Tản mạn miền tam biên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tam biên là cách gọi về vùng ba biên giới Việt Nam-Campuchia-Lào; nơi được Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên chọn để đóng đại bản doanh trong suốt thời gian đánh Mỹ. Ngày nay, tam biên thuộc địa phận xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, giáp tỉnh Attapeu (Lào) và tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia).

1. Đây là nơi mà Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên-nguyên Tư lệnh Đoàn 559 (Bộ đội Trường Sơn thời đánh Mỹ), viết một cách trang trọng trong hồi ký: “Xong việc ở tuyến ngoài, chúng tôi vào kiểm tra khu vực ba biên giới. Kể từ khi ở cương vị Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, đây là lần thứ năm tôi vào thị sát “Thánh địa” này. Và cứ mỗi lần đến đây, tôi lại có thêm những cảm nhận mới, những ý tưởng mới về vùng đất thiêng liêng có tên là “ngã ba biên giới”(…). Là cán bộ quân sự, không riêng gì tôi, mà ai cũng phải lưu tâm về vị thế chiến lược của vùng đất ấy. Và thực tế, khu vực ba biên giới từ lâu đã trở thành căn cứ chiến lược chung của các chiến trường Nam Đông Dương”. Và, sách “Rừng người Thượng” của Henri Maitre cũng viết cách đặc biệt: “Kon Tum (lúc này Kon Tum là gồm cả Gia Lai-N.V) như người lính gác nhô lên phía trước… đứng đối diện với tiền đồn Attapeu của người Xiêm. Chính pháo đài này là chỗ dựa cho các nỗ lực trong cuộc chiến đấu chống lại người Xiêm, để giành quyền sở hữu hinterland”(hinterland: thuật ngữ chỉ vùng đất ở sâu trong đất liền, cách xa biển, có nền văn hóa riêng biệt; đây chỉ khu vực Tây Nguyên).

 

Chiến sĩ biên phòng 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia tại cột mốc 3 biên giới. Ảnh: Trần Phong
Chiến sĩ biên phòng 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia tại cột mốc 3 biên giới. Ảnh: Trần Phong

Gọi nơi đây là “pháo đài”, là “người lính gác nhô lên phía trước”, là “vùng đất thiêng liêng”, là “Thánh địa”… vì nó có nhiều điểm đặc biệt. Đặc biệt nhất là vị thế chiến lược, như Thượng tướng Hoàng Minh Thảo-nguyên Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (B3), viết trong hồi ký: “Có thể nói Tây Nguyên là “mái nhà” của Đông Dương, và vì vậy người Pháp khi phát hiện ra Tây Nguyên đã từng đánh giá ai làm chủ Tây Nguyên sẽ làm chủ Đông Dương. Là một địa bàn chiến lược quân sự hết sức quan trọng như vậy nên cả ta và địch đều hết sức chú ý giành giật với nhau từng tấc đất trên cao nguyên này”.

2. Đường đến miền tam biên là quốc lộ 40B chạy từ TP. Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) xuyên qua tỉnh Kon Tum đến tam biên. Trên đường 40B, còn cách hai biên giới chừng mươi cây số rẽ thành 2 nhánh tạo một ngã ba, gọi là ngã ba Đông Dương, một nhánh rẽ về biên giới Lào, một nhánh rẽ về biên giới Campuchia. Tại điểm tam biên này có cột mốc biên giới ba mặt (là một trong 2 cột mốc như thế trên suốt dọc dài đường biên nước ta) đặt ngay điểm tiếp giáp 3 nước.

Do vậy khi đã đặt chân đến ngã ba Đông Dương, ai cũng háo hức muốn tận mắt “mục sở thị” cột mốc đặc biệt ấy. Cột mốc nằm trên một ngọn đồi cao 1.068 m, gọi là Đồi Tròn. Ở đây, ngày 18-1-2008 có mặt đại diện Bộ Ngoại giao 3 nước và đại diện lãnh đạo 3 tỉnh giáp ranh đã diễn ra lễ khánh thành cột mốc chung mang số hiệu 2007. Cột mốc là khối đá granit cao 2 m, hình trụ tam giác, 3 mặt hướng về 3 nước, mỗi mặt khắc Quốc hiệu, Quốc huy từng nước với màu son đỏ thắm. Đứng trên bệ mốc, giữa đỉnh Đồi Tròn, phóng tầm mắt nhìn mênh mang núi rừng 3 nước, lòng dâng trào một nỗi niềm quan tái, nhất là vào những buổi chiều tà sương buông bảng lảng hay những ngày mưa trắng xóa biên thùy.

Tại đây, ngoài cặp Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y-Phu Cưa thông thương Việt-Lào hiện có, theo kế hoạch đã được trình duyệt, sẽ mở thêm cặp Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y-Đak Kôi thông thương sang Campuchia. Như vậy, trong tương lai sẽ có hai cặp cửa khẩu kép ở hai bên cột mốc ba mặt và cùng đổ về ngã ba Đông Dương. Lượng du khách đến miền biên ải này có lẽ sẽ ngày càng nhiều hơn nữa khi khu đô thị tam biên hình thành.

3. Theo Quyết định số 225/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ quy hoạch khu Đô thị Biên giới loại II tại đây với diện tích trên dưới 70.000 ha, có đường biên giáp Lào 30 km, giáp Campuchia 25 km. Ý tưởng thành lập khu “Tam giác phát triển” này bắt đầu từ cuộc họp cao cấp lần thứ nhất tại Viêng Chăn năm 1999 giữa Thủ tướng 3 nước. Khu Tam giác gồm các tỉnh: Ratanakiri, Stung Treng (Campuchia); Attapeu, Sê Kông (Lào); Kon Tum, Gia Lai, Đak Lak, Đak Nông (Việt Nam). Tại Hội nghị cấp cao lần thứ tư ở Đà Lạt tháng 12-2006, Thủ tướng Hun Xen (Campuchia) đã đánh giá khu Tam giác: “Vùng giáp ranh biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia có giá trị như một bình ắc-quy khổng lồ của 3 nước”! Cũng tại hội nghị này, Thủ tướng 3 nước đã thông qua Tuyên bố chung về phương hướng phát triển khu Tam giác, lập Ban điều phối chung. Đến cuối năm 2012, tại TP. Kon Tum (tỉnh Kon Tum), đại diện 3 nước tiếp tục họp bàn kế hoạch, rồi đầu năm 2013 cả 3 Thủ tướng gặp nhau tại Viêng Chăn bàn chuyện đẩy nhanh tiến độ phát triển vùng Tam giác. Và, chắc chắn nơi này sẽ là một… tam giác vàng trong tương lai!

Ở vùng tam biên này còn  có một “thứ đặc biệt” nữa được nhiều người quan tâm tìm đến-ấy là nơi cư trú của tộc người Brâu, một trong 5 dân tộc ít người nhất trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Vào tháng 4-1991 bộ tộc này được phát hiện trong rừng chỉ có chừng 150 người, nay nhóm cư dân này đã trên 300 khẩu, sống rải dọc theo đường 40B, cạnh ngã ba Đông Dương. Lại nhớ, nhà thơ Lê Thanh My ở miền sông nước Tây Nam bộ đến đây đã ghi lại những cảm xúc bằng những câu thơ khá hay về họ: “Này em, cô gái Brâu/Hát lên đi cho mặt trời thức dậy/Đất đỏ nơi này làm lúa ngô sáng mẩy/Cái nương cái rẫy đang chờ…/Cô gái Brâu có nụ cười như cỏ lá/ Nghiêng vai mang rừng núi trên gùi…”.

*
Tất cả tương lai của miền tam biên đều còn là phía trước. Tuy nhiên du khách đến 3 nơi này cũng có thể tưởng tượng hình ảnh một thế liên hoàn của trục hành lang kinh tế Đông-Tây: Từ Nam Myanmar, Đông Bắc Thái Lan, Bắc Campuchia, Nam Lào… sẽ ngang qua đây để đi về phía biển Việt Nam. Lúc ấy, “vùng đất thiêng liêng có tên ngã ba biên giới” sẽ là nơi tụ hội toàn xứ Đông Dương và khu vực Tây Bắc khối Cộng đồng ASEAN.

Tạ Văn Sỹ

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.