(GLO)- Sau một thời gian trồng thử nghiệm, cây thanh long ruột đỏ đã sinh trưởng rất tốt trên đất Ia Pa. Sản phẩm thanh long ruột đỏ vùng này đã được thương lái thu mua rất mạnh để phân phối, tiêu thụ tại TP. Pleiku và nhiều nơi khác.
Khoảng 5 năm trở lại đây, thanh long ruột đỏ-giống cây có xuất xứ từ Colombia được trồng phổ biến ở các địa phương như: Bình Thuận, Vĩnh Long, Tiền Giang, Tây Ninh, mang lại nguồn thu nhập tốt cho nông dân khi giá cả thu mua tại vườn tương đối ổn định. Đây là loại trái cây được thị trường trong và ngoài nước rất ưa chuộng bởi chứa nhiều thành phần dinh dưỡng tốt, có lợi cho sức khỏe con người, giá thành lại không đắt lắm so với các loại hoa quả khác.
Ảnh minh họa |
Tại Gia Lai, một trong những người tiên phong trồng thử nghiệm giống thanh long ruột đỏ là ông Phạm Văn Nhận ở xã Pờ Tó, huyện Ia Pa. Với 500 gốc thanh long được trồng từ năm 2012, sau hơn 2 năm chăm sóc theo quy trình canh tác nông sản sạch, vườn cây bắt đầu cho thu bói. Từ năm thứ 3 trở đi, cây cho trái quanh năm với sản lượng 2-4 tấn/vụ, bình quân thu hoạch 3-4 vụ/năm. Theo chia sẻ của chủ vườn, chi phí đầu tư trồng thanh long ruột đỏ chỉ “nặng” ở giai đoạn kiến thiết như: trụ, giống, phân bón..., bình quân khoảng 75 triệu đồng/ha. Ở những năm tiếp theo, người trồng chỉ tốn rất ít chi phí bón phân, làm cỏ, chăm sóc vườn cây theo định kỳ. Nếu đầu tư đúng hướng thì trồng thanh long nhàn hơn, đem lại nguồn thu nhập tốt hơn cây trồng khác, khả năng thu hồi vốn chỉ trong vòng 3 năm, vì vườn cây cho quả quanh năm. Chỉ tính riêng đợt vừa rồi, ông Nhận đã thu được hơn 2 tấn thanh long ruột đỏ, giá mua của thương lái tại vườn là 10.000 đồng/kg, trái thành phẩm đẹp mã, chắc thịt, ngọt thanh và mọng nước. Cũng tại Ia Pa, một số hộ nông dân đã thành công khi mạnh dạn đầu tư trồng giống cây này với quy mô lớn, sản lượng thu hoạch mỗi vụ lên đến 4 tấn/ha, mang lại nguồn thu ổn định.
Là một trong những người tiên phong trồng thanh long ruột đỏ trên đất Ia Pa, điều trăn trở lớn nhất của ông Nhận vẫn là thị trường đầu ra cho loại trái này. Trong bối cảnh nguồn trái cây sạch “Made in Việt Nam” còn nhập nhằng, phức tạp như hiện nay thì nhà vườn của ông đã và đang tiếp tục theo đuổi, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác nông sản sạch, đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Để làm được điều này, ngoài cam kết của chính người sản xuất khi chấp nhận giảm lợi nhuận thông qua các kênh phân phối, ông Nhận đưa sản phẩm thanh long ruột đỏ Ia Pa từng bước tiếp cận với thị trường và người tiêu dùng trong tỉnh.
Lâu nay, nói đến Ia Pa, người ta thường nghĩ ngay đến vùng đất chuyên canh mía, mì và chăn nuôi gia súc, gia cầm của tỉnh. Tuy nhiên, sự có mặt của thanh long ruột đỏ cũng như một số loại cây ăn trái khác đã góp phần đem lại nguồn thu nhập tốt cho nông dân tại chỗ cũng như mở ra một vùng chuyên canh cây ăn trái mới trong tương lai.
Hải Bình