Sống nơi 'rốn' sét

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trận mưa giông ầm ào trút xuống phía nam thung lũng A Lưới (Thừa Thiên-Huế). Những người đang còn ngoài đồng, chạy xe trên đường đều tất tả tìm nơi tránh trú vì không muốn trở thành nạn nhân của sét…

"Thiên lôi dòm ngó"

Từ trung tâm H.A Lưới, tôi men theo đường Hồ Chí Minh vào xã Lâm Đớt. Đang lò dò hỏi đường tại thôn Ka Nôn 1 thì mây đen bất ngờ kéo đến. Biết tôi là người ngoài địa phương, người chỉ đường dặn nên đi nhanh để tới trụ sở UBND xã, còn nếu không kịp thì tạt vào nhà dân ven đường dừng chân. "Ai cũng có thể cho anh lánh tạm, hết mưa hẵng đi. Giông sét vùng Lâm Đớt, Đông Sơn này không đùa được đâu…", người này cảnh báo. Khi tôi đến trụ sở UBND xã Lâm Đớt nằm cách đường biên giới Việt - Lào chỉ vài cây số, sấm đã nổ rền trời…

Trụ sở UBND xã Lâm Đớt, nơi sét thường xuyên đánh trúng bởi các cột phát thanh và trạm phát sóng. Ảnh: HOÀNG SƠN

Trụ sở UBND xã Lâm Đớt, nơi sét thường xuyên đánh trúng bởi các cột phát thanh và trạm phát sóng. Ảnh: HOÀNG SƠN

Từ ô cửa kính tầng 2 của UBND xã nhìn về phía dãy Trường Sơn, tôi thấy nhiều tia sét sáng lóe đánh xuống những cánh rừng. "Thế còn đỡ, chứ anh đến lúc bắt đầu chuyển hè thì chắc thất kinh, không dám trở lại", Chủ tịch UBND xã Lâm Đớt, ông Hồ Chính Bê, nói. Từ nhiều năm qua, xã Lâm Đớt cùng với các xã Đông Sơn, A Roàng, khu vực đuôi của thung lũng A Lưới, trở thành "rốn" sét của huyện. "Không hiểu sao khoảng 5 năm trở lại đây, sét đánh xuống Lâm Đớt lại dày đặc hơn so với các xã lân cận, gây nhiều thiệt hại. Xã đã có nhiều người chết và bị thương do sét đánh, còn đồ điện tử của dân, loa phát thanh của xã bị sét đánh cháy như cơm bữa", ông Bê lo lắng.

Theo lời kể của nhiều cư dân địa phương, từ nhiều năm trước, xã Đông Sơn, nơi có sân bay A So, được mệnh danh là "rốn" chất độc da cam, cũng là nơi giông sét hoành hành dữ dội nhất huyện vùng cao A Lưới. Thế mới có chuyện Đông Sơn còn được nhiều người gọi tên chua chát: "xã trời đánh". Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, xã Lâm Đớt lại trở thành khu vực bị "thiên lôi dòm ngó" nhiều nhất. Nhắc đến giông sét, nhiều người vẫn chưa thôi ám ảnh về cái chết của 2 thanh niên vào mùa hè 2018.

Xã Lâm Đớt liên tục bị sét đánh nên được người dân gọi là “rốn” sét. Ảnh: HOÀNG SƠN

Xã Lâm Đớt liên tục bị sét đánh nên được người dân gọi là “rốn” sét. Ảnh: HOÀNG SƠN

"Chiều 19.5.2018 là một buổi chiều kinh hoàng đối với bà con chúng tôi", ông Ra Pát Lễ, cán bộ UBND xã Lâm Đớt, nhớ lại. Số là, anh Lê Văn C. (sinh năm 1995, trú thôn Ka Nôn 1, xã Hương Lâm cũ) và anh Ra Pát B. (sinh năm 1993, trú thôn A Đớt, xã A Đớt cũ) đang trên đường đi làm về thì gặp trời mưa giông. Vì cả hai chạy xe máy, kéo theo sau chiếc xe bò nên không tìm nơi trú mưa. Lúc qua địa phận Hương Lâm thì hai anh bất ngờ bị sét đánh trúng. "Người dân đã đưa cả hai đến bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi", ông Lễ buồn bã nói. Ông Đặng Sơn Tám, cán bộ văn hóa xã Lâm Đớt, tiếp lời rằng, sau vụ việc, người dân luôn nhắc nhau phải tìm nơi tránh trú an toàn mỗi khi thấy trời trở giông.

Mong chuyên gia "chẩn trị" sấm sét

Khác với cách ứng phó mưa giông thường thấy ở một số nơi, nhiều lần có mặt ở thung lũng A So, tôi chứng kiến cảnh cứ mây đen kéo đến, người dân địa phương dù ở trên đồng, ngoài đường hay thậm chí đứng trước sân… cũng vội chạy vào nhà để trú chứ không dám thủng thẳng. Biết khi sấm sét đến là phải… chạy, thế nhưng không phải ai cũng nhanh chân và may mắn kịp về đến nhà. Cháu gái H.T.Q.T (10 tuổi, trú tại thôn Paris - Kavin, xã Lâm Đớt) là một trường hợp như thế. Chuyện xảy ra hồi cuối tháng 5 vừa qua. Đến nay, sau nhiều tháng bị sét đánh, T. vẫn chưa hoàn hồn. Điều khiến cha mẹ cháu đau lòng hơn cả là ngoài di chứng sét đánh để lại trên cơ thể, trí não cháu cũng không còn bình thường như trước.

