Sử dụng hiệu quả nguồn lực huy động phòng-chống dịch Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vừa qua, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiến hành giám sát việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng-chống dịch Covid-19 và thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng tại huyện Chư Pưh, thị xã An Khê, Sở Y tế và Sở Tài chính. Kết quả giám sát cho thấy: Công tác phòng-chống dịch Covid-19 cũng như hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh được cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể trong tỉnh chú trọng, góp phần nâng cao hiệu quả phòng-chống và kiểm soát dịch bệnh.

Theo ông Đinh Hà Nam-Phó Giám đốc Sở Y tế: Thời gian qua, Ban Chỉ đạo tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác phòng-chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh; xác định cụ thể nội dung công việc, bảo đảm tiến độ và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai công tác phòng-chống dịch bệnh. Toàn tỉnh có 17 trung tâm y tế. Nhân lực y tế tuyến huyện có 1.343 người, trong đó có 407 bác sĩ, 88 y sĩ, 398 điều dưỡng viên, 42 dược sĩ, 135 kỹ thuật viên và 273 người thuộc đối tượng khác. Các trung tâm y tế tuyến cấp huyện được xây dựng với quy mô từ 80 đến 180 giường bệnh và trang bị các phương tiện cơ bản phục vụ cho công tác khám-chữa bệnh, phòng-chống dịch.

 Đoàn giám sát về công tác huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng-chống dịch Covid-19 làm việc tại thị xã An Khê. Ảnh: Hà Phương
Đoàn giám sát về công tác huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng-chống dịch Covid-19 làm việc tại thị xã An Khê. Ảnh: Hà Phương


Giai đoạn 2020-2022, UBND tỉnh tạm cấp cho ngành Y tế hơn 257 tỷ đồng để triển khai công tác phòng-chống dịch. Các sở, ban, ngành, địa phương đều được huy động tham gia phòng-chống dịch, đặc biệt là lực lượng Công an và Quân đội trong điều tra, truy vết, cách ly y tế. Cùng với đó, ngành Y tế phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thực hiện chương trình quân-dân y kết hợp trong hỗ trợ nước bạn Campuchia phòng-chống dịch Covid-19; thiết lập 14 bệnh viện điều trị Covid-19, trong đó có 3 bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19. Kích hoạt và vận hành 78 cơ sở cách ly tập trung do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quản lý. Công an tỉnh lập 134 chốt kiểm tra, kiểm soát với 437 cán bộ, chiến sĩ; huy động 553 cán bộ, chiến sĩ làm công tác truy vết. Lực lượng của Quân khu 5, Quân đoàn 3 hỗ trợ tỉnh phun thuốc khử trùng, diệt khuẩn tại các ổ dịch và các khu vực phong tỏa, triển khai kịp thời các biện pháp phòng-chống dịch Covid-19 theo đúng quy định.

Ông Hồ Khắc Nhẫn-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã An Khê-cho biết: Từ năm 2020 đến ngày 31-10-2022, nguồn ngân sách nhà nước phục vụ công tác phòng-chống dịch Covid-19 trên địa bàn thị xã là 15,76 tỷ đồng; trong đó, ngân sách trung ương hơn 4,92 tỷ đồng; ngân sách địa phương hơn 10,8 tỷ đồng. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ 685 triệu đồng. Nguồn nhân lực trong ngành Y tế, Quân đội, Công an trực tiếp tham gia phòng-chống dịch là 730 người. Tổng dự toán ngân sách nhà nước giao từng nhiệm vụ mua vắc xin, thuốc, sinh phẩm, trang-thiết bị y tế là hơn 15,7 tỷ đồng.

Tại huyện Chư Pưh, từ năm 2020 đến tháng 10-2022, nguồn ngân sách nhà nước phục vụ công tác phòng-chống dịch Covid-19 hơn 14,8 tỷ đồng; trong đó, ngân sách tỉnh hơn 9,6 tỷ đồng; ngân sách địa phương hơn 5,2 tỷ đồng. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ hàng trăm triệu đồng cùng nhiều nhu yếu phẩm và trang-thiết bị y tế phục vụ phòng-chống dịch. Nguồn nhân lực trong ngành Y tế, Quân đội, Công an trực tiếp tham gia phòng-chống dịch tại địa bàn 9 xã, thị trấn. Tổng dự toán ngân sách nhà nước giao từng nhiệm vụ mua vắc xin, thuốc, sinh phẩm, trang-thiết bị y tế là hơn 14,8 tỷ đồng.

Ảnh: Hà Phương
Lực lượng Y tế tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân. Ảnh: Hà Phương


Theo ông Nguyễn Anh Dũng-Giám đốc Sở Tài chính, tổng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước để thực hiện phòng-chống dịch Covid-19 trong giai đoạn 2020-2022 là hơn 882,8 tỷ đồng; trong đó, kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ hơn 310,6 tỷ đồng; ngân sách địa phương đảm bảo hơn 572,2 tỷ đồng. Tổng kinh phí các đơn vị đã thực hiện trong công tác phòng-chống dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay hơn 802 tỷ đồng (gồm kinh phí mua thuốc, vật tư, hóa chất, kit thử, trang-thiết bị, phương tiện phòng-chống dịch, điều trị Covid-19...). “Tuy nhiên, các đơn vị, cơ sở cần tăng cường quản lý, sử dụng nguồn lực có hiệu quả, tiết kiệm, đúng mục tiêu theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, rà soát, đánh giá tình hình sử dụng các nguồn lực phòng-chống dịch tại các cơ sở y tế để có kế hoạch điều chuyển cho phù hợp; tránh trường hợp được phân bổ kinh phí nhưng không sử dụng hết dẫn đến chuyển nguồn, hủy dự toán”-Giám đốc Sở Tài chính đề xuất.

Bà Siu Hương-Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng đoàn giám sát-cho rằng: Thời gian qua, các sở, ngành, địa phương đã triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách, quy định của pháp luật về huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng-chống dịch Covid-19; các chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Các nguồn lực huy động phục vụ công tác phòng-chống dịch kịp thời và sử dụng hiệu quả, góp phần kiểm soát tốt dịch bệnh trên phạm vi toàn tỉnh. Thời gian tới, đề nghị các sở, ngành tiếp tục tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan trong thực hiện nhiệm vụ đề ra.

HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc do ăn côn trùng

Tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc do ăn côn trùng

(GLO)- Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Gia Lai đề nghị trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ, đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên để chế biến thành thức ăn.