"Nhiều bạn dành cả thời thanh xuân để hỏi mình muốn gì, đam mê gì. Tôi không hỏi. Tôi thích gì là làm luôn", MC Tùng Leo chia sẻ khi kể về việc liên tục đổi nghề.
Nhà văn, họa sĩ Amanda Huỳnh thành công khi tuổi đời dưới 30, được bạn trẻ ngưỡng mộ |
Ngày 23-12, sinh viên đại học Sư phạm TP.HCM được chia sẻ về cách sống tích cực, theo đuổi đam mê, chạm đến ước mơ từ nhà báo Trung Nghĩa, nhà văn, họa sĩ Amanda Huỳnh, MC Tùng Leo.
Trả lời câu hỏi "Bạn muốn gì ?"
Nhà báo Trung Nghĩa (báo Tuổi Trẻ) sinh về đam mê viết lách có từ nhỏ, niềm vui khi đón chờ tin đầu tiên được đăng báo và quãng đời sinh viên lăn xả viết bài đã cho anh hành trang vào nghề
Nếu như Trung Nghĩa đến với nghề báo như một định mệnh thì Amanda Huỳnh đến với việc viết văn và vẽ tranh là câu chuyện tìm về bản ngã.
Nhà báo Trung Nghĩa và Amanda Huỳnh chia sẻ câu chuyện đời mình giúp sinh viên có thêm niềm tin, động lực thực hiện ước mơ |
Chị chia sẻ, ngày còn là học sinh phổ thông, vì quá mê phim TVB cùng mong muốn "làm cái gì đó cho đời" nên chọn học ngành luật. Từ cô học sinh chuyên văn bước vào trường luật, Amanda bị sốc khi mọi thứ "không như là mơ".
Thế rồi, chị cũng có được học bổng sang Pháp du học. Những ngày đầu nơi xứ người, Amanda Huỳnh nhận ra mọi thứ nơi đây quá khác.
"Hệ quy chiếu, giá trị tinh thần đều bị đảo lộn. Cô đơn là cảm giác của một lưu học sinh phải trải qua, cô đơn đến tận cùng. Lúc bấy giờ, trong tôi như có tiếng nói thứ hai: Hãy làm đi, làm những gì mình muốn. Tôi viết. Tôi vẽ. Không cho ai cả. Tôi làm điều đó cho chính tôi".
Amanda Huỳnh cho biết, dẫu là tiến sĩ luật, có một văn phòng luật ở "kinh đô ánh sáng", trong chị không thôi những dạt dào cảm xúc về văn chương, nghệ thuật. Chị nói, pháp lí là con đường lý trí, còn nghệ thuật là con đường trái tim mà chị cần cả hai để cân bằng cuộc sống.
Góp thêm góc nhìn về từ khóa "đam mê" mà sinh viên đặt cho ra khách mời, Tùng Leo một chân dung nhân vật thành công trong lĩnh vực truyền thông.
Ngày nhỏ, anh học chuyên toán, nhưng bằng khen đem về là giải thưởng môn văn. Lên phổ thông, anh học chuyên Anh văn, nhưng quyết định thi đại học Kiến trúc. Vào trường kiến trúc khoa thiết nội thất, nhưng rẽ ngang học thiết kế thời trang.
Sau khi du học ngành thời trang, về nước đi dạy một thời gian, anh chuyển nghề dẫn chương trình. Được một người chị gợi ý, anh đã viết sách. Và giờ Tùng Leo điều hành công ty truyền thông giải trí.
"Nhiều bạn dành cả thời thanh xuân để hỏi mình muốn gì, đam mê gì. Tôi không hỏi. Tôi thích gì là làm luôn. Đam mê của tôi thay đổi liên tục trên hành trình sống. Dẫu vậy, để xác định được đam mê đích thực của mình, bạn phải đặt câu hỏi: nếu như bạn mất tất cả sự nghiệp, tiếng tăm, tình yêu, bạn bè…, điều gì khiến bạn muốn giữ lại nhất, muốn làm nhất. Đó là đam mê của bạn".
Người trẻ làm gì để hết sợ thất bại?
Để thành công, người ta luôn vấp phải thất bại. Nhiều sinh viên e ngại thất bại, coi đó là điều đáng sợ. Cả ba khách mời chia sẻ cùng sinh viên kỉ niệm của họ: Trung Nghĩa thi rớt môn ảnh báo chí, để giờ đây anh có những bức ảnh sinh động về nghệ sĩ, ngôi sao hàng đầu thế giới tại thảm đỏ các kỳ liên hoan phim danh tiếng.
Tùng Leo nhiều năm trước bị loại ngay vòng casting dự thi Én vàng vì không sắc vóc, ngày hôm nay anh ngồi ghế giám khảo, chấm thi cuộc thi này.
Amanda Huỳnh trao tặng 5 suất học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tại đại học Sư phạm TP.HCM. Cô về Việt Nam đầu tháng 12, trao 50 suất học bổng cho sinh viên các trường đại học, trước đó đã trao cho trường đại học KHXH&NV, đại học Sài Gòn… |
"Thất bại đến với ta theo từng thời điểm. Bây giờ nhìn lại, những thất bại ngày đó giúp ta mạnh mẽ hơn. Hãy bình thản đón nhận thất bại trong học tập, sự nghiệp, tình yêu, vì ta lại cứ yêu, cứ sống đó thôi"-Amanda Huỳnh |
Amanda Huỳnh kể khi đi hết 1/3 chặng đường học, chị chẳng thế tiếp thu được bài giảng. Chị rơi vào bế tắc, muốn từ bỏ tất cả, trở về quê nhà. Bình tĩnh lại, chị trấn an bản thân "thất bại thôi mà, chẳng gì ghê gớm" và vẽ ra cho mình điều tồi tệ nhất có thể xảy đến, để thấy những gì đang vướng không quá tệ hại.
Đỗ Trường (TTO)