Để không còn những 'nỗi đau ô nhiễm môi trường'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là "không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế".

Sau khi Báo Thanh Niên đăng tải loạt bài điều tra hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải (còn gọi là sông Bắc Hưng Hải) bị đầu độc và vạch trần thủ đoạn "bức tử" những con kênh chảy ra hệ thống đại thủy nông thì nhiều bộ, ngành, địa phương đã rốt ráo vào cuộc.

Ngày 20.4, UBND tỉnh Hưng Yên đã xử phạt 3 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực dệt may ở Khu công nghiệp (KCN) dệt may Phố Nối (H.Yên Mỹ, Hưng Yên) về hành vi xả thải trái phép với tổng số tiền hơn 1 tỉ đồng.

Trong khi đó, số liệu thống kê thể hiện, từ tháng 7.2023 - 3.2024, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C05 - Bộ Công an) và Công an TP.Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương đã tiến hành kiểm tra và xử lý lên tới 55 vụ, phạt hành chính gần 8 tỉ đồng.

Số tiền bị xử phạt lên tới hàng tỉ đồng vẫn không đủ sức răn đe. Nhiều DN đã không quan tâm đến môi trường, vì lợi ích kinh tế mà tiếp tục vi phạm, điển hình như 3 DN ở KCN dệt may Phố Nối nói trên.

Số vụ việc bị phát hiện, xử phạt nêu trên chỉ là bề nổi của tảng băng. Bởi lẽ, nguyên nhân chính khiến hệ thống thủy nông lớn nhất miền Bắc bị ô nhiễm suốt thời gian qua đã được "chỉ mặt", đó là do nước thải sinh hoạt của người dân và nguồn nước thải từ các KCN, cụm công nghiệp, làng nghề… trên địa bàn 4 tỉnh, TP: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương.

Nguyên nhân đã rõ, vậy nhưng cứ mỗi ngày trôi qua, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải tiếp tục oằn mình hứng chịu hàng nghìn khối nước bẩn. Hậu quả, dòng kênh từ chỗ được coi là biểu tượng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp ở miền Bắc bỗng trở thành nỗi ám ảnh với người dân vì dòng nước đen đặc, "không sinh vật nào có thể sống nổi".

Nhằm kiên quyết ngăn chặn việc xả thải, gây ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã chỉ đạo nếu xử lý hành chính, xử phạt nhiều lần đối với DN, đơn vị xả thải ra môi trường vẫn không khắc phục thì phải khởi tố để xử lý hình sự.

Và để giải quyết tận gốc vấn đề ô nhiễm ở sông Bắc Hưng Hải, ngoài động thái xử lý vi phạm quyết liệt của Bộ Công an, cũng cần đến sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ Bộ TN-MT và 4 địa phương Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, nơi phát sinh các nguồn gây ô nhiễm.

Trong đó, địa phương cần yêu cầu bắt buộc các KCN, cụm công nghiệp, làng nghề… lắp trạm quan trắc nước thải có kết nối chỉ số đến cơ quan chuyên môn. Có như vậy, hành vi xả thải sẽ được phát hiện, ngăn chặn ngay từ đầu nguồn, không để tình trạng gây ô nhiễm, thiệt hại cho môi trường rồi mới chạy theo để xử lý, khắc phục.

Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là "không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế". Đã đến lúc, các bộ, ngành, địa phương, DN cùng vào cuộc quyết liệt hơn, đồng bộ hơn, không chỉ đối với kiểm tra, giám sát từ sớm, từ xa, phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi xả thải gây ô nhiễm mà còn ở việc áp dụng sản xuất xanh, thân thiện môi trường... để hệ thống thủy nông lớn nhất miền Bắc sớm hồi sinh; để giảm thiểu, tiến tới không còn những "nỗi đau ô nhiễm môi trường" như đã xảy ra với sông Bắc Hưng Hải.

Có thể bạn quan tâm

Xe dù chui lọt lỗ kim

Xe dù chui lọt lỗ kim

Những năm qua, lực lượng chức năng cũng như các ban ngành hữu trách đã đề ra một số biện pháp nhằm dẹp bỏ loại 'xe dù, bến cóc', nhất là tại khu vực trung tâm, thì căn bệnh trầm kha này lại 'di căn' ra đến khu vực đường dẫn cao tốc.

Số hóa toàn diện, tinh gọn bộ máy

Số hóa toàn diện, tinh gọn bộ máy

Khi gợi mở các định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư Tô Lâm không ít lần khẳng định phải xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao.

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Dù chưa có những quy định cụ thể về tài sản kỹ thuật số nhưng công nghệ số liên quan thì chúng ta không cấm. Tình trạng không cấm nhưng không quản tiền số không chỉ lãng phí một khoản không nhỏ cho ngân sách, mà còn gây nhiều hệ lụy cho đời sống người dân suốt mấy năm qua.

Tạo xung lực mới cho phát triển

Tạo xung lực mới cho phát triển

Cải cách bộ máy hành chính nhà nước sao cho tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là vấn đề đã được Đảng quan tâm rất nhiều và rất sớm, ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VI vào năm 1986. Nhưng cũng phải bắt đầu từ năm 1994, công cuộc cải cách này mới được triển khai với quy mô lớn.