(GLO)- Năm ngoái, sau hơn 40 năm, thầy tôi trở lại Pleiku. Bên ly cà phê, thầy trò đã tóc bạc như nhau, thầy bảo tiếc nhất 3 cái đã không còn hoặc dần nhạt phai, trong đó có cây thông trên hầu hết các lề đường của Phố núi thời xa xưa ấy. Hôm nay đi ngang qua mấy tuyến đường đang được trồng cây vỉa hè, người ta vẫn chọn sao, dầu…, những loài đại mộc đặc trưng của miền Đông Nam bộ, lòng chợt ái ngại cho số phận thăng trầm của thông ba lá, loài cây đã được xem là biểu tượng thực vật của Pleiku.
Thành phố này đã từng có hệ thống cây đô thị với ưu thế là thông ba lá và long não, điểm xuyết thêm ít phượng vĩ, điệp vàng, bằng lăng tím... May lắm! Vẫn còn cái khoảng xanh ấy ở khu vực bây giờ là trụ sở Tỉnh ủy và trụ sở UBND tỉnh. Hồi đó thông hiện diện dày dặc kéo dài từ đường Hai Bà Trưng, biệt điện qua khu tạo tác (Công ty Xăng dầu Bắc Tây Nguyên) đến đường Trần Hưng Đạo tạo nên cảnh quan rất đẹp cho đến chùa Hộ Quốc (Bảo tàng Cổ vật tỉnh). Nét đẹp lãng mạn của Phố núi có phần đóng góp chính của tán cây đô thị này. Ai quên được cái cảm giác chân trần bước trên thảm lá kim ấy, thoải mái nằm dài để mặc ngọn lá kim đâm nhè nhẹ qua lưng áo, rất thú vị. Pleiku ngày ấy nhờ thông mà có “mùi” riêng, thoảng thơm của dầu thông, ngai ngái của tùng hương (là 2 sản phẩm sau khi chưng cất nhựa).
Trước đây, nhiều đường phố ở Pleiku còn rợp bóng thông xanh. Ảnh: N.S |
Khoảng thời gian giao mùa Thu Đông, thông đâm chồi xanh mượt, hệt như chùm nến đang chuẩn bị đón một Noel lạnh giá đang đến, chợt nhớ đến “ngàn cây thắp nến lên hai hàng” của Trịnh Công Sơn. Không gian ấy, cảnh quan ấy, hương vị ấy há chẳng làm thêm cảm giác xao xuyến của đôi tình nhân đang chậm bước bên nhau dưới tán cây bên đường? Lại nhớ ông Vũ Hữu Định khi vẽ “chân dung” Pleiku bằng ngôn từ trong “Còn chút gì để nhớ” chẳng hề nhắc đến cụ thể, nhưng “buổi chiều quanh năm mùa đông” và “má đỏ môi hồng” liệu không có thông đã dễ thành đặc sản của Phố núi!
Những năm cuối thập niên 70 thế kỷ trước, khó khăn thiếu thốn trăm bề, phong trào sản xuất tự cung tự cấp cứ vậy mà phát triển, chẳng cần phải tuyên truyền, vận động, từng mét vuông đất được tận dụng, thông Pleiku bị bức tử hàng loạt chỉ nhằm mở trời cho luống lang, hàng bắp có nắng mà quang hợp. Quá trình phát triển đô thị cũng triệt hạ không ít bóng cây bên đường để mở rộng, nâng cấp. Ngẫu nhiên hay vô tình mà người Pleiku xưa đã có sự chọn lựa cây cho mảng xanh thành phố như thế. Thông ba lá (tên khoa học là Pinus keysia) là cây bản địa của cao nguyên Pleiku cùng với Langbian (Đà Lạt). Ngoài việc cho gỗ và nhựa, cây này cùng loài long não đứng đầu danh sách các loài thực vật tác động tích cực đến môi trường sống khi chúng có khả năng thanh lọc không khí và cải thiện khí hậu rất độc đáo. Chẳng thế mà các khu nghỉ dưỡng nổi tiếng thường gắn liền với quần thể thông các loài.
Pleiku cũng tích cực lắm trong việc trồng mới, trả lại mảng xanh đã mất, nhưng lạ một điều, không phải thông mà là bàng, hoa sữa, viết, bằng lăng, dầu, sao... đã được chọn. Có lẽ người ta thích thú khi biến Pleiku thành vườn sưu tập thực vật của cả nước. Bàng và hoa sữa là sự chọn lựa tệ hại nhất. May thay, vài năm cuối của thập niên trước, ai đó đã ra lệnh “khai tử” bàng, thay thế bằng thông ba lá. Tiếc là trồng thông bằng cây lớn bộ rễ không vững khi lớn đã gãy đổ. Người ta lại quy hoạch cây xanh cho Pleiku sau đó, nhưng thông cũng chỉ là một trong số rất nhiều loài cây được đưa vào quy hoạch chứ không có chuyện thông được… trao đặc quyền, được chiếm ưu thế trên đường phố như trước. Ừ, nhưng biết đâu có ngày thông lại “có chỗ đứng”, cứ hy vọng vậy đi...
Nguyễn Sơn