Sống... lậu ở Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cả trăm hộ dân đang sống lậu (không hộ khẩu, không trường học) giữa vùng rừng tự nhiên thuộc các tiểu khu 295, 296 ở xã Cư M’Lan, huyện Ea Súp, tỉnh Đak Lak.

Đói là một ngôi làng điển hình ở khu vực được lập nên bởi di dân tự do.

Ngôi làng biệt lập

 

Hai trẻ lang thang kiếm cá ăn trong cánh rừng bị thiêu rụi.
Hai trẻ lang thang kiếm cá ăn trong cánh rừng bị thiêu rụi.

Đồng ý với mức thù lao khá cao để chở chúng tôi vào làng nhưng cậu thanh niên người Dao vẫn trù trừ cho biết trận mưa hôm trước có thể làm cho "con đường" trở nên khủng khiếp, không thể đi được. "Sợ vào không đến nơi, nếu không có xe cày hoặc xích quấn bánh xe máy" - cậu ta nói.

"Con đường" thật ra là một lối mòn nhỏ xíu dài non 20 cây số xuyên qua cánh rừng, đoạn thì sình lầy, đoạn chui qua cây bụi, đoạn lội qua suối sâu, chỗ phải rồ máy vừa đẩy mới vượt được con dốc cao chót vót...

Sau gần hai giờ vật lộn với con đường, chúng tôi cũng thở phào khi nhìn thấy mấy túp lều tạm bợ nhếch nhác cạnh một cánh rừng đã bị phá tan hoang...

Vừa đến đầu "làng", chiếc xe mắc kẹt giữa đám sình lầy. Một người đàn ông người Dao, quần áo đen, đeo bên hông túi vải đựng đủ thứ đồ đạc, nhe hai cái răng bọc vàng nhảy đâu từ trong lùm cây ra, nói vài câu tiếng Dao với cậu thanh niên đi cùng.

Nói đoạn, người này chuyển qua tiếng Việt lơ lớ và chậm rãi: "Vào đây làm gì thế, có giúp gì cho dân xóm này không?". Đó là Chíu Sáng Sày.

Biết chúng tôi là nhà báo, Chíu Sáng Sày chỉ ngay cho chúng tôi túp lều của mình nằm giữa con dốc rồi huyên thuyên rằng mình mới 21 tuổi mà lao động khổ quá nên già trước tuổi, rằng quê mình ở tỉnh Quảng Ninh, thiếu đất không có cái ăn nên cha mẹ dắt vào Tây Nguyên cuốc đất, làm rẫy.

Địa điểm đầu tiên mà cả gia đình đặt chân lên Tây Nguyên là thôn 6, xã Ea Mnang (huyện Cư M’Gar, Đak Lak).

Ở đó một thời gian, phần bị đuổi, phần thì không có tiền mua đất nên chuyển sang một số nơi khác, sau đó thì tìm về khu rừng sâu thuộc xã Cư M’Lan này để tá túc.

Tình cảnh khốn khó

 

Những túp lều của người di cư tự do dựng lên tại tiểu khu 295, xã Cư M’Lan (huyện Ea Súp, Đắk Lắk).
Những túp lều của người di cư tự do dựng lên tại tiểu khu 295, xã Cư M’Lan (huyện Ea Súp, Đak Lak).

Đi qua nhiều ngôi nhà tạm bợ của ngôi làng mà bên trong toàn quần áo luộm thuộm và không vật dụng gì đáng giá, chúng tôi may mắn gặp được ông Bàn Dào Phin, một người Dao khá thân thiện đang ở nhà cùng vợ và một con trai chừng 20 tuổi.

Ông Phin cho biết sáu năm trước ông còn là phó chủ tịch UBND xã Thái Học, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.

Với trình độ lớp 9, vị đảng viên gần 20 năm tuổi Đảng này sau khi tuân thủ lời vận động về hưu trước tuổi, đã "nhận một cục tiền" hơn 100 triệu đồng rồi bán nhà dẫn vợ con vào Tây Nguyên sinh sống.

