo chủ đề - tất cả đều hấp dẫn chúng tôi. 
Lớp học hát của thầy Takano đã đăng được hơn 200 bài, chia thành nhiều chủ điểm thiên nhiên, thanh xuân, trường học, địa danh, hoặc theo thể loại dân ca, hát ru, trữ tình, nhạc trẻ... 
Thầy không chỉ dịch bài hát từ tiếng Nhật sang tiếng Việt mà còn giải thích bối cảnh ra đời, nhạc sĩ và ca sĩ trình bày. Đặc biệt, bài hát "Quê hương" và "Nhật ký của mẹ" của Việt Nam được thầy giải thích nghĩa bản tiếng Nhật và bản tiếng Việt.
 
Tác giả bài viết gặp lại thầy Takano và cô Mihoko ở Nhật năm 2020
Tác giả bài viết gặp lại thầy Takano và cô Mihoko ở Nhật năm 2020
Chúng tôi, dù là sinh viên năm đầu còn bỡ ngỡ tập tành từng nét vẽ chữ cái đầu tiên, hay sinh viên năm cuối dịch được cả bài báo tiếng Nhật, đều thích thú và ngóng chờ đến tiết học sôi nổi của thầy. 
Không chỉ là ngôn ngữ, thầy Takano truyền dạy cho chúng tôi nhiều điều hơn thế. Thầy cho chúng tôi một điểm nhìn chân thực nhất về đất nước, con người và văn hóa Nhật Bản. 
Thầy dạy chúng tôi câu tục ngữ quen thuộc của người Nhật: "Thiên tai xảy ra vào lúc mọi người đã quên lãng". Phải luôn lường trước những tình huống xấu nhất, để bất cứ khi nào thiên tai xảy ra cũng có thể ứng phó kịp thời. 
Động đất có thể chỉ xảy ra trong phút chốc, nhưng hậu quả nặng nề và lâu dài hơn gấp trăm ngàn lần. Bởi vậy, gia đình nào ở Nhật cũng luôn dự trữ đủ thức ăn và nước uống tối thiểu cho 3 ngày. 
Bếp gas mini, đũa, đĩa cốc giấy, đèn pin, radio, nến, giấy vệ sinh, chăn,… sẽ luôn có sẵn trong nhà. Balo đựng đồ dùng khi đi lánh nạn cho mỗi thành viên trong gia đình cũng được chuẩn bị. 
Bởi vậy, giữa thủ đô Hà Nội, thầy Takano luôn xách chiếc làn đỏ và đeo một chiếc balo to trên lưng. Tôi không rõ trong balo thầy đựng những gì, nhưng chắc hẳn là cần thiết và hữu dụng.
Khi nói chuyện với bất cứ người nào học tiếng Nhật, nhất là những người trẻ tuổi, thầy Takano đều nói rằng, để hiểu về nước Nhật và con người Nhật, nhất định cần đến 3 nơi. 
Đó là Hiroshima và Nagasaki - nơi xảy ra thảm kịch bom nguyên tử. Đó là nhà tưởng niệm ở Sumidaku (Tokyo) - nơi cầu nguyện cho những người đã mất vì thiên tai và chiến tranh trong quá khứ. Và hòn đảo Okinawa - nơi tập trung 75% căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản. Đó là minh chứng cho những gì đau thương do chiến tranh gây ra. 
Hãy đến và cảm nhận nỗi đau trong sâu thẳm của người Nhật nói riêng và nhân loại nói chung. Những lúc như thế, vẻ sôi nổi, vui vẻ thường ngày biến mất, gương mặt thầy trở nên trầm tư, giọng nói trầm xuống đầy xúc động.
Duyên nợ với Hà Nội
15 năm ở Hà Nội, bí quyết của thầy Takano khi sang đường là đội một chiếc mũ nổi bật và giương cái ô màu đỏ thật cao để xe cộ dễ quan sát mà nhường đường. 
Cuốn sổ liên lạc thầy ghi chi tiết thông tin số điện thoại người quen, cả bằng tiếng Nhật, tiếng Anh và tiếng Việt sẽ hữu ích trong những trường hợp khẩn cấp. Dù trời nóng hay lạnh, thầy luôn mang theo chai nước cá nhân. Bởi ở Nhật, việc mang chai nước cá nhân luôn được khuyến khích để bảo đảm cung cấp đủ nước cho cơ thể.
15 năm ở Hà Nội, phương tiện di chuyển chủ yếu của thầy là xe bus. Thầy nhớ cả số hiệu chuyến xe chở thầy đến trường mỗi ngày. Thầy bảo ở Nhật, không gian xe bus yên lặng lắm, không có âm thanh nào ngoài tiếng loa nhắc đảm bảo an toàn và thông báo điểm dừng kế tiếp. 

Còn ở Hà Nội, xe bus rộn rã lạ thường. Thầy thường lắng tai nghe những câu chuyện không đầu không cuối của đám sinh viên ríu ra ríu rít, nghe những bài hát trên Đài VOV.

