Tận tâm "trồng người"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trên những chuyến đò thầm lặng, các thầy-cô giáo vẫn miệt mài vun đắp cho sự nghiệp “trồng người”. Dẫu gặp muôn vàn khó khăn, thử thách nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, họ vẫn luôn tận tâm đưa học sinh đến bến bờ tri thức.


Hết lòng vì trò nghèo

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Huế, cuối năm 2012, cô Trần Thị Kim Hòa trúng tuyển viên chức tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám (nay là Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Lê Văn Tám, xã Krong, huyện Kbang). 9 năm gắn bó với mái trường vùng khó cũng là ngần ấy thời gian cô Hòa tận tâm mang cái chữ đến với học trò nghèo. Nhìn cách cô ân cần chăm sóc, dạy dỗ các em, chẳng ai có thể nghĩ rằng, cô giáo trẻ này từng có ý định rời xa cái nghề mà mình lựa chọn.

Cô Hòa nhắc nhớ: “Ngày đầu đến trường nhận công tác, tôi gần như vỡ mộng với những gì mình tưởng tượng về những học sinh trong bộ đồng phục quần xanh áo trắng tinh tươm, khuôn mặt rạng rỡ đón chờ cô giáo; những lớp học khang trang với đầy đủ thiết bị thông minh; hay cả việc bản thân mặc áo dài thướt tha, mang giày cao gót thong thả dạo bước nơi sân trường… Tất cả những điều đó không hề hiện hữu ở ngôi trường cách trung tâm huyện hơn 40 km với 96% học sinh người Bahnar. Học sinh của tôi áo quần cũ kỹ, khuôn mặt nhem nhuốc. Lớp học thậm chí không có điện; ngày mưa thì thiếu sáng, còn ngày nắng thì dư thừa mồ hôi. Thêm nữa, tôi không giao tiếp được với học sinh bằng tiếng phổ thông, các em cũng không hiểu cô giáo nói gì. Lúc đó, tôi thật sự thấy nản lòng, chỉ muốn về nhà”.

Thầy-cô giáo là những người lái đò thầm lặng, đưa bao thế hệ học sinh đến bến bờ tri thức. Ảnh: Mộc Trà
Thầy-cô giáo là những người lái đò thầm lặng, đưa bao thế hệ học sinh đến bến bờ tri thức (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Mộc Trà

Toàn tỉnh hiện có 762 trường mầm non, phổ thông công lập và ngoài công lập với hơn 404.502 học sinh/9.518 lớp. Tổng số viên chức từ bậc mầm non đến phổ thông trong biên chế là 20.848 người, trong đó có 1.848 cán bộ quản lý, 17.542 giáo viên và 1.458 nhân viên.

Nhưng rồi suy nghĩ có phần tiêu cực ấy dần tan biến. Chính sự chân chất, bình dị của mảnh đất và con người Krong đã níu giữ chân cô ở lại suốt bao năm qua. “Ngày ngày, tôi mang dép lê đến nhà gọi các em ra lớp. Nhiều khi, tôi mang theo cả dầu gội, tranh thủ giờ ra chơi xuống suối tắm cho học trò ở điểm trường làng. Vất vả là vậy nhưng nhìn các em hồn nhiên, vui vẻ tới lớp là mọi mệt mỏi đều tan biến. Tôi có 2 con nhỏ, chồng thường đi công tác xa nên hàng ngày phải đi về gần 90 km để vừa đảm bảo việc giảng dạy vừa chăm lo gia đình. Những hôm ở lại trường, tôi phải đem các con đi gửi người thân nhưng chưa bao giờ nản lòng”-cô Hòa tâm sự.

Nhiều năm liền, cô Hòa được nhà trường phân công dạy lớp 1. Ngoài tích cực học tiếng Bahnar, cô còn nỗ lực tìm kiếm phương pháp để giúp học trò sớm đọc thông viết thạo tiếng Việt. Và cô đã rất thành công khi sử dụng truyện tranh để thúc đẩy tốc độ đọc trơn của học sinh. Cuối mỗi năm học, học sinh lớp cô chủ nhiệm đều đọc nhanh và tiến bộ vượt bậc, nhất là môn Tiếng Việt.

Thầy Hoàng Văn Ngọc-Hiệu trưởng nhà trường-nhận xét: “Cô Trần Thị Kim Hòa là người vững chuyên môn và rất tâm huyết với giáo dục vùng khó. Cô được đồng nghiệp và phụ huynh đánh giá cao, học trò yêu mến. Cô cũng là giáo viên cốt cán được huyện lựa chọn tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn. Đặc biệt, năm học 2020-2021, khi tham gia Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức, cô đã vượt qua 214 giáo viên toàn tỉnh để giành giải xuất sắc”.

