Mía đắng Krông Pa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, doanh nghiệp từng bước cài những điều có lợi, những khoản lãi “cắt cổ” vào hợp đồng. Khi nông dân chịu không thấu những thủ đoạn chơi xấu của doanh nghiệp thì cũng là lúc họ bị thưa kiện khi ra tòa…   

Xóa đói hay tăng nghèo?

Ông Huỳnh Bá Xuân (55 tuổi, trú xã Ia Mlah, huyện Krông Pa) kể: Đầu năm 2011, Công ty TNHH Thương mại-Chế biến Nông-Lâm sản đường Vạn Phát (sau đây gọi tắt là Vạn Phát) do bà Bùi Thị Quy làm Giám đốc (trụ sở chính ở Tuy Hòa, Phú Yên) quảng bá về triển vọng xóa đói giảm nghèo, làm giàu từ cây mía do vùng nguyên liệu ở đây mang lại. Lúc đó, dân ở đây chỉ quen canh tác các loại nông sản như: thuốc lá, điều, lúa, mì… với thu nhập bấp bênh nên nông dân quyết định chuyển đổi cây trồng. Theo ông Xuân, đã có gần 400 hộ nông dân ở huyện Krông Pa ký hợp đồng trồng mía với Vạn Phát (mỗi hộ 2-12 ha), bản thân ông thì làm 8 ha (3 vụ, từ năm 2011 đến năm 2014).

 

  Ông Hoàng bên đám mía còn lại.  Ảnh: Ngọc Linh
Ông Hoàng bên đám mía còn lại. Ảnh: Ngọc Linh

Theo hợp đồng, cuối mùa vụ, nông dân phải bán 50 tấn mía/ha cho Vạn Phát. Phía Vạn Phát có nghĩa vụ cung cấp giống, phân bón, tiền (tổng cộng 18 triệu đồng/ha) đúng thời vụ cho nông dân. Trong niên vụ đầu tiên, ông Xuân chỉ thu được tổng cộng 500 tấn mía/8 ha. Với số mía trên, ông Xuân cho rằng bị lỗ nặng bởi phải thu được 70 tấn/ha thì mới đạt mức hòa vốn. “Sở dĩ năng suất thấp là vì Vạn Phát cấp loại giống không rõ nguồn gốc, bị sâu bệnh, phân bón và tiền đầu tư thì cấp chậm gần nửa năm so với vụ mùa. Việc này đã được chúng tôi phản ánh nhiều lần nhưng không thấy ai quan tâm, giải quyết”-ông Xuân phản ánh. Điều làm ông Xuân đau đớn nhất đó chính là bên A (Vạn Phát) đã lật lọng theo cách không ai ngờ tới. Theo quy trình, trước khi đốn mía, cán bộ của Vạn Phát đo trữ đường, thấy đạt thì mới phát lệnh đốn. Khi có lệnh này, ông Xuân đã huy động nhân công đốn tất cả sản phẩm trên rẫy. Vạn Phát cho xe vận chuyển được 360 tấn về nhà máy rồi dừng lại một cách khó hiểu. Ông Xuân đã nhiều lần liên lạc yêu cầu cho xe lên chở nốt số mía nhưng Vạn Phát cứ phớt lờ. Quá sốt ruột vì hơn trăm tấn mía bị phơi dưới cái nắng hầm hập đã nhiều ngày và áp lực bị đòi tiền công đốn mía, ông Xuân đã liên hệ bán cho nhà máy khác. Lúc này, người của Vạn Phát cùng với cơ quan chức năng huyện Krông Pa ập đến, lập biên bản ông Xuân vi phạm hợp đồng, phong tỏa số mía nguyên liệu. Sau đó, ông Xuân bị Vạn Phát khởi kiện ra tòa yêu cầu trả tiền nợ đầu tư và tiền phạt vi phạm hợp đồng (189,5 triệu đồng).

Cũng bị chơi xấu với thủ đoạn tương tự là ông Kpă Bin (46 tuổi, trú xã Ia Mlah), ông bị Vạn Phát thưa kiện đòi nợ hơn 82 triệu đồng cho 4 ha mía trong niên vụ 2013-2014. Trớ trêu nhất là trường hợp ông Nguyễn Văn Hoàng (45 tuổi, trú thị trấn Phú Túc), từ đầu chí cuối ông này luôn tuân thủ hợp đồng song kết cục vẫn bị thưa ra tòa đòi nợ 491 triệu đồng. Ông Hoàng kể, ông ký hợp đồng trồng 8 ha mía trong 3 vụ (2011-2014). Niên vụ 2011-2012, 8 ha mía của ông Hoàng chỉ thu được gần 200 tấn. Nguyên nhân của việc năng suất mía kém ông Hoàng cho rằng do Vạn Phát cấp giống không đạt chất lượng (biên bản do Hội Nông dân chứng kiến), phân bón thì phát chậm lại không đúng chủng loại. Lúc này, đứng trước áp lực bị đòi nợ từ chủ cho thuê đất, ông Hoàng đã gặp bà Quy để vay tiền. Bà Quy đã yêu cầu ông Hoàng thế chấp 2 bìa đỏ của 2 ha đất do vợ chồng ông sở hữu thì mới cho vay. Khi vợ chồng ông Hoàng giao xong bìa đỏ thì bà Quy lờ luôn chuyện cho mượn tiền. Qua niên vụ 2012-2013, tình hình cũng chẳng khá hơn, ông Hoàng chỉ sản xuất được 58 tấn mía nguyên liệu. Vụ mùa 2013-2014, Vạn Phát dừng đầu tư, âm thầm hợp thức hóa chứng từ, hồ sơ khởi kiện đòi nợ ông Hoàng.  

Bần cùng hóa nông dân?

 

Ảnh: Ngọc Linh
Ảnh: Ngọc Linh

Theo các nông dân, ngay từ khi bắt đầu, Vạn Phát đã thể hiện sự “léo lận”. Cụ thể, Vạn Phát tính giá mía giống (không rõ nguồn gốc) cấp cho nông dân là từ 1.100 đồng đến 1.200 đồng/kg, trong khi giá mía giống Thái Lan chất lượng cao trên thị trường lúc bấy giờ chỉ 900 đồng/kg. Phân bón thì chỉ là loại phân hữu cơ Vedan cấp với giá 730.000 đồng/bao 50 kg (giá thị trường lúc bấy giờ chỉ có giá 610.000 đồng). Toàn bộ tiền đầu tư như giống, phân bón và tiền mặt đều được Vạn Phát tính lãi suất từ 1,7% đến 2%/tháng.

Khi đến vụ thu hoạch, doanh nghiệp này thu mua theo kiểu ép giá. Thời điểm đó, giá thị trường là 900 đồng/kg mía nguyên liệu thì Vạn Phát chỉ thu với giá 850 đồng/kg (đối với mía đạt từ 9 CCS trở lên). Đó là chưa kể, Vạn Phát trừ tạp chất rất cao (từ 10% đến 17%) khiến trữ đường mía của nông dân nhiều khi chỉ còn 6 CCS. Ngay cả tài xế chở mía cho Vạn Phát cũng là những tay trục lợi có hạng. Họ chỉ đậu xe trên đường cái, muốn xe xuống ruộng thì nông dân phải chung chi 200.000 đồng/xe và mỗi tấn mía phải “nộp” thêm 60.000 đồng. Và nếu lượng mía trên ruộng không đủ cho một chuyến xe thì dù có kêu khản cổ cánh tài xế cũng ngó lơ. “Chúng tôi đầu tắt mặt tối trên rẫy, mồ hôi nước mắt thấm đẫm với cây mía thế nhưng từ lúc chẳng nợ nần gì ai giờ thì mang nợ đầy đầu. Gọi là cây giúp xóa đói giảm nghèo nhưng thực ra là… bần cùng hóa nông dân thì đúng hơn”-ông Hoàng bức xúc.   

Ngọc Linh

Có thể bạn quan tâm

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.
Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

(GLO)- Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, Ngày Sách và bản quyền thế giới, sáng 22-4, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Phú Túc) tổ chức Ngày hội đọc sách năm 2024 với chủ đề “Sách-Hành trang trí thức”.
Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

(GLO)- Tại khu vực xung quanh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là ở TP. Pleiku có nhiều hàng rong, hàng quán vỉa hè bán đồ ăn uống không có nhãn mác, nguồn gốc. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

(GLO)- Những ngày nắng nóng tháng 4, dọc ven hồ Ayun Hạ thuộc địa phận xã Ayun, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), đông đảo người dân lại kéo nhau ra cào hến, bắt cá, tép, vừa cải thiện bữa ăn, vừa bán để kiếm thêm thu nhập.
Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

(GLO)- “Cứ việc gì đem lại lợi ích cho bà con thì làm thôi”-một câu nói nhẹ tênh nhưng thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng của ông Trần Đình Bông (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai).