Thăng trầm cây mía - Kỳ 1: Liên tiếp những vụ "mía đắng"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lời Tòa soạn: Mía là một trong những cây trồng chủ lực ở các huyện phía Đông và Đông Nam tỉnh trong những năm qua. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, do ảnh hưởng của hội nhập, giá đường, giá mía nguyên liệu giảm mạnh cộng với tình hình sâu bệnh, hạn hán… khiến đời sống người trồng mía lao đao; nhiều hộ ồ ạt chặt bỏ mía để chuyển sang các loại cây trồng khác. Hướng đi nào cho người trồng mía đang là câu hỏi đặt ra cho ngành Nông nghiệp tỉnh ta hiện nay. 
Mía từng là cây trồng đem lại “vị ngọt” cho cuộc sống của nông dân các huyện phía Đông và Đông Nam tỉnh, không những góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn đem lại sự 
sung túc. Tuy nhiên, những năm gần đây, nông dân liên tiếp đối mặt với những vụ “mía đắng” do giá cả xuống thấp và tình hình hạn hán, dịch bệnh trên cây mía. 
Thời “hoàng kim”
Những ngày cuối tháng 6, trong cái nắng oi bức của mùa hè, chúng tôi tìm đến xã Ia Sol (huyện Phú Thiện)-vùng đất đầu tiên của khu vực phía Đông Nam tỉnh bén duyên với cây mía. Trong đó, nông dân thôn Thắng Lợi 4 chính là những người đi tiên phong đem cây mía về trồng nơi đây từ những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, sau đó trở thành vùng nguyên liệu chính của Nhà máy Đường Ayun Pa với diện tích hơn 600 ha.
Gần 20 năm gắn bó với cây mía, ông Trần Văn Tạm (74 tuổi, thôn Thắng Lợi 4) còn nhớ như in những vụ “mía ngọt” từng đem lại cuộc sống sung túc cho gia đình ông. Trong ngôi nhà khang trang và đầy đủ tiện nghi được xây dựng cách đây hơn chục năm, ông Tạm nhớ lại thời “hoàng kim” của cây mía: “Khi ấy, hầu hết người dân trong thôn đều trồng mía, nhà trồng ít cũng từ 1 ha trở lên, nhà nhiều thì trên chục héc ta. Nhờ đất đai màu mỡ, khí hậu thuận lợi nên cây mía ở đây phát triển rất tốt, năng suất trung bình đạt trên 80 tấn/ha cộng với giá cả cao và ổn định nên đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt qua từng năm. Người dân chỉ cần trồng xuống là có lãi, chỉ sau vài năm là có tiền xây nhà. Với hơn 5 ha mía, mỗi năm gia đình tôi lãi trên dưới 300 triệu đồng và chỉ sau 3 năm thì xây được ngôi nhà này”.
Từ chỗ là một trong những cây trồng chủ lực, cây mía đang dần bị người dân quay lưng. Ảnh: N.S
Từ chỗ là một trong những cây trồng chủ lực, cây mía đang dần bị người dân quay lưng. Ảnh: N.S
Tương tự, cây mía cũng từng là một trong những cây trồng góp phần đem lại thu nhập ổn định cho nông dân huyện Kông Chro, từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn. Ông Nguyễn Văn Thanh (thôn 6, xã An Trung) cho hay, đời sống gia đình ông đổi thay nhanh chóng từ khi chuyển sang trồng mía. “Mía là cây trồng chịu hạn tốt nên rất phù hợp với vùng đất thường xuyên xảy ra hạn hán nơi đây. Thêm vào đó, đầu ra của cây mía cũng ổn định hơn các cây trồng khác, được Nhà máy Đường An Khê ký hợp đồng đầu tư và thu mua sản phẩm. Từ khi chuyển sang trồng mía thì thu nhập của gia đình rất ổn định, với 6 ha mía mỗi năm gia đình tôi thu lãi trên 300 triệu đồng”-ông Thanh cho biết.
Chính vì thế mà diện tích mía tại các huyện phía Đông và Đông Nam không ngừng tăng mạnh qua từng năm, vượt xa so với quy hoạch của các địa phương. Cụ thể, theo thống kê, niên vụ mía 2017-2018, các địa phương có diện tích mía vượt cao so với quy hoạch gồm: huyện Kông Chro 7.556 ha/1.200 ha, Kbang 10.668 ha/7.610 ha, Đak Pơ 8.399 ha/6.270 ha, thị xã An Khê 3.383 ha/2.920 ha, Phú Thiện 4.232 ha/3.395 ha... Tổng diện tích mía toàn tỉnh niên vụ mía 2017-2018 là hơn 42.000 ha, vượt xa so với quy hoạch của tỉnh theo Quyết định số 681/QĐ-UBND ngày 7-10-2010 của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch trồng trọt gắn với công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh đến năm 2015, tầm nhìn 2020 là 25.000 ha.
Và những rủi ro
