"Tăng nhiệt" thị trường nhà đất Pleiku

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngay từ đầu năm 2018, khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Gia Lai đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, thị trường nhà đất Gia Lai nói chung và TP. Pleiku nói riêng đã có dấu hiệu sôi động. Mục tiêu của quy hoạch này là xây dựng và phát triển tỉnh Gia Lai trở thành trung tâm khu vực tiểu vùng Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong tam giác phát triển ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Ảnh nguồn internet
Ảnh nguồn internet
Để đưa kinh tế-xã hội địa phương ngày càng phát triển, thời gian qua, Gia Lai đã tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư tham gia nhiều dự án trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ nhằm đạt mục tiêu đưa TP. Pleiku trở thành đô thị loại I trước năm 2020. Các lễ hội mang tầm cỡ cấp tỉnh và quốc gia như lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya, Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên… cũng được tổ chức, góp phần đưa Gia Lai có mặt trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Du lịch và hạ tầng phát triển đã đưa Gia Lai trở thành một trong những thị trường đầu tư bất động sản đầy tiềm năng. Mới đây nhất, thông tin Tập đoàn FLC tham gia đầu tư 5 dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh, trong đó TP. Pleiku có đến 4 dự án bao gồm: Tổ hợp khách sạn 5 sao và nhà phố thương mại quy mô 4,6 ha, Khu đô thị thông minh CK 54 với tổng diện tích 230 ha, Khu dân cư trên đường Nguyễn Chí Thanh có diện tích 8 ha và dự án Tháp đôi trên 30 tầng diện tích 1,6 ha.
Trước khi Tập đoàn FLC quyết định đầu tư vào Gia Lai, giá đất ở Pleiku cũng đã có dấu hiệu tăng nhiệt. Trên các đường phố tuy chưa phải trung tâm như: Cách Mạng Tháng Tám, Chu Mạnh Trinh, Tôn Thất Tùng, Phù Đổng… và ngay cả các hẻm, giá đất cũng đội lên gấp nhiều lần trước đây. Ấy là chưa tính đến các đường phố chính như Lê Duẩn, Hùng Vương, Trần Phú, Hai Bà Trưng… mỗi mét vuông có giá đến hàng trăm triệu đồng là chuyện bình thường!
Trong khoảng 2 tháng trở lại đây, giá đất tại các vùng dự kiến triển khai dự án của Tập đoàn FLC như đã nêu trên bỗng tăng vọt, nóng đến mức “nổi bong bóng” như nhiều người nhận xét. Trên trục đường Nguyễn Chí Thanh và các con hẻm nối với đường này, giá đất được thổi lên tận chín tầng mây. Người ta đồn mỗi mét ngang trên các trục đường trong vùng dự án lên đến trên 1 tỷ đồng. Nhiều khu đất vườn những năm trước đây chẳng ai ngó ngàng đến bây giờ đột nhiên hóa vàng, đã vậy chủ nhân còn “không thèm bán” để đợi giá tăng lên.
Vì sao thị trường bất động sản Pleiku “nóng” như vậy? Trước hết là do đất đai tăng giá trị sử dụng nếu như nằm trong vùng dự án; thứ hai là thị trường đã có người đầu cơ theo kiểu mua để đó đợi tăng giá bán kiếm lời. Tuy nhiên thực tế cũng đã có trường hợp tạo cơn sốt giả bằng cách thổi giá đất lên cao, sau đó một thời gian lại hạ nhiệt, xì bong bóng…
Trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của cả nước nói chung và Gia Lai nói riêng, những cơn sốt đất đai chỉ làm rối rắm thêm công tác quản lý, quy hoạch của chính quyền. Mặc dù thị trường bất động sản tăng giá về một khía cạnh nào đó cũng là một tín hiệu vui đối với nền kinh tế của địa phương, thế nhưng nếu như tăng giá theo kiểu bong bóng, tức sẽ có ngày xì hơi, thì đây đúng là hiện tượng đáng để các cấp, các ngành hữu quan quan tâm điều chỉnh nhằm bảo đảm giá đất đai vào đúng quỹ đạo, không tạo ra những cơn sốt giả tạo gây hỏa mù bất ổn?
Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.