"Thảm đỏ" để thu hút đầu tư nước ngoài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một trong những biện pháp quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, số lượng dự án FDI đầu tư vào Gia Lai vẫn còn khá khiêm tốn. Vì vậy, tỉnh đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút nguồn lực đầu tư này. 
Nhiều nhà đầu tư quan tâm
Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, toàn tỉnh hiện có 9 dự án FDI, trong đó, 5 dự án tập trung ở Khu Công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku), số còn lại ở các huyện: Chư Prông, Chư Pưh, Kông Chro với tổng vốn đăng ký 708 triệu USD. Trong số này, Chi nhánh Công ty TNHH Olam điều (Khu Công nghiệp Trà Đa) là một trong những doanh nghiệp FDI đến đầu tư tại Gia Lai sớm nhất (cuối năm 2005). Olam là tập đoàn kinh tế có hoạt động sản xuất kinh doanh tại 70 nước trên thế giới, riêng tại Việt Nam có 19 chi nhánh. Tại Gia Lai, Olam có 3 chi nhánh là Olam điều, Olam cà phê và Olam hồ tiêu. Một doanh nghiệp FDI khác cũng có mặt tại Gia Lai khá sớm (năm 2012) là ACOM Gia Lai (Công ty TNHH Thương phẩm Atlantic Việt Nam). Đây là doanh nghiệp Thụy Sĩ chuyên thu mua, chế biến cà phê với sản lượng thu mua tại Gia Lai khoảng 20.000 tấn cà phê nhân/năm.
Thu mua cà phê tại Công Ty TNHH Thương phẩm Atlantic Việt Nam-Chi nhánh Gia Lai. Ảnh: Hà Duy
Thu mua cà phê tại Công Ty TNHH Thương phẩm Atlantic Việt Nam-Chi nhánh Gia Lai. Ảnh: Hà Duy
Doanh nghiệp FDI mới nhất có hoạt động đầu tư tại Gia Lai là Công ty TNHH Quicornac (Khu Công nghiệp Trà Đa) chuyên sản xuất, kinh doanh nước giải khát và nguyên liệu nước giải khát với 2 dòng sản phẩm chính là nước trái cây đông lạnh và nước trái cây cô đặc đông lạnh từ chanh dây, xoài. Ông Lưu Quốc Thạnh-Tổng Giám đốc Công ty-thông tin: “Nhà máy Quicornac có công suất hơn 15.800 tấn sản phẩm/năm. Từ năm 2023 trở đi, nhà máy sẽ nâng công suất lên 31.600 tấn sản phẩm/năm, trong đó, sản xuất nước trái cây đông lạnh công suất 28.000 tấn sản phẩm/năm, còn nước chanh dây cô đặc đông lạnh có công suất hơn 3.600 tấn sản phẩm/năm. Mỗi năm, Quicornac cần thu mua khoảng 150.000 tấn chanh dây nguyên liệu. Lượng nguyên liệu rất lớn sẽ hỗ trợ nông dân trồng chanh dây trên địa bàn tỉnh ổn định đầu ra cho sản phẩm của mình. Điều chúng tôi rất hài lòng đó là sự hỗ trợ hết mình của tỉnh trong suốt quá trình triển khai xây dựng dự án cho đến khi chính thức đi vào hoạt động”.
Bên cạnh các nhà đầu tư đã có dự án đi vào hoạt động thì thời gian qua, Gia Lai cũng đón rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài đến nghiên cứu, tìm hiểu và xúc tiến đầu tư, hợp tác như: Công ty KEPCO KDN (thuộc Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc), Hiệp hội Kinh tế-Văn hóa Hàn-Việt (KOVECA), Trung tâm Hợp tác phát triển quốc tế Daegu Gyeongbuk, Đại học Quốc gia Kyungpook (Hàn Quốc)... Ngoài ra, Công ty cổ phần Thương mại Meiwa cũng đang quan tâm đăng ký đầu tư dự án nhà máy chế biến nhựa thông tại Khu Công nghiệp Nam Pleiku. 
Thu hút đầu tư có chọn lọc
Gia Lai có tiềm năng, thế mạnh ở nhiều lĩnh vực để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, Gia Lai hiện có nhiều loại nông sản chất lượng cao được xuất khẩu sang EU cùng rất nhiều sản phẩm đặc trưng đạt chứng nhận OCOP 3-4 sao cấp tỉnh. Tuy nhiên, số lượng dự án FDI trên địa bàn tỉnh còn khá khiêm tốn. Riêng năm 2022, không có dự án FDI mới đầu tư vào tỉnh.
