Tạo bứt phá trong sản xuất công nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việc nâng cao chất lượng sản phẩm công nghiệp chủ lực, thúc đẩy thị trường tiêu thụ, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu… là những giải pháp quan trọng để ngành công nghiệp của tỉnh Gia Lai tăng trưởng nhanh trong năm 2025.

Công nghiệp duy trì đà tăng trưởng

Việc ổn định nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ trong năm 2024 là điều kiện thuận lợi để các nhà máy chế biến phát huy công suất thiết kế. Các nhà máy thủy điện, dự án điện gió vận hành ổn định đã đóng góp đáng kể vào sản lượng điện sản xuất trên địa bàn tỉnh. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp năm 2024 tăng 2,9% so với năm 2023.

1vuthao.jpg
Chế biến sản phẩm hồng trà tại Công ty cổ phần Chè Biển Hồ. Ảnh: V.T

Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 18,4%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,5%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 2,1%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,4%. Nhiều sản phẩm chủ lực có sản lượng tăng như: chế biến đường tinh chế đạt 345.528 tấn (tăng 5,35% so với năm 2023); chè các loại đạt 2.142 tấn (tăng 6,57%); phân vi sinh đạt 38.439 tấn (tăng 5,17%); chế biến sữa đạt 35,82 triệu lít (tăng 0,23%)…

Ông Nguyễn Hoàng Phước-Phó Giám đốc Nhà máy Đường An Khê-cho biết: “Từ năm 2020 đến nay, Nhà máy đã từng bước phục hồi vùng nguyên liệu từ 17.500 ha lên gần 32.000 ha tại các huyện, thị xã phía Đông tỉnh. Niên vụ 2023-2024, Nhà máy đã thu mua gần 2 triệu tấn mía. Để chuẩn bị cho vụ ép thành công, Nhà máy chủ động đầu tư nâng cấp, bổ sung nhiều trang-thiết bị nhằm đảm bảo công suất ép 18.000 tấn mía cây/ngày. Niên vụ 2024-2025 (từ đầu tháng 12-2024 đến cuối tháng 4-2025), Nhà máy dự kiến thu mua 2,1 triệu tấn mía”.

Theo ông Phước, vụ ép 2024-2025, dự kiến năng suất mía bình quân toàn vùng đạt 77 tấn/ha; sản lượng mía toàn vùng khoảng 2,43 triệu tấn; công suất ép thực tế 17.000 tấn mía cây/ngày (đạt 94,44% công suất thiết kế). Dự kiến năm 2025, Nhà máy sẽ nộp ngân sách trên 250 tỷ đồng.

Bên cạnh các sản phẩm công nghiệp truyền thống, sản lượng sữa chế biến liên tục tăng qua từng năm nhờ vào việc phát triển chăn nuôi bò sữa.

Ông Hồ Sỹ Sáu-Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood Cao Nguyên-cho biết: “Hiện nay, Công ty có 1 trang trại bò ở xã Đăk Yă (huyện Mang Yang) với số lượng khoảng 11.000 con bò. Đây là lợi thế về nguồn nguyên liệu sữa tươi cho nhà máy sản xuất. Với dây chuyền sản xuất hiện đại, hiện nay, nguyên liệu sữa đáp ứng về nhà máy đã tăng dần lên. Công ty sẽ mở rộng thêm dây chuyền, nâng công suất lên khoảng 110.000 tấn/năm trong thời gian tới và tiếp tục chế biến ra những sản phẩm khác như kem, phô mai”.

Trong khi đó, ông Vũ Mạnh Hùng-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hùng Nhơn-chia sẻ: “Hùng Nhơn đã tập trung phát triển liên kết chuỗi cùng với các tập đoàn De Heus (Hà Lan)-Bel Gà (Bỉ)-Olmix (Pháp) sản xuất khép kín tuần hoàn, ứng dụng công nghệ tiên tiến để đẩy mạnh xuất khẩu.

Tại Gia Lai, dự án DHN với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng không chỉ dừng lại ở mục tiêu tạo ra sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao mà còn đặt nền móng cho một mô hình nông nghiệp kết hợp bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, hướng đến xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp toàn diện.

Một trong những kế hoạch quan trọng của chúng tôi là đầu tư dự án nghiên cứu và phát triển vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi đạt chuẩn. Việc này không chỉ giúp đảm bảo nguồn cung cấp bắp bền vững cho ngành chăn nuôi mà còn là một chiến lược dài hạn để tăng cường an ninh lương thực và giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu trong nước và quốc tế về bắp đang tăng cao. Do đó, Hùng Nhơn và De Heus đang tập trung khảo sát để triển khai dự án vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến thức ăn gia súc trong thời gian tới”.

Để đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp, thời gian qua, tỉnh đã tập trung hoàn thiện hạ tầng giao thông, hệ thống logistics phục vụ lưu thông hàng hóa. Cùng với đó, hạ tầng các khu/cụm công nghiệp cũng đang được tập trung nâng cấp, xây dựng để thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực, năng lực đến triển khai các dự án đầu tư.