Vợ chồng thầy Takano tạm biệt Hà Nội để quay trở về Nhật năm 2019.
Vợ chồng thầy Takano tạm biệt Hà Nội để quay trở về Nhật năm 2019.
15 năm ở Hà Nội, thầy thường ăn cơm ở quán bình dân phố Chùa Láng, ngồi uống trà đá vỉa hè khu vực Trường Đại học Bách khoa để được lắng nghe chúng tôi nói và kể về các bạn sinh viên Nhật Bản. 
Cũng giống như chúng tôi, sinh viên Nhật lạc quan và hướng ngoại, sôi nổi tham gia các hoạt động tập thể. Họ cũng chịu khó đi làm thêm ngoài giờ học. Chúng tôi thường làm gia sư, phát tờ rơi, còn sinh viên Nhật thường làm trong các cửa hàng tiện lợi hoặc quán ăn.
Đầu năm 2019, vợ chồng thầy Takano tạm biệt Hà Nội để quay trở về Nhật. Hành trang mang theo là tập bút ký "Tản bộ Hà Nội" gồm rất nhiều bài thầy đã viết trong suốt quãng thời gian gắn bó với Việt Nam, bài viết nào cũng đều gói ghém đong đầy một tình yêu đậm sâu với Hà Nội. 
Cùng với "Hà Nội 36 phố phường" của Thạch Lam, "Chuyện cũ Hà Nội" của Tô Hoài hay "Phố" của Chu Lai, "Tản bộ Hà Nội" của thầy Takano khiến tôi cảm nhận thêm những chiều kích mới về thành phố tôi đang sống. Thầy tìm thấy những điểm giống và khác nhau đến bất ngờ trong cuộc sống thường ngày giữa Hà Nội và Tokyo.
 Ngày hè nóng bức, sau giờ làm, cánh đàn ông Việt thường rủ nhau đi uống bia hơi, cũng giống như những người Nhật rủ nhau đến quán nhậu ở Shinjuku. Đó là thú vui và cũng là cái cớ để trò chuyện, giao lưu, nhẹ nhõm, thoải mái nói cười, kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện trên đời.
Cuốn "Từ điển vui học tiếng Nhật" tích đọng bao công sức của thầy, là món quà thầy dành tặng cho những người Việt yêu tiếng Nhật. Điều đặc biệt, ở phần thứ 3 cuốn sách là phần từ điển tìm các hình thức vui học tiếng Nhật. 
Để học tiếng Nhật nói riêng và ngoại ngữ nói chung, không chỉ cần có lý trí mà cần cả tình cảm. Hòa mình vào tâm trạng của mỗi bài hát, câu chuyện, vần thơ,... người học sẽ trở nên tò mò, hứng thú với ngôn ngữ này, để rồi nhận ra tiếng Nhật và tiếng Việt sao có nhiều điểm tương đồng đến vậy.
Nhất định phải tìm gặp được thầy Takano - ý nghĩ này thường trực trong tôi, thôi thúc tôi khi sang Nhật học tập và công tác. Và ước mong đó của tôi đã thành hiện thực. Năm 2020, tôi đã gặp lại thầy Takano của tôi ở thành phố cảng Yokohama. 
Thầy đã ngoài 70 tuổi, vẫn mạnh khỏe, nhiệt tình và tâm huyết với học trò. Thật vô cùng ngạc nhiên khi thầy vẫn nhớ rành rọt, gọi trúng cả tên đệm của tôi là Quỳnh Trang trong số 9 bạn tên Trang trong lớp tiếng Nhật năm nào. 
Bạn nào đang ở Nhật, bạn nào đang làm cho công ty Nhật, thầy đều nhớ và quan tâm hỏi thăm. Cô Mihoko - vợ thầy rất ít nói, chỉ nhẹ nhàng ngồi bên, lắng nghe và cười dịu dàng. Ngày ở Việt Nam, cô cũng là một giáo viên tiếng Nhật tâm lý và nhiệt huyết. Chỉ tiếc là tôi chưa được học cô.
Khi quay trở lại Nhật Bản, thầy vẫn tiếp tục công việc dạy tiếng Nhật hàng ngày. Dù là sinh viên ở Việt Nam, hay du học sinh Việt Nam tại Nhật, thầy đều thấy ở họ sự kiên trì và cố gắng. Có không ít các em vì gánh nặng kinh tế, vừa đi học vừa đi làm vô cùng vất vả. 
Có nhiều em sang Nhật học 4 năm mà chưa một lần được về thăm nhà, mới ngày đầu còn e dè thì nay đã tự lập và trưởng thành lên rất nhiều. Chưa nói đến thành quả, chỉ cần nỗ lực dám học một ngôn ngữ khó, dám đến một vùng đất đầy thiên tai, dám đối mặt với muôn vàn khó khăn nơi đất khách quê người, đã là một sự nỗ lực đáng trân trọng.
Cứ mỗi độ xuân về, cuối tháng 3 đầu tháng 4, khi hoa Sakura nở bừng trong nắng, thầy lại phấn khởi khoác lên mình bộ comple đẹp nhất để tham dự Lễ tốt nghiệp của du sinh viên Việt Nam và Lễ khai giảng đón học sinh mới nhập trường. 
Đối với các em, cánh cửa cuộc đời chỉ vừa mới mở, tuổi thanh xuân sẽ thực sự có ý nghĩa khi dám thử thách bản thân. Niềm vui và hạnh phúc chắc chắn đang chờ các em ở phía trước. Đó cũng là mong ước của thầy cô. 
Trần Quỳnh Trang (cand.com.vn)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.