Cũng vì ồ ạt chuyển đổi sang trồng mía không theo quy hoạch, không gắn với vùng nguyên liệu của các nhà máy cộng với ảnh hưởng của quá trình hội nhập nên giá mía nguyên liệu liên tiếp giảm mạnh thời gian qua. Cụ thể, trong 2 niên vụ mía gần đây, giá mía giảm khá sâu, dao động khoảng trên dưới 700 ngàn đồng/tấn/10 chữ đường, giảm 20-30% so với những niên vụ trước. 
Việc phát triển cây mì ồ ạt như hiện nay thì nguy cơ tiếp tục giải cứu có thể xảy ra. Ảnh: Q.T
Việc phát triển cây mì ồ ạt như hiện nay thì nguy cơ tiếp tục giải cứu có thể xảy ra. Ảnh: Q.T
Gia đình bà Nguyễn Thị Bắc (thôn 1, xã Hà Tam, huyện Đak Pơ) từng ăn nên làm ra với cây mía. Có thời điểm gia đình bà sở hữu đến 15 ha mía cùng 3 xe tải nhận thu mua, vận chuyển mía cho nhà máy. Nhưng 3 năm trở lại đây, giá mía liên tục giảm sâu, thu không đủ bù đắp chi phí khiến bà không thể tiếp tục đầu tư. “Trong khi giá mía nguyên liệu giảm mạnh thì các khoản chi phí đầu vào như phân bón, công chăm sóc, công thu hoạch... lại tăng dần qua các năm. Điều này đã khiến người trồng mía như chúng tôi rơi vào tình cảnh khó khăn. Dù gia đình tôi có xe vận chuyển nhưng gia đình tôi vẫn lỗ 2-5 triệu đồng/ha”-bà Bắc nói.
Không những gặp khó khăn do giá cả xuống thấp, người trồng mía hiện nay còn đối mặt với tình trạng bệnh trắng lá mía đang có xu hướng tăng mạnh ở hầu hết các địa phương. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, mía bị nhiễm bệnh trắng lá ngày càng gia tăng cả về diện tích và số địa phương có mía bị nhiễm. Cụ thể, năm 2017, diện tích nhiễm bệnh trắng lá mía trên địa bàn toàn tỉnh là 836 ha (chủ yếu là ở các huyện phía Đông Nam tỉnh như huyện Ia Pa 712,4 ha, Phú Thiện 74,7 ha, thị xã Ayun Pa 28 ha). Đến cuối năm 2018, tổng diện tích mía bị nhiễm bệnh trắng lá đã tăng lên hơn 2.000 ha và đã lây lan ra toàn bộ các huyện, thị xã phía Đông và Đông Nam, trong đó Ia Pa vẫn là huyện có diện tích nhiễm bệnh cao nhất với hơn 1.200 ha, Phú Thiện gần 500 ha, Đak Pơ gần 100 ha, Kông Chro hơn 73 ha...
Cùng với đó là việc thu mua của các nhà máy đường trên địa bàn còn tồn tại nhiều bất cập. Anh Đinh Quốc Thủy (thôn Kim Năng, xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa) cho hay: “Nếu như năm đầu, với 2 ha mía gia đình tôi thu được khoảng 150 tấn thì đến niên vụ này (niên vụ mía 2018-2019), phần lớn diện tích bị nhiễm bệnh trắng lá mía nên chỉ thu được hơn 70 tấn. Chưa kể, muốn mía của mình được chặt sớm thì phải “lót tay” để được các kiểm soát viên của nhà máy xếp lịch chặt; phiếu tính tiền không rõ ràng (ví dụ trừ bao nhiêu tạp chất, trừ bao nhiêu tiền công…), nhà máy muốn trừ bao nhiêu thì trừ nên người dân chúng tôi rất bức xúc”.
Tương tự, ông Trần Văn Tạm (thôn Thắng Lợi 4, xã Ia Sol) cũng khá bức xúc với chính sách thu mua còn nhiều bất cập của nhà máy. “Muốn có lịch chặt thì phải chạy theo “o bế” mấy anh kiểm soát viên, lái xe và phải “bồi dưỡng” cho họ mới được ưu tiên chặt trước. Cũng chính vì vậy nên việc phân chia lịch chặt của nhà máy cũng không hợp lý, mùa khô thì chặt trên cao còn mùa mưa thì chặt dưới thấp, thậm chí nhiều rẫy mía già trổ cờ, khô cháy mà vẫn không được chặt trước. Hầu như năm nào mía của gia đình tôi cũng bị cháy, gây thiệt hại lớn”-ông Tạm nói.
Trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy vào đầu tháng 3-2019, Bí thư Huyện ủy Kbang Trương Văn Đạt cũng cho rằng, việc đo chữ đường của nhà máy đường là “có vấn đề”. Sở Nông nghiệp và PTNT cần kiểm tra, đánh giá lại vấn đề này, không thể trên cùng một ruộng mía 3 ha mà có tới 3 chữ đường khác nhau như phản ánh của người dân trong các buổi tiếp xúc cử tri tại địa bàn.
Việc giá mía giảm mạnh trong những năm qua khiến nông dân không có lãi, thậm chí thua lỗ. Điều này khiến không ít người trồng mía trên địa bàn tỉnh chọn giải pháp chặt bỏ cây mía để chuyển sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.
 QUANG TẤN-NGỌC SANG

