Núi Con Voi bị con người 'bạo hành' kinh khủng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Quần thể núi Đinh nằm tiếp giáp giữa TP Vĩnh Yên, huyện Tam Dương và huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc) có hình dáng như một con voi nên được người dân địa phương gọi là núi Con Voi.
Quần thể núi Đinh bị đào xới, phân lô. Ảnh chụp đầu tháng 5-2020 - Ảnh: P.THẢO
Quần thể núi Đinh bị đào xới, phân lô. Ảnh chụp đầu tháng 5-2020 - Ảnh: P.THẢO
Nhưng con voi ấy hiện không còn nguyên hình hài từ khi hoạt động bạt núi, đào hồ, xây biệt thự... diễn ra trái phép tại đây.
Cuối tháng 4-2020, đường dây nóng báo Tuổi Trẻ liên tiếp nhận được phản ánh của người dân địa phương "báo động" về tình trạng chặt cây, phá núi, mở đường trái phép để xây dựng biệt thự tại quần thể núi Con Voi. 
Lần theo thông tin của bạn đọc, phóng viên Tuổi Trẻ đã tìm tới tận nơi, và nếu không được cơ quan chức năng xác nhận thì không dám tin rằng những hoạt động xây dựng tại đây đều không có giấy phép.
"Chặt đầu" Con Voi
Khu vực núi Đinh cách trung tâm hành chính tỉnh Vĩnh Phúc khoảng 2km đường chim bay và cách đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai chỉ chừng 3km. Năm 1995, núi Đinh nằm trong diện tích 140ha đất rừng được UBND tỉnh Vĩnh Phú cũ (sau này là tỉnh Vĩnh Phúc) giao cho Công ty TNHH Kim Long làm dự án trồng mía và cây ăn quả. 
Tuy nhiên, sau đó chủ đầu tư chuyển nhượng, xây dựng trái phép, không thực hiện đúng mục đích dự án ban đầu và đến năm 2018, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định thu hồi hơn 125ha thuộc dự án này. Từ đó đến nay, trong khi những vi phạm cũ còn chưa được xử lý dứt điểm thì nơi này tiếp tục bị "xẻ thịt".
Chỉ tay hướng về phía ngọn núi gần nhà đang bị tàn phá, bà H. (xã Kim Long, huyện Tam Dương) nói: "Họ phá nhanh quá khiến chúng tôi sống gần sốt ruột, tiếc nuối lắm nhưng chẳng biết phải làm cách nào để cứu núi. Không chỉ núi Con Voi bị đào bới nham nhở mà núi Tròn, núi Đường Hầm (dưới chân núi có đường hầm) cũng đã bị tàn phá rồi. 
Những năm trước đã xuất hiện tình trạng khai thác đất, ban đầu chúng tôi cứ tưởng khai thác để bán nhưng sau này tìm hiểu thì mới biết họ không chỉ múc đất để bán mà còn phân ra từng lô như xây đô thị ở quần thể núi Đinh".
Bà H. kể thêm: "Tiếc thay là ngọn núi bao đời sừng sững như che chở cho dân làng lại bị xẻ thịt như vậy".
Bà M. (người xã Kim Long) thì tiếc nuối: "Núi cao lắm nhưng giờ khoét hết rồi, chúng tôi không dám lại gần vì thường có người lạ mặt đe dọa dân. Núi có di tích lịch sử nên bố mẹ tôi nói rất linh thiêng. Tình trạng khai thác đất xuất hiện đã lâu, nhưng thời gian gần đây họ làm rầm rộ. Đây là khu vực giáp ranh TP Vĩnh Yên - huyện Tam Dương - huyện Bình Xuyên nên cũng là cơ hội cho các đối tượng xấu lộng hành. Mỗi khi họ khai thác, về đêm chúng tôi không thể ngủ được, ngày nắng bụi kinh khủng, ngày mưa thì đường lầy lội..." - bà M. kể.
Khu Gò Dung, phường Liên Bảo, một số căn biệt thự đã được hoàn thiện bên cạnh những căn biệt thự đang chuẩn bị xây dựng - Ảnh: Q.THẾ
Khu Gò Dung, phường Liên Bảo, một số căn biệt thự đã được hoàn thiện bên cạnh những căn biệt thự đang chuẩn bị xây dựng - Ảnh: Q.THẾ
Phá núi, đặt tượng, đào hồ
Cũng như người dân xã Kim Long, người dân phường Liên Bảo (TP Vĩnh Yên) cũng bức xúc trước tình trạng khai thác đất, hạ cốt nền ở quần thể núi Đinh. Được sự giúp đỡ của người dân, chúng tôi thâm nhập đại công trường trái phép. Men theo quốc lộ 2B từ trung tâm TP Vĩnh Yên hướng đi thị trấn Tam Đảo (huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) khoảng 2km, vượt qua một đoạn bìa rừng, trước mắt chúng tôi là một đại công trường trái phép đang hoạt động.
Cây rừng bị chặt phá hàng loạt. Đất mới bị đào bới đã được phân lô, đào hồ còn ngổn ngang. Cách khu vực vừa đào bới vài trăm mét sát chân núi, một căn biệt thự sang trọng, diện tích mặt sàn hàng trăm mét vuông đã được hoàn thiện. 
Càng lên cao, đất được phân thành những lô rộng khoảng 2.000m2. Mỗi lô đều có đường đi, chỗ trồng cây và có cả hồ rộng như chờ sẵn cho một biệt phủ mọc lên. Cuối con đường dẫn vào khu trung tâm, vốn là đỉnh núi, có một pho tượng Quan Âm màu trắng sữa cao lừng lững.
Là người dẫn đường nhưng khi chứng kiến những cảnh tượng này, người dân địa phương ở phường Liên Bảo phải thốt lên: "Quá khủng khiếp. Vài năm trước trên đỉnh núi có nhiều dược liệu quý, tôi cùng người nhà lên hái vẫn thấy cây cối còn rậm rạp. Nào ngờ đến ngày hôm nay họ phá hết rồi. Đứng từ tầng thượng nhà tôi chỉ thấy pho tượng thôi, không ngờ đến nơi thì tan hoang như thế này".
Từ trung tâm quần thể núi Đinh nhìn xuống, hai triền đồi tiếp giáp cũng đã được phân lô. Hai bên đường la liệt máy múc, máy ủi cùng nhiều thiết bị xây dựng. Có khu vực nhìn từ xa thấy cây rừng nhưng bên dưới đã có những con đường chạy dọc chạy ngang. "Nhìn từ xa thì đúng là khó phát hiện ra núi Đinh đang bị đào bới. Họ tàn phá núi cũng rất tinh vi" - một người dân nói.
Người dân địa phương đưa chúng tôi đến khu đồi Gò Dung (phường Liên Bảo, TP Vĩnh Yên), cũng thuộc khu đất đã được giao cho Công ty TNHH Kim Long quản lý, cách quần thể núi Đinh chỉ hơn 300m đường chim bay. Nơi này cũng đang bị "xẻ thịt" không thương tiếc. 
Ngoài những căn biệt thự xây trái phép cách đây hơn 3 năm, nhiều căn biệt thự "khủng" đang được xây dựng trên đất rừng; có căn diện tích đất rộng hơn 2.000m2, chỉ thêm cổng, tường rào là hoàn thiện. Cũng có những căn mới đổ móng, khung sắt, chờ đổ dầm bêtông làm tường, đang nằm chờ sẵn trên mặt đất.
