Tản mạn với trời đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mùa đông, khi gió ngun ngún phả hơi lạnh vào không gian, cảm giác hơi co ro trong tiết trời se sắt, người ta thường nghĩ đến những điều ấm áp.

Chúng tôi áp ly cà phê nóng ấm vào lòng tay, khẽ xoay câu chuyện về một quãng xa, khi trước mắt là những thửa ruộng chỉ còn trơ gốc rạ. Ráng chiều vẽ những vệt ối đỏ loang trong khoảng chân trời xam xám, nối những ngọn đồi liền với những thửa ruộng nằm quanh thung lũng. Khói phơ phất bay lên từ đồng ruộng. Chúng tôi gọi mùa này là mùa đốt đồng.

Khi lúa đã thu hoạch xong, rơm rạ trên ruộng thường được thu gom gọn gàng. Trước đây, rạ rơm cũng được mang hết về nhà. Thường thì phần rạ dùng để làm chất đốt, dùng lợp mái nhà, còn phần rơm thì tích trữ làm thức ăn cho gia súc, nhất là vào mùa đông.

Ngày ấy, phần gốc rạ dưới cùng thường được cuốc lên, phơi thật khô, chất đống lại rồi đốt. Gốc rạ lẫn với đất bùn khô cứng, chỉ cháy ngun ngún trong tiết trời se sắt. Những ngọn khói cũng vương vất bay lên giữa vòm trời xám ngắt. Bây giờ thì người ta chất đống cả rạ lẫn rơm rồi đốt, khói mù mịt cả một vùng. Mẹ tôi bảo, làm ruộng thường phải đốt đồng như vậy là để diệt trừ bớt mầm sâu bệnh, bổ sung dưỡng chất cho đất để gieo trồng vụ sau.

Những buổi chiều mùa đông ngun ngún khói như thế, đôi bàn chân chúng tôi mê mải chạy trên ruộng đồng. Mùi của khói lúc ấy không chỉ là mùi hương của lửa. Nó còn là mùi của bùn ruộng ngai ngái, mùi của rạ rơm ủ ngấu, mùi của tháng năm in hằn lên vai áo đẫm mồ hôi, mùi của dại thơ với những tiếng cười văn vắt vọng xuống lòng sông đã lắng trong…

Mùa ấy, những con sông bắt đầu lặng dần, không còn vẩn đục màu phù sa nữa. Chúng tôi ngồi tụm lại cùng nhau, đống lửa có thêm vài ba con cào cào, châu chấu, đôi củ khoai mót được gần đó bỏ vào nướng, thơm lựng cả trời chiều. Mùa đông thường đưa người ta xích lại gần với nhau hơn.

Cái thuở đứa nào cũng phong phanh manh áo cũ, gió lùa vào người, co ro giữa đồng bãi. Đống lửa ngun ngún sợi khói phơ phất ở giữa đồng ấy như một cứu cánh cho đám trẻ chúng tôi. Trâu bò nhẩn nha gặm nốt đám cỏ ven bờ, chúng tôi cũng có thể nán lại với nhau lâu hơn, thảnh thơi hơn, bên đống lửa cùng niềm vui trẻ thơ ấm áp.

14.jpg
Minh họa: HUYỀN TRANG

Hồi đó, mấy đứa con gái chúng tôi còn có một niềm vui khác, đó là đem theo những cuộn len để tranh thủ đan móc trong lúc ngồi trông chừng trâu bò. Những cuộn len được gỡ ra từ những chiếc áo cũ đã rách nát hoặc chật không thể mặc được nữa. Sợi len thường nhiều màu sắc và chi chít những mối nối. Tôi không còn nhớ ai là người đầu tiên bày dạy việc đan lát, thêu thùa cho mình. Nhưng thời của tôi, bạn nữ nào cũng có thể làm những việc nữ công gia chánh rất khéo léo. Những sợi len cũ được chúng tôi tận dụng, nối vào nhau rồi đan thành chiếc áo mới với nhiều màu sắc được phối với nhau. Đôi que đan được vót từ loại tre thật già, chuốt cho thật nhẵn, lấy chút mỡ quết sơ cho trơn, rồi hơ qua lửa.

Tôi còn nhớ mình đã từng sở hữu đôi que đan lên nước bóng loáng. Những tấm áo do đôi bàn tay mình tự đan dường như đã làm cho mùa đông đỡ lạnh hơn. Những tấm áo sặc sỡ sắc màu và mặt trong chi chít những mối nối. Những tấm áo độc nhất vô nhị, chẳng thể tìm đâu ra phiên bản thứ hai.

Ly cà phê vẫn còn ấm nóng trong trời chiều ngun ngún gió. Đôi tay người bạn gái ngồi cùng tôi hôm ấy thoăn thoắt với cuộn len lăn chầm chậm trên mặt bàn. Tôi vu vơ nhìn sợi khói mảnh như tơ vấn vít trong ráng đỏ. Một cảm giác thân thuộc chợt dâng đầy. Tôi cũng đã từng tỉ mẩn ngồi kết từng mũi len mà làm thành tấm áo cho mùa đông ấm áp.

Giữa những buổi chớm đông, khói đốt đồng vấn vít trời chiều như thế này. Những thói quen được tạo lập từ thuở nhỏ đã khiến tôi luôn gìn giữ được gốc quê cho mình, dù tôi có nương mình vào phố phường lâu đến thế nào. Như cái khoảnh khắc trông khói vương lên trong ráng chiều và nhìn cuộn len xoay xoay trước mặt. Tôi mường tượng về nếp nhà tranh nằm khuất sâu trong tâm trí, gà vịt lục tục kéo nhau về chuồng, dòng sông đã lắng lớp phù sa thanh thản giữa ruộng đồng, chỉ còn những đám khói vẩn vơ nhẹ bay lên trong trời đông xam xám.

Mùa đông đến, tôi thường nghĩ đến những điều thật ấm áp. Không biết có phải do gió lạnh hay không?

Có thể bạn quan tâm

Minh họa: HUYỀN TRANG

Những ngày cuối năm

(GLO)- Vậy là đoàn tàu thời gian đã đến ga “tháng Chạp”. Có lẽ vì là ga cuối nên cuộc hành trình dường như chậm lại trong biết bao nỗi niềm bâng khuâng của lữ khách.

Thắng cảnh Biển Hồ. Ảnh: Phạm Quý

Phố núi tình thân

(GLO)- Pleiku đang trở thành điểm đến yêu thích của nhiều du khách. Vẻ đẹp hoang sơ và tình cảm của con người nơi đây khiến không ít người tìm đến Pleiku như là một điểm dừng chân thú vị.

Ảnh minh họa: Phùng Tuấn Ngọc

Hoài niệm Tết

(GLO)-Tết vừa gợi nên biết bao yêu thương nhưng cũng là nỗi lo của người lớn. Nhưng Tết hiện diện trong suy nghĩ của trẻ con thì khác, nó háo hức, chộn rộn trong tiếng cười, trong tiếng vỗ tay reo vui khi thấy mẹ bắt đầu dọn dẹp nhà cửa và mua bánh kẹo. Và, Tết luôn đầy màu sắc, đầy tiếng cười vui.

Xuân về khoe áo mới

Xuân về khoe áo mới

Tết đến, Xuân về ai cũng muốn mọi điều đều mới mẻ, tốt đẹp. Nên cùng với việc dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa thì việc được quan tâm nhiều, háo hức nhiều là sắm sửa quần áo mới.

Hoa mùa xuân

Hoa mùa xuân

(GLO)- Mùa này, trên khắp nẻo núi đồi, thung xa hay trong mỗi vườn nhà, những chồi non lộc biếc bắt đầu mởn xanh trong gió, rực rỡ đón chào năm mới.

Ảnh minh họa: Phùng Tuấn Ngọc

Mùi Tết

(GLO)- Có một ngày, tôi bỗng ngồi nhớ nhung mùi Tết, để rồi tự hỏi mùi của Tết là gì? Phải chăng đó là mùi của nồi bánh chưng đang sôi lục bục ở góc sân đêm 29 Tết hay là mùi thơm nồng của dưa hành dưa kiệu mới ngấu?

“Mùa đi cùng tháng năm”

“Mùa đi cùng tháng năm”

(GLO)- Rồi thời gian cũng sớm vẫy mùa xuân trở lại. Tôi đoán thế khi đang đứng ở hành lang một dãy phòng học nhìn ra buổi sáng mà mọi vật như còn bỡ ngỡ với “cơn nắng se ngang trời đông”. Như thể ngày hôm qua và cả hôm kia nữa, chưa hề gió lạnh.

Thơ Bùi Việt Phương: Dốc mùa xuân

Thơ Bùi Việt Phương: Dốc mùa xuân

(GLO)- "Dốc mùa xuân" là một bài thơ đượm sắc xuân và tình quê của Bùi Việt Phương. Ở đó, xen lẫn giữa kỷ niệm là những xúc cảm hoài niệm của một người con xa xứ về không khí Tết đầm ấm, yên vui ở quê nhà.

Hoa rù rì bên dòng Pô Cô

Hoa rù rì bên dòng Pô Cô

(GLO)- Dòng Pô Cô huyền thoại uốn lượn qua miền biên giới Ia Grai trước khi chảy qua Campuchia hợp lưu với sông Mê Kông. Mỗi độ cuối đông đầu xuân, ven bờ sông và trên cồn bãi xuất hiện một loài hoa rất đẹp, người Jrai gọi là bra tang hay còn gọi là hoa rù rì.

Công nhân Công ty 74 vận hành máy băm trộn cỏ làm thức ăn cho bò. Ảnh: T.S

Tình ca du mục miền Ia Kla

“Thảo nguyên bát ngát mênh mông tận chân trời/Cỏ cây hoa lá hương thơm tỏa ngát đồng”. Giai điệu ca khúc lãng mạn của những năm tuổi trẻ cứ nhẹ nhàng lẩn quất trong tâm trí khi tôi đến thăm trại bò siêu thịt của Công ty TNHH một thành viên 74 (Binh đoàn 15) trên địa bàn xã Ia Kla, huyện Đức Cơ.

Đèo An Khê. Ảnh: Phan Nguyên

Bâng khuâng chiều An Khê

(GLO)- Tôi trở lại An Khê vào một chiều mưa. Cơn mưa không ồn ào mà rơi êm vào ký ức, đánh thức một miền nhớ xa xôi, thuở nơi đây còn là một thị trấn nhỏ bình lặng nằm ven quốc lộ 19.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Mùa về trên lưng áo mẹ

(GLO)- Từ khi còn nhỏ, tôi đã có thói quen dậy sớm. Mỗi khi tiếng mấy con gà ở chái bếp cất lên, tiếng đòn gánh dựng ở góc nhà sơ ý va vào liếp cửa, tôi lại nghe tiếng ho cố nén của mẹ. Lại thấy thương mẹ nhiều hơn.

Ảnh minh họa: Phạm Quý

Mùa lá rụng

(GLO)- Phố nhỏ của tôi đã vào mùa cây trút lá. Lang thang dọc con đường quen, tôi nhận ra bên hè phố, từng đám lá khô buông dày. Muôn vàn chiếc lá nương theo gió sà xuống những ô gạch cũ, la đà trên mái ngói hiên bàng bạc gam màu trầm. Tôi ngồi trong một góc phố, miên man nghĩ về triền xanh hoa cỏ.

Minh họa: H.T

Ký ức chợ quê

(GLO)- Khi tiếng gà gáy vang lên trên mái nhà, mẹ tôi vội trở dậy chuẩn bị ra chợ. Không chỉ riêng mẹ tôi, việc đi chợ lúc sáng sớm đã trở thành nếp quen của nhiều người dân quê.