Em H.T.Q.T bị sét đánh trúng hồi cuối tháng 5, đang phải gánh chịu nhiều di chứng. Ảnh: HOÀNG SƠN

Em H.T.Q.T bị sét đánh trúng hồi cuối tháng 5, đang phải gánh chịu nhiều di chứng. Ảnh: HOÀNG SƠN

"Chiều đó, tôi cùng T. và một đứa cháu trai đi làm đồng. Đến 16 giờ thì mưa giông kéo đến. Sống ở vùng này bao năm, tôi không dám chủ quan nên liền gọi các con hộc tốc chạy lên khỏi ruộng, tìm nhà gần nhất để vào trú. Điều lạ là dù mưa chưa trút xuống nhưng khi vừa đến bờ ruộng thì cả 3 chúng tôi lăn đùng ra ngất. Lúc tỉnh lại, tôi thấy con gái đang nằm úp, ngất lịm. Cơ thể con bỏng một vạt lớn từ vai trở xuống. Tôi cố lết lại để kéo con lên hô hấp nhân tạo…", ông Hồ Văn Ôn (45 tuổi, bố của cháu T.) run giọng kể. Dù bị sét đánh bỏng nặng ở 2 chân, đến nay vẫn đi khập khiễng rất đau đớn, nhưng với bản năng của một người cha, ông Ôn cố sức cõng con gái về nhà rồi nhờ người đưa đi cấp cứu.

Gia đình em H.T.Q.T vẫn chưa hết bàng hoàng sau lần em T. chết hụt do sét đánh. Ảnh: HOÀNG SƠN

Gia đình em H.T.Q.T vẫn chưa hết bàng hoàng sau lần em T. chết hụt do sét đánh. Ảnh: HOÀNG SƠN

Cháu T. được đưa đến trạm y tế, chuyển thêm 2 bệnh viện nữa rồi đến Bệnh viện T.Ư Huế để điều trị. Vết bỏng trên cơ thể T. liền sẹo, nhưng di chứng sau vụ sét đánh còn nặng nề hơn. Bà Hồ Thị Bớt (40 tuổi, mẹ cháu T.) rưng rưng: "Bình thường T. hoạt bát, lanh lẹ lắm, phụ tôi rất nhiều việc. Thế mà từ ngày bị sét đánh, cháu cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Đi đâu, làm gì tôi cũng dặn dò cẩn thận nhưng cứ đi vài bước là quên". Gặp T., tôi hỏi vài câu nhưng cháu cứ lắc đầu một cách vô hồn.

Ông Hồ Chính Bê cho biết thêm ngoài trận mưa giông khủng khiếp hồi cuối tháng 5 gây tốc mái 81 nhà dân và khiến cha con cháu T. bị thương, giông sét còn thường xuyên gây nhiều thiệt hại. Sét đánh chết gia súc. Sét gây cháy rừng. Sét đánh cháy thiết bị điện tử trong các gia đình... Trụ sở UBND xã có cột thu lôi với hệ thống đài phát thanh vô hình trung trở thành điểm hút sét cực mạnh. Mới đây, cột thu lôi tại thôn Cư Xor bị sét đánh gãy ngang.

"Chúng tôi đã kiến nghị ngành chức năng cần lắp đặt thêm các cột thu lôi xa khu dân cư để hạn chế thiệt hại. Cần di dời người dân ra khỏi những địa điểm thường xuyên bị sét đánh để đảm bảo an toàn tính mạng", ông Bê trăn trở.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND H.A Lưới, cho hay dù chưa có thống kê cụ thể về tần suất sét đánh xuống địa bàn các xã A Roàng, Đông Sơn và thời gian gần đây là xã Lâm Đớt, nhưng thiệt hại do sét gây ra là có thật. Chính quyền huyện mong các chuyên gia vào cuộc nghiên cứu địa chất, địa hình để đưa ra nguyên nhân, có giải pháp "chẩn trị". "Việc lắp các cột thu lôi để thu hút tia sét tránh xa khu vực dân cư là rất cần thiết", ông Hùng nói.

Sẽ có nghiên cứu khoa học về sét

Trao đổi với Thanh Niên, ông Đặng Văn Hòa, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết theo Quyết định số 18 ngày 22.4.2021 của Thủ tướng Chính phủ về quy định cảnh báo, dự báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai, nội dung cảnh báo, dự báo thiên tai sét thuộc trách nhiệm của Bộ TN-MT. Ở cấp địa phương, Văn phòng Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh sẽ trao đổi thêm với Đài khí tượng thủy văn tỉnh, Sở TN-MT để có những đánh giá cụ thể, khoa học về tình hình sét đánh tại các xã thuộc H.A Lưới. "Chúng tôi sẽ tổng hợp, ghi nhận số liệu ở cơ quan khí tượng, thủy văn để đánh giá chính xác về tình hình giông sét tại một số xã ở H.A Lưới như đã nêu và sẽ có thông tin cụ thể", ông Hòa nói.

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.