Thời gian gần đây, thông tin về những trường hợp người trúng đấu giá sau khi trả giá cao ngất ngưởng rồi lại không thực hiện nghĩa vụ tài chính tiếp theo, hay nói theo dân gian là “xù kèo”, đã để lại dư luận không tốt trong từng vụ việc, tác động nghiêm trọng đến chủ trương phát triển của lĩnh vực chuyên ngành nói riêng cũng như kinh tế-xã hội nói chung.
Việc đấu giá biển số đẹp cho ô tô là cuộc đột phá, tăng tính công khai, minh bạch, đem lại nguồn thu rất lớn cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vừa qua lại xuất hiện tình trạng người mua trả giá cao không tưởng, đến khi nộp tiền lại bỏ cuộc. Có trường hợp người trúng đấu giá biển số xe 32 tỷ đồng bỏ cọc, cơ quan chức năng phải tổ chức đấu giá lại và biển số này đã trúng đấu giá với số tiền giảm hơn phân nửa.
Trong lĩnh vực khá nóng bỏng là bất động sản, mới đây nhất là vụ người trúng đấu giá xù kèo nhà hàng Thủy Tạ (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng). Nhà hàng Thủy Tạ gắn liền với danh thắng quốc gia hồ Xuân Hương, tổng diện tích khu đất hơn 3.800m2. Năm 1997, khu đất được tỉnh cho Công ty cổ phần Du lịch Lâm Đồng thuê kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát, đến nay khi hết hạn thuê, chính quyền lên phương án tổ chức đấu giá. Việc đấu giá nhằm tìm ra nhà đầu tư chuyên nghiệp để khai thác hiệu quả và tăng nguồn thu cho ngân sách. Kết quả trúng đấu giá với giá ngất ngưởng 151,5 tỷ đồng cho thời gian thuê 10 năm, tức là mỗi năm phải trả tiền thuê 15,15 tỷ đồng. Thế rồi, người trúng đấu giá không làm các thủ tục tiếp theo, chấp nhận bỏ tiền cọc 608 triệu đồng. Trước đó, câu chuyện đấu giá đất tại TPHCM cũng lùm xùm một thời gian dài khi các doanh nghiệp trúng đấu giá tại khu đô thị mới Thủ Thiêm bỏ cọc, sau khi đẩy giá đất lên cao ngoài sức tưởng tượng…
Thời gian gần đây, nhiều lĩnh vực đã đưa ra đấu giá để công khai, minh bạch, không còn kiểu vận hành “mù mờ”, nhờ đó đã xóa đi các nhóm lợi ích, đem lại nguồn thu rất lớn, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế - xã hội. Ví dụ, chỉ tính riêng đấu giá biển số ô tô, 6 tháng qua đã có hơn 11.200 biển số đấu giá thành công và nộp ngân sách gần 1.000 tỷ đồng. Một con số hết sức có ý nghĩa, vượt ngoài sự kỳ vọng! Ở chiều ngược lại, việc không thực hiện tổ chức đấu giá liên quan đến đất đai và một số lĩnh vực khác là nguồn cơn dẫn đến các vụ án gây bức xúc dư luận.
Vậy làm thế nào để dẹp tình trạng bát nháo trong hoạt động đấu giá nói trên? Việc đầu tiên là phải sửa các luật liên quan cho phù hợp. Một trong những sự tích cực mới nhất là Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai sửa đổi 2024, quy định khá rõ về việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đồng thời giao Chính phủ tiếp tục có hướng dẫn chi tiết. Một điểm tích cực khác là Luật Đấu giá tài sản năm 2016 đang được dự thảo sửa đổi. Có một chi tiết đáng chú ý là sẽ tăng tiền đặt cọc. Theo quy định tại Điều 39 của Luật Đấu giá tài sản năm 2016, khoản tiền đặt cọc do tổ chức đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá thỏa thuận, nhưng tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá. Dự thảo luật sửa đổi sẽ tăng lên 10% và 20% lần lượt là mức tối thiểu và tối đa. Đây là giải pháp rất cần được xem xét kỹ, thậm chí có thể tăng lên mức cao hơn nữa, mục đích cuối cùng là tìm được đích thực người mua có nhu cầu. Bởi người có nhu cầu mua thực sự thì sẽ chấp nhận đặt cọc cao, vì số tiền này cũng sẽ nằm trong tổng thanh toán sau đó. Đây cũng là cơ sở để sàng lọc những đối tượng xem thường pháp luật khi tham gia đấu giá. Song song giải pháp về tài chính, cần có chế tài đủ mạnh để xử lý căn cơ tình trạng bát nháo trong việc đấu giá nói chung.