Thâm nhập "cung đường" gỗ lậu ở Ia Pa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Con đường đầy dốc đá trơn trượt được các đối tượng lâm tặc chọn làm “cung đường” vận chuyển gỗ lậu. Nhiều xe máy, xe công nông độ chế ngày đêm chở gỗ từ trong rừng rồi đưa đến các xưởng trên địa bàn huyện Ia Pa, Gia Lai. Trong khi đó việc xử lý của ngành chức năng nơi đây vẫn chỉ như “muối bỏ bể”.
Theo dấu đoàn xe độ
Trong vai những người đi tìm lan, hái măng, chúng tôi vào rừng trên chiếc xe máy độ chế thuê lại của một thanh niên ở xã Ia Kdăm. Đánh vật với gần chục con suối lởm chởm đá và những con dốc dựng đứng, hơn 2 giờ sau, chúng tôi bắt đầu thâm nhập vào bãi lâm tặc tập kết gỗ để vận chuyển ra ngoài tiêu thụ. Vị trí này thuộc lâm phần do Ban Quản lý Rừng phòng hộ Chư Mố quản lý. Dọc hai bên đường, chúng tôi thấy nhiều bếp củi tạm bợ, lon nước ngọt, đồ hộp, chai nhựa vàng được chế thành bình xăng vứt lăn lóc. Cũng từ đây, chúng tôi chứng kiến hàng chục chiếc xe máy lẫn xe công nông, máy cày độ chế ì ạch chở gỗ ra.
 “Cung đường” vận chuyển gỗ lậu của lâm tặc. Ảnh: KHÁNH TOÀN
“Cung đường” vận chuyển gỗ lậu của lâm tặc. Ảnh: Khánh Toàn
Dừng lại bên này một con dốc đầy đá, chúng tôi nghe tiếng xe công nông độ chế từ bên kia dốc vọng lại. Những chiếc xe này luôn có các đối tượng lâm tặc canh đường bởi trên xe chở số lượng gỗ khá lớn, tầm 5-7 m3/xe. Để đảm bảo an toàn, chúng tôi giấu xe máy vào bụi cây chờ đợi. Chỉ 15 phút sau, 1 đối tượng đi xe máy rà rà phía trước canh đường, xem chừng người lạ. Và 10 phút sau, chiếc xe độ chất đầy những thân gỗ vuông vức phía dưới, bên trên phủ những cây nhỏ ì ạch nhích từng tí một. Để vượt qua những đoạn đường dốc và đầy đá, chiếc xe độ trên lắp cả tời cùng dây cáp ở phía trước và sau.
Tiếp tục đi sâu vào bên trong, nơi được xem là “lãnh địa” của lâm tặc, tập trung rất nhiều xe máy độ chế. Đa phần những chiếc xe máy này do thanh niên người địa phương điều khiển, trên xe chở gỗ căm xe và hương. Trong vai người đi hái lan ngồi nghỉ bên đường, chúng tôi tiếp tục chứng kiến cả chục chiếc xe máy chất đầy các hộp, gốc gỗ đi qua “cung đường” này. Lâm tặc đi qua cũng chỉ liếc nhìn chúng tôi với ánh mắt dò xét rồi tiếp tục ung dung điều khiển xe máy độ chế rời cánh rừng.
Chiếc xe chở gỗ lậu bị hư hỏng bỏ lại bên đường qua xã Ia Kdăm (huyện Ia Pa). Ảnh: KHÁNH TOÀN
Chiếc xe chở gỗ lậu bị hư hỏng bỏ lại bên đường qua xã Ia Kdăm (huyện Ia Pa). Ảnh: Khánh Toàn
Gỗ lậu đi về đâu?
Những ngày thâm nhập cánh rừng, theo dấu đoàn xe độ, chúng tôi dần xác định được đường đi của số gỗ lậu này. Đích đến của chúng là xưởng gỗ nằm ngay trên địa bàn xã Ia Kdăm. Cụ thể, lúc 0 giờ ngày 11-9, phát hiện chiếc xe máy độ chế chở 2 thanh niên, phía sau là một chiếc thùng được độ chế chở đầy gỗ căm xe, hướng theo con đường đất từ trong rừng đi ra, chúng tôi âm thầm bám theo. Băng qua Trạm cửa rừng của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Chư Mố, rồi qua trụ sở UBND xã Ia Kdăm, chiếc xe vẫn không gặp trở ngại nào. Khi vào khúc cua, chiếc xe độ bỗng chết máy dừng lại bên đường. Thấy chúng tôi ở phía sau, 2 thanh niên này liền hoảng hốt bỏ chạy, vứt cả xe và gỗ bên đường.
 Đoàn xe máy độ chế ngang nhiên chở gỗ trong rừng. Ảnh: K.T
Đoàn xe máy độ chế ngang nhiên chở gỗ trong rừng. Ảnh: K.T
Trên chiếc thùng được độ chế đặt phía sau xe của 2 thanh niên này, chúng tôi nhẩm đếm có khoảng 1 m3 gỗ căm xe, hương với đường kính 15-25 cm vuông vức, dài khoảng 0,8-1 m. Đoán chiếc xe trên đang về xưởng, chúng tôi giả vờ bỏ đi. Một lúc sau, nhiều xe máy bất ngờ chạy đến nơi chiếc xe chở gỗ bị chết máy. Sau một hồi dò xét xung quanh, 2 thanh niên quay lại để sửa chiếc xe độ chế. 15 phút sau, chiếc xe lại nổ máy và tiếp tục di chuyển về một xưởng gỗ ở làng Ple 2 (xã Ia Kdăm). Khi cổng xưởng vừa hé mở, chiếc xe máy chở theo thùng gỗ lao nhanh vào bên trong. Lúc này, chúng tôi nhìn đồng hồ đã là 0 giờ 41 phút ngày 11-9.
Đánh liều, chúng tôi chạy thẳng xe vào xưởng gỗ trong sự ngơ ngác của những thanh niên bên trong. Vừa hỏi đủ thứ trên trời vừa bí mật ghi hình, chúng tôi tiếp cận chiếc xe chở gỗ lúc nãy. Nam thanh niên người Jrai đang xếp gỗ từ xe độ chế vào đống gỗ trong xưởng phân bua: “Ô, lúc nãy sợ quá! Tưởng nhà báo chứ, hóa ra không phải. Hôm nay chở được 2 xe rồi đó! Thôi về ngủ, chứ sợ lắm rồi!”. Sau khi thu thập thêm thông tin, chúng tôi rút nhanh ra khỏi xưởng khi một số thanh niên đang gọi điện liên tục cho ai đó.
Ngày hôm sau, chúng tôi đã tìm được thanh niên chở gỗ nói trên. Anh ta tên là N.T. (trú tại xã Ia Kdăm). Sau một hồi trò chuyện, T. mới cho biết: “Hôm đó, mình chở gỗ về xưởng cho ông X.. Một xe như thế, mình được ông X. trả 50.000 đồng, chia nhau mỗi người 25.000 đồng. Mình cực quá mà, vợ mới sinh nữa”. Hôm sau nữa, khi chúng tôi quay lại xưởng gỗ cùng cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Ia Pa, ông X. thừa nhận: “Lâu lâu anh em kiếm vài xe thôi. Anh biết nghề tụi em mà!”.
Ảnh: Khánh Toàn
Ảnh: Khánh Toàn
Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Quang Tuyến-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ia Pa-thừa nhận: “Huyện Ia Pa giáp ranh với nhiều huyện, đặc biệt là giáp ranh với các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Kông Chro, nơi còn giàu tài nguyên rừng. Thế nên, một số đối tượng lợi dụng vào khu vực này để khai thác rồi dùng xe máy, xe công nông độ chế đưa về huyện Ia Pa tiêu thụ”. Điều ông Tuyến nói đã lý giải phần nào về “cung đường” gỗ lậu nườm nượp mà chúng tôi đã ghi nhận. Thế nhưng, điều lạ là “cung đường” này vẫn tồn tại, ngang nhiên hoạt động dù ông Tuyến cho rằng “Đơn vị luôn phối hợp với các lực lượng chức năng cùng các đơn vị vùng giáp ranh tổ chức tuần tra, truy quét”.
Khi chúng tôi phản ánh việc xe chở gỗ trái phép vào xưởng của ông X., ông Tuyến cho rằng, việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Theo ông Tuyến, khi muốn kiểm tra phải có kế hoạch hoặc bắt quả tang hành vi phạm pháp. Lợi dụng điều này, một số cơ sở đã có hành vi tiêu thụ gỗ khai thác trái phép. Nếu không có biện pháp xử lý tận gốc, chính quyền xã, kiểm lâm địa bàn phối hợp thì rất khó xử lý. Riêng đối với tình trạng xe độ chế chở gỗ lậu ngang nhiên hoạt động, ông Tuyến lý giải là do mùa này, bà con người dân tộc thiểu số tại địa phương hết vụ rẫy nên đổ xô đi vào rừng “cưa vài lóng gỗ” về để cải thiện cuộc sống.
Những “lý do khách quan” mà ông Hạt trưởng nêu ra khiến chúng tôi không khỏi quan ngại về trách nhiệm của những người làm công tác quản lý, bảo vệ rừng nơi đây. Có lẽ bởi những lý do như thế mà những cánh rừng của huyện Ia Pa cũng như vùng giáp ranh với địa phương này liên tục bị xâm hại.
 KHÁNH TOÀN

