Sau khi không có dấu hiệu gì cho thấy vua Hàm Nghi quay trở về Huế, được sự chấp thuận từ chính quốc, tướng De Courcy đã chia kho báu triều Nguyễn làm hai phần: một phần mang về Pháp, một phần đặt dưới sự quản lý của triều đình Huế.
Vua Thành Thái, người chủ trương chuyển kho bạc thành đồng bảng Anh - Ảnh: TƯ LIỆU |
Phần còn lại của kho báu đã được Tổng trú sứ Paul Bert bàn giao cho triều đình Huế dưới quyền vua Đồng Khánh. Song trong lúc người Pháp có những dữ liệu cụ thể về tình trạng của phân nửa kho báu đưa về Pháp thì họ không nắm được tình hình của phân nửa còn lại ở Huế.
Theo François Thierry, tác giả quyển Le trésor de Huê - une face cachée de la colonisation de l’Indochine (Kho báu ở Huế - một bộ mặt bị che khuất của chế độ thuộc địa tại Đông Dương), phần kho báu này biến mất trong vòng 20 năm. Chữ “biến mất” có thể hiểu là nó nằm ngoài tầm kiểm soát của họ, khi vua Đồng Khánh và các vua tiếp theo có toàn quyền quản lý và sử dụng nó.
Vua Đồng Khánh và số của cải được chôn giấu
Theo nhận định của nhiều tác giả Pháp vào thời kỳ này, vua Đồng Khánh là người “dễ khiến” (docile) và hay âu lo. Đây cũng là thời kỳ khởi đầu cho chính sách thuộc địa hóa toàn diện của Pháp tại ba nước Đông Dương. Pháp bắt đầu tê liệt hóa guồng máy thu thuế của triều đình, buộc vua quan nhà Nguyễn phải sống dựa vào những khoản chu cấp của chính quyền bảo hộ tại Bắc kỳ. Quyền hành của triều đình Huế ngày càng bị giới hạn, từ thời Tổng trú sứ Paul Bert đến Toàn quyền Đông Dương Constans và ở mức tối đa với Toàn quyền Paul Doumer (1897 - 1902).
Bên cạnh phần kho báu đã giao trả lại cho phía Việt Nam và phần tiền cung cấp thường xuyên từ ngân sách của chính quyền thuộc địa, thực dân Pháp còn ghi nhận được những phát hiện mới về một số của cải đã được chôn giấu từ nhiều thập niên trước. Sau cái chết của vua Đồng Khánh vào ngày 28.1.1889, Tổng trú sứ Trung và Bắc kỳ Paul Rheinart đã có dịp vào trong cung cấm, quan sát nhiều nơi và được biết là trong thời gian tại vị, nhà vua đã phát hiện và lấy sạch số vàng được chôn giấu ở ít nhất ba nơi. Rheinart xác định còn nhìn thấy 3 tấm đá lát có từ thời vua Minh Mạng và ước lượng mỗi nơi chôn giấu 100 ngàn lạng bạc.
Thượng thư Nguyễn Hữu Bài, người chống lại việc đào tìm kho báu tại Khiêm lăng năm 1913 |
Hơn 10 năm sau (1899) dưới thời vua Thành Thái, người ta còn phát hiện thêm 4 nơi chôn giấu vàng bạc tương tự, mỗi nơi chứa 10 ngàn thỏi, mỗi thỏi bằng 10 lạng bạc. Tính chung, ngoài kho báu đã được chia đôi (Việt và Pháp), số vàng bạc tìm thấy về sau ước tính lên đến 300 ngàn lạng bạc.
Những vụ cướp phá mới
Cái chết của vua Đồng Khánh kéo theo những vụ cướp phá mới, dẫn đến việc thực dân Pháp xen hẳn vào việc quản lý tài sản của triều đình. Ngay khi nhà vua vừa nằm xuống, cửa cung điện bị phá, khoảng hơn 120 phụ nữ phục vụ trong cung đình mang nhiều rương của cải ra khỏi hoàng thành. Thái hoàng Thái hậu Từ Dụ đã bị mù, Hoàng thái phi Trang Ý bất lực trước cảnh tượng cướp phá diễn ra.
Đến 3 ngày sau, Hội đồng Phụ chánh và các quan chức Pháp mới can thiệp và chấm dứt được nạn cướp phá. Trong tập nhật ký của mình, Tổng trú sứ Rheinart kể rằng ông ta đã đề nghị bà Từ Dụ bắt giữ hết tất cả phụ nữ trong cung điện “cho đến khi tìm lại được mọi thứ”.
Sự tổn thất của kho báu sau cái chết của vua Đồng Khánh là không kể xiết. Ở Duyệt thị đường (nhà hát cung đình), người ta tìm thấy hai rương lớn chứa vàng bạc, sau đó là những đồ trang sức, kim cương, đá quý, huy chương Kim khánh bội tinh đính kim cương và đá quý của vua Đồng Khánh. Người ta còn tìm thấy 450 ngàn đồng bạc cất giấu ở 4 nơi trong cung điện.
Cuối năm 1898, vua Thành Thái đưa ra một quyết định táo bạo: đổi kho dự trữ bằng bạc của triều đình ra đồng bảng Anh. Người ta đã bán ra 70 ngàn thỏi bạc. Việc chuyển đổi thực hiện qua trung gian của Ngân hàng Đông Dương, thông qua chính quyền thuộc địa. Ngân hàng này chọn đồng bảng Anh làm tại Úc với khoản lợi lớn hơn so với những đồng bảng mua tại Pháp. Các thỏi vàng còn lại được làm ra những đồng tiền và huy chương mang niên hiệu Thành Thái.
Tháng 8.1899, người ta lại khám phá trong cung điện thêm 3 hầm bạc, mỗi hầm chứa gần 10 ngàn nén, tức gần 100 ngàn lạng, tất cả được chôn giấu trong năm 1833 và 1835 dưới thời vua Minh Mạng. Việc tìm kiếm kết thúc ngày 12.9.1899.
Sang thế kỷ 20, hai sự kiện liên quan đến câu nói: “Bỏ vua không Khả, đào mả không Bài” được nhiều người nhắc đến. Vế sau của câu nói ám chỉ việc Khâm sứ Pháp Mahé cho đào tìm kho báu trong phạm vi Khiêