Những dòng người dắt xe trên phố, tiếng rồ ga, nẹt pô, tiếng gọi nhau hỗ trợ và cả tiếng thở dài mệt mỏi, ngao ngán… “Thành phố mùa này đường biến thành sông” là câu nói cửa miệng của bà con khu vực bị ảnh hưởng bởi triều cường đạt đỉnh tại TP Hồ Chí Minh.
Đến hẹn lại… lên!
Vốn đã quen thuộc với cảnh thủy triều lên vào hai kỳ của con nước (đầu tháng và giữa tháng âm lịch), nhưng bà con khu vực các Q. 7, Nhà Bè, Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh vẫn không khỏi thở dài ngao ngán. Từ đầu tháng 10 năm nay, thủy triều tại các khu vực này luôn vượt ngưỡng báo động 3. Tại trạm Phú An và Nhà Bè, nước dâng trên 1,7m, đỉnh triều lúc 5- 7h và 17-19h.
Đường Trần Xuân Soạn, P. Tân Hưng, Q.7 tiếp giáp với Kênh Tẻ được mệnh danh là con phố sông nước. Vào mỗi độ triều lên, toàn bộ tuyến đường bị ngập sâu, đỉnh triều lên tới hơn 1m khiến sinh hoạt của người dân cũng như xe cộ lưu thông bị đảo lộn. Tối ngày 26-10, tại khu vực này, hàng loạt xe chết máy, nhiều người dắt bộ mệt quá, bỏ lại xe tìm quán cà phê ngồi chờ nước rút.
|
Cán bộ, chiến sĩ Công an hỗ trợ bà con đưa phương tiện đến nơi khô ráo. |
Chị Nguyễn Thị Nga, nhân viên văn phòng công ty cung ứng nhân sự tại Q.5 trở về giữa đêm nước lớn đã khóc ròng vì xe chết máy ngay chân cầu Rạch Ông. Phòng trọ của chị ở hẻm 979 Trần Xuân Soạn, cách vị trí xe chết máy khoảng 800m nhưng chị phải mất đến 1,5 tiếng mới “lết” nổi con xe về nhà. Khi về tới phòng trọ, chị Nga như muốn đổ sụp vì cảnh tượng rác tràn vào phòng trọ,cuốn theo đủ thứ hôi thối từ bên ngoài vào. Chưa hết, chăn đệm trước khi đi làm chị Nga quên không kê lên ghế nay ướt sũng nước, mùi hôi từ rác, mùi đặc quánh của nước khiến tấm chăn chuyển sang màu mốc đen. Chị buộc phải bỏ toàn bộ chăn nệm, chiếu, gối đầu. Đêm hôm ấy, chị Nga dọn phòng, xịt rửa cho tới 11 giờ mới tạm ổn. Mùi ẩm mốc, ngai ngái của nước kênh tràn ngập khắp nhà và cũng không còn chăn đệm để ngủ nữa nên chị Nga phải sang phòng cô bạn ngủ nhờ. Nhiều người đã phải chuyển đi nơi khác ở vì chủ nhà chưa có điều kiện nâng nền phòng trọ. Chị Nga chưa đi vì đã ở đây gần chục năm, đã quen thuộc với không gian cũng như hàng xóm. Mặt khác, chủ nhà cũng rất chân tình, vì hoàn cảnh khó khăn nên họ chưa có điều kiện nâng cấp phòng. Bù lại, giá phòng rẻ hơn một nửa so với nơi khác nên đã níu chân chị Nga và những người lao động ở lại xóm trọ.
Chị cho biết: “Mỗi tháng chịu cảnh nước lên 2 đợt, mỗi đợt 3 ngày. Những năm trước nước còn lên thấp, chưa tràn vào phòng nhưng năm nay lớn quá mới xảy ra tình trạng này. Dù không thoải mái nhưng tôi tự nhủ lòng cố chịu. Những ngày nước lớn mình thu xếp đồ dùng để cao lên trước khi đi làm là sẽ ổn thôi”.
