Tên đất, tên làng trong tâm thức người Bahnar

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ xa xưa, những địa danh sông núi ở cao nguyên Kon Hà Nừng được đồng bào Bahnar xã Sơn Lang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) chọn đặt tên cho nơi mở đất, lập làng. Theo dòng chảy thời gian, những tên đất, tên làng ấy đi vào lịch sử như một cách nhắc nhở thế hệ sau không bao giờ quên nguồn gốc của quê hương.

Xã Sơn Lang nằm trên cao nguyên Kon Hà Nừng (người Bahnar gọi là Hơ Nơng). Hệ thống các dòng suối tạo cho Sơn Lang nhiều tiềm năng để xây dựng các hồ chứa, đập dâng phục vụ nước tưới cho cây trồng.

Ông Đinh Hnih-nguyên Bí thư Đảng ủy xã Sơn Lang từng tham gia biên soạn cuốn Lịch sử truyền thống cách mạng xã Sơn Lang giai đoạn 1945-2019. Theo ông, việc hiểu rõ lịch sử quê hương cũng như truyền thống dân tộc là để khơi dậy sức mạnh nội sinh vì sự phát triển của cộng đồng. Đề cập đến sự ra đời của làng Hà Nừng, ông Đinh Hnih kể: Từ những năm 30 của thế kỷ trước đã có làng Hà Nừng. Làng lúc đó chỉ có 40-45 hộ dân sống rải rác dựa vào rừng núi. Sau đó, làng Hà Nừng được chia tách thành Hà Nừng nhỏ và Hà Nừng lớn. Làng Hà Nừng lớn nằm ở thượng nguồn Đak Sơng Lang xưa, làng Hà Nừng nhỏ gần Đak Hơ Nơng. Đak có nghĩa là nước, là suối, là sông và cũng là mạch nguồn sự sống của muôn loài. Do đó, việc lấy tên suối để đặt tên cho làng là cách dùng phổ biến của người Bahnar. Điều này vẫn còn được duy trì tới tận bây giờ.

 Lòng hồ B (xã Sơn Lang, huyện Kbang) nhìn từ trên cao. Ảnh: Hà Duyệt
Lòng hồ B (xã Sơn Lang, huyện Kbang) nhìn từ trên cao. Ảnh: Hà Duyệt


Chúng tôi đến làng Đak Asêl vào một ngày nắng đẹp với sự đồng hành của già làng Đinh Hmunh, Đinh Lực. Bên dòng suối Đak Asêl mát lạnh, già làng Đinh Hmunh cho biết, con suối này đã chứng kiến sự trưởng thành của biết bao thế hệ người Bahnar. Ở thế hệ ông, người dân đong nước suối vào bầu mà uống; đàn bà giặt giũ áo váy; đàn ông bắt ốc, thả cá nuôi gia đình; trẻ con tắm mình trong dòng suối mát cứ vậy mà lớn lên. Việc canh tác lúa, bắp khi ấy chủ yếu theo hình thức chọc tỉa trên đất rẫy và phụ thuộc vào nước trời. Cuộc sống giản dị trôi nhanh như dòng suối ấy vậy mà đến nay khi đã 70 tuổi ông vẫn còn nhớ như in lời của người già trước đây chỉ dạy: “Làng mình ở đây có sông suối, đó là điều kiện để dựng xây cuộc sống mới. Nước suối để ăn, uống, tắm giặt; việc thả lưới bắt cá, hái rau quả phục vụ cuộc sống đều đảm bảo”.

Già làng Đinh Hmunh nói: “Bây giờ, Đảng và Nhà nước đầu tư xây dựng công trình thủy lợi để bà con trồng lúa nước lấy gạo; lấy nước tưới cà phê, chanh dây giúp chúng tôi sống định canh định cư tốt hơn”.

Danh từ chung để chỉ “làng” trong tiếng nói của người Bahnar ngày xưa là “Đe” như Đe Srắt, Đe Hơ Nơng, Đe Asêl. Từ năm 1991, các khu dân cư trên địa bàn xã Sơn Lang đều được gọi bằng “thôn” và được đánh số thứ tự. Cách gọi “làng” theo tiếng phổ thông bắt đầu xuất hiện từ năm 2007 với 3 thôn, làng. Sau nhiều lần chia tách, thay đổi thì đến năm 2019, khi thực hiện chủ trương về sáp nhập thôn, làng nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền cấp xã, Sơn Lang hiện chỉ còn 3 thôn và 6 làng. Việc đặt tên làng gắn với địa danh thiên nhiên đã đáp ứng nguyện vọng của đồng bào Bahnar tại đây.

Ông Đinh Lực (làng Đak Asêl) chia sẻ: “Chúng tôi có thể sinh sống được ở đây chính là nhờ có nguồn nước sạch từ suối Đak Asêl. Vì vậy, chúng tôi dùng tên đó để đặt cho làng mình. Cách gọi làng Đe Asêl đã có từ xưa chứ chúng tôi không gọi là “thôn”. Vừa rồi thực hiện sáp nhập thôn, làng, người dân thống nhất không dùng tên “thôn 2” nữa mà thống nhất thay bằng làng Đak Asêl và được cấp trên chấp thuận”.

Khu vực lòng hồ B thủy điện Vĩnh Sơn thuộc trung tâm xã Sơn Lang từng là nơi có suối Đak Sơng Lang chảy qua. Tên của con suối ấy đã được đặt cho đơn vị hành chính cấp xã. Không chỉ vì dễ nhớ, dễ xác định mà bởi nó chính là cội nguồn sức sống cho con người từ xa xưa. Ông Đinh Hnih cho biết: Xã Sơn Lang ngày nay đã có sự thay đổi rất nhiều so với trước kia, bộ mặt nông thôn khang trang hơn; tuyến đường Trường Sơn Đông chạy qua 9 thôn, làng là huyết mạch cho sự phát triển kinh tế-xã hội của xã. Những con đường lầy lội trước kia dần được thay thế bằng đường nhựa, bê tông khang trang, sạch đẹp. Các đập thủy lợi ngày đêm điều tiết nước về các cánh đồng suối Trà, Đak Phan… Bà con Bahnar trên địa bàn nay cũng đã biết làm ăn, bên cạnh các loại cây chủ lực như cà phê, lúa nước, họ đã bắt đầu biết trồng cây ăn quả để phát triển kinh tế. Đó là những bước phát triển đáng kể của người Bahnar ở xã vùng sâu, vùng xa này.

Ông Đinh Lực cũng chia sẻ: Nguồn nước tại các công trình thủy lợi luôn sạch là bởi bà con thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, có khu vực để thu gom các loại bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng và đốt xử lý, chứ không bỏ bừa bãi khắp cánh đồng như trước. Hễ có mưa lớn thì chúng tôi vận động bà con đồng loạt nạo vét khơi thông cống rãnh để cho dòng nước lại chảy về cánh đồng.

 

HÀ DUYỆT

Có thể bạn quan tâm

Những người giữ hồn dân ca Jrai

Những người giữ hồn dân ca Jrai

(GLO)- Nhằm bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc Jrai, nhiều nghệ nhân ở xã Ia Rbol (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) từng ngày âm thầm lưu giữ những làn điệu dân ca như một cách thể hiện tình yêu với cội nguồn.

Lưu giữ “men say” của đại ngàn

Lưu giữ “men say” của đại ngàn

(GLO)- Hiện nay, nhiều gia đình người dân tộc thiểu số ở Gia Lai vẫn giữ nghề ủ rượu cần truyền thống từ men lá tự nhiên. Theo thời gian, họ đã cùng nhau lưu giữ “men say” của đại ngàn, giúp cho thức uống mang đậm dấu ấn văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên được chắp cánh bay xa.

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản có tiềm năng khai thác kinh tế du lịch. Ảnh: Minh Châu

Những ngày làm hồ sơ “Không gian văn hóa cồng chiêng”

(GLO)- Ngày 23-3-2004, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) ban hành quyết định về việc xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia “Vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản tiếp nối trình UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

(GLO)- Tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Thủ đô Asunción (Cộng hòa Paraguay) vào ngày 4-12, UNESCO đã chính thức ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

(GLO)- Năm 1993, Sở Văn hóa-Thông tin (VH-TT) và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã ký kết chương trình phối hợp hành động với nhiều hoạt động thiết thực, trong đó có mô hình “Điểm sáng văn hóa vùng biên”.