Tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng cho dự án nâng cấp quốc lộ 19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)-Ban Quản lý dự án 2-đơn vị chủ đầu tư Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên đoạn qua huyện Đak Pơ đang tích cực triển khai các giải pháp để sớm hoàn thành việc giải phóng mặt bằng thi công trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân và chủ đầu tư.

Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19) đoạn Km90-Km108 trên địa bàn huyện Đak Pơ do Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông Vận tải) làm chủ đầu tư. Dự án có tổng chiều dài tuyến 18 km và 5 cầu, tổng mức đầu tư hơn 522 tỷ đồng, được khởi công ngày 30-6-2023 và dự kiến hoàn thành vào 31-12-2024.

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 (đoạn qua huyện Đak Pơ) đang đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: Hà Duy
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 (đoạn qua huyện Đak Pơ) đang đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: Hà Duy

Ông Lê Ngọc Nam-Giám đốc Ban quản lý Dự án 2-cho biết: Cho đến thời điểm này, huyện Đak Pơ đã bàn giao mặt bằng thi công được khoảng 17,865 km (đạt 99%), đồng thời đã di dời toàn bộ vị trí các trụ điện bị ảnh hưởng. Đến nay, một số hạng mục chính như: nền đường đã đào được 98.151 m3, đạt 73% khối lượng; đào đá các loại được 7.590 m3, đạt 72,79%; cấp phối đá dăm loại II K98 được 33.288 m3, đạt 80,36%; cấp phối đá dăm loại 1 được 47.170 m3, đạt 75,78%; lắp đặt 765 cống thoát nước các loại, đạt 97,86% khối lượng... Đối với công trình cầu, đã triển khai khoan nhồi 52 cọc, đạt 100% khối lượng; đúc 58 phiến, đạt 92%; đổ bê tông 10/10 mố, 5/6 trụ cầu, đã hoàn thiện 3/5 bản mặt cầu, lao lắp dầm 4/5 cầu. Khối lượng thực hiện đạt gần 230 tỷ đồng, tương đương 62,32% tổng mức đầu tư.

“Hiện chỉ còn 3 hộ chưa đồng ý di dời để bàn giao mặt bằng, gồm: một phần nhà ở bà Phạm Thị Nhâm thuộc phạm vi đất hành lang an toàn đường quốc lộ 19 (cũ) tại vị trí Km102+010-Km102+030, dài 20 m; và 2 hộ tại vị trí Km102+680-Km103+160. Tổng chiều dài mặt bằng chưa bàn giao khoảng 135 m”-ông Nam cho hay.

Theo bà Đào Thị Hồng Quy-đại diện cho hộ bà Phạm Thị Nhâm (thôn 4, xã Hà Tam) cho biết: "Gia đình tôi có 3 thửa ruộng đã canh tác hơn 30 năm, nhưng khi thi công Quốc lộ 19, gia đình tôi chưa nhận được đền bù thỏa đáng. Gia đình tôi ủng hộ việc thi công tuyến đường, nhưng phải có sự đền bù, hỗ trợ thỏa đáng cho diện tích đất trên". Được biết, ngoài khu vực ruộng đang canh tác, việc thi công Quốc lộ 19 cũng sẽ “lẹm” vào khoảng nửa sân trước thuộc khu vực nhà ở của bà Phạm Thị Nhâm.

Còn đối với 2 hộ thuộc phạm vi tại Km102+680 đến Km103+160, tiền đến bù cho dự án đã chuyển từ đầu năm, nhưng vì phía huyện Đăk Pơ chưa phê duyệt được phương án đền bù nên vẫn chưa thể giải ngân.

Dự án Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 19 đoạn Km90-Km108 qua địa bàn huyện Đak Pơ đang vướng mặt bằng tại nhà bà Phạm Thị Nhâm (thôn 4, xã Hà Tam). Ảnh: Hà Duy

Dự án Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 19 đoạn Km90-Km108 qua địa bàn huyện Đak Pơ đang vướng mặt bằng tại nhà bà Phạm Thị Nhâm (thôn 4, xã Hà Tam). Ảnh: Hà Duy

Tại buổi kiểm tra công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 19 đoạn Km90-Km108 qua địa bàn huyện Đak Pơ (chiều 18-6), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế đã yêu cầu UBND huyện Đak Pơ sớm phê duyệt phương án đền bù và chi trả cho các hộ dân để sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. “Riêng đối với nhà ở bà Phạm Thị Nhâm, đề nghị Ban Quản lý dự án 2 phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát và chính quyền địa phương rà soát, điều chỉnh lại phương án thiết kế để làm sao ảnh hưởng ít nhất đến quyền lợi của người dân, nhằm tạo sự đồng thuận để sớm bàn giao mặt bằng, đảm bảo hoàn thành dự án trước 30-12-2024 theo kế hoạch”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên có tổng chiều dài 143,6 km, trong đó, tỉnh Bình Định 17 km, tỉnh Gia Lai 126,34 km. Dự án có tổng mức đầu tư 3.654,4 tỷ đồng (gồm: vốn vay WB là 3.518,39 tỷ đồng; vốn đối ứng 86,79 tỷ đồng; vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia cho công tác thiết kế kỹ thuật là 49,26 tỷ đồng); trong đó, đoạn qua Gia Lai có tổng mức đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng.

Nói về vấn đề này, ông Lê Ngọc Nam-Giám đốc quản lý Dự án-thông tin thêm: “Thời gian tới, Ban Quản lý dự án 2 sẽ tiếp tục phối hợp với hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng của địa phương để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng nhằm sớm bàn giao mặt bằng còn lại trước ngày 30-6-2024. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị thi công bám sát mốc tiến độ, sớm hoàn thành các hạng mục chính của dự án trước 30-9-2024, tức vượt tiến độ 3 tháng so với kế hoạch tổng thể”.

Giám đốc quản lý Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên cũng cho biết sẽ làm tốt công tác phối hợp, chỉ đạo các đơn vị thi công triển khai thi công cấp phối đá dăm loại I tại vị trí Đền tưởng niệm Liệt sĩ và Tượng đài chiến thắng Đak Pơ, đảm bảo giao thông đi lại thuận lợi, hạn chế tối đa ảnh hưởng trong ngày kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Đak Pơ.

Có thể bạn quan tâm

Ước mong đưa biển lên cao nguyên

Ước mong đưa biển lên cao nguyên

Tỉnh Gia Lai rất chú trọng phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là những tuyến đường kết nối với cảng biển ở miền Trung như Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh: "Kết nối hạ tầng chiến lược, đặc biệt là hạ tầng giao thông để Gia Lai có "biển", phát huy hết tiềm năng thế mạnh vốn có".