Tăng cường cán bộ về cơ sở 20 năm nhìn lại - Kỳ cuối: Vững vàng "thế trận lòng dân"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 20 năm đã trôi qua kể từ ngày 33 cán bộ tăng cường về các xã trọng điểm của tỉnh. Bóng dáng họ vẫn còn đó với nhiều công trình, phần việc để lại. Và “thế trận lòng dân” tiếp tục được củng cố khi hiện nay nhiều cán bộ vẫn giữ được mối quan hệ bền chặt với cơ sở.

Đổi thay từ cơ sở

Cuộc chuyện trò của chúng tôi với nhóm cán bộ chủ chốt tăng cường về các xã ở huyện Chư Sê ngày đó chợt trở nên vô cùng rôm rả khi nhắc đến ông Trương Văn Hoàng-Bí thư Đảng ủy xã Bar Măih. Chuyện thú vị chính bởi một bước ngoặt đáng nhớ trong cuộc đời ông Hoàng kể từ khi gặp gỡ các cán bộ tăng cường.

Trao đổi với P.V, ông Hoàng kể: Học xong lớp 12, ông tham gia nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia vào năm 1983. Năm 1988, ông về nước với cấp bậc Trung úy; 3 năm sau thì phục viên. Sau đó, ông cùng gia đình từ Bình Định chuyển lên xã Bờ Ngoong. “Vợ giáo viên, mình làm vườn. Năm 2001, khi cà phê rớt giá, đành mở quán ăn ở trung tâm xã kiếm sống”-ông Hoàng hồi nhớ. Ngày đó, trên địa bàn xã tìm người học hết THPT rất khó. Chưa kể, năm 1986, ông từng được cử đi học lớp đào tạo trợ lý tài vụ tại Quân khu 5. Qua công tác bám nắm địa bàn, ông Lương Văn Danh-khi đó là Phó Trưởng phòng Tòa soạn-Bạn đọc Báo Gia Lai mới phát hiện những chi tiết trên. Nhận thấy năng lực cán bộ xã còn hạn chế trong khi người có trình độ thì lại làm công việc không phù hợp, ông Danh đã đề xuất xã tuyển ông Hoàng vào công tác. Vậy là, năm 2004, ông Hoàng mạnh dạn ứng cử đại biểu HĐND xã Bờ Ngoong, sau đó được bổ nhiệm Phó Trưởng Công an xã. Năm 2005, khi Bar Măih tách ra từ Bờ Ngoong, ông làm Trưởng Công an xã, sau đó kinh qua nhiều vị trí, chức vụ và hiện là Bí thư Đảng ủy xã.

 Các cán bộ tăng cường gặp mặt nhân 20 năm lên đường thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: Duy Lê
Các cán bộ tăng cường gặp mặt nhân 20 năm lên đường thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: Duy Lê


“Đó là thời kỳ nóng bỏng, đảm nhận chức vụ Phó Trưởng Công an xã là khá mạo hiểm. Nhưng đã từng tham gia chiến trường Campuchia thì trải nghiệm không thiếu. Thêm vào đó, tôi luôn tin tưởng vào đường lối, sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tin vào việc lập lại trật tự xã hội, ổn định quốc phòng-an ninh. Bên cạnh tôi lúc đó còn có lực lượng Công an, Quân đội và cán bộ của tỉnh tăng cường về. Quả thật là họ hoạt động rất hiệu quả, thường xuyên “nằm làng”, gần dân. Không sâu sát thì làm sao mà phát hiện ra tôi”-ông Hoàng hóm hỉnh chia sẻ. Bí thư Đảng ủy xã Bar Măih cho biết thêm: Thời đó, cả xã chỉ có 1 cái máy vi tính, cán bộ chưa ai biết sử dụng. Trong thời gian tăng cường tại đây, ông Danh và ông Phạm Hồng Phong là những người tiên phong phổ cập tin học cho cả xã, hướng dẫn kỹ lưỡng từ kế toán tới bộ phận văn phòng.

Cũng dành tình cảm đầy trân trọng cho đội ngũ cán bộ chủ chốt tăng cường, ông Phạm Văn Xứng-Bí thư Đảng ủy xã Ia Drăng (huyện Chư Prông) cho biết: “Khi đồng chí Huỳnh Thế Mạnh về làm Bí thư Đảng ủy xã, tôi đang là Phó Bí thư Đoàn Thanh niên. Đồng chí luôn thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, nội quy, quy chế cơ quan; thường xuyên kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện nhiệm vụ của từng cán bộ, tổ chức; quan tâm sơ kết, tổng kết các phong trào để rút kinh nghiệm”. Ông Xứng cho hay, Bí thư Đảng ủy xã khi đó ngoài việc khen thưởng, động viên kịp thời những tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích cũng nghiêm khắc nhắc nhở, thậm chí kiểm điểm những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ; quan tâm tới đời sống của cán bộ, công chức trong xã. “Qua đồng chí Mạnh, tôi học hỏi được rất nhiều từ phương pháp làm việc, quản lý, điều hành để sau này áp dụng vào thực tế công việc”-ông Xứng nhìn nhận.

Ông Lưu Xuân Thành-Bí thư Đảng ủy xã Ia Dreng (huyện Chư Pưh) cũng bày tỏ niềm cảm phục khi nhắc đến khoảng thời gian ông Nguyễn Hữu Quế tăng cường. Ông Thành dẫn chứng: “Không riêng gì tôi mà nhiều cán bộ xã đều lấy anh Quế làm tấm gương về đạo đức, kỷ cương, gần dân và đầy trách nhiệm. Nhờ sự tham mưu, hỗ trợ của anh mà xã đã đạt nhiều kết quả khả quan trong phát triển kinh tế-xã hội. Năm 2002, toàn xã chỉ có hơn 10 đảng viên và giờ là 132 đảng viên; từ hơn 50% là hộ nghèo thì giờ chỉ còn khoảng 16%; ban đầu có 1 trường học thì giờ đã có 4 trường. Năm 2020, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt, từ một xã có đến 145 đối tượng tham gia biểu tình thời kỳ đó thì nay an ninh chính trị được đảm bảo. Trong thành quả này, có thể nói, vai trò của anh Quế là rất rõ nét”.

Chủ trương tăng cường cán bộ của Tỉnh ủy Gia Lai khi đó được Chính phủ đánh giá cao. Ngay sau sự kiện gây rối năm 2004, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp xuống làm việc với hệ thống chính trị xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê). Tiếp đó, ngày 18-9-2004, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng biểu dương: “Việc tỉnh phân công cán bộ các sở, ngành, đoàn thể phụ trách các xã yếu kém là giải pháp năng động, sáng tạo nhằm vô hiệu hóa bọn cầm đầu tổ chức FULRO; tuyên truyền, giáo dục cho Nhân dân hiểu và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước”.

Ân tình 20 năm

20 năm qua, điều hết sức trân quý là nhiều cán bộ tăng cường về các xã ngày ấy vẫn kết nối, duy trì tình cảm với người dân và cán bộ xã, qua đó thường xuyên nắm bắt tình hình cơ sở, góp phần tạo sự ổn định bền vững để phát triển kinh tế-xã hội.

Bí thư Đảng ủy xã Bar Măih xúc động cho hay, dù đã rời địa bàn khá lâu nhưng nhóm cán bộ tăng cường về xã vẫn giữ quan hệ thân tình như người nhà. Ma chay, hiếu hỉ gì họ cũng có mặt; lễ, Tết đều thăm hỏi. “Mới năm ngoái đây thôi, anh Danh vận động tặng hàng chục suất quà (300 ngàn đồng/suất) cho người nghèo 2 xã Bờ Ngoong và Bar Măih. Anh cũng vừa cùng nguyên Tổng Biên tập Báo Gia Lai Đoàn Minh Phụng xuống thăm cụ Đinh Y Dép-cán bộ lão thành cách mạng, nguyên Huyện đội trưởng huyện Chư Sê. Tết năm nào anh Danh cũng gửi quà cho cụ Dép. Đó là những tình cảm rất đáng quý”-ông Hoàng kể.  

Gắn bó từ những ngày gian khó nên mỗi chuyến trở về cơ sở như là thôi thúc trong lòng mỗi người. Ông Nguyễn Hữu Quế cũng không ngoại lệ. Bí thư Đảng ủy xã Ia Dreng không tiếc lời khen: “Rời xã rồi mà anh Quế vẫn sát sao theo dõi tình hình, năm nào cũng xuống thăm hỏi bà con, tặng quà hộ nghèo, nhất là dịp Tết. Anh còn vận động, kêu gọi Mạnh Thường Quân tặng nhà tình nghĩa, bò sinh sản, tặng bàn ghế, xe đạp, ti vi, máy vi tính cho trường học”.

Nhờ sự cảm hóa của cán bộ tăng cường xã Ia Dreng (huyện Chư Pưh), ông Rơ Mah Kul-thôn Tung Mô B đã từ bỏ
Nhờ sự cảm hóa của cán bộ tăng cường xã Ia Dreng (huyện Chư Pưh), ông Rơ Mah Kul ở thôn Tung Mô B đã từ bỏ "Tin lành Đê ga", tập trung sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Phương Duyên


Chúng tôi đến thăm bà Siu H'Hir (78 tuổi, làng Tung Blai), người được ông Quế xem như mẹ nuôi. Nắm tay chúng tôi chuyện trò, bà bồi hồi kể: “Lần nào về xã, Quế cũng ghé nhà mẹ nuôi trước tiên. Nghe báo tin mẹ đau bệnh, nếu không xuống được thì Quế đều gọi điện hỏi han”. Ân tình đó khiến tuổi già của bà trở nên vô cùng ấm áp. Còn ông Rơ Mah Kul (làng Tung Mo B) nhớ mãi sự giúp đỡ ân cần của ông Quế. Được chính ông Quế tuyên truyền, vận động, ông đã từ bỏ “Tin lành Đê ga”. Hiện tại, gia đình ông ngoài trồng, chăm sóc hơn 1 ha cà phê, 2 sào ruộng lúa, gần 8 sào mì còn nuôi thêm 3 con bò. “Năm vừa rồi, mình thu được hơn 100 triệu đồng. Có tiền, mình làm lại sân bê tông và làm hàng rào phía trước nhà cho sạch sẽ”-ông Kul vui vẻ nói.

Nhận định về 2 năm tăng cường cơ sở, các cán bộ ngày ấy đều cho rằng đây là khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng vô cùng quý giá, giúp họ hiểu được đời sống của người dân ở cơ sở như thế nào, cán bộ tại đó làm việc, suy nghĩ ra sao. Tất cả những trải nghiệm từ thực tế sinh động ấy đã hỗ trợ họ rất nhiều trong công tác quản lý, điều hành sau này. Nhiều người trưởng thành, được tin tưởng đề bạt, bổ nhiệm vào những vị trí quan trọng ở các sở, ban, ngành của tỉnh.

Nhìn lại chủ trương tăng cường cán bộ về cơ sở sau 20 năm, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Đình Thu nêu quan điểm: “Phải mất cả chục năm tỉnh mới dần phục hồi sau các cuộc biểu tình, gây rối, nhưng vẫn còn đó những đổ vỡ, mất mát. Thời gian tới, chúng ta vẫn phải tiếp tục kiên trì khắc phục, mà để làm được điều này thì cần chú trọng nâng cao trình độ, bản lĩnh cán bộ. Đây là điều hết sức quan trọng”. Trong khi đó, để đảm bảo an ninh chính trị trong thời gian tới, ông Huỳnh Thế Mạnh-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy-cho rằng cần phải chuẩn hóa, trẻ hóa cán bộ từ xã đến thôn làng. “Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã đề xuất triển khai đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh: “Xây dựng lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở cơ sở” trong 2 năm 2022-2023 và đã được tỉnh phê duyệt với kinh phí gần 1 tỷ đồng. Đến nay, đề tài đã triển khai được một nửa chặng đường, chủ yếu ở các làng dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa của tỉnh với kỳ vọng tạo chuyển biến về tư tưởng ngay tại cơ sở để đảm bảo ổn định an ninh chính trị, tạo đà phát triển kinh tế-xã hội”-Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thông tin.

 

 PHƯƠNG DUYÊN - PHƯƠNG DUNG

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.