An Khê huy động nguồn lực hoàn thiện hạ tầng giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, thị xã An Khê đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông từ nội thị đến nông thôn. Nhờ đó, mạng lưới giao thông được kết nối, đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, đi lại của người dân và giúp địa phương hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Dự án nâng cấp mở rộng đường bê tông làng Hòa Bình, làng Nhoi và sửa chữa đập Pơ Nang (xã Tú An) có tổng kinh phí 2,1 tỷ đồng từ nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Công trình khởi công vào đầu tháng 12-2024 và dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2025.

Theo thiết kế, mặt đường được mở rộng từ 3 m lên 5 m. Để hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, chính quyền xã đã tích cực vận động người dân hiến đất làm đường và nhận được sự đồng thuận cao.

Đang cùng các con phá bỏ hàng rào dài hơn 40 m, lùi vào bên trong hơn 0,5 m để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, ông Đinh Lớp (làng Nhoi) chia sẻ: “Để mặt đường rộng rãi, đi lại thuận lợi, tôi đồng tình hiến đất để làm đường. Khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, con cháu mình đi, dân làng mình đi, vận chuyển nông sản dễ dàng hơn nên ai cũng thấy ý nghĩa”.

Thực hiện phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, gia đình bà Nguyễn Thị Kim Hương (tổ 2, phường Ngô Mây) cùng nhiều hộ dân sinh sống hai bên đường chùa Viên Quang nối từ đường Quang Trung đến đường Ya Đố cũng đã chủ động hiến đất mở rộng mặt đường, nâng cấp hạ tầng giao thông.

Bà Hương cho hay: “Gia đình tôi phá dỡ tường rào, cổng ngõ, chặt bỏ một số cây ăn quả để hiến gần 30 m2 đất ở để làm đường. Biết là “tấc đất tấc vàng” nhưng tôi không ngần ngại vì đường mở rộng từ 5 m thành 8 m thêm thông thoáng, phố phường thêm khang trang, sạch đẹp”.

ba-nguyen-thi-kim-huong-to-2-phuong-ngo-may-tu-nguyen-thao-ro-hang-rao-hien-dat-de-phuong-lam-duong-rong-rai-sach-dep-anh-ngoc-minh.jpg
Gia đình bà Nguyễn Thị Kim Hương (tổ 2, phường Ngô Mây) tự nguyện tháo dỡ hàng rào, hiến đất để mở rộng đường. Ảnh: M.N

Theo ông Lê Thanh Tùng-Chủ tịch UBND phường Ngô Mây: Từ nguồn vốn của thị xã, của phường và người dân đóng góp được hơn 3,2 tỷ đồng, phường đã đầu tư nâng cấp nhiều tuyến đường trên địa bàn.

“Các công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng đã đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, doanh nghiệp. Đây cũng là điều kiện để địa phương từng bước hoàn thành tiêu chí giao thông và phấn đấu đạt chuẩn đô thị văn minh trong thời gian tới”-ông Tùng nói.

Để nâng cấp hạ tầng giao thông, năm 2024, thị xã An Khê đầu tư hơn 70 tỷ đồng cải tạo mương thoát nước, lát gạch vỉa hè, thảm nhựa một số tuyến đường chính. Các xã, phường huy động hơn 8,7 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp hơn 12,5 km đường giao thông nông thôn, nội thị.

Ông Trần Thanh Cảnh-Chủ tịch UBND phường An Phú-chia sẻ: Được thị xã quan tâm đầu tư, hầu hết các tuyến đường chính của phường được thảm nhựa hoặc đổ bê tông.

“Năm 2024, từ nguồn vốn của thị xã và người dân đóng góp, phường đã đầu tư nâng cấp 13 đường hẻm với tổng chiều dài gần 860 m. Năm tới, phường tiếp tục rà soát các tuyến đường xuống cấp, hẻm nhỏ cần mở rộng để xây dựng kế hoạch đầu tư sửa chữa, nâng cấp nhằm đồng bộ hạ tầng giao thông”-ông Cảnh chia sẻ.

nguoi-dan-thuoc-to-2-va-to-3-phuong-ngo-may-thi-xa-an-khe-hien-dat-lui-tuong-rao-cong-ngo-de-duong-di-rong-rai-hon-anh-ngoc-minh.jpg
Người dân tổ 2 và tổ 3 phường Ngô Mây (thị xã An Khê) hiến đất lùi tường rào, cổng ngõ để đường đi rộng rãi hơn. Ảnh: Ngọc Minh

Xác định mở rộng, nâng cấp hạ tầng giao thông là “đòn bẩy” giúp địa phương phát triển kinh tế-xã hội, giai đoạn 2021-2024, thị xã huy động hơn 640 tỷ đồng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông.

Đến nay, thị xã có hơn 84 km đường nội thị được láng nhựa, bê tông nhựa; gần 90% hẻm được đổ bê tông; 100% đường liên xã, phường láng nhựa và bê tông; khoảng 90% đường trục xã, trục thôn, ngõ xóm được bê tông hóa, nhựa hóa.

Ông Đặng Quốc Hoài Huy-Phó Chủ tịch UBND thị xã An Khê-khẳng định: Những năm qua, nhiều công trình, dự án đường giao thông được nâng cấp, cải tạo đã góp phần quan trọng thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 20-1-2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng các vùng động lực của tỉnh Gia Lai đến năm 2030.

“Thời gian tới, thị xã tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng các tuyến đường giao thông trọng điểm có tính kết nối vùng. Chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với các xã, phường tiếp tục rà soát các tuyến đường xuống cấp, nhỏ hẹp để đầu tư, sửa chữa, nâng cấp mở rộng.

Từ đó, tạo điều kiện giao thương thông suốt, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương, xứng tầm vùng kinh tế động lực phía Đông tỉnh”-ông Huy nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.