Tác dụng bất ngờ của AI trong hoạt động thụ tinh ống nghiệm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
AIVF, công ty công nghệ sinh sản ở Israel, đã phát triển thành công phần mềm đánh giá chất lượng phôi thai được hỗ trợ bởi AI, giúp đơn giản hóa quy trình chọn lọc phôi thai trong thụ tinh ống nghiệm.
Trí tuệ nhân tạo có thể hỗ trợ các bác sỹ trong chọn lọc phôi thai. (Nguồn: iStock)
Trí tuệ nhân tạo có thể hỗ trợ các bác sỹ trong chọn lọc phôi thai. (Nguồn: iStock)

Trí tuệ nhân tạo (AI) đã được chứng minh là có khả năng phát hiện ung thư, xác định lỗ sâu răng và giải đáp các thắc mắc về y tế.

Giờ đây, AI còn đóng vai trò như một “trợ lý đắc lực” giúp các bác sỹ sinh sản chọn lọc phôi thai tốt nhất cho quy trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), cứ 5 người phụ nữ trưởng thành lại có 1 người không thể mang thai tự nhiên sau một năm thử làm điều này.

Bởi vậy, nhiều người quyết định tìm đến IVF - phương pháp đã giúp không ít phụ nữ ở Mỹ mang thai. Tuy vậy, hiệu quả của phương pháp này không được đảm bảo tuyệt đối.

Theo Hiệp hội Y học Sinh sản Mỹ, chi phí cho một lần làm IVF rất tốn kém, trung bình rơi vào khoảng 12.000 USD/chu kỳ. Trong thực tế, hầu hết các trường hợp làm IVF đều phải trải qua nhiều hơn một chu kỳ điều trị.

Phần mềm AI hỗ trợ chọn lọc phôi thai

Để cải thiện hoạt động IVF, AIVF, công ty công nghệ sinh sản tại Tel Aviv, Israel, đã phát triển thành công phần mềm đánh giá chất lượng phôi thai được hỗ trợ bởi AI, với mục đích giảm thiểu số trường hợp thụ tinh ống nghiệm không thành công.

Phần mềm với tên gọi EMA được lập trình để xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ, vượt ngoài khả năng của con người, giúp đơn giản hóa quy trình chọn lọc phôi thai.

Daniella Gilboa, một nhà phôi học và cũng là đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của AIVF, chia sẻ với trang Fox News Digital: “Thụ tinh ống nghiệm là một trong những bước tiến quan trọng nhất của ngành y học suốt 50 năm qua. Nhưng phương pháp này vẫn chưa đủ tốt. Tỷ lệ thành công (của thụ tinh ống nghiệm) chỉ nằm trong khoảng từ 23-25% ở mọi nhóm tuổi. Điều này cũng đồng nghĩa rằng chỉ 1/5 người làm IVF có thể thụ thai thành công.”

Theo Gilboa, một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là các phòng khám IVF không thể đáp ứng kịp nhu cầu tăng cao.

Bà cho biết: “Ngày càng nhiều phụ nữ lựa chọn trữ đông trứng để trì hoãn việc sinh nở và tập trung theo đuổi sự nghiệp. Điều đó có nghĩa là nhu cầu thụ tinh ống nghiệm ngày càng gia tăng trong khi nguồn lực chỉ có hạn”.

Đơn cử tại Mỹ, chỉ 20% nhu cầu thụ tinh ống nghiệm được đáp ứng, đồng nghĩa với 80% phụ nữ còn lại đành phải từ bỏ ước mơ làm mẹ.

Theo Gilboa, chọn lọc phôi thai là một trong những bước quan trọng nhất của quá trình thụ tinh ống nghiệm. Thông thường, việc lựa chọn phôi thai nào sẽ được quyết định bởi các bác sỹ có chuyên môn tốt.

“Hãy thử tưởng tượng bạn là một nhà phôi học, xem xét hàng loạt các phôi khác nhau trong môi trường phòng thí nghiệm bận rộn và phải ra quyết định phôi nào có khả năng giúp thụ thai tốt nhất. Bạn có thể sẽ phải cân nhắc giữa 10 hoặc 12 phôi với hình dáng giống hệt nhau và đôi khi phải tự đưa ra lựa chọn khó khăn,” Gilboa nói.

Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của phần mềm EMA, quy trình đánh giá chất lượng phôi thai trở nên dễ dàng hơn đáng kể, nhờ việc áp dụng các thuật toán tiên tiến để chọn ra những phôi có khả năng thụ thai thành công cao nhất.

Theo Gilboa, công cụ AI này đã được “huấn luyện” để phát hiện ra những đặc điểm phôi thai quy định các kết quả khác nhau (về giới tính, quá trình cấy ghép hoặc những bất thường của gene…) mà mắt người không thể thấy được.

Phần mềm AI sẽ giúp tăng khả năng thụ thai thành công. (Nguồn: iStock)

Phần mềm AI sẽ giúp tăng khả năng thụ thai thành công. (Nguồn: iStock)

Lựa chọn cuối cùng sẽ được đưa ra dựa trên số điểm đánh giá của mỗi phôi thai.

Gilboa cũng cho biết nếu không có AI, các bác sỹ sẽ phải đánh giá chất lượng phôi thai căn cứ vào hình dáng bên ngoài của chúng.

