Nghe những người già kể lại rằng, tục lì xì bắt nguồn từ một câu chuyện xưa của Trung Quốc. Theo đó, có một con yêu quái rất thích chọc ghẹo, xoa đầu trẻ con vào đêm giao thừa khiến lũ trẻ sợ hãi, khóc lóc và sinh bệnh. Vào một đêm giao thừa nọ, một nhóm các vị tiên vô tình đi qua, thấy sự việc như vậy nên quyết định ra tay đánh đuổi yêu quái. Họ hóa thành những đồng tiền và bảo người lớn gói những đồng tiền đó vào tấm vải đỏ, sau đó đặt dưới gối của những đứa trẻ. Khi con yêu quái đến chọc phá lũ trẻ, những đồng tiền phát ra chùm tia sáng rực rỡ khiến nó sợ hãi và bỏ chạy. Từ đó, tục lì xì ngày Tết được hình thành và truyền lại cho tới ngày nay. Tục lệ này hiện vẫn còn hiện hữu ở khá nhiều quốc gia châu Á.
Tục lì xì-nét đẹp văn hóa độc đáo Á Đông trong dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Minh họa |
Những phong bao lì xì có ý nghĩa tượng trưng cho lá bùa mang lại may mắn, bình an và không phụ thuộc vào số tiền lớn hay nhỏ. Thông thường, người nhận được lì xì sẽ không mở phong bao trước mặt người lì xì. Ngày xưa, chủ yếu là người lớn lì xì cho trẻ con thì ngày nay, mọi người cũng có thể mừng tuổi cho những bậc cao niên như ông bà, cha mẹ… Phong bao cũng không còn thuần một màu đỏ như xưa mà đã đa hình đa dạng, phong phú sắc màu hơn rất nhiều.
Và nếu ngày xưa, người ta chỉ lì xì một số tiền tượng trưng thì ngày nay, người ta còn quan tâm đến sự “độc đáo” khi lì xì bằng cách chọn số se-ri tờ tiền, như các số cuối trong số se-ri là 168 sẽ mang ý nghĩa phát tài phát lộc; số 178 mang ý nghĩa làm ăn phát đạt; số 188 mang ý nghĩa nhanh chóng phát tài; số 1001 mang ý nghĩa độc nhất vô nhị; số 66, 666, 6666 mang ý nghĩa tài lộc, thuận buồm xuôi gió; hay số 88, 888, 8888 mang ý nghĩa phát tài phát lộc, phát triển công danh... Hoặc nay người ta cũng có thể lì xì bằng cách... chuyển khoản với số tiền chuyển mang ý nghĩa tương tự như số se-ri tiền.
Ngược lại với những con số may mắn thì có những con số người ta sẽ tránh trong lì xì, như số 4, bởi theo quy luật sinh, lão, bệnh, tử thì số 4 tương ứng với “tử”, là điều không may mắn. Hay không lì xì tiền lẻ, vì số lẻ biểu trưng cho sự khuyết thiếu, không trọn vẹn. Hoặc cũng sẽ không lì xì tiền cũ, vì sự “cũ” biểu hiện cho những điều không tốt đẹp của năm cũ, đó là lý do mà dịp cuối năm, người ta thường đổi tiền mới để lì xì.
Phong bao lì xì ngày nay rất đa hình đa dạng và phong phú sắc màu. Ảnh: Hà Duy |
Tục lệ tốt đẹp này sẽ không có gì đáng nói nếu ai cũng lì xì hoặc nhận lì xì một cách vui vẻ, vô tư với tinh thần “lấy lộc”. Ngày nay, nhiều người khá đặt nặng khiến chuyện lì xì dần trở nên xấu xí, thậm chí trở thành gánh nặng. Chị Lê Hoàng Thảo (hẻm 309 Lý Thái Tổ, phường Yên Đổ, TP. Pleiku) chia sẻ: “Cả 2 vợ chồng làm công nhân nên tiền chuẩn bị cho lì xì cũng có hạn, trong khi con cháu, họ hàng khá đông khiến mình cảm thấy khá áp lực. Nhiều khi lì xì cho cháu xong, cháu mở bao lì xì ngay trước mặt rồi thể hiện thái độ không hài lòng ra mặt khi thấy số tiền trong phong bao quá nhỏ khiến mình rất ngại”.
Tuy vậy, cũng có người đã có sáng kiến khá hay để “đối phó” với việc này, đồng thời cũng tạo không khí vui vẻ bằng cách chuẩn bị tiền đủ mệnh giá, bỏ vào phong bì kín và tổ chức bốc thăm, ai may mắn thì được phong bì mệnh giá cao, và ngược lại. Với phương thức này, dù có bốc trúng phong bì có tiền mệnh giá nhỏ thì ai cũng vui vẻ, hoan hỉ.
Còn Tết cổ truyền là còn tục lì xì. Đây cũng là nỗi háo hức mong chờ của con trẻ. Song hãy cố gắng để việc lì xì đầu năm luôn là nét văn hóa, là tục lệ tốt đẹp, trong sáng, đúng như ý nghĩa ban đầu của nó là cầu chúc may mắn, bình an, mang lại chút lộc may đến mọi người vào ngày đầu năm mới.