Khẳng định giá trị và bản lĩnh Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Ngày Giỗ Tổ là dịp để các thế hệ cháu con hôm nay nhớ về nguồn cội, thêm tự hào về truyền thống văn hóa, lịch sử 4 ngàn năm dựng nước và giữ nước của cha ông. 

Từ đó, nhân lên những giá trị cao đẹp của Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong đời sống cũng như trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, nhà nhà ấm no, hạnh phúc.

“Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba”. Từ bao đời nay, câu ca dao ấy vẫn in đậm trong tâm thức mỗi người con đất Việt. Để rồi, cứ đến tháng ba hàng năm, hàng triệu triệu người dân mang trong mình dòng máu Lạc Hồng cùng hướng về đất Tổ, cùng hướng lên đỉnh non thiêng Nghĩa Lĩnh, thành kính dâng nén hương thơm, tỏ lòng tri ân công đức tổ tiên.

Hội đồng hương Vĩnh Phú dâng lễ tại Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương ở Công viên Đồng Xanh (TP. Pleiku). Ảnh: Phương Linh

Hội đồng hương Vĩnh Phú dâng lễ tại Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương ở Công viên Đồng Xanh (TP. Pleiku). Ảnh: Phương Linh

Thong thả bước chân trên từng bậc đá và trong man mác khói mây huyền thoại mấy ngàn năm, mỗi người con đất Việt hành hương về miền đất Tổ hôm nay như vẫn thấy phảng phất đâu đây không khí quây quần khi các Vua Hùng cùng thần dân cày ruộng, đi săn. Trong lớp lớp đàn chim lạc sải cánh bay về đậu trên mặt trống đồng, lịch sử đã khắc ghi công lao các Vua Hùng đời nối đời sinh cơ lập nghiệp. Nước Văn Lang của người Việt cổ với nền văn minh lúa nước, văn minh sông Hồng rực rỡ đã tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc phong phú và độc đáo, đặt nền móng cho sự phát triển mạnh mẽ và lâu dài của dân tộc Việt Nam.

Trải qua mấy ngàn năm vật đổi sao dời, mỗi tấc đất, ngọn cây dưới chân Nghĩa Lĩnh, mỗi bậc đá thềm mây trên đền Trung, đền Thượng đã thấm đẫm đạo lý cội nguồn, để trong sâu thẳm tâm hồn người Việt, núi rừng Phong Châu-nơi các Vua Hùng dựng nghiệp đã là miền đất Tổ. 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S này, dù Kinh hay Thượng, dù ở miền xuôi hay miền ngược, đều là con một mẹ sinh ra, là cây một cội, là hoa một cành. Dù ở trong nước hay ngoài nước, người Việt luôn biết mình có chung ngày Giỗ Tổ. Lòng yêu nước, nghĩa đồng bào trở thành giá trị thiêng liêng!

Thờ cúng các Vua Hùng là việc làm thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, là bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Nét đẹp ấy được bền bỉ trao truyền, vun đắp qua nhiều thế hệ, như một điểm tựa tâm linh vững chắc trong đời sống tinh thần của người Việt. Tìm về non thiêng Nghĩa Lĩnh là tìm về giá trị của tinh thần đại đoàn kết toàn dân-cội nguồn sức mạnh vô biên của dân tộc trong suốt cuộc trường chinh dựng nước và giữ nước hôm qua, hôm nay và mãi mãi mai sau.

Từ một tín ngưỡng dân gian, thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người Việt đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Với sự nỗ lực không ngưng nghỉ của các bộ, ngành Trung ương, chính quyền các địa phương và các tổ chức quốc tế, giá trị của di sản tinh thần này ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, thấm sâu vào đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt.

Là quốc gia duy nhất trên thế giới có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được quốc tế vinh danh, Việt Nam có hàng trăm đền thờ, điểm thờ cúng Hùng Vương và các nhân vật lịch sử liên quan đến thời đại Hồng Bàng trong cả nước. Những lễ Giỗ Tổ trang nghiêm mang đậm nét văn hóa, tâm linh truyền thống; những mâm cỗ cúng các Vua Hùng trong nhiều gia đình người Việt thiêng liêng mà đầm ấm không khí gia đình; những chương trình du lịch, ngoại khóa đưa người trẻ về với lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông là minh chứng sinh động về sức sống của tín ngưỡng thờ Tổ đặc biệt này.

Mấy năm gần đây, “Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu” được tổ chức ở nước ngoài là sáng kiến không chỉ để cộng đồng người Việt xa quê hương hướng về nguồn cội, mà còn là cách để chúng ta kết nối với bè bạn năm châu, nhắc nhớ nhau bảo tồn, lan tỏa những giá trị mang tính toàn cầu của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Qua đó góp phần định vị văn hóa Việt, giá trị Việt trên bản đồ văn hóa thế giới.

Vào Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, thắp nén tâm nhang hướng về nguồn cội càng thấm sâu “thiêng liêng hai chữ đồng bào”. Bốn ngàn năm lịch sử dựng xây, công trạng ấy, tiếng thơm ấy tự hào con cùng một mẹ!

Bằng niềm tự hào dân tộc và lòng thành kính vô biên đối với tổ tiên, chúng ta càng thấm thía hơn với lời dạy của tiền nhân, biến những giá trị văn hóa, tín ngưỡng truyền thống thành sức mạnh, tiếp tục khẳng định và phát huy giá trị Việt, bản lĩnh Việt trên hành trình chinh phục những khó khăn trở ngại trên đường phát triển, tự tin đưa đất nước vươn tới mục tiêu giàu mạnh, phồn vinh, làm rạng danh dòng giống con Lạc cháu Hồng.

Có thể bạn quan tâm

Nhân lên niềm vui chiến thắng

Nhân lên niềm vui chiến thắng

(GLO)- Sau 49 năm giải phóng, Gia Lai đã vươn lên trở thành trung tâm của khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực của Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia. Tinh thần Chiến thắng 30-4 đã được kế thừa, phát huy và nhân lên bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Nâng chất lao động ngành du lịch

Nâng chất lao động ngành du lịch

Người lao động làm trong ngành du lịch đến từ Philippines, Thái Lan, Indonesia, Singapore có mặt ở các khách sạn 4-5 sao tại Việt Nam đang khá nhiều. Điều này cho thấy, lao động ngành du lịch đang bị cạnh tranh việc làm ngay trên sân nhà.
Chọn chất thay vì lượng

Chọn chất thay vì lượng

Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học ra đời với xuất phát điểm là tạo một sân chơi dành cho những học sinh có đam mê và khả năng nghiên cứu từ sớm. Nhưng lâu nay, các cuộc thi này khiến dư luận muộn phiền vì không biết sản phẩm nghiên cứu có thực sự là của học trò.