Trước tình trạng lấn chiếm, chuyển đổi sai mục đích, xây biệt thự trên đất rừng tại khu đất thuộc Công ty TNHH Kim Long quản lý và các khu đất trên địa bàn xã Định Trung, phường Liên Bảo, phường Khai Quang (thuộc TP Vĩnh Yên), từ năm 2014 UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã giao Thanh tra tỉnh xác minh. Tháng 4-2019, Thanh tra tỉnh đã ra kết luận và nêu rõ trách nhiệm của lãnh đạo, tập thể UBND TP Vĩnh Yên, Sở Tài nguyên và môi trường. Tuy nhiên, sau 1 năm thanh tra, tình trạng bạt núi để xây dựng trái phép vẫn không dừng lại. (còn tiếp)
Xây hồ nước trên núi để tưới cây?
Ngày 10-4, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có văn bản giao Công an tỉnh chủ trì cùng Sở Tài nguyên và môi trường, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, UBND TP Vĩnh Yên, huyện Bình Xuyên và huyện Tam Dương làm rõ có hay không hoạt động khai thác, vận chuyển đất trong đó có khu vực núi Đinh.
Ngày 27-4, tổ công tác của Công an tỉnh Vĩnh Phúc lập biên bản ghi nhận: Tại thời điểm kiểm tra, khu vực núi Đinh thuộc địa phận xã Kim Long, huyện Tam Dương không có hoạt động khai thác và vận chuyển đất ra ngoài. Trên núi có một đường đất chiều rộng khoảng 5m, chiều dài khoảng 3.000m chạy từ chân núi lên đỉnh núi.
Phía trên núi có 3 bể chứa nước (khoảng 800m3), theo báo cáo của ông Đoàn Ngọc Sơn - phó giám đốc Công ty TNHH Kim Long - việc làm đường, xây bể nước nhằm thuận tiện cho phương tiện đi lại và dùng nước tưới cây do trên núi không có hồ chứa. Khu lưng chừng núi, cách chân núi khoảng 500m hướng từ quốc lộ 2B đi vào, có hiện tượng đào, san gạt khoảng 1.000m3 đất đồi từ trước.
Đầu tháng 5, khi phóng viên Tuổi Trẻ có mặt ở quần thể núi Đinh, ghi nhận nhiều vị trí ở dãy núi thiêng này đã bị san ủi, phân lô không thương tiếc. Phóng viên đã đến trụ sở Công an tỉnh Vĩnh Phúc để liên hệ làm việc về các hoạt động xây dựng đang diễn ra ở núi Đinh, nhưng cán bộ trực ban hướng dẫn sang UBND tỉnh vì "UBND tỉnh đã giao cho văn phòng UBND tỉnh phát ngôn về đất của Công ty TNHH Kim Long".
Chúng tôi nhắc lại rằng UBND tỉnh giao Công an tỉnh chủ trì kiểm tra có hay không khai thác đất trái phép tại khu vực giao cho Công ty TNHH Kim Long thì cán bộ trực ban cho biết Công an tỉnh vẫn chưa có kết luận chính thức nên chưa thể cung cấp cho báo chí.
Sau khi liên hệ với UBND tỉnh, phóng viên được giới thiệu sang Thanh tra tỉnh, tuy nhiên Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc cho biết đơn vị này ra kết luận từ tháng 4-2019, những phát sinh sau tháng 4-2019 đơn vị này không nắm được.
Q.THẾ - P.THẢO (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Các nhà khoa học đánh giá, kiến thức bản địa và sản vật dưới tán rừng là tiềm năng lớn, giúp dọc dài dãy Trường Sơn phát triển nếu như được phát huy. Và người trẻ ngày nay lên với các cánh rừng cũng đến với kiến thức bản địa một cách thích thú, từ đó lan tỏa bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
Kể chuyện bằng... bóng

Kể chuyện bằng... bóng

(GLO)- Trên tấm màn sân khấu, bóng của các vũ công khi uyển chuyển đơn lẻ, lúc lại lồng ghép biến hóa thành nhiều chủ thể khác nhau. Với sự kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng một cách sinh động, những câu chuyện giàu cảm xúc cứ thế được kể lại một cách chân thực và chạm đến trái tim khán giả.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.