Thành công ngoài mong đợi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Phiên chợ hàng Việt về nông thôn lần thứ 19 diễn ra tại huyện Kbang do Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại-Sở Công thương tỉnh Gia Lai phối hợp với UBND huyện Kbang tổ chức từ ngày 21 đến ngày 23-5-2013. Đây là phiên chợ đầu tiên tỉnh Gia Lai được Bộ Công thương phê duyệt kinh phí trong chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2013.

Trở lại lần thứ hai với huyện Kbang, phiên chợ hàng Việt về nông thôn đã gầy dựng được lòng tin đối với người tiêu dùng. Từ những ngày đầu truyền thông cho phiên chợ trên xe tuyên truyền, người dân huyện Kbang đã mong ngóng đến ngày diễn ra phiên chợ. Trước đó, Sở Công thương đã vận động nhiều doanh nghiệp tham gia bán hàng, các doanh nghiệp bán hàng đều nhau, hầu như sản phẩm nào cũng bán chạy.
 

Đông đảo khách hàng đến với phiên chợ. Ảnh: H.H
Đông đảo khách hàng đến với phiên chợ. Ảnh: H.H

Tại phiên chợ, ngoài hoạt động giới thiệu, bán sản phẩm của các doanh nghiệp còn có chương trình mua hàng kèm theo sản phẩm khuyến mãi cho bà con nông thôn khi tham gia mua sắm. Trong gần 3 ngày trưng bày và quảng bá sản phẩm, phiên chợ đã thu hút hàng trăm lượt người đến tham quan. 17 doanh nghiệp của tỉnh Gia Lai đến tham gia chương trình bán hàng hầu hết là những nhà phân phối, nhà cung cấp của các công ty tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh khác đến với phiên chợ để quảng bá, tiếp thị sản phẩm tận tay người tiêu dùng.

Mặc dù đã chuẩn bị nguồn hàng dồi dào nhưng các doanh nghiệp vẫn “cháy hàng” ngay trong ngày đầu tiên. Bột giặt Omo là sản phẩm hấp dẫn khách nhất. Về hàng đồ gia dụng, bếp ga sản phẩm của Sunhouse do Công ty TNHH Thanh Phong cung cấp đã chinh phục người tiêu dùng vùng này bởi giá cả rẻ hơn nhiều so với các cửa hàng tại địa bàn huyện. Các sản phẩm của Công ty TNHH Thịnh Đạt như: dầu ăn, mì gói, sữa… cũng thu hút nhiều khách hàng.

Trong 3 ngày diễn ra phiên chợ, doanh số bán hàng đạt 510.400.000 đồng, giá trị hàng khuyến mãi trị giá 76.800.000 đồng, đây là mức doanh thu và giá trị hàng khuyến mãi cao nhất trong suốt 4 năm qua kể từ khi Sở Công thương phát động phong trào đưa hàng Việt về nông thôn. Với kết quả này, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đặt kỳ vọng vào thị trường nông thôn, lấy lại niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng Việt Nam.

 

Ảnh: Huy Hoàng
Ảnh: Huy Hoàng

Cũng trong phiên chợ lần này, ngoài hoạt động giới thiệu, bán hàng nhằm quảng bá hình ảnh hàng Việt đến người tiêu dùng tại huyện Kbang, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại (Sở Công thương) còn phối hợp với nhiều doanh nghiệp kết nối tiểu thương, tìm kiếm đại lý cấp 2 cho một số công ty như Công ty TNHH Thùy Dương, Công ty TNHH Thương mại Thành Phát (bia Dung Quất)...

Trong phiên chợ này, doanh nghiệp còn tư vấn hướng dẫn cho người dân huyện Kbang sử dụng sản phẩm chất lượng khi tham gia giao thông như chương trình đổi mũ bảo hiểm kém chất lượng lấy mũ bảo hiểm đạt chất lượng (có trợ giá).

Theo nhận định của các doanh nghiệp tham gia nhiều chương trình đưa hàng Việt về nông thôn do Sở Công thương phát động, đây là một phiên chợ thành công nhất và có nhiều đơn vị tham gia nhất so với trước đây. Tuy vậy, phần lớn doanh nghiệp tham gia chương trình đều thuộc diện vừa và nhỏ. Mặt khác, dù có điều kiện để tiếp cận các nhà bán lẻ, các tiểu thương tại địa phương, nhưng do những khó khăn chung của nền kinh tế, doanh nghiệp chưa kết nối thường xuyên với các nhà phân phối để duy trì ổn định các mặt hàng có kèm sản phẩm khuyến mãi.

Hơn nữa, vì đây là thị trường có sức mua thấp hơn những thành phố lớn, việc xây dựng mạng lưới phân phối tốn kém, chi phí vận chuyển cao nên để đồng hành liên tục với chương trình hàng Việt về nông thôn thì doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn về chi phí.

Ông Ngô Tấn Giác- Giám đốc Công ty cổ phần Cà phê Thu Hà cho biết: “Đồng hành cùng với chương trình hàng Việt về nông thôn này từ năm 2010 đến nay, doanh nghiệp không hề sinh lời vào những chuyến bán hàng ngắn ngày, mặc dù Sở Công thương đã tài trợ nhiều trong khâu tổ chức, mỗi phiên chợ doanh nghiệp tham gia phải bỏ ra nhiều chi phí như chi phí bán hàng, chi phí ăn ở của nhân viên, chi phí khuyến mãi và một số chi phí không tên khác…”. Tuy vậy, cũng theo ông Giác, chúng tôi quyết định đăng ký tham gia tất cả các chương trình do Sở Công thương phát động trong nhiều năm qua.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện Ban tổ chức của chương trình hàng Việt về nông thôn cho biết sẽ cố gắng tạo mọi điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ từ phía các ngành chức năng, giúp doanh nghiệp xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm qua các đại lý, cửa hàng ở từng địa bàn để các nhà phân phối thấy hết vai trò quan trọng của các tiểu thương trong việc giới thiệu sản phẩm thông qua chương trình bán hàng trực tiếp do Sở Công thương phát động.

Ban tổ chức hy vọng các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng hệ thống phân phối, giữ vững thị trường, giới thiệu sản phẩm để nâng cao thương hiệu, huấn luyện kỹ năng bán hàng cho các tiểu thương tại địa phương, tổ chức giao lưu với người tiêu dùng… nhằm tạo uy tín cho sản phẩm của mình tại thị trường nông thôn.

Huy Hoàng

Có thể bạn quan tâm

Có CEO mới, cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai vẫn bị bán tháo

Có CEO mới, cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai vẫn bị bán tháo

Nhóm bất động sản trở thành “công thần” giúp VN-Index đảo chiều, đóng cửa phiên hôm 24/7 lấy lại sắc xanh. Các mã nhỏ, vừa có mức hồi phục tốt hơn nhóm bluechip (vốn hoá lớn). Tuy nhiên, QCG của Quốc Cường Gia Lai vẫn bị bán tháo, bước sang phiên thứ 4 liên tiếp giảm sàn.
Tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 207,25 tỷ USD

Tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 207,25 tỷ USD

(GLO)- Theo Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến 15-7, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 207,25 tỷ USD, tăng 15,19% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng thêm 27,33 tỷ USD). Trong đó, có 4 thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu từ 10 tỷ USD trở lên.