 Với tiếng Việt rành rọt hơn hẳn mọi người ở đây, ông Phin kể từng đến nhiều nơi ở các tỉnh Tây Nguyên này, nhưng có nơi đất xấu quá thì không làm ăn được, mà đất tốt quá không đủ tiền mua.

Đến năm 2013, ông cùng con trai vượt rừng đến giữa tiểu khu 295 này và mua 2ha đất ở đây của một người dân đã "khai phá" từ trước với giá 60 triệu đồng.

Ông Phin kể nhiều về sự khốn khó tột cùng của người dân ở đây: "Tất cả đều là dân... lậu, không hộ khẩu, vô thừa nhận ở địa phương, sống nghèo đói thiếu thốn, không có điện, nước lấy từ suối và không đủ để tưới tiêu, đường đi lại không có và biệt lập hoàn toàn khi trời mưa...".

Cũng chính vì không có đường mà các loại nông sản của người dân ở đây làm ra bán giá rất thấp. 1 tấn bắp tươi chỉ khoảng 2,4 triệu đồng thay vì gần 3 triệu đồng như những nơi khác. Trong khi một bao phân bón được đưa đến đây mất 100.000 đồng tiền vận chuyển...

Những đứa trẻ mù chữ

 

Lý Chòi chăm em cho cha mẹ đi làm.
Lý Chòi chăm em cho cha mẹ đi làm.

Trưa tháng 5, người làng lên rẫy, chỉ có trẻ con ở nhà... một mình. Những đứa trẻ ấy có đứa lên 3, có đứa mới tập bò... được cha mẹ bỏ lại lăn lóc trên những tấm gỗ kê cao trên nền đất.

Bên những túp lều mới được thưng lên nằm giữa trảng đất trống, lũ trẻ con đùa giỡn xong lăn ra ngủ mê mệt. Khuôn mặt lấm lem nhọ nồi, tóc cháy nắng và lỗ tai bám đầy côn trùng.

Một phụ nữ người Mông trong làng lầm tưởng chúng tôi là cán bộ xã vào thăm bà con để ghi danh sách làm thủ tục nhập khẩu nên hớt hải nói: "Mình không phá rừng đâu, cán bộ cứ nhìn quanh đây có chỗ nào còn rừng dày nữa đâu. Mà kể cả mấy cái lô rừng còn cây nhỏ kia cũng của người ta cả rồi. Mình vừa đến đây mua được 4 sào thôi. Cán bộ kê khai luôn cả nhà mình vào để các cháu được đi học".

Băng qua một đám cỏ khô xám xịt vì thuốc diệt cỏ, chúng tôi gặp anh em cậu bé người Dao Hoàng Vần Sơn (12 tuổi) và Hoàng Vần Chiêu (8 tuổi) đang cầm cần câu đi tìm nơi câu cá. Sơn cho biết hai anh em kiếm cá về nấu ăn.

Hỏi: "Biết chữ không?", cả hai lắc đầu trả lời: "Học đâu mà biết!". Đi hết đám cỏ cháy, chúng tôi đến một xóm lều tạm. Bên trong là bốn đứa trẻ nheo nhóc, lấm lem và hôi hám. Thằng anh lớn cho biết tên là Lý Chòi, 10 tuổi, đang chăm sóc ba đứa em để cha mẹ vào rừng kiếm ăn...

Theo ông Phin, trong "làng nguyên thủy" này có hơn 40 đứa trẻ, phân nửa số đó trong độ tuổi đến trường nhưng hoàn toàn mù chữ.

"Thấy tụi nó mù chữ, tội nghiệp mà chẳng biết làm gì, chẳng biết kêu đến ai cho được chú ạ!" - ông Phin chặc lưỡi...

Thái Lộc/Thái Bá Dũng/tuoitre

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.