|
Nước ngập sâu trên đường Trần Xuân Soạn. |
Nhân viên văn phòng đi làm cả ngày, tối mới về ngủ như chị Nga có thể chịu đựng được nhưng với người làm nghề buôn bán ở mặt tiền đường Trần Xuân Soạn như anh Hoàng Văn Mừng thì đã tới giới hạn của sự chịu đựng. Anh Mừng bán trái cây ở mé sông Kênh Tẻ được 3 năm nay. Lúc đầu, anh bán ở vỉa hè, cạnh những con thuyền của dân thương hồ từ miền Tây lên đổ trái cây. Sau này, mé kênh bị rào chắn không còn nơi ngồi nữa, anh thuê mặt bằng bên kia đường tiếp tục hành nghề. Những hôm nước lớn do mưa, chỗ anh Mừng cơ bản khô ráo, vẫn buôn bán bình thường. Khi thủy triều lên cộng với mưa lớn thì đường chỗ nào cũng như sông, mênh mông sóng nước không biết đâu là bờ, đâu là đường. Xe cộ chạy qua tạo thành những đợt sóng đánh vào sạp trái cây của anh, nước tràn vào kệ. Dù đã kê cao nhưng nước lớn vẫn ngập, anh không còn đủ sức để chạy theo con nước nữa. Phương án đưa ra là những ngày nước lớn, anh Mừng nghỉ bán. Tuy nhiên, nhà cũng thành sông, vợ chồng và hai đứa con ôm nhau rúm ró trên chiếc giường suốt mấy tiếng đỉnh triều. Năm ngoái, anh phải bỏ ra 30 triệu để nâng cấp nền nhưng không ăn thua, nước lên vẫn tràn vào nhà, đã thế còn không thoát được, gia chủ lại phải tát nước đi.
Dù hợp đồng thuê vẫn còn gần 2 năm nữa, anh Mừng quyết định bỏ để chuyển đi nơi khác. “Chủ nhà cũng khó khăn, họ bảo lỗi do mình nên họ không bồi thường. Bây giờ mình sang nhượng được cho ai hợp đồng thuê thì sang, nhưng chỗ này là “điểm hẹn”nước lên từ bao năm nay rồi, ai đến cũng ái ngại”, anh chia sẻ.
Bi hài nhất phải kể đến những người bán cá ở chân cầu Mương Chuối, đường Nguyễn Bình. Nước lên nhanh ngập hết khu chợ tạm giáp mé sông Xoài Rạp, người bán hàng tất bật bê chậu cá ra ngoài vìa hè ngồi bán.
Ngồi một lúc thì nước lại lên, lại chạy ra chỗ cao và cuối cùng thì không còn chỗ nào để chạy nữa đành ngồi trên nước bán luôn. Đúng giờ tan tầm, người đi làm, đi học về náo nhiệt nhưng ai cũng lo chống chọi với dòng nước để về nhà, thành ra không ai để ý đến các bà bán cá, bán rau bên đường. Ế ẩm, mà sểnh một cái là cá nhảy khỏi chậu biến mất trong dòng nước, các bà có nhanh đến mấy cũng không vồ lại được. Bà Nguyễn Thị Tánh, 56 tuổi, bán cá ở khu vực này ngót 10 năm đã phải thốt lên: “Mới hôm qua nhảy mất 3 con cá, trị giá 160 ngàn. Vừa ế lại vừa mất cá vì nước lớn, buôn bán mùa này rủi ro quá”.
|
Học sinh vật lộn với dòng nước lớn để về nhà. |
Sống chung với nước lớn
Một điểm hẹn “nước lên” nữa phải kể đến khu vực đường Đào Sư Tích, Nguyễn Bình, khu dân cư Phú Xuân, Nhà Bè. Từ ngày 1 đến ngày 3/10 âm lịch, đỉnh triều tại khu vực này cao trên 1,7m. Nước lên một màu trắng xóa, đúng giờ tan tầm. Học sinh tại Trường THPT Dương Văn Dương, Phú Xuân phải lột giày, xắn quần, lội bì bõm trở về nhà. Hàng loạt xe chết máy đứng im tại chỗ, chờ nước rút hoặc gọi người cầu cứu.
Bà Huỳnh Minh Tâm, ngụ đường Nguyễn Bình, Phú Xuân, Nhà Bè ngày 26/10 đi đón con gái tan học nhưng đến giữa đường thì xe chết máy, bà sức yếu không đẩy được nên nhờ người kéo lên vỉa hè chờ chồng đến giải cứu. Chồng bà chạy từ nhà ra bằng chiếc xe kéo ba bánh, nhưng chưa tiếp cận được vợ thì xe chết máy cách 200m. Vậy là, 3 người trong nhà bà Tâm “chôn chân” ở 3 vị trí, không tài nào di chuyển được. Bà Tâm cười mà như mếu: “Tôi phải đứng tại chỗ trông xe, chồng tôi cũng thế. Con gái thì ở trong trường chờ. Nhà tôi bị mắc kẹt giữa đường từ 5 giờ cho đến 7 giờ tối, nước rút mới di chuyển được”.
