Sâm 'quốc bảo' Việt đi về đâu?:

Thâm nhập giới đầu nậu sâm lậu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong vai người mua hàng, phóng viên Thanh Niên đã tiếp cận một số tay buôn sâm Lai Châu có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Trước khi đến Lai Châu, "thủ phủ" của sâm Lai Châu (SLC), chúng tôi đã vào các trang rao bán sâm công khai tràn lan trên mạng. Tiến sĩ Lê Thị Hồng Vân (Trường ĐH Y Dược TP.HCM), người tham gia kiểm định sâm Việt, khẳng định hầu hết sâm bán trên mạng thường được rao là sâm Ngọc Linh (SNL) nhưng với giá cực rẻ thực chất đều là SLC do người Trung Quốc trồng rồi nhập lậu về Việt Nam. Tìm hiểu thêm, chúng tôi xác định điểm tập kết sâm lậu từ Trung Quốc chủ yếu là Lai Châu nên đã lên đường đến tận nơi để thâm nhập thực tế.

Sâm Lai Châu gốc Trung Quốc muốn bao nhiêu cũng có

Sau khi gặp phía Công an H.Phong Thổ, Lai Châu để tìm hiểu về đường đi của SLC người Trung Quốc trồng rồi nhập lậu qua Việt Nam, chúng tôi gọi một ô tô chạy dịch vụ để về TP.Lai Châu. Ngay trên xe này, chúng tôi hỏi ở đây có dễ mua SLC trồng ở Trung Quốc không, thì anh tài xế nhanh nhảu như bắt được mối làm ăn. "Giống SLC trồng ở bên Vân Nam, Trung Quốc nhập lậu về đây giá cực kỳ rẻ. Anh kinh doanh món này thì em lấy hàng cho". Tôi nói cần số lượng lớn để kinh doanh, có thể đáp ứng được không thì anh ta khẳng định: "Muốn bao nhiêu cũng có".

Hoa sâm và sâm Lai Châu nhập lậu từ Trung Quốc. Ảnh: Công an H.Phong Thổ cung cấp

Hoa sâm và sâm Lai Châu nhập lậu từ Trung Quốc. Ảnh: Công an H.Phong Thổ cung cấp

Đến TP.Lai Châu, chúng tôi gặp một cán bộ làm ở Sở NN-PTNT, người từng tham gia kiểm định SLC trên địa bàn tỉnh. Cán bộ này cho tôi hàng loạt địa chỉ Zalo của một số đầu nậu buôn sâm Việt tại đây và khuyến nghị tôi đổi giao diện, nickname trên Zalo của mình để kết nối với họ. Với giao diện mới có nhiều hình ảnh chụp cùng kho rượu sâm Việt, tôi đã thuyết phục được một số chủ vựa buôn bán sâm cho gặp gỡ.

Chủ vựa sâm đầu tiên tôi gặp là một phụ nữ người Dao. Đưa tôi về nhà, người này cho hay ở đây bán đủ các loại SLC gồm sâm trồng, sâm tự nhiên được đem về trồng lại trong vườn của người dân và SLC do người Trung Quốc trồng. "Sâm tự nhiên trồng lại trong vườn giá rất cao. Sâm do chính người dân ở Lai Châu trồng mức giá trung bình, còn SLC do người Trung Quốc trồng thì giá rất rẻ", cô cho biết.

Tôi hỏi SLC do người Trung Quốc trồng giá bao nhiêu một ký, chủ vựa người Dao cho biết tầm vài triệu đồng trở lên. Hỏi tại sao sâm Trung Quốc trồng rẻ thế, thì cô giải thích: "Tiền nào của nấy. Người Trung Quốc trồng theo cách của họ nên củ sâm nhanh to, sản lượng lớn, tầm 3 tuổi trở lên họ đã nhổ bán nên giá rẻ". "Thế nếu mua ngay số lượng lớn sâm Trung Quốc thì có không?", tôi hỏi. Chủ vựa sâm trả lời nguồn hàng sâm Trung Quốc rất nhiều, nhưng hiện nay cô không trữ sẵn, nếu muốn mua thì đặt hàng.

Tôi gọi điện qua Zalo với một chủ vựa sâm khác tại Lai Châu có tên là M.L để hỏi mua sâm Trung Quốc. Người này cũng cho biết muốn mua SLC do người dân Kim Bình, Vân Nam (Trung Quốc) trồng thì đợi cô về vì cô đang sang nước bạn để lấy sâm.

Chủ cơ sở trồng sâm Lai Châu cũng bán sâm lậu ?

Cũng từ địa chỉ Zalo mà vị cán bộ ở Sở NN-PTNT tỉnh Lai Châu cung cấp, chúng tôi liên lạc với một người đàn ông bán sâm Việt. Ông lái ô tô đến đón chúng tôi và giới thiệu mình có cơ sở trồng SLC tại địa phương với số lượng cả trăm ngàn cây.