Có thể bạn quan tâm

Hào hùng một thời hoa lửa

Hào hùng một thời hoa lửa

“Trưa 2/4/1975, thanh niên sinh viên học sinh (TNSVHS) nội thành chiếm rạp hát Hòa Bình (Đà Lạt), treo lá cờ Mặt trận Giải phóng và băng rôn “Hoan hô Quân Giải phóng miền Nam” lên nóc rạp hát.

Mùa vàng dưới những rặng cây

Mùa vàng dưới những rặng cây

Những quả cây vàng ươm rụng xuống nằm lổn nhổn dưới rừng cây đã đến mùa thu hoạch. Từng đoàn người lụm cụm nhặt lấy phần hạt tinh túy nhất mang về cho chủ vườn, đưa vào các nhà máy, chế biến thành loại hạt giá trị cao cung ứng cho thị trường khắp thế giới.

Xanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối: Vươn mình trong kỷ nguyên mới

(GLO)- 50 năm sau ngày giải phóng, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, vùng đất “nóc nhà” của Đông Dương chuyển mình mạnh mẽ. Bước vào giai đoạn mới, vùng Tây Nguyên đang đứng trước vận hội mới, phát huy lợi thế vươn lên cùng đất nước.

Các dự án triển khai dang dở, kéo dài (trong ảnh là đoạn đường cụt giữa TP. Gia Nghĩa do vướng mặt bằng) làm lãng phí nguồn lực đầu tư công

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 4: Gia Lai ngày ấy, bây giờ...

(GLO)- Sau ngày giải phóng năm 1975, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã cùng chung sức, kiến thiết lại quê hương từ đống hoang tàn của chiến tranh. Đến nay Gia Lai đã vươn mình phát triển mạnh mẽ, từ đô thị đến nông thôn khoác lên mình màu áo khang trang. 

Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Chuyện đời mẹ liệt sĩ 115 tuổi

Năm nay, cụ Nguyễn Thị Tý ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã sống hơn trăm năm có lẻ, mà phần “lẻ” ấy lại không hề nhỏ tẹo nào. Ở tuổi 115, cụ hiện vẫn khỏe mạnh bên các con và 23 cháu, 43 chắt và 14 chút nội, ngoại…

Xanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2

E-magazineXanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2: Buôn Ma Thuột từ hoang phế vươn lên thủ phủ Tây Nguyên

(GLO)- Nếu chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh ( năm 1972) xoay chuyển cục diện chiến trường Tây Nguyên thì chiến thắng Buôn Ma Thuột đánh sập “tử huyệt” của địch, mở ra Chiến dịch Hồ Chí Minh để Bắc-Nam sum họp một nhà. Từ một thị xã hoang phế, Buôn Ma Thuột ngày nay xứng đáng là thủ phủ Tây Nguyên

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Từ bao đời nay, với người dân trên đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), mỗi khi có người thân gặp nạn ngoài biển mà không tìm thấy xác, gia đình họ sẽ tìm đến “pháp sư” nhờ nặn một “hình nhân thế mạng” bằng đất sét, thực hiện nghi lễ chiêu hồn, nhập cốt rồi mang đi chôn như người quá cố.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 5: Chuyện về người chiến sĩ nhiều lần cảm tử, góp công giải phóng miền Nam

Phải hẹn rất nhiều lần, tôi mới gặp được người cựu chiến binh, Đại uý Nguyễn Đức Trọng (SN 1956, quê quán xã Long Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, người góp công cùng đồng đội tham gia giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.