Có thể bạn quan tâm

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Những năm qua, nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội, ba chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, những chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được triển khai sâu rộng.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Tượng đài “Chiến sĩ bất khuất Vĩnh Trinh” ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là một trong các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Phan. Ảnh: Tư liệu

Ký ức vỡ

Những gì không lặp lại sẽ dễ lãng quên. Người thân cũng thế, ký ức về một ai đó, sau thời gian dài không gặp sẽ bị im lìm, đóng băng. Một phần nào trong ký ức tôi tưởng chừng như thế, đã im ngủ hơn 14 năm qua tính từ ngày anh từ bỏ cõi trần gian phiền muộn này.

Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 5: Những thợ bạc danh tiếng

Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 5: Những thợ bạc danh tiếng

Nhà văn Sơn Nam từng hóm hỉnh: "Là nhà văn thì phải chấp nhận nghèo, nếu viết văn để làm giàu thì ở Sài Gòn, dân Chợ Lớn làm hết rồi, không tới mình đâu". Tất nhiên, "ông già Nam bộ" chỉ nói đùa nhưng chuyện dân Chợ Lớn làm đủ mọi ngành nghề và đều ăn nên làm ra là có thật. Trong đó có nghề thợ bạc.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Nông gia Nguyễn Đáp sinh ra, lớn lên và tạo lập cơ nghiệp trên những thửa rau, hoa bậc thang của thành phố cao nguyên Đà Lạt, hiện đang chạm ngưỡng tuổi lục thập vẫn dốc tâm sức và tiền vốn để bổ sung “công năng” trên từng diện tích đất nông nghiệp của mình.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Trên nền tảng dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng đã và đang mở rộng những miền quê tập trung tạo ra những mặt hàng có giá trị khác biệt, trong đó nổi trội với sản phẩm du lịch cộng đồng gắn xây dựng NTM, phát triển làng nghề ở địa phương.

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

(GLO)- Mỗi chiều, nhìn đàn cò trắng bay về ngang dòng sông Ba mênh mang sóng nước, ông Nguyễn Văn Để (86 tuổi) lại bâng khuâng nhớ về quê nhà. Tròn 40 năm rời quê hương Thái Bình vào vùng đất Krông Pa định cư, nỗi nhớ nguồn cội vẫn dâng đầy trong ông khi bắt gặp hình ảnh thân thuộc như vậy.

Đời chìm nước nổi…

Đời chìm nước nổi…

Thời điểm này, khu vực biên giới Tây Nam đang đỉnh lũ. Mùa nước nổi năm nay lượng nước sông Mê Kông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm trước. Mùa nước nổi là lúc người dân vùng biên thức thâu đêm giăng lưới, thả câu tận hưởng lộc trời.

“Thời hoa lửa” của đôi vợ chồng chiến sĩ Trường Sơn

“Thời hoa lửa” của đôi vợ chồng chiến sĩ Trường Sơn

(GLO)- Trong ngôi nhà nhỏ ở làng Ia Tum (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) có 1 cặp vợ chồng đều trải qua “thời hoa lửa” Trường Sơn huyền thoại. Đó là ông Lê Đức Chinh (SN 1952) và bà Lê Thị Chỉnh (SN 1951). Ông Chinh hiện là Trưởng ban liên lạc Hội Truyền thống Trường Sơn huyện Đức Cơ.