Cội nguồn đoàn kết dân tộc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Giỗ Tổ Hùng Vương chính là cách để khẳng định người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.



Hằng năm, cứ dịp Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10/3 âm lịch, người Việt dù ở nơi đâu cũng tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng hướng về cội nguồn, bởi từ bao đời nay, trong tâm thức của "con Lạc cháu Hồng", Hùng Vương là vị Vua thủy tổ dựng nước, là tổ tiên của dân tộc Việt Nam.

Lễ rước kiệu của các xã, phường, thị trấn vùng ven về Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng. Ảnh: Tạ Toàn/TTXVN

Lễ rước kiệu của các xã, phường, thị trấn vùng ven về Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng. Ảnh: Tạ Toàn/TTXVN

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đã trở thành loại hình tín ngưỡng văn hóa tôn giáo đặc sắc trong đời sống văn hóa, là biểu tượng cho tinh thần đại đoàn kết toàn dân, thể hiện đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc. Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành ngày quốc lễ, là ngày hội chung của người dân Việt Nam, ngày triệu trái tim đều đập chung một nhịp, mọi cặp mắt đều nhìn về một hướng.

Năm 2012, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) cũng đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là di sản đầu tiên của Việt Nam được vinh danh ở loại hình tín ngưỡng và cũng là lần đầu tiên UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Tổ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Điều này càng khẳng định giá trị văn hóa của dân tộc, góp phần công nhận tầm quan trọng của nghi lễ thờ cúng tổ tiên dân tộc Việt ở các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới (có cộng đồng người Việt sinh sống).

Đối với kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức ngày Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ để thể hiện lòng thành kính, biết ơn của con cháu với các thế hệ tổ tiên, mà còn góp phần gìn giữ, giáo dục truyền thống văn hóa cho các thế hệ sau. Với họ, Giỗ Tổ Hùng Vương chính là cách để khẳng định người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, góp phần củng cố thêm khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ngày 14/4/2024, tại thủ đô Ottawa (Canada), Đại sứ quán Việt Nam tại Canada tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, với sự tham dự đông đảo của bà con người Việt đến từ nhiều tỉnh bang và thành phố của Canada. Trong ảnh: Đại sứ Việt Nam tại Canada Phạm Vinh Quang thành kính dâng hương trước bàn thờ Tổ Hùng Vương. Ảnh: Trung Dũng/PVTTXVN tại Canada

Ngày 14/4/2024, tại thủ đô Ottawa (Canada), Đại sứ quán Việt Nam tại Canada tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, với sự tham dự đông đảo của bà con người Việt đến từ nhiều tỉnh bang và thành phố của Canada. Trong ảnh: Đại sứ Việt Nam tại Canada Phạm Vinh Quang thành kính dâng hương trước bàn thờ Tổ Hùng Vương. Ảnh: Trung Dũng/PVTTXVN tại Canada

Ông Đặng Trung Phước, Chủ tịch Hội Canada - Việt Nam, chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Ottawa rằng đây là dịp để những người Việt Nam xa quê hương tụ hội tại "Ngôi nhà Việt Nam" ở Ottawa và cùng hướng về đất nước cũng như tưởng nhớ công ơn của các Vua Hùng. Chính trong những dịp quây quần tham gia nghi lễ Giỗ Tổ như vậy, người Việt Nam ở nước ngoài càng thấm thía ý nghĩa thiêng liêng của hai chữ “đồng bào”.

Tại lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vừa diễn ra ngày 13/4 ở Kuala Lumpur, bà Trần Thị Chang, Chủ tịch Hiệp hội Hữu nghị Malaysia - Việt Nam, nhấn mạnh việc tổ chức Giỗ Tổ thể hiện tình cảm thiêng liêng, in sâu trong tâm khảm mỗi người dân đất Việt, giúp bà con cộng đồng hiểu thêm về giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, tăng cường đoàn kết, truyền lửa cho thế hệ trẻ cùng hướng về quê hương, đất nước.

Trò chuyện với phóng viên TTXVN, cô giáo Nguyễn Thị Liên, chủ nhiệm lớp tiếng Việt tại Malaysia, không khỏi xúc động bộc bạch Giỗ Tổ Hùng Vương chính là “sợi dây văn hóa vô hình” kết nối mọi người dân Việt Nam trên toàn thế giới hướng về cội nguồn dân tộc, kết nối đồng bào trong nước và ở nước ngoài.

Nhằm bảo tồn và quảng bá rộng rãi ở nước ngoài “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”, dự án ''Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu" đã được triển khai tổ chức từ năm 2015. Theo Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại LB Nga Trần Phú Thuận, "Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu" thực sự là một dự án mang giá trị nhân văn to lớn, với sứ mệnh gắn kết dân tộc, định vị giá trị Việt trên toàn cầu, cùng bạn bè quốc tế bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đối với thế hệ thứ hai và thứ ba, truyền thống trong gia đình, câu chuyện nghe từ cha mẹ bằng tiếng Việt là cách để các cháu tiếp cận thiết thực nhất với văn hóa tổ tiên. Đào Vân Anh, 19 tuổi, thế hệ người Việt sinh ra và lớn lên ở Nga, đã được cha kể cho nghe về truyền thuyết Vua Hùng và dẫu chưa từng sống tại Việt Nam, nhưng em thực sự cảm nhận được ý nghĩa của Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, để thấy mình là một thành viên của đại gia đình gần 100 triệu người Việt Nam.

Với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, dự án "Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu" còn là cơ hội góp phần tăng cường sự hiểu biết, chia sẻ, giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng người Việt Nam vào quá trình hội nhập với người dân nước sở tại.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Praha, ông Nguyễn Duy Nhiên, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Séc, cho biết cộng đồng người Việt Nam tại Séc ngày càng phát triển và hội nhập sâu rộng vào xã hội nước sở tại. Cùng với đó, các thành viên trong cộng đồng cũng luôn hướng về quê hương nguồn cội, phát huy những truyền thống quý giá của dân tộc ngay trên “quê hương thứ hai” của mình. Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Séc tin tưởng rằng những hình ảnh đẹp của cộng đồng người Việt Nam tại quốc gia Đông Âu này chắc chắn làm ấm lòng các bậc tiền nhân.

Thông qua việc tổ chức Giỗ Tổ, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là thế hệ kiều bào thứ hai, thứ ba hiểu thêm về giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, tăng cường đoàn kết, cùng hướng về quê hương, đất nước, qua đó hun đúc tinh thần dân tộc, vượt qua thử thách và vươn lên, khẳng định vị thế con người Việt Nam.

Trong Ngày hội văn hóa “Hướng về Cội nguồn” do Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ tổ chức, hai bạn Quế Anh và Thanh Thảo - những du học sinh đang sinh sống ở Vùng DMV (gồm Washington D.C, Maryland và Virginia) - đã không giấu được niềm tự hào "khoe" với phóng viên TTXVN tại Washington về việc được tham gia biểu diễn văn nghệ trong ngày hội.

Các Việt kiều tham dự sự kiện “Hướng về Cội nguồn” đều có chung mong muốn Đại sứ quán Việt Nam sẽ tổ chức nhiều hơn những hoạt động ý nghĩa như vậy và mở rộng hơn về quy mô để có thể quảng bá nét đẹp văn hóa Việt Nam đến với đông đảo kiều bào và những người bạn Mỹ yêu Việt Nam.

Có thể thấy việc tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm, đặc biệt là ở nước ngoài, chính là sợi dây gắn kết các thế hệ người Việt, chuyển tải những nét sinh hoạt văn hóa tâm linh đặc trưng của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, tạo nên sức cuốn hút mạnh mẽ, nhất là thế hệ trẻ. Từ đó, khơi dậy lòng tự tôn, tự hào dân tộc, nêu cao ý nghĩa của lòng yêu nước thương nòi, biết ơn công lao gây dựng đất nước.

Tới dự lễ Giỗ Tổ và vinh danh con cháu Vua Hùng tổ chức tại thành phố Saint Petersburg ngày 13/4, lãnh đạo Viện Hồ Chí Minh thuộc Đại học Quốc gia Saint Petersburg, Giáo sư Vladimir Kolotov nhắc lại với phóng viên TTXVN tại LB Nga câu nói của Bác Hồ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, khẳng định câu nói đó chính là cội nguồn của khối đại đoàn kết dân tộc, trở thành nội lực mạnh mẽ giúp Việt Nam giành độc lập, xây dựng đất nước, hội nhập quốc tế và đóng góp trách nhiệm cho cộng đồng thế giới.

Có thể bạn quan tâm

Khi nghệ sỹ vượt qua lằn ranh tối kị

Khi nghệ sỹ vượt qua lằn ranh tối kị

Khi thông tin Công an Thành phố Hồ Chí Minh khởi tố trên 1.000 bị can liên quan đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy từ Pháp về Việt Nam, trong đó có cả người mẫu, diễn viên, ca sĩ và những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL), dư luận đã giật mình.

Đưa lao động phi chính thức trở thành 'tài nguyên'

Đưa lao động phi chính thức trở thành 'tài nguyên'

Theo Công văn 1127 năm 2019 của Tổng cục Thống kê, khu vực phi chính thức bao gồm các cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông, lâm nghiệp và thủy sản sản xuất ra sản phẩm (vật chất, dịch vụ) để bán, trao đổi và không phải đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, khái niệm này đã phần nào không còn sát với thực tế.

Giá trị của liên hoan

Giá trị của liên hoan

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 tổ chức tại TP Cần Thơ vừa khép lại. Bên cạnh những hồ hởi, vui vẻ, nhiều nỗi niềm của sân khấu cải lương truyền thống cũng đã bộc lộ trong mùa liên hoan năm nay.

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách nghĩ, cách làm như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý.

Dứt khoát khi làm luật

Dứt khoát khi làm luật

Trong chuyến đi mới đây, trước khi máy bay hạ cánh để quá cảnh Đài Loan, người viết được nghe phi hành đoàn chuyến bay nhắc nhở hành khách không được mang thuốc lá điện tử vào vùng lãnh thổ này, vì chính quyền sở tại cấm thuốc lá điện tử.

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Buổi sinh hoạt ngoại khóa của khối lớp 4 Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Thủ Đức, TPHCM) mới đây trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được xây dựng theo mô hình không gian mở tại khu phố 8 (phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức) diễn ra sôi nổi.