Tắm hạ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hình như, mùa này trời đất bỗng hóa trẻ con. Vừa sầm sập mưa như đứa bé khóc òa, rồi bỗng dưng như vòi nước bị khóa ở van tổng, những giọt mưa lả tả, mặt trời nhoẻn miệng cười sau dãy núi. Trẻ hay khóc hay cười, trời hay mưa, hay nắng.
Những đứa trẻ trong xóm tôi giờ bắt đầu học theo nếp của thành phố. Sau giờ học ở trường, chúng còn phải đến nhà thầy cô để học thêm khi đồng ruộng ngày càng thu hẹp. Hẹp đến mức chả đáng để cha mẹ các em ra tay mỗi khi mùa vụ đến. Dần dà, tôi nhận ra, mỗi trưa nắng dịu, mỗi đêm trăng thanh, thôn xóm vắng tiếng trẻ nô đùa.
Ngày xưa, sân trường còn lổn nhổn toàn những đá sỏi và những cái rễ cây. Lắm khi, tụi trẻ con chúng tôi hấp tấp chạy nhảy vấp phải chúng mà ngã nhào. Ấy vậy mà khi bất chợt sau giờ tan lớp, cơn mưa đến, những vũng luếnh loáng mưa lại đáng yêu vô cùng. Cả bọn chúng tôi lêu nghêu ướt sũng. Miệng, mắt và cả tâm hồn cùng uống giọt mưa thanh xuân trong niềm khát lớn…
Mùa hạ, dẫu sông, suối, ao, hồ ăm ắp nhưng lũ trẻ chỉ chực tắm mưa. Mưa hạ ào ạt như xối trên mặt, như làm ta ngạt thở nhưng lại âm ấm chứ không lạnh buốt. Cơn mưa mang theo những cánh hoa và lá vàng bị rung lắc vừa rớt xuống còn tươi lắm. Có cả hương quả chín.
Ảnh minh họa (nguồn: INTERNET)
Ảnh minh họa (nguồn: INTERNET)
Mưa tạnh, trời quang, có đứa gặp trận đòn roi đe nẹt, có đứa đêm về nằm bẹp để mẹ phải chăm sóc cho qua cơn cảm sốt. Đứa thì gắng hơ chiếc áo âm ẩm nước bên bếp lửa để hôm sau tới lớp. Bao giờ cũng thế, mưa tạnh cũng là lúc bừng tỉnh. Cơn mưa ngày quả quyết đến rồi đột ngột đi, như vừa lấy mất của ta một quãng đời hoa niên đẹp nhất.
Sau này tôi mới biết, khi đã đứng tuổi, có người lại trở về chốn xưa để được đi trong mưa. Có điều, đó là cơn mưa buông bỏ những hoài vọng, ao ước đã từ lâu thành phiền lụy. Mùa hạ mưa nhiều quá, mưa chẳng của riêng ai, chẳng ai buồn nhìn nhau trong mưa. Nhưng chỉ cần được trở về, đúng vào thời khắc đất trời bỗng trở lại bé thơ bồng bột mưa nắng ấy, được tắm mình trong kỷ niệm. Chiếc áo phong sương dường như cũng được gột rửa bụi bặm cuộc đời. Chẳng biết mai ngày rồi có ai sẽ cùng ta trở về uống lại nước mưa nguồn một thuở đầy vụng về, chân thật?
Ta tắm mưa, đắm mình trong ký ức mùa hạ, thấy mình được vô tư như trẻ thơ từ những điều nhỏ bé mà đáng yêu đến thế.
BÙI VIỆT PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Xếp sách nghệ thuật

Xếp sách nghệ thuật

(GLO)- Như một kiến trúc sư với nguyên vật liệu là sách, các nhân viên Thư viện tỉnh Gia Lai đã dày công sáng tạo và mô phỏng thành công nhiều công trình văn hóa-lịch sử đẹp mắt nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về văn hóa đọc.
Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

(GLO)- Đất trời Tây Nguyên trong bung biêng thanh âm cồng chiêng, men cay rượu cần nồng nàn, vấn vít, nhịp xoang quyến luyến, tay nắm tay chẳng rời... được nhà thơ Ngô Thanh Vân một lần nữa nhắc đến trong bài thơ "Vào hội".

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...