Ông Nguyễn Hữu Quế-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 271-KH/TU triển khai thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20-8-2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Cùng với đó, tỉnh tạo môi trường đầu tư kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, thông thoáng, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh việc chú trọng công tác xúc tiến đầu tư, giới thiệu, quảng bá hình ảnh cũng như tiềm năng phát triển của tỉnh tới cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài, Gia Lai cũng chú trọng nghiên cứu thị trường, xúc tiến đầu tư một số sản phẩm cho phù hợp với từng quốc gia; tổ chức các đoàn đi xúc tiến đầu tư tại các nước như Hà Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản để giới thiệu, mời gọi các doanh nghiệp đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại tỉnh.
Nhà máy chế biến chanh dây của Công ty TNHH Quicornac (KCN Trà Đa, TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy
Nhà máy chế biến chanh dây của Công ty TNHH Quicornac (KCN Trà Đa, TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy
Những nỗ lực đó đã góp phần giúp Gia Lai tạo ấn tượng tốt với các nhà đầu tư nước ngoài. Ông Shimuzi Akira-Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam-chia sẻ: “Tôi cho rằng việc thu hút các doanh nghiệp phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao sẽ góp phần nâng cao hơn nữa thế mạnh của địa phương. Gia Lai cũng đang có định hướng phát triển du lịch sinh thái. Đây là hướng đi bền vững, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, nâng cao chất lượng sống cho người dân địa phương. Đặc biệt, Gia Lai xác định việc phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường là hướng đi đúng đắn, quan trọng và cấp thiết. Tôi hy vọng Gia Lai và Nhật Bản sẽ có nhiều sự hợp tác sâu rộng trong tương lai”.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm: “Để tiếp tục thu hút đầu tư FDI, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đảm bảo về số lượng và yêu cầu trình độ đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ. Tỉnh cũng sẽ tập trung thu hút đầu tư có chọn lọc theo hướng ưu tiên các dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường; khuyến khích đầu tư các lĩnh vực sử dụng nguyên liệu có sẵn tại địa phương, sử dụng công nghệ hiện đại đáp ứng tiêu chí về môi trường khu công nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp FDI sản xuất hàng xuất khẩu. Trước mắt, tỉnh sẽ đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu Công nghiệp Nam Pleiku, các cụm công nghiệp để đảm bảo điều kiện cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư thứ cấp vào khu, cụm công nghiệp”.
HÀ DUY 

Có thể bạn quan tâm

Anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chăm sóc các chậu hoa ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Đ.L

Thu nhập khá từ hoa ngũ sắc

(GLO)- Từ những bụi cây ngũ sắc ngoài đồng, người nông dân Gia Lai đã tỉa tót, uốn nắn để chúng thành những chậu bonsai rực rỡ sắc màu đem lại thu nhập khá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Ảnh: V.T

Đặc sản Gia Lai hút khách dịp Tết

(GLO)- Thị trường đang rất sôi động khi chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến Tết Ất Tỵ 2025. Năm nay, thị trường ghi nhận sự dịch chuyển rõ nét từ tiêu dùng bánh kẹo nhập khẩu sang dùng hàng sản xuất trong nước. Đặc biệt, đặc sản Gia Lai chiếm ưu thế trong thiết kế các giỏ quà tặng.

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.