Tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư Brazil ở lại Việt Nam lâu dài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư Brazil tiến hành đầu tư thành công, bền vững, lâu dài ở Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tọa đàm với các doanh nghiệp Brazil. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính tọa đàm với các doanh nghiệp Brazil. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Theo đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Brazil, sáng 24/9, tại thành phố Sao Paulo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tọa đàm với doanh nghiệp Brazil nhằm trao đổi về cơ hội hợp tác đầu tư, kết nối kinh doanh và cùng nhau tạo ra những giá trị mới, động lực tăng trưởng mới để thúc đẩy và nâng tầm quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam-Brazil, cả về chất và chiều sâu trong thời gian tới.

Giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam, môi trường đầu tư tại Việt Nam và quan hệ hai nước, Thủ tướng Chính phủ cho biết dù cách nhau nửa vòng Trái Đất nhưng người dân Việt Nam và Brazil có nhiều nét tương đồng, đó là sự chân tình, cởi mở, lòng hiếu khách và sự sẻ chia.

“Người Việt Nam biết đến Brazil là đất nước của bóng đá, người Brazil giàu lòng nhân ái, đất nước Brazil mạnh và đặc sắc,” Thủ tướng chỉ rõ.

Theo Thủ tướng, sau gần 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đặc biệt là từ khi thiết lập mối quan hệ Đối tác Toàn diện năm 2007, quan hệ hợp tác Việt Nam-Brazil đã và đang tiếp tục phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực.

Quan hệ chính trị ngày càng gắn bó và tin cậy, trong khi quan hệ kinh tế thương mại ngày càng gia tăng.

Việt Nam và Brazil hiện là đối tác thương mại lớn nhất của nhau tại khu vực Đông Nam Á và Nam Mỹ, với kim ngạch thương mại năm 2022 đạt mức kỷ lục khoảng 6,78 tỷ USD, tăng 6,6% so năm 2021 và tăng gấp 3 lần trong một thập kỷ qua.

Tuy nhiên, hợp tác đầu tư giữa hai nước còn rất khiêm tốn. Brazil hiện có 6 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 3,83 triệu USD. Về phía Việt Nam có 1 dự án đầu tư sang Brazil với tổng vốn đầu tư đăng ký 0,3 triệu USD.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn nhiều diễn biến bất định, thách thức và cơ hội đan xen, Việt Nam đã đoàn kết, phát huy tinh thần “lửa thử vàng, gian nan thử sức,” phát huy mạnh mẽ nội lực, kết hợp hài hòa với hội nhập quốc tế thực hiện thành công mục tiêu kép, vừa kiểm soát dịch COVID-19 vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đến nay, quy mô nền kinh tế đạt 409 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 160 USD lên trên 4.100 USD. Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký kết 16 Hiệp định Thương mại Tự do thế hệ mới với trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn nhất trên thế giới và ngày càng đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, các chuỗi cung ứng.

Nhiều tập đoàn lớn xuyên quốc gia (TNCs) hàng đầu trong Global Fortune Top 500 hiện đã có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, lựa chọn Việt Nam là trung tâm sản xuất chiến lược, kết nối với các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Việt Nam đang từng bước trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực điện tử, may mặc, xe máy, nông nghiệp và thủy sản…

Ông Trần Văn Lật, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Lộc Kim Chi, đại diện doanh nghiệp Việt Nam phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ông Trần Văn Lật, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Lộc Kim Chi, đại diện doanh nghiệp Việt Nam phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Môi trường đầu tư Việt Nam tiếp tục được cộng đồng quốc tế, nhà đầu tư đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng và môi trường kinh doanh. Theo đó, các tổ chức quốc tế đều dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất của khu vực và thế giới.

Trong giai đoạn tới, Việt Nam tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa, nền dân chủ Xã hội Chủ nghĩa lấy người dân là chủ thể, động lực và mục tiêu cho sự phát triển.

Việt Nam đặt mục tiêu phát triển chiến lược đến năm 2030 trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao, trong đó lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài; ngoại lực là quan trọng, đột phá.

Với chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; có sự lan tỏa, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế xã hội của Việt Nam.

Đại diện doanh nghiệp Brazil phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Đại diện doanh nghiệp Brazil phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng cho rằng hai nền kinh tế Việt Nam-Brazil có rất nhiều lĩnh vực, sản phẩm mang tính bổ trợ cao như năng lượng, hàng không, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, y tế, sinh học, khai khoáng...

Đặc biệt, Brazil có thể trở thành cầu nối giúp Việt Nam tiếp cận thị trường các nước Mỹ Latinh, cũng như Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR); đồng thời, Việt Nam sẽ trở thành cầu nối giúp Brazil tiếp cận thị trường ASEAN rộng lớn với hơn 650 triệu dân và một thị trường lớn hơn với 800 triệu dân của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam là thành viên, đã có hiệu lực từ tháng 1/2019.

Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị hai bên đẩy mạnh trao đổi thông tin sâu rộng về chính sách liên quan tới đầu tư của mỗi nước, các lĩnh vực ưu tiên hợp tác; phối hợp triển khai các chương trình hợp tác trong xúc tiến đầu tư, thương mại dưới nhiều hình thức để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai bên hiểu biết hơn về môi trường, cơ hội đầu tư của mỗi nước.

Thủ tướng cho rằng, Chính phủ hai nước cần khuyến khích và thúc đẩy dòng đầu tư và thương mại hai chiều, trên cơ sở cùng có lợi; tăng cường trao đổi các đoàn doanh nghiệp đi khảo sát tìm hiểu thị trường cơ hội đầu tư và kết nối kinh doanh nhằm nâng tầm quan hệ thương mại-đầu tư tương xứng với tiềm năng, lợi thế của hai nước.

Thủ tướng nêu rõ Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp Brazil đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế tạo, công nghệ cao, phát triển hạ tầng, nông-lâm-thủy sản, năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, dược phẩm, sinh học, xây dựng, dịch vụ..., cũng như tham gia đối tác chiến lược vào các doanh nghiệp nhà nước đã, đang và sẽ cổ phần hóa, thoái vốn.

Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam và Brazil sẽ kết nối hợp tác để xây dựng và hình thành các chuỗi giá trị, kết nối giữa hai nước và với thị trường toàn cầu. Việt Nam sẵn sàng trao đổi cởi mở về các nội dung được doanh nghiệp quan tâm.

Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư Brazil tiến hành đầu tư thành công, bền vững, lâu dài ở Việt Nam.

Tại tọa đàm, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn và đại diện các hiệp hội doanh nghiệp của Brazil bày tỏ ấn tượng về sự phát triển và lòng mến khách của Việt Nam; đánh giá cao tiềm năng phát triển của Việt Nam.

Các doanh nghiệp mong muốn hợp tác với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến thực phẩm, năng lượng tái tạo, hàng không vũ trụ; cho rằng đây là những lĩnh vực mà các doanh nghiệp Brazil và Việt Nam có thể hợp tác, bổ trợ cho nhau để cùng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cùng với giới thiệu tiềm năng hợp tác của mình, các doanh nghiệp Brazil bày tỏ mong muốn tìm hiểu sâu hơn về các quy định pháp luật của Việt Nam trong các lĩnh vực kể trên, nhất là các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, thủ tục xuất nhập khẩu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính với đại diện các doanh nghiệp Brazil. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính với đại diện các doanh nghiệp Brazil. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trong đó, Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Embraer mong nhận được sự ủng hộ của Chính phủ để xây dựng trung tâm duy tu bảo dưỡng thiết bị hàng không, cung cấp các cấp linh kiện, bảo dưỡng máy bay tại Việt Nam; Phòng Thương và Công nghiệp Brazil mong muốn thành lập văn phòng của cơ quan này tại Việt Nam để thúc đẩy quan hệ hợp tác về thương mại, công nghiệp giữa hai nước.

Trên cơ sở đánh giá kết quả hợp tác kinh tế-thương mại và đầu tư giữa hai nước trong thời gian qua; phân tích tiềm năng và cơ hội giữa hai nước và ý kiến của các đại biểu, kết thúc tọa đàm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, hiện nay Việt Nam đang tập trung cho 3 đột phá chiến lược: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng Xã hội Chủ nghĩa; cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu lao động thời kỳ mới; phát triển hạ tầng, đặc biệt hạ tầng giao thông, viễn thông, để giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh; mong các doanh nghiệp Brazil góp ý cho Việt Nam trong quá trình này.

Khẳng định Việt Nam hoàn toàn ủng hộ việc Brazil mở Văn phòng Phòng Thương mại và Công nghiệp Brazil tại Việt Nam, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Brazil và Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa chuyển giao khoa học, công nghệ; tăng cường kết nối để hiểu, chia sẻ và hợp tác, cùng nhau phát triển.

Cùng với đó, với nền văn hóa giàu bản sắc, thể thao thành tích cao phát triển, Việt Nam-Brazil tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa, du lịch, thể thao.

Thủ tướng mong muốn, với không khí quan hệ chính trị tốt đẹp như hiện nay, các doanh nghiệp Brazil đến Việt Nam đầu tư, sản xuất, kinh doanh nhiều hơn trên tinh thần hai bên cùng thắng, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.

Đơn cử, Việt Nam và Brazil là hai nước sản xuất và xuất khẩu càphê hàng đầu thế giới, nên hợp tác và hỗ trợ nhau cùng phát triển chứ không cạnh tranh loại trừ nhau.

Đánh giá cao thiện chí hợp tác của các doanh nghiệp Brazil, Thủ tướng cho biết Việt Nam tích cực cùng Brazil đàm phán các Hiệp định Thương mại Tự do, bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế hai lần... tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hợp tác, phát triển.

Do đó, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp hai bên tích cực tham gia và triển khai cụ thể hóa các cơ chế hợp tác thành những chương trình, dự án cụ thể, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 10 tỷ USD vào năm 2025, đạt 15-20 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng hơn.

Có thể bạn quan tâm

Công ty cổ phần Tập đoàn Ecotree tiến hành khảo sát và lập đề án tín chỉ carbon rừng trồng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: M.P

Công ty cổ phần Tập đoàn Ecotree tiên phong lập đề án tín chỉ carbon rừng trồng

(GLO)- Sau khi khảo sát và làm việc với đơn vị chủ rừng, Công ty cổ phần Tập đoàn Ecotree (TP. Hồ Chí Minh) đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh đề nghị chủ trương thí điểm lập dự án trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh và lập đề án tín chỉ carbon rừng trồng trên địa bàn tỉnh.

Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên đã áp dụng giải pháp kết nối tự động xuất HĐĐT theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng thuộc hệ thống. Ảnh: S.C

Cục Thuế tỉnh Gia Lai hỗ trợ doanh nghiệp kết nối tự động phát hành hóa đơn bán lẻ xăng dầu

(GLO)- Để hoàn thành mục tiêu 100% cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu áp dụng giải pháp kết nối tự động khi phát hành hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng, UBND tỉnh Gia Lai giao các sở, ban, ngành, địa phương phối hợp với Cục Thuế tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu.

Đón dòng đầu tư mới

Đón dòng đầu tư mới

Trong xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và diễn biến phức tạp về địa chính trị trên thế giới, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Gia Lai: Tập huấn Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản

Gia Lai: Tập huấn Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản

(GLO)- Trong 2 ngày (11 và 12-12), tại khách sạn Tre Xanh, Sở Xây dựng phối hợp với Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Bộ Xây dựng) tổ chức lớp tập huấn các nội dung của Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Nhiều hoạt động được Gia Lai triển khai nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, trong đó có việc triển khai thu thập kiến nghị qua Google Form. Ảnh: H.D

Phản ánh kiến nghị, đề xuất qua Google Form, doanh nghiệp còn thờ ơ

(GLO)- Thời gian qua, Gia Lai đã triển khai nhiều hoạt động nhằm đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có việc thu thập, tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua ứng dụng Google Form. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp còn thờ ơ và chưa tận dụng triệt để kênh kết nối nhanh chóng, hiệu quả này