Hiện nay, các mảng chế biến lớn như đường tinh chế, nước ép trái cây, cà phê, dược liệu, tinh bột mì… đều có các nhà máy lớn đi vào hoạt động, phát huy tiềm năng, lợi thế trong việc xây dựng, phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến vào sản xuất theo chuỗi giá trị, chế biến sâu, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng lớn.

Tạo bứt phá

Theo ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương: Năm 2025, ngành Công thương đề ra nhiều giải pháp quan trọng như tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt; triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo vùng nguyên liệu để các nhà máy chế biến hoạt động ổn định và phát huy công suất thiết kế.

Bên cạnh đó, tăng cường đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các nhà máy mới, các dự án nâng công suất nhà máy đi vào hoạt động sản xuất theo đúng tiến độ. Một trong những nhiệm vụ quan trọng đó là tập trung kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp bởi đây là giải pháp căn cơ để kêu gọi các dự án đầu tư, nhất là lĩnh vực chế biến, qua đó góp phần đưa các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh đi vào chế biến sâu để thuận lợi tiếp cận được các thị trường lớn trên thế giới.

Đồng thời, tăng cường kêu gọi và thu hút các dự án đầu tư sản xuất thức ăn chăn nuôi; chế biến rau củ quả, dược liệu; chế biến sâu sản phẩm cà phê; chế biến các sản phẩm tiêu dùng từ cao su, sản xuất cồn sinh học từ mì lát...

2vuthao.jpg
Nhà máy chế biến sữa của Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng NutiFood Cao Nguyên (Khu công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku). Ảnh: V.T

“Năm 2025, lãnh đạo ngành sẽ làm việc với các nhà máy sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh để nắm bắt, tham mưu và đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp các nhà máy phát triển ổn định. Bên cạnh đó, tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ và hướng dẫn các nhà máy điện gió đã hoàn thành đầu tư xây dựng nhưng chưa phát điện sớm đi vào hoạt động”-ông Binh cho biết thêm.

Năm 2025, Gia Lai đặt mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,8% so với năm 2024. Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 8,2%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,3%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 6,2%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,5%.

Theo đó, với kế hoạch đầu tư nâng công suất, các nhà máy đường hiện có sẽ đóng góp tăng thêm vào kế hoạch hơn 4.472 tấn đường, dự kiến sản lượng đường tinh chế năm 2025 đạt 350.000 tấn (tăng 1,3% so với năm 2024). Đối với sản phẩm nước ép trái cây, nhờ vào việc nhà máy nước ép rau quả DOVECO Gia Lai dự kiến nâng công suất từ 20.000 tấn thành phẩm/năm lên 50.000 tấn thành phẩm/năm trong năm 2025 và các nhà máy Quicornac, Nafood phát huy công suất sẽ đóng góp thêm 18.091 tấn, đưa kế hoạch năm 2025 ước đạt 40.000 tấn (tăng 82,57% so với năm 2024).

Các nhà máy chế biến tinh bột mì cũng sẽ đóng góp vào kế hoạch thêm 18.726 tấn; đưa sản lượng tinh bột mì năm 2025 lên 245.000 tấn (tăng 8,3% so với năm 2024). Nhà máy MDF sẽ đóng góp vào kế hoạch thêm 8.643 m3 gỗ, dự kiến kế hoạch năm 2025 đạt 45.000 m3 (tăng 23,8% so với năm 2024).

Các nhà máy sản xuất phân vi sinh sẽ đóng góp tăng thêm 1.561 tấn sản phẩm, dự kiến năm 2025 đạt 40.000 tấn (tăng 4,1% so với năm 2024). Chế biến sữa sẽ đóng góp thêm 1,178 triệu lít sữa, dự kiến kế hoạch năm 2025 đạt 37 triệu lít (tăng 3,3% so với năm 2024)…

Đối với ngành công nghiệp năng lượng, năm 2025, nếu các dự án thủy điện, điện gió phát huy công suất và các dự án điện gió còn lại (công suất 384 MW) được vận hành thương mại thì sản lượng điện sản xuất trên địa bàn ước đạt 12,89 tỷ kWh (tăng 8,25% so với năm 2024). Sở Công thương đang tích cực hỗ trợ các chủ đầu tư gấp rút hoàn thiện thủ tục hồ sơ để đóng điện, đưa vào vận hành thương mại 384 MW điện gió trong quý I-2025.

Có thể bạn quan tâm

Thương chiến đã đến cửa

Thương chiến đã đến cửa

Như vậy, chỉ 5 ngày sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu chuẩn bị kịch bản ứng phó cho khả năng chiến tranh thương mại, thì nguy cơ này đã bắt đầu tác động trực tiếp đến nền kinh tế VN.

Công ty TNHH Vĩnh Hiệp hành trình khẳng định vị thế dẫn đầu

Công ty TNHH Vĩnh Hiệp: Hành trình khẳng định vị thế dẫn đầu

(GLO)- Trải qua hơn 3 thập kỷ hình thành và phát triển, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trong ngành cà phê Việt Nam, vươn lên trở thành biểu tượng của sự bền vững, chất lượng và uy tín. Những nỗ lực không ngừng đã đưa Vĩnh Hiệp chạm đến những cột mốc ấn tượng trong năm 2024.