Nhiều phụ huynh đón con bằng xe đạp điện hy vọng sẽ không bị chết máy, nhưng nước lớn, sóng đánh mạnh khiến xe chao đảo, không chết máy nhưng cũng chẳng thể di chuyển được trước một vùng nước lên cao quá bánh xe.
Tại khu vực đường Nguyễn Bình, Công an huyện Nhà Bè điều động xe tải cùng cán bộ, chiến sĩ đến hỗ trợ người dân. Phương tiện nào không di chuyển được, các anh sẽ đưa cả người và xe lên xe tải chở đến nơi khô ráo, giúp sửa chữa để họ tiếp tục hành trình.
Cuộc sống bị đảo lộn, các kế hoạch công việc bị gián đoạn vì thủy triều lên quá cao, người dân dù mệt mỏi nhưng cũng đang dần chấp nhận để thích nghi.
|
Hẻm vào khu vực phòng trọ của chị Nga nước lên lênh láng. |
Nằm quay mặt ra dòng sông Xoài Rạp, nhà của ông Lê Văn Phương, 52 tuổi, nhiều năm trước được ví như một khách sạn sinh thái mát mẻ và lãng mạn nằm giữa phố thị khiến nhiều người ước ao. Ông Phương cũng rất thích thú và hài lòng về nơi ở của mình. Từ 3 năm nay, thủy triều lên, nước từ sông tràn qua đường, xấp xỉ tới bậc thềm nhà ông Phương. Tuy nhiên, điều đó không làm ông phiền hà, bởi ông hiểu đó là quy luật tự nhiên, sống là phải biết chấp nhận.
Năm ngoái, ông quyết định đập bỏ toàn bộ nền nhà cũ, đổ đất đá lên cao 80cm, hoàn thành xong, nền nhà của ông cao trên 1m. Ông yên tâm, vì nhà cao thế này có mưa lớn, triều dâng đỉnh điểm cũng không táp vào nhà được. Những ngày triều lên, hàng xóm nhà thấp đã mang đồ đạc sang nhà ông gửi. Không những thế, gia đình có người già, trẻ nhỏ cũng qua ông ở ké chờ nước xuống. Ông Phương tâm sự: “Nước lên đúng là rất khổ cho bà con di chuyển ngoài đường và người bán hàng. Không phải ai cũng có điều kiện nâng nền nhà, vì khi sửa chữa sẽ thay đổi kết cấu nhà, nâng cao quá thì phải đội mái lên, đồng nghĩa với việc phải thay đổi toàn bộ khung sườn của nhà. Làm hết thì tốn kém, mà không làm thì sống chung với nước”.
Che chắn, ngăn chặn, xúc tát... người dân khu vực ảnh hưởng bởi thủy triều đã làm tất cả những gì có thể để chống chọi qua mùa nước...
Với đỉnh triều cường xuất hiện vào đầu tháng 10, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh đã thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng những điểm ngập nặng trên địa bàn thành phố và đề nghị người dân chủ động ứng phó, điều chỉnh sinh hoạt hằng ngày và có lộ trình di chuyến phù hợp trong thời gian xuất hiện triều cường. Những tuyến đường thuộc khu vực trũng thấp, Trung tâm triển khai một số giải pháp như: Xây dựng các tường chắn chống tràn, sửa chữa, gia cố và vận hành các van ngăn triều tại đầu các cửa xả, tổ chức vận hành các trạm bơm, cống kiểm soát triều khống chế mực nước trong một số tuyến kênh, rạch. Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các lực lượng chức năng phối hợp với công an thành phố bố trí máy bơm nước di động để kịp thời khắc phục các điểm ngập úng do triều cường gây ra. Đối với các tuyến đường ngập do triều cường, các đơn vị cần có biện pháp đảm bảo an toàn (lắp biển cảnh báo, rào chắn, đèn báo hiệu, đèn chiếu sáng...) nhằm tránh xảy ra tai nạn khi ngập úng. |
Theo Ngọc Thiện (cand.com.vn)