Chung tay đẩy lùi hiểm họa tai nạn giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo báo cáo của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, trong 10 tháng năm 2018 (tính từ ngày 16-12-2017 đến 15-10-2018), cả nước đã xảy ra 14.845 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 6.674 người, bị thương 11.549 người. Điều này có nghĩa, ở nước ta, cứ mỗi ngày lại có khoảng 22 người tử vong và 38 người bị thương do TNGT. So với vài năm trước, TNGT ở nước ta đã được kéo giảm đáng kể cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, con số hiện tại vẫn rất khủng khiếp.
Chỉ khi mọi người đều chung tay ngăn chặn, hiểm họa TNGT mới có thể bị đẩy lùi. Ảnh: Lê Hòa
Chỉ khi mọi người đều chung tay ngăn chặn, hiểm họa TNGT mới có thể bị đẩy lùi. Ảnh: Lê Hòa
Tại Gia Lai, theo báo cáo của Ban An toàn Giao thông tỉnh, trong khoảng thời gian trên đã có 308 vụ TNGT xảy ra, làm chết 203 người và bị thương 318 người. So với cùng kỳ của năm 2017, TNGT trên địa bàn tỉnh giảm 32 vụ, giảm 96 người bị thương nhưng lại tăng 7 người chết. Đáng chú ý, theo phân tích của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, trong 9 tháng năm 2018, Gia Lai là địa phương đứng thứ 5 trên cả nước về số người chết, đứng thứ 10 về số vụ và đứng thứ 17 về tỷ lệ gia tăng số người chết do TNGT.
Những con số thống kê khô khan nêu trên có thể là vô cảm với nhiều người. Nhưng với những gia đình có người thân tử vong, bị thương do TNGT hoặc người thân gây ra TNGT, đó là nỗi đau đớn không gì bù đắp nổi, là hậu quả nặng nề, lâu dài mà họ phải gánh chịu. Nhiều gia đình chỉ vì có người thân tử vong, bị thương do TNGT hay vướng vào vòng lao lý vì gây TNGT mà rơi vào cảnh khánh kiệt, đói nghèo, trở thành gánh nặng đối với xã hội. Bởi vậy, nhiều người không quá lời khi coi TNGT là một hiểm họa đối với sự phát triển của đất nước.
Ngăn chặn, kiềm chế, kéo giảm TNGT từ nhiều năm qua đã được coi là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của cả nước cũng như mỗi địa phương. Rất nhiều giải pháp trước mắt lẫn lâu dài đã được triển khai để đạt mục tiêu nhiệm vụ này như: đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông; đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông; siết chặt công tác đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm xe cơ giới; tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông… Hiệu quả đạt được đã rõ khi số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT trên cả nước liên tục được kéo giảm qua từng năm. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, kết quả đó vẫn chưa thật sự bền vững. Tình hình TNGT trên cả nước vẫn diễn biến phức tạp, còn xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Có nhiều nguyên nhân khiến TNGT ở nước ta còn diễn biến phức tạp, trong đó nguyên nhân chính là do ý thức chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vẫn hạn chế. Đơn cử như tại Gia Lai, theo phân tích của Ban An toàn Giao thông tỉnh, có đến gần 90% các vụ TNGT xảy ra trong 9 tháng năm 2018 là do lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Các lỗi phổ biến là nguyên nhân dẫn đến TNGT gồm: lấn đường; tránh, vượt sai quy định; vi phạm tốc độ; thiếu chú ý quan sát; chuyển hướng sai quy định; sử dụng rượu bia… Về mặt chủ quan, các lỗi này đều có thể khắc phục được nếu mỗi người khi tham gia giao thông quan tâm đến sự an toàn của bản thân và những người xung quanh. Tuy nhiên, trong thực tế, rất nhiều người tham gia giao thông hiện nay, đặc biệt là thanh-thiếu niên, dường như không mảy may nghĩ đến sự an toàn của những người xung quanh và bản thân mình. Biểu hiện rõ nhất là cách đi lại tùy tiện, bất chấp các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông và văn hóa giao thông. Rất có thể những người này nghĩ rằng, chắc TNGT… “nó chừa mình ra”. Nhưng TNGT thì đâu có chừa ai. Chỉ cần một chút bất cẩn trên đường, ai cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân của TNGT. Con số trung bình mỗi ngày có 22 người ra đường rồi mãi mãi không trở về nhà và khoảng 38 người khác phải nhập viện do TNGT là minh chứng rõ nhất cho điều đó.
Ngày 18-11 này, cùng với cả nước, tỉnh ta sẽ tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT. Đây là hoạt động đã được tổ chức từ nhiều năm qua trên phạm vi cả nước nhằm hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT”. Với thông điệp “Tưởng nhớ người ra đi-Vì người ở lại”, lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT năm nay là dịp để toàn xã hội sẻ chia nỗi đau, sự mất mát với các gia đình có người bị nạn, đồng thời tiếp tục cảnh báo hiểm họa TNGT đến tất cả mọi người.
Sẽ không có sự xót thương, tưởng nhớ người ra đi, sẻ chia với người ở lại nào ý nghĩa hơn khi mỗi người sau lễ tưởng niệm này biết sống có trách nhiệm hơn với bản thân và cộng đồng, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, góp phần hình thành một môi trường giao thông văn hóa, an toàn. Chỉ khi mọi người đều chung tay ngăn chặn, hiểm họa TNGT mới có thể bị đẩy lùi. Khi đó, không chỉ nhiều gia đình bớt đi nỗi đau mà đất nước cũng trút bớt được gánh nặng để ngày một phát triển.
Vĩnh Phúc

Có thể bạn quan tâm

Chọn chất thay vì lượng

Chọn chất thay vì lượng

Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học ra đời với xuất phát điểm là tạo một sân chơi dành cho những học sinh có đam mê và khả năng nghiên cứu từ sớm. Nhưng lâu nay, các cuộc thi này khiến dư luận muộn phiền vì không biết sản phẩm nghiên cứu có thực sự là của học trò.
'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Văn minh đô thị là gì, bắt đầu từ đâu? Không cần phải có cái nhìn quá vĩ mô, những lời hô hào, kêu gọi "đao to búa lớn". Hãy bắt đầu xử lý ngay từ những việc tưởng nhỏ bé nhưng diễn ra mỗi ngày, làm nhức mắt, khó chịu bao người.
Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).