“Sâm Việt” được rao với giá rẻ trên mạng đều là sâm lậu

“Sâm Việt” được rao với giá rẻ trên mạng đều là sâm lậu

Trên đường, chúng tôi hỏi có bán SLC do người Trung Quốc trồng rồi nhập đường tiểu ngạch về Việt Nam không thì người này tỏ vẻ thận trọng. Ông nói để hiểu rõ hơn chúng tôi có nhu cầu mua loại sâm nào và mua kinh doanh hay để dùng thì nên vào quán cà phê trao đổi kỹ. Trong quán cà phê, tôi nói mình cần mua tất cả các loại SLC, trong đó có sâm Trung Quốc, thì người này cho biết muốn mua SLC do người Trung Quốc trồng về kinh doanh thì ông có thể tìm nguồn hàng để cung cấp. "Ở đây có 2, 3 loại hàng. Một là hàng trồng có nguồn gốc xuất xứ. Hai là hàng của đồng bào người ta mang về bán. Ba là hàng Tàu. Hàng Tàu thì rẻ, nhưng chất lượng không đảm bảo", người đàn ông này cho hay.

"Đã đến đây thì mình cũng chia sẻ để anh em chọn lựa. Chấp nhận hàng rẻ thì lấy hàng Tàu. Chấp nhận lấy hàng vừa vừa thì lấy hàng của đồng bào trồng. Chấp nhận lấy hàng cơ sở thì giá cao hơn, nhưng cơ sở có thể bảo lãnh viết giấy tờ cho mình", người này nói thêm.

Chúng tôi hỏi giá cả của 3 loại sâm như thế nào thì người đàn ông này cho biết giá chênh lệch nhau rất nhiều. "Hàng sâm trồng tầm 6 năm tuổi của cơ sở ngang ngang tầm SNL đấy, thấp hơn SNL một tí. Khách du lịch đến mua tầm 90 - 100 triệu đồng/kg, khách mua sỉ tầm 40 - 50 triệu đồng thôi", chủ vựa sâm này cho biết. "Vậy SLC do người Trung Quốc trồng giá bao nhiêu?", tôi thăm dò. Ông trả lời nếu mua sỉ thì giá tầm 2,5 triệu đồng/kg.

Chúng tôi hỏi thêm có đảm bảo an toàn khi vận chuyển các loại sâm kể trên hay không thì ông cho biết hiện nay cơ quan chức năng ở đây xử lý rất gắt gao việc buôn bán sâm không rõ nguồn gốc, nhất là sâm Trung Quốc nhập lậu. Cụ thể, sâm của cơ sở sẽ có giấy chứng nhận nguồn gốc của chính quyền xã nên đảm bảo. Riêng sâm mua của người dân chưa được đăng ký cơ sở trồng sâm và sâm có nguồn gốc từ Trung Quốc thì có thể bị bắt. Tuy nhiên, để trấn an chúng tôi, ông chủ vựa sâm nói nhờ có "quan hệ" nên có thể giảm thiểu rủi ro, và nếu lỡ rơi vào tình thế bị cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ lô sâm không rõ nguồn gốc thì người bán sẽ "cưa đôi" tiền. Nghĩa là ông chỉ lấy phân nửa số tiền khách hàng bỏ ra mua sâm.

Loại sâm Lai Châu nhưng chưa được chứng nhận nguồn gốc tại nhà một đầu nậu bán sâm Việt

Loại sâm Lai Châu nhưng chưa được chứng nhận nguồn gốc tại nhà một đầu nậu bán sâm Việt

Rời quán cà phê, chúng tôi đề nghị về kho để xem hàng. Ông chủ này thoái thác với lý do không thể mở kho để lấy các loại sâm cho xem, nhưng đồng ý đưa chúng tôi về nhà xem một số mẫu có sẵn. Tại đây, vợ của ông chỉ đưa cho chúng tôi xem 2 loại sâm và nói đó là sâm trồng và một loại kia là sâm tự nhiên được trồng lại, cả hai đều có xuất xứ ở bản địa Lai Châu. Tuy nhiên, sau khi chúng tôi về thì người vợ ông chủ vựa sâm này gửi qua Zalo tin nhắn ảnh giới thiệu một lô sâm khác. Chúng tôi gửi hình ảnh lô sâm đó cho một người sành sỏi về sâm Việt nhận diện thì người này khẳng định đó đích thị là lô SLC có xuất xứ từ Trung Quốc.

Ông Nguyễn Văn Biển, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lai Châu, cho biết từ năm 2021 đến nay, theo thống kê của các đơn vị trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lai Châu, lực lượng kiểm lâm phối hợp với lực lượng công an đã phát hiện, phối hợp xử lý 22 vụ vi phạm liên quan đến mua bán, vận chuyển, tàng trữ củ, thân, lá SLC, xử phạt số tiền 154,5 triệu đồng, tịch thu 403,1 kg tang vật. Tình hình buôn lậu sâm Lai Châu có xuất xứ từ Trung Quốc đã có chiều hướng giảm so với thời gian trước. Từ đầu năm 2023 đến nay lực lượng kiểm lâm phối hợp với lực lượng công an mới phát hiện 2 vụ mua, tàng trữ sâm Lai Châu trái pháp luật.

(còn tiếp)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.