Tai nạn lao động không chừa ngư dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dựa vào biển mà sống nhưng với ngư dân, mỗi chuyến ra khơi là mỗi lần đặt cược tính mạng của mình trên đầu sóng ngọn gió
Ngày 17-3, người dân làng chài ven biển ở xã Cát Minh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, bàng hoàng khi nhận tin thuyền viên trẻ Huỳnh Văn Lê (18 tuổi) tử vong sau khi bị tai nạn trong lúc đánh bắt cùng đồng nghiệp tại vùng biển cách mũi Cà Mau 94 hải lý.
Vết thương nhỏ, hậu quả lớn
Trước đó, tối 16-3, khi tàu cá BĐ 30867 TS (trên tàu có 6 ngư dân), do ông Phan Tiến Sỹ (ngụ xã Cát Minh) làm thuyền trưởng, đang đánh bắt tại vùng biển trên thì anh Lê bất ngờ bị thanh sắt rơi vào đầu, gây ra vết thương dài khoảng 5 cm. Dù vết thương không nặng lắm nhưng vì trên tàu thiếu băng gạc và thuốc kháng sinh nên không cầm máu được khiến anh Lê tử vong.
"Cái chết của Lê khiến anh em trên tàu rất ray rứt. Chỉ vì chủ quan, chúng tôi không kiểm tra và chuẩn bị thuốc men, dụng cụ y tế sơ cứu cho chuyến biển dài ngày nên vô tình làm em nó mất mạng" - một đồng nghiệp của Lê tâm sự.
Suýt sống đời thực vật
Xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, nơi được mệnh danh "thủ phủ" của nghề lặn biển, với hàng ngàn ngư dân ra khơi bám biển Trường Sa, Hoàng Sa mỗi ngày. Nghề lặn đem lại thu nhập khấm khá cho nhiều gia đình nhưng cũng để lại hậu quả không nhỏ khi tai ương rình rập.
 
Sau khi gặp nạn, anh Nguyễn Tấn Hiếu bị liệt chân nhưng vẫn cố gắng bám biển mưu sinh Ảnh: TỬ TRỰC
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu, cho biết tai nạn lao động xảy ra đối với ngư dân xã Bình Châu rất nhiều, đặc biệt nghề lặn. "Nhiều trường hợp nặng thì mất mạng, nhẹ thì liệt tay chân, tàn phế. Nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn một phần do thiếu dụng cụ lặn, một phần do áp lực kinh tế phải lặn nhanh, rút ngắn thời gian để lặn chuyến khác" - ông Hùng nói.
Trong số hàng chục người gặp nạn khi hành nghề lặn may mắn thoát chết, chúng tôi tìm gặp anh Nguyễn Tấn Hiếu (39 tuổi) khi anh đang sửa sang lại tấm lưới để ra biển.
Cũng giống nhiều thanh niên khác ở xứ biển, anh Hiếu đi biển từ năm 17 tuổi và nghề đầu tiên gắn bó là nghề lặn. Suốt nhiều năm gắn bó với nghề, anh Hiếu biết từng ngóc ngách, rạn san hô ở nhiều vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Và tai ương ập đến trong một chuyến đi Hoàng Sa, cách đây 7 năm.
"Lúc đó tôi đang lặn ở độ sâu khoảng hơn 30 m, bất ngờ tàu Trung Quốc xuất hiện đuổi bắt tàu của tôi nên anh em trên tàu ra hiệu để tôi ngoi lên. Vì thời gian gấp, tôi ngoi lên đột ngột, giảm áp suất không đúng kỹ thuật, khiến toàn thân tê liệt, tức ngực, hoa mắt. Khi tàu trở về đất liền, tôi được đưa thẳng tới bệnh viện điều trị, nằm mê sảng gần 2 tháng sau mới tỉnh" - anh Hiếu nhớ lại.
Dù thoát chết nhưng chân tay anh Hiếu không còn cử động được như xưa, luôn co rút như điện giật. "Lúc đó, tôi thấy cuộc sống như sụp đổ. Nhưng rồi được vợ con động viên, tôi kiên trì uống thuốc, tập vật lý trị liệu suốt gần 1 năm, chân bắt đầu đi chập chững lại được, tay cử động bình thường trở lại. Đến bây giờ cũng chỉ đi cà niễng, mỗi lần mưa gió trở trời, đau nhức chịu không được" - anh Hiếu kể.
Để có tiền trang trải cho gia đình, 2 năm nay, anh Hiếu ngày nào cũng vác lưới tìm cá tôm ở những vùng biển gần bờ, thu nhập thấp nhưng cũng tạm sống qua ngày.
Làm gì để không mất mạng oan?
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, nghề cá ở địa phương những năm gần đây phát triển mạnh nhưng đa phần ngư dân vẫn hoạt động nhỏ lẻ theo kiểu cha truyền con nối; trình độ ngư dân còn thấp trong việc tiếp cận công nghệ sản xuất tiên tiến. Trong đó, kiến thức và nhận thức về bảo đảm an toàn cho tàu, thuyền viên khi tham gia hoạt động sản xuất trên biển còn hạn chế nên tai nạn lao động vẫn thường xảy ra.
10 tháng năm 2018, trong số tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản của Bình Định đã xảy ra 26 vụ tai nạn làm chìm 7 tàu, 2 tàu mất liên lạc, 6 thuyền viên bị chết và 20 thuyền viên mất tích.
Theo ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, đa phần các vụ tai nạn lao động trên biển là do tời, neo quấn; bị lật thúng; bất cẩn trong lúc đi vệ sinh bị rơi xuống biển...
Để giảm thiểu những rủi ro cho lao động trên biển, ông Vinh cho rằng các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra an toàn kỹ thuật, đặc biệt chú trọng tới các trang thiết bị an toàn cho người trên tàu cá. Hệ thống dây cáp tời, neo chịu lực cũng cần được kiểm tra kỹ lưỡng, đề phòng nguy cơ đứt cáp trong lúc hoạt động. "Bên cạnh đó, chủ tàu cần thường xuyên nhắc nhở ngư dân bảo đảm an toàn lao động trong lúc làm việc; đồng thời có trách nhiệm phổ biến, đưa ngư dân đi tập huấn an toàn lao động. Đối với các tàu câu mực, ngoài trang bị áo phao cho ngư dân khi xuống thúng cần phải trang bị thêm dây an toàn kết nối giữa thúng với tàu, đề phòng trường hợp thúng trôi dạt ra xa khi gặp sóng to, gió lớn" - ông Vinh nói. 
Vào đến bờ cũng gặp nạn
Không riêng gì lúc đang hoạt động giữa biển khơi, cũng vì chủ quan, thiếu hiểu biết mà nhiều người đã bỏ mạng khi tàu, thuyền cập bờ. Gần đây nhất là vụ 2 công nhân tử vong trong tàu hàng Uni Fortune (quốc tịch Panama) khi đang neo đậu tại cảng Quy Nhơn. Nạn nhân là thuyền viên Nguyễn Văn Ngữ (SN 1987, ngụ tỉnh Phú Yên) và Nguyễn Việt Hoàn (SN 1977, ngụ tỉnh Bạc Liêu).
Hôm đó, rạng sáng 16-9, các công nhân tiến hành kiểm tra tại khoang số 2 dưới hầm tàu hàng Uni Fortune để chuẩn bị bốc dỡ dăm xuất khẩu. Lúc này, anh Ngữ và ông Hoàn vừa bước xuống khoang tàu thì bị ngạt khí ngất lịm, sau đó tử vong.

Cạnh cảng Quy Nhơn không xa, ngày 11-4, tại cầu cảng Tân Cảng miền Trung, 3 thủy thủ của tàu Thành Công 98 (thuộc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Thành Mỹ Phát, trụ sở tại tỉnh Đồng Nai) cũng tử vong vì ngạt khí khi họ xuống hầm hàng chứa mật mía để dọn dẹp.

Kỳ tới: Chủ quan và bi kịch
Đức Anh-Tử Trực (Người lao động)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.