4 Cô Trần Thị Kim Hòa-giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Lê Văn Tám (xã Krong, huyện Kbang) luôn yêu thương, gần gũi với học trò. Ảnh Mộc Trà.jpg
Cô Trần Thị Kim Hòa-giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Lê Văn Tám (xã Krong, huyện Kbang) luôn quan tâm chăm sóc học trò (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Mộc Trà


Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc lớp học online miễn phí của cô Nguyễn Thị Kim Nhẫn-giáo viên Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (xã Phú Cần, huyện Krông Pa) bắt đầu. Từ ngày khai giảng đến nay, hoạt động này được cô Nhẫn duy trì đều đặn 3 buổi tối/tuần nhằm củng cố kiến thức cho một số học sinh khối lớp 4. Bất kỳ em nào muốn học đều có thể tham gia và được cô tận tình chỉ dạy.

Người dân buôn Mlah luôn dành những ngôn từ đầy trân quý mỗi khi nhắc đến cô Nhẫn. Anh Ksor Khớ phấn khởi nói: “Con gái của mình từ khi được cô Nhẫn ôn tập vào buổi tối đã tiến bộ rõ rệt. Con rành tiếng Việt hơn, làm Toán cũng nhanh và chính xác hơn. Trước đó, cô giáo đã chỉ mình cài đặt ứng dụng Google Meet trên điện thoại để cho con vào học trực tuyến. Dân làng đều biết ơn cô Nhẫn vì cô luôn quan tâm chăm sóc, dạy học miễn phí cho lũ trẻ”.

Ngoài lớp học này, cô Nhẫn còn phụ đạo miễn phí mỗi tuần 2 buổi chiều cho những học sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời, tích cực kêu gọi Mạnh Thường Quân hỗ trợ đồ dùng học tập, giúp các em có điều kiện theo đuổi giấc mơ con chữ. Mới đây, cô vừa vận động và trao tặng 30 bộ đèn tích điện cùng cặp sách, vở... cho học sinh ở điểm trường buôn Mlah.


Cô Nhẫn hiện đang là giáo viên chủ nhiệm lớp 5 với 100% học sinh là người dân tộc thiểu số. Lớp học được đặt tại điểm trường lẻ cách xa khu trung tâm. Thế nhưng bằng kinh nghiệm của mình, cô đã linh hoạt vượt khó để duy trì chất lượng dạy và học. “Tôi luôn gần gũi, tìm hiểu hoàn cảnh của từng em. Từ đó, có biện pháp giảng dạy, động viên, khuyến khích các em trong học tập. Tôi còn nhận đỡ đầu 2 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Những năm gần đây, lớp tôi chủ nhiệm sĩ số duy trì 100% và luôn dẫn đầu các phong trào”-cô Nhẫn chia sẻ.

Không ngừng sáng tạo

Cùng với tình yêu thương vô bờ bến, nhiều giáo viên còn sáng tạo trong giảng dạy nhằm phát huy tối đa phẩm chất, năng lực học sinh. Gần 25 năm gắn bó với nghề, cô Nguyễn Thị Huyền-giáo viên Trường THPT Pleiku luôn chú trọng đổi mới bài giảng để mang đến cho học trò những tiết học thú vị. “Hạn chế của môn Lịch sử là bài học khá dài, lượng kiến thức nhiều khiến học sinh khó tiếp cận, dẫn đến nảy sinh tâm lý chán học. Nắm bắt được điều đó, tôi luôn đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm khơi dậy sự đam mê và hứng thú cho các em. Bên cạnh phát huy tối đa sự hỗ trợ của công nghệ thông tin vào bài giảng, tôi còn thường xuyên áp dụng các kỹ thuật dạy học tích cực như: chia nhóm, giao nhiệm vụ, đặt câu hỏi; hướng dẫn học sinh lập sơ đồ tư duy sau mỗi chủ đề hoặc bài dạy; xác định mục tiêu cụ thể cho từng chủ đề để học sinh nắm bắt được những nội dung trọng tâm, tránh việc học dàn trải. Đồng thời, tôi cũng hướng dẫn các em vận dụng kiến thức đã tiếp thu để làm bài tập”-cô Huyền rút ra kinh nghiệm. Nhờ đó, đa số học sinh có sự hứng thú hơn trong học tập. Không ít em còn chinh phục kiến thức ở môn học này qua kỳ thi học sinh giỏi các cấp hay Olympic truyền thống 30-4.

Cô Ksor H'Nhiêm là mẹ hiền của các trò nhỏ Trường Mẫu giáo 30-4 (xã Ia Der, huyện Ia Grai). Ảnh: Mộc Trà
Cô Ksor H'Nhiêm là mẹ hiền của các trò nhỏ Trường Mẫu giáo 30-4, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Mộc Trà


Khác với cô Huyền, đối tượng học sinh của cô Ksor H'Nhiêm-giáo viên Trường Mẫu giáo 30/4 (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) là trẻ nhỏ. Vì vậy, mục tiêu mà cô H'Nhiêm hướng đến là làm thế nào có thể huy động tối đa trẻ ra lớp, duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục theo phương châm “Lấy trẻ làm trung tâm”. Là người Jrai nên cô H'Nhiêm hiểu và giao tiếp tốt với phụ huynh. Vì thế, cô thường xuyên kết hợp với trưởng thôn và các đoàn thể nắm bắt danh sách gia đình có hoàn cảnh khó khăn để trực tiếp đến thăm hỏi, vận động trẻ đến trường. Nhờ được sự tin tưởng của phụ huynh, những năm gần đây, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp đúng độ tuổi và duy trì sĩ số học sinh ở điểm trường làng Ia Tông mà cô giảng dạy đều đạt 100%.

Bên cạnh đó, để thu hút trẻ tới trường, cô H'Nhiêm đã bỏ công sưu tầm những hình ảnh văn hóa địa phương thân thiện, gần gũi, màu sắc nổi bật để trang trí lớp học; lấy hạt, quả khô sắp xếp thành những góc chơi khoa học; đề xuất Ban Giám hiệu trang bị thêm ti vi, loa tại điểm trường. Đồng thời, cô tự bỏ tiền mua thiết bị phát wifi; phối hợp với cộng đồng làm nhà vệ sinh, sân chơi cho trẻ... “Bằng năng khiếu âm nhạc của mình, tôi đã tổ chức cho trẻ các giờ thể dục sáng, âm nhạc đầy sinh động, hấp dẫn; khai thác triệt để các trò chơi nói tiếng Việt trên internet để trẻ xem mọi lúc, mọi nơi”-cô H'Nhiêm bày tỏ.

Nhận xét về đồng nghiệp của mình, cô Đỗ Thị Nga-Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo 30/4-cho hay: Dù được phân công giảng dạy tại điểm trường khó khăn nhất nhưng cô H'Nhiêm đã phát huy năng lực, vai trò, uy tín của mình trong việc vận động trẻ tới trường; chăm sóc, giáo dục trẻ và xã hội hóa giáo dục.

6 Cô Nguyễn Thị Kim Nhẫn-giáo viên Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (xã Phú Cần, huyện Krông Pa) đón nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT vào ngày 14-11 tại Hà Nội-Ảnh nhân vật cung cấp
Cô Nguyễn Thị Kim Nhẫn-giáo viên Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (xã Phú Cần, huyện Krông Pa) đón nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT vào ngày 14-11 tại Hà Nội. Ảnh nhân vật cung cấp

Tại lễ tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2021 do Bộ GD-ĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 14-11 vừa qua, cô Nguyễn Thị Kim Nhẫn và Nguyễn Thị Huyền đã vinh dự nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT vì có thành tích tiêu biểu xuất sắc năm 2021. Cô Trần Thị Kim Hòa cũng đại diện cho giáo viên toàn tỉnh tham dự chương trình tuyên dương “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2021 do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ GD-ĐT và Tập đoàn Thiên Long tổ chức vào ngày 20-11. Còn cô Ksor H'Nhiêm vừa được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước năm học 2020-2021.
 

 Cô Nguyễn Thị Huyền-giáo viên Trường THPT Pleiku (áo dài tím, hàng trước) tại lễ tuyên dương nhà giáo tiêu biểu năm 2021 ở Hà Nội. Ảnh nhân vật cung cấp
Cô Nguyễn Thị Huyền-giáo viên Trường THPT Pleiku (áo dài tím, hàng trước) tại lễ tuyên dương nhà giáo tiêu biểu năm 2021 ở Hà Nội. Ảnh nhân vật cung cấp

MỘC TRÀ
 

Có thể bạn quan tâm

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Bá Công tặng hoa chúc mừng 3 nhóm tác giả có dự án xuất sắc đại diện cho tỉnh tham gia cuộc thi cấp quốc gia. Ảnh: T.D

Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học, môi trường cho học sinh sáng tạo nghiên cứu

(GLO)- Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ 11 (năm học 2024-2025) do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức diễn ra từ ngày 9 đến 11-1 đã trở thành sân chơi bổ ích, trí tuệ, góp phần thúc đẩy sự khám phá, đam mê nghiên cứu khoa học trong học sinh.

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 không còn đặt ra tỷ lệ học nghề sau THCS khoảng 30% như giai đoạn trước. Thực tế cho thấy việc áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không phù hợp và nảy sinh nhiều hệ lụy.

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

(GLO)- Chiều 3-1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai và Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai.