Tạo sức bật cho sản xuất nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hiện nay, phương thức chuyển giao khoa học công nghệ đến nông dân nhanh và hiệu quả nhất là thông qua các mô hình trình diễn để nông dân học hỏi, triển khai sản xuất và nhân rộng. Trong giai đoạn từ 2006 đến 2012, ngành khoa học công nghệ tỉnh Gia Lai đã thực hiện hàng trăm đề án nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp và nông thôn.

Hoạt động nghiên cứu chủ yếu triển khai xây dựng các đề án phục vụ chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, nâng cao chất lượng nông sản, thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo hiệu quả và bền vững.

 

Sản xuất rau theo hướng VietGap tại xã An Phú (TP. Pleiku).  Ảnh: A.K
Sản xuất rau theo hướng VietGap tại xã An Phú (TP. Pleiku). Ảnh: A.K

Trước đòi hỏi về phát triển kinh tế của thời kỳ đổi mới, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Gia Lai đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu về các loại giống cây trồng, vật nuôi. Trong đó, các mô hình nhân giống lúa chất lượng cao được thực hiện liên tục trong những năm qua đã góp phần cung cấp giống lúa chất lượng cao đưa vào sản xuất đại trà.

Liên hiệp các Hội đã tiến hành khảo nghiệm các mô hình cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng sinh thái nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đa dạng hóa sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều đề tài, dự án đã được triển khai như dự án mở rộng mô hình trồng hoa chất lượng cao tại xã An Phú (TP. Pleiku), thị xã An Khê...

Cụ thể, dự án ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất hoa thương phẩm tại vùng ven TP. Pleiku. Dự án thực hiện 7 mô hình với tổng diện tích 5.000 m2 tại ba xã Chư Á, Trà Đa và An Phú trồng các loài hoa cúc, cẩm chướng, ngàn sao. Mô hình này đã chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật về trồng hoa như sản xuất hoa bằng phương pháp cấy mô nhằm cho ra những giống hoa sạch, đảm bảo chất lượng; sử dụng hệ thống nước tưới tự động và bón phân phức hợp để hạn chế tối đa ảnh hưởng của thời tiết xấu đến sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi theo nhu cầu thị trường, hình thành những vùng sản xuất tập trung chuyên canh các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như cao su, cà phê, tiêu, giảm dần diện tích lúa rẫy và các loại cây trồng có giá trị kinh tế thấp. Điển hình như mô hình nuôi heo theo hướng an toàn sinh học VietGAP được Phòng Kinh tế TP. Pleiku triển khai ở xã Biển Hồ, An Phú, phường Đống Đa và Yên Thế, với tổng kinh phí gần 300 triệu đồng; trong đó, Nhà nước hỗ trợ 155 triệu đồng để mua con giống, thức ăn, thuốc thú y, phương tiện sát trùng, thuốc sát trùng.

Người dân tham gia mô hình đóng góp khoảng 130 triệu đồng. Sau khi được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, quy trình xây dựng chuồng nuôi đảm bảo vệ sinh đúng các tiêu chuẩn mà VietGAP đề ra, người dân đã biết cách chọn giống, sử dụng các chế phẩm sinh học, các loại thuốc kháng sinh và một số ứng dụng trong chăn nuôi heo hiện nay mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Công tác nghiên cứu lai tạo những bộ giống mới có năng suất, chất lượng phục vụ trong sản xuất nông-lâm nghiệp của tỉnh có sự chuyển biến tích cực. Đặc biệt, việc lai tạo các bộ giống lúa cho năng suất cao đưa vào sản xuất đại trà thay thế dần giống cũ năng suất thấp đã góp phần đẩy lùi nạn đói giáp hạt, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh. Đây là con đường ngắn nhất đưa kết quả từ các cơ sở nghiên cứu đến đồng ruộng.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, quá trình đưa tiến bộ khoa học công nghệ đến với nông dân cũng gặp một số khó khăn. Tốc độ phát triển lúa lai chậm do nhận thức của nông dân về sản xuất hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Hơn nữa, quy trình kỹ thuật sản xuất, chăm sóc các loại cây trồng, vật nuôi lai nghiêm ngặt hơn các giống thuần chủng của địa phương nên rủi ro trong sản xuất cao và chưa được thị trường ưa chuộng dẫn đến khó tiêu thụ làm cho nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số không dám mạnh dạn đưa vào sản xuất đại trà trên diện rộng.

Trên cơ sở đó, hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Gia Lai đề ra trong thời gian tới hướng trọng tâm vào việc ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, nhất là đối với cây trồng, vật nuôi, ưu tiên đầu tư phát triển công nghệ sau thu hoạch, nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa sau chế biến…

Anh Khoa

Có thể bạn quan tâm

Có CEO mới, cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai vẫn bị bán tháo

Có CEO mới, cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai vẫn bị bán tháo

Nhóm bất động sản trở thành “công thần” giúp VN-Index đảo chiều, đóng cửa phiên hôm 24/7 lấy lại sắc xanh. Các mã nhỏ, vừa có mức hồi phục tốt hơn nhóm bluechip (vốn hoá lớn). Tuy nhiên, QCG của Quốc Cường Gia Lai vẫn bị bán tháo, bước sang phiên thứ 4 liên tiếp giảm sàn.
Tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 207,25 tỷ USD

Tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 207,25 tỷ USD

(GLO)- Theo Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến 15-7, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 207,25 tỷ USD, tăng 15,19% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng thêm 27,33 tỷ USD). Trong đó, có 4 thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu từ 10 tỷ USD trở lên.