“Thế nhưng, cách tiếp cận này chỉ hoàn toàn dựa trên phân tích chủ quan của con người mà không thực sự định lượng được tỷ lệ thụ thai thành công trên thực tế là bao nhiêu. Trong khi đó, AI sở hữu khả năng giúp các bác sỹ loại bỏ tối đa những bất trắc có thể xảy ra, đồng thời cung cấp các thông tin một cách rõ ràng, chính xác,” bà nói.

So với con người, công cụ AI này có khả năng đưa ra đánh giá chất lượng phôi thai trong khoảng thời gian ngắn hơn rất nhiều. Điều này cũng có nghĩa là các phòng khám có thể phục vụ nhiều bệnh nhân hơn và đáp ứng được nhiều nhu cầu hơn.

EMA được “huấn luyện” thông qua các video tua nhanh thời gian (time-lapse) về quá trình phát triển của phôi thai. Phần mềm phải phân tích xem phôi thai nào có kết quả khả quan và phôi thai nào ít có khả năng thụ thai.

“Bạn cần (xử lý) một khối lượng dữ liệu khổng lồ. Đây là một quá trình kéo dài, trải qua nhiều công đoạn nhằm xây dựng một mô hình đủ tốt để có thể ứng dụng (trong y khoa),” Gilboa nói.

Được đánh giá cao bởi chuyên gia đầu ngành

Chuyên gia nghiên cứu điều trị vô sinh và đồng thời cũng là bác sỹ huấn luyện trong lĩnh vực sinh sản tại California - Tiến sỹ Shahin Ghadir đã nhận định rằng những sản phẩm được hỗ trợ bởi công nghệ trí tuệ nhân tạo giống như EMA sẽ rất hữu ích.

Chia sẻ với trang Fox News Digital, Ghadir cho biết: “Quá trình phát triển của ngành y học sinh sản đang gặp phải những trở ngại lớn, nguyên nhân do tình trạng thiếu nhân lực và thiếu chuyên môn trong lĩnh vực này. Cũng bởi số lượng các nhà phôi học rất hạn chế và thường khó đào tạo, công nghệ mới sẽ rất được chào đón.”

Mặc dù EMA có thể giúp tối ưu hóa và đẩy nhanh quá trình lựa chọn phôi thai nhưng Gilboa cũng lưu ý rằng phần mềm này không nhằm mục đích thay thế vai trò của các bác sỹ.

Cuối cùng thì EMA và những phần mềm tương đương chỉ là công cụ hỗ trợ các bác sỹ trong quy trình đánh giá phôi, tư vấn cho bệnh nhân và cung cấp dịch vụ thụ tinh ống nghiệm hiệu quả hơn.

Theo Gilboa, đây không phải là (cuộc chiến) nơi con người đối đầu với AI mà là nơi con người “liên minh” cùng với AI vì một mục đích tốt đẹp.

Bản thân Ghadir tuy ủng hộ ý tưởng dùng AI trong lĩnh vực y học nhưng ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải “xem xét kỹ lưỡng các tiêu chí quan trọng” trước khi đưa ra quyết định cuối.

Việc tăng khả năng thụ thai cũng giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn giảm bớt chi phí và sớm hoàn thành ước mơ làm cha mẹ. (Nguồn: iStock)

Việc tăng khả năng thụ thai cũng giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn giảm bớt chi phí và sớm hoàn thành ước mơ làm cha mẹ. (Nguồn: iStock)

Không loại trừ trường hợp một vài rủi ro có thể xảy ra, như lỗi trong phân loại phôi, sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng của hoạt động IVF.

Ngoài ra, các yếu tố về đạo đức cũng cần được cân nhắc trong quá trình sử dụng AI để chọn lọc phôi thai. Điều này có thể ảnh hưởng tới quyết định của cá nhân và cả người nhà bệnh nhân.

Phần mềm EMA hiện đang được sử dụng ở các quốc gia châu Âu, Đông Nam Á, Nam Mỹ và dự kiến sẽ sớm có mặt tại Mỹ trong thời gian tới.

Theo Gilboa, đa số các phòng khám đã mua và trải nghiệm đều phản hồi rất tích cực về chất lượng của phần mềm này.

Công nghệ cũng giúp tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân do thời gian cần thiết để thụ thai thành công được rút ngắn hơn đáng kể.

Theo Gilboa, với phương pháp thụ tinh ống nghiệm truyền thống, để mang thai thành công, bệnh nhân phải trải qua trung bình 3-5 chu kỳ điều trị. Nhưng với EMA, con số này giảm xuống chỉ còn trung bình 1,6 chu kỳ .

Và như thế, nhờ vào ứng dụng của công nghệ AI, ước mơ làm cha mẹ của những bệnh nhân hiếm muộn hoàn toàn có thể được hiện thực hóa thông qua phương pháp IVF.

Có thể bạn quan tâm

Việc áp dụng, duy trì và cải tiến HTQLCL theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001: 2015 góp phần cải thiện và nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của CQHCNN trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Nhật Hào

Gia Lai áp dụng, duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015

(GLO)-Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành Kế hoạch số 2555/KH-UBND về triển khai hoạt động xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 tại các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2025.