"Thất nghiệp" vì Covid-19, hàng ngàn chú voi Thái Lan đi bộ về quê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khách du lịch "biến mất" vì Covid-19 khiến hơn 1.000 chú voi Thái Lan được thuần hoá bị "thất nghiệp", phải đi bộ trở về môi trường sống ở quê nhà.
Những đàn voi thuần và quản tượng thất nghiệp vì vắng khách du lịch đã thực hiện những chuyến hành trình dài qua những ngọn đồi và khu rừng Bắc Thái Lan để đưa những chú voi trở lại quê nhà.
Họ sẽ phải đi bộ nhiều ngày trước khi đặt chân đến những ngôi làng bản địa ở nằm dọc biên giới Thái Lan-Myanmar, nơi sinh sống của người Karen - một dân tộc bản địa có truyền thống nuôi và thuần dưỡng voi qua nhiều thế kỷ.
Cả quản tượng và những đàn voi của họ đều chịu cảnh thất nghiệp khi đại dịch Covid-19 khiến những trại voi từng thu hút khách du lịch quanh năm phải đóng cửa do lệnh cấm du lịch quốc tế.
 
Những đàn voi và quản tượng rời các điểm du lịch để về quê nhà. Ảnh: Save Elephant Foundation
"Khách du lịch biến mất dần khi Covid-19 bùng phát. Mọi nơi bị đóng cửa. Mọi người đều bị sốc nhưng không ai bị ảnh hưởng nặng bằng các quản tượng" – bà Sangdeaun ‘Lek’ Chailert, nhà hoạt động bảo tồn động vật Thái Lan và là chủ tịch của Quỹ Save Elephant Foundation, cho biết.
Save Elephant Foundation (Quỹ "Cứu lấy loài voi") là tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở Chiang Mai, chuyên thực hiện các chương trình chăm sóc và hỗ trợ voi nuôi nhốt ở Thái Lan thông qua các chương trình cứu hộ, tiếp cận cộng đồng địa phương, hỗ trợ phục hồi chức năng, tổ chức du lịch sinh thái v.v…
Từ khi đại dịch bùng phát, tổ chức đã hỗ trợ thức ăn cho hơn 1.500 con voi trên cả nước. Không có khách du lịch, những đàn voi đối mặt nguy cơ thiếu thức ăn do chủ của chúng không có doanh thu nhưng vẫn phải gánh nhiều loại chi phí. "Những người quản tượng phải cho voi của họ ăn 300 kg thức ăn mỗi ngày" – bà Lek nói.
Trên cả nước Thái Lan hiện có khoảng 4.400 con voi nuôi nhốt và hơn một nửa số đó đang làm việc trong ngành du lịch trước khi dịch bệnh ảnh hưởng.
Hồi tháng 5, bà Lek đã theo chân một đàn voi "hồi hương" trong một chuyến đi 5 ngày từ trại voi ở Chiang Mai về một ngôi làng bản địa của người Karen. Họ đi bộ hơn 100 km, băng qua những khu rừng rậm, leo đồi. Có đoạn hành trình họ phải đi qua một khu rừng hoang đã bị cháy chỉ còn toàn lá và thân cây cháy đen.
 
Voi và quản tượng phải đi qua những khu rừng đã bị cháy. Ảnh: Save Elephant Foundation
 
Một chú voi con mệt mỏi nằm nghỉ ngơi lấy lại sức giữa chuyến hành trình dài. Ảnh: Save Elephant Foundation
Ông Thanapat KR, một chủ trại voi ở tỉnh Ratchaburi, chia sẻ với đài truyền hình CNA rằng tác động từ nền kinh tế đã khiến ông phải cho hầu hết nhân viên nghỉ việc và rao bán đàn voi. Doanh thu bằng 0 nhưng ông vẫn phải chăm sóc đàn voi với chi phí thức ăn 300 USD mỗi 2 ngày. Bên cạnh việc phải bán hầu hết xe hơi, ông phải rao bán 10 chú voi với tổng giá chào bán chỉ 37.500 USD - một mức giá lỗ rất nhiều so với mức tiền 68.700 USD mà lúc đầu ông bỏ ra.
Để giúp đỡ những chú voi, Quỹ Save Elephant Foundation đã thực hiện một dự án hỗ trợ quản tượng trồng cây lương thực cho voi. Họ kêu gọi các chủ đất ở nhiều tỉnh trên khắp Thái Lan cho các quản tượng thuê lại đất trống với giá rẻ. Đồng thời họ trao đổi với các cộng đồng người Karen ở Bắc Thái Lan để khôi phục lại môi trường tự nhiên, biến những khu rừng tự phát thành những nông trại xanh để mở đường cho du lịch sinh thái.
 
Một đàn voi "thất nghiệp" đi bộ từ quận Mae Wang tỉnh Chiang Mai để về một ngôi làng ở người Karen ở phía Bắc Thái Lan. Ảnh: Save Elephant Foundation
Bà Lek hi vọng những nỗ lực này sẽ mang đến một tương lai tươi sáng hơn cho các cộng đồng sau khủng hoảng, tạo ra môi trường nơi con người và thiên nhiên có thể sinh sống hài hoà và những chú voi có thể sống ổn trong "ngôi nhà tự nhiên" của mình.
 
Một chú voi thể hiện tài vẽ tranh phục vụ du khách ở miền Trung Thái Lan. Ảnh: MediaCorp
"Nhiều chú voi đã được trở về nhà lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ làm việc trong ngành du lịch. Vì vậy tôi đang cố gắng kêu gọi các quản tượng tham gia dự án mang tên Đưa voi và quản tượng về nhà. Bằng cách này, họ sẽ không phải rời khỏi quê nhà mà thay vào đó lại có thể quản lý môi trường sống của mình để biến nó trở nên phù hợp cho các hình thức homestay, du lịch sinh thái để thu hút du khách đến đây" – bà Lek cho biết.
N.Thương (NLĐO/theo Channel NewsAsia)

Có thể bạn quan tâm

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

(GLO)- Chiều 9-12, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh đã có cuộc khảo thực tế tại huyện Ia Grai để đánh giá tiềm năng phát triển du lịch nâng cấp Lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên cấp tỉnh.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.