Tham nhũng, lãng phí "biến hình" và những con số… biết nói

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội vừa cho biết con số thống kê về lãng phí trong lĩnh vực công giai đoạn 2016-2021. Theo đó, phát hiện và xử lý 12.640 vụ vi phạm các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ; lập dự toán sai chế độ, sai đối tượng, sai tiêu chuẩn định mức gần 2.553 tỉ đồng.

Trong 6 năm, từ 2016 đến 2021 phát hiện có 3.845 cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước lãng phí, sai chế độ với số tiền 883,2 tỉ đồng; có 8.580 dự án thực hiện chậm tiến độ; các dự án hoàn thành không sử dụng được hoặc có vi phạm pháp luật bị đình chỉ, hủy bỏ là 78.285 dự án…

Những con số thống kê trên không hề nhỏ, qua đó mới thấy, tham nhũng, lãng phí gây hậu quả khủng khiếp như thế nào đối với sự phát triển của đất nước và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Điển hình mới đây nhất là vụ việc liên quan đến kit test xét nghiệm của Công ty Việt Á, mặc dù đang trong quá trình điều tra mở rộng nhưng hàng chục lãnh đạo, cán bộ, doanh nhân, tướng tá đã vướng vòng lao lý với số tiền “hoa hồng” rất lớn; rồi hoàng loạt cán bộ cấp cao “vào lò”, hàng loạt lãnh đạo địa phương đứng trước vành móng ngựa…

Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI nêu rõ, “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”.

Đến Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII một lần nữa khẳng định, “tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước.”

Theo đánh giá chung, hành vi tham nhũng, tiêu cực rất đa dạng, phức tạp và biến tướng ngày càng tinh vi, khó phát hiện.

Nếu như trước đây, tham nhũng chỉ đơn giản là hành vi “ăn cắp vặt”, nhận “phong bì”, lợi ích vật chất nhỏ, tính chất riêng lẻ, đơn giản, manh mún, thì nay tham nhũng đã “biến hình”; khoản tiền tham nhũng ngày càng lớn hơn, hành vi có tính cấu kết, nhiều vụ có tổ chức, có biểu hiện “nhóm lợi ích”, “lợi ích nhóm” ngày càng chặt chẽ, khép kín, có sức mạnh “lũng đoạn” các quyết sách của cả tập thể, tổ chức.

Chính vì vậy, việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực, hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực đóng vai trò rất quan trọng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “công tác phòng, chống tham nhũng vẫn không ngừng, không nghỉ, thậm chí ngày càng quyết liệt hơn, ngày càng có hiệu quả cao hơn và thêm nhiều bài học quý, nhiều kinh nghiệm tốt hơn… Thời gian tới phải làm mạnh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, không ngừng, không nghỉ và chỉ có tiến lên… Đây là vì sự nghiệp chung, không thể không làm, cắt một vài cành sâu để cứu cả cây, làm rất quyết liệt, nhưng nhân văn, nhân đạo, rất có lý, có tình, tâm phục, khẩu phục... Nhiệm vụ sắp tới còn nặng nề, khó khăn, không được chủ quan và mong mỏi của nhân dân vẫn là phải tiếp tục cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng không được dừng”...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã nhấn mạnh, thực trạng lãng phí trong các cơ quan nhà nước và trong xã hội còn rất nghiêm trọng. Tham nhũng, lãng phí biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, vẫn chưa được khắc phục triệt để, có mặt còn diễn biến nghiêm trọng hơn.

Chính vì vậy, việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh theo chủ trương của Bộ Chính trị là một quyết định đúng đắn, kịp thời, qua đó tạo sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương và kỳ vọng sẽ khắc phục được tình trạng “trên nóng dưới lạnh”; thể hiện quyết tâm đấu tranh phòng, chống “giặc nội xâm”, chống lợi ích nhóm, chống những biểu hiện suy thoái, tham nhũng ở địa phương.

Dân tin, với quyết tâm đó nạn tham nhũng, lãng phí sẽ từng bước bị đẩy lùi, để không còn phải xót xa về “những con số biết nói”.


https://laodong.vn/ban-doc/tham-nhung-lang-phi-bien-hinh-va-nhung-con-so-biet-noi-1044760.ldo

Theo LÊ PHI LONG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Niềm vui nhân đôi

Niềm vui nhân đôi

Chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc các trường tiểu học, THCS triển khai dạy học 2 buổi mỗi ngày không thu phí từ năm học 2025 - 2026 thực sự là thông tin mang lại 'niềm vui nhân đôi' với phụ huynh cả nước.

Tháng 5 và hành động quyết liệt

Tháng 5 và hành động quyết liệt

Du lịch đã trở thành điểm sáng vượt trội trong bức tranh kinh tế TPHCM tháng 4 khi chỉ trong 15 ngày (từ ngày 2-4 đến 4-5) đã phục vụ gần 2,7 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 15.700 tỷ đồng, cao gấp đôi doanh thu dịp Tết Ất Tỵ.

Thể chế minh bạch

Thể chế minh bạch

Chính phủ sẽ phải nỗ lực nhiều hơn trong việc xây dựng thể chế, pháp luật nâng cao hiệu quả từ chi tiêu công đến hoạt động kiến tạo để doanh nghiệp phát triển.

Hiệu quả từ tinh gọn bộ máy

Hiệu quả từ tinh gọn bộ máy

Việc triển khai tinh gọn bộ máy đang mang lại nhiều hiệu quả to lớn, cụ thể trong khuôn khổ bài viết này là hiệu quả từ đề xuất chuyển quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu (sổ đỏ) cho người dân về cấp xã của Sở TN-MT TP.HCM.

Người lao động trong kỷ nguyên mới

Người lao động trong kỷ nguyên mới

Báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế từng chỉ ra trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một số ngành nghề sẽ biến mất. Trong đó, những nghề có nguy cơ bị robot thay thế là công nhân nhà máy (44%), nhân viên thu ngân (40%), lái xe taxi (20%), nhân viên chăm sóc khách hàng (18%), phi công (16%)...