Cơ hội và thách thức đặt ra cho việc phát triển du lịch đòi hỏi phải có sự đầu tư trong việc hoạch định, định hướng phát triển du lịch, thể hiện những quan điểm, chính sách, định hướng rõ ràng, mang tính đột phá để tạo được vị thế cho Việt Nam trong bản đồ du lịch thế giới.
Ảnh minh họa |
Tại Hà Nội, Hội thảo tháo gỡ điểm nghẽn để tạo đà phát triển du lịch nhằm chuẩn bị cho Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam lần thứ 2 đã diễn ra. Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng môi trường du lịch xanh, sạch và thân thiện. Diễn đàn lần này thể hiện vai trò và quyết tâm của Chính phủ và các địa phương.
Những ràng buộc trong cấp thị thực, nguồn lực đầu tư còn hạn chế, cùng với đó là chất lượng du lịch vẫn chưa đồng đều đã được nhiều chuyên gia tại Diễn đàn lần này đưa ra thảo luận và coi đó là những điểm nghẽn của ngành du lịch Việt Nam hiện nay.
Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt trung bình khoảng 11%/năm. Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm nay đã có khoảng 6,2 triệu lượt khách.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chính những điểm nghẽn về thủ tục và chất lượng, môi trường khiến du lịch Việt Nam vẫn còn xếp hạng thấp trong khu vực ASEAN. Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu của Việt Nam chỉ đứng thứ 75/141 quốc gia.
Những giải pháp được đưa ra tại Diễn đàn là du lịch Việt Nam cần có một 'nhạc trưởng' để kết nối giữa du lịch với các ngành có liên quan. Du lịch cần phải được gắn vào quy hoạch giao thông, chú trọng nâng cấp cơ sở hạ tầng về vận chuyển gồm đường không, đường bộ và đường thủy kết nối du lịch. Bên cạnh đó, Việt Nam cần xem xét các chính sách miễn giảm phí visa cho du khách quốc tế.
Ông Trần Trọng Kiên, đồng Chủ tịch Nhóm công tác Du lịch Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam cho biết: Năm 2017, theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới WEF, Việt Nam tăng 8 hạng về mức độ cạnh tranh, đứng thứ 67/136 quốc gia, vùng lãnh thổ được đánh giá. Có những chỉ số chúng ta được đánh giá rất tốt như chỉ số về tài nguyên văn hóa, tài nguyên tự nhiên, các chỉ số nhóm an ninh an toàn. Tuy nhiên, về độ mở thị thực, về các chính sách đầu tư cho hạ tầng du lịch chúng ta lại rất kém.
Hiện nay, vấn đề xúc tiến, quảng bá là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng du lịch Việt Nam hiện nay lại chưa được quan tâm đúng mức. Chúng ta mới đầu tư chưa đến 2 triệu USD/ năm để xúc tiến du lịch, con số này rất nhỏ so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Ông Hoàng Nhân Chính, Tổng thư ký Nhóm công tác du lịch Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) đưa ra những đề xuất về chính sách visa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến Việt Nam. Ông Chính đề xuất ngày miễn visa của khách (đang được miễn thị thực) tăng từ 15 lên 30 ngày. Các nước Tây Âu chúng ta đang miễn thị thực đều có mức chi tiêu trung bình cao, thời gian lưu trú lâu ở Việt Nam, “vì thế đề nghị Chính phủ áp dụng chính sách miễn thị thực 30 ngày từ quý III năm 2017 thì chúng ta có thể kéo khách vào từ quý IV năm 2017. Đề nghị Chính phủ bổ sung thêm 6 nước được miễn visa: Australia, Canada, Hà Lan, New Zealand, Bỉ, Thụy Sĩ. Đây là những nước có mức lưu trú dài ngày, chi tiêu bình quân khoảng 1.200 USD/ lượt khách, không bộc lộ nguy cơ đối với an ninh hay lưu trú bất hợp pháp, được 170 quốc gia miễn thị thực”, ông Chính đề xuất.
Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi tối đa về thị thực nhập cảnh, quá cảnh cho khách quốc tế đến Việt Nam, cần bãi bỏ quy định “Mỗi lần nhập cảnh phải cách ngày xuất cảnh khỏi Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày”; kéo dài chương trình miễn thị thực từ 1 năm lên 5 năm; thông báo miễn thị thực ít nhất trước 6 tháng.
Về chính sách thị thực điện tử, cần nâng cấp trang web và cải thiện tốc độ truy cập; đổi tên miền “evisa.xuatnhapcanh.gov.vn” thành “evisa.gov.vn” và công bố rộng rãi để khách dễ tìm kiếm.
Nên áp dụng miễn thị thực quá cảnh 48-72 giờ đối với những hành khách có vé máy bay từ Australia đi châu Âu hoặc ngược lại.
Ông Vũ Thế Bình-Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề xuất, cần có các chính sách về Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Xúc tiến là trách nhiệm của các doanh nghiệp nên không thể là tự nguyện mà phải xã hội hóa quản lý Quỹ, có quy định cụ thể việc doanh nghiệp đóng góp vào Quỹ. Doanh nghiệp cũng cần chủ động trong công tác xúc tiến du lịch và xây dựng thương hiệu. Có những việc, cơ quan quản lý Nhà nước không làm thay doanh nghiệp được.
Theo Chinhphu.vn