Hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện
Ông Hà Anh Thái-Phó Giám đốc Sở Xây dựng-cho biết: Gia Lai có diện tích tự nhiên lớn, song nguồn vốn cho đầu tư lại hạn chế. Do đó, việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông phải có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các công trình có tính lan tỏa, đảm bảo quốc phòng-an ninh, đảm bảo mục tiêu kết nối nhanh, mạnh với các trung tâm kinh tế lân cận cũng như với vùng duyên hải miền Trung, các vùng kinh tế trọng điểm.
Những năm qua, nhiều dự án trọng điểm đã được triển khai trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, dự án thành phần 3 thuộc Dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên quốc lộ 25 có chiều dài hơn 180,8 km, bắt đầu từ xã Hòa An (huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) đến thị trấn Chư Sê; trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh Gia Lai dài gần 112 km. Sau nhiều năm khai thác, tuyến đường đã xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, nhất là đoạn từ thị xã Ayun Pa đến thị trấn Phú Thiện.
Trước thực tế đó, Dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên quốc lộ 25 được triển khai với tổng mức đầu tư 730,2 tỷ đồng. Công trình gồm 3 dự án thành phần, trong đó, tại địa bàn tỉnh thuộc dự án thành phần 3 với mức vốn đầu tư 349 tỷ đồng, triển khai trên phạm vi chiều dài 21 km (từ Km 126 thuộc địa phận thị xã Ayun Pa đến Km 147 thuộc địa phận thị trấn Phú Thiện).
Theo thiết kế, đoạn đường được cải tạo, nâng cấp lên quy mô đường cấp III theo tiêu chuẩn TCVN 4054-2005, vận tốc thiết kế 60-80 km/h, kết cấu mặt đường bê tông nhựa. Trong đó, các đoạn qua thị trấn, thị xã có bề rộng nền đường 12 m (2 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp, lề đất); đoạn ngoài đô thị có bề rộng nền đường 9 m (2 làn xe cơ giới, lề 2 m). Trong phạm vi thi công dự án có 7 cây cầu (xây dựng 3 cầu, sửa chữa 4 cầu).
Ông Trịnh Văn Sang-Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện-nhận định: “Việc đầu tư cải tạo, nâng cấp quốc lộ 25 đoạn qua địa bàn huyện đã hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2022 có ý nghĩa quan trọng trong việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa, cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số cư trú dọc theo tuyến. Dự án đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của huyện nói riêng và cả khu vực Tây Nguyên nói chung”.

Một dự án quan trọng khác là đường liên huyện Chư Sê-Chư Pưh-Chư Prông với tổng chiều dài tuyến là 32,75 km, quy mô công trình giao thông cấp IV, nền đường rộng 7,5 m, mặt đường rộng 5,5 m, kết cấu bê tông nhựa, có hệ thống thoát nước, vận tốc thiết kế 40 km/h, tổng mức đầu tư 320 tỷ đồng. Theo ông Lê Quang Thái-Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh: Tuyến đường này kết nối với tuyến đường liên huyện Chư Păh-Ia Grai-Chư Prông-Đức Cơ tạo thành mạng lưới giao thông khép kín phía Tây tỉnh với tổng chiều dài hơn 150 km.
Hiện nay, hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đã ngày càng hoàn thiện với 1 cảng hàng không đạt tiêu chuẩn 4C; 6 tuyến quốc lộ (14C, 19, 19D, 25, đường Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn Đông) có tổng chiều dài 723 km; 10 tuyến tỉnh lộ có tổng chiều dài 372 km; 965 km đường đô thị; cùng kết nối hệ thống giao thông nông thôn với tổng chiều dài 10.789 km; 100% xã có đường ô tô được cứng hóa vào đến trung tâm xã; 138/182 xã đạt tiêu chí về giao thông trong xây dựng nông thôn mới.
Ưu tiên các dự án trọng điểm
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Anh Thái cho biết: Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đầu tư mạng lưới hạ tầng giao thông. Nhờ vậy, hiện nay, hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh khá hoàn thiện với 2 phương thức vận tải chính là đường bộ và hàng không. Trong đó, mạng lưới đường bộ gồm 6 tuyến quốc lộ được kết nối hoàn chỉnh với 10 tỉnh lộ và hệ thống đường đô thị, đường huyện, đường xã, đường giao thông nông thôn và đường chuyên dùng, tạo đà cho các địa phương trong tỉnh phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh. Cảng Hàng không Pleiku được đầu tư xây dựng đạt cấp sân bay 4C theo tiêu chuẩn của tổ chức ICAO, đảm bảo khai thác các loại máy bay A320/321 và các tàu bay tương đương.

Để tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giao thông, năm 2025, tỉnh tập trung thực hiện những dự án giao thông trọng điểm như: đường Nguyễn Văn Linh (đoạn từ đường Trường Chinh-Lê Thánh Tôn, TP. Pleiku). Tuyến đường có quy mô đường đô thị cấp II, vận tốc thiết kế 50 km/h, nền đường rộng 35 m, mặt đường rộng 21 m, kết cấu mặt đường bê tông nhựa, tổng chiều dài tuyến gần 2,8 km; cầu Nguyễn Văn Linh bằng bê tông cốt thép với 3 nhịp, có nhịp giữa dạng vòm dài 50 m, chiều dài cầu tính đến đuôi mố là 150 m. Hiện dự án có khối lượng thực hiện phần đường đạt 14,136 tỷ đồng (đạt 13,5%); phần cầu có khối lượng thực hiện đạt 119,14 tỷ đồng (đạt 86,7%).
Một dự án trọng điểm khác có ý nghĩa kết nối, lan tỏa lớn là đường hành lang kinh tế phía Đông tỉnh (đường tránh quốc lộ 19) cũng đang đẩy nhanh tiến độ. Tuyến đường có tổng chiều dài 15,14 km; nền đường rộng 30 m, mặt đường rộng 21 m, dải phân cách rộng 3 m, vỉa hè mỗi bên rộng 3 m, kết cấu mặt đường bê tông nhựa; toàn tuyến xây dựng 3 cầu và các công trình khác như điện chiếu sáng và cây xanh. Ông Phạm Xuân Điệp-Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh-cho biết: Hiện dự án có khối lượng xây lắp đạt 44,2%. Dự án khi hoàn thành sẽ tạo thuận lợi cho người dân, phương tiện lưu thông.

“Giai đoạn 2026-2030, kế hoạch đầu tư và phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh có nguồn vốn dự kiến 15.412 tỷ đồng, đầu tư cho 47 dự án. Trong đó, có các dự án trọng điểm như: đường hành lang kinh tế phía Tây; đầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến đường tỉnh và hoàn thiện tuyến đường T2; xây dựng các tuyến đường tỉnh T1, T6; đường nối 2 tỉnh Gia Lai-Phú Yên, đoạn trên địa bàn tỉnh Gia Lai… Những dự án này nhằm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi, góp phần đưa kinh tế-xã hội Gia Lai phát triển lên tầm cao mới”-Phó Giám đốc Sở Xây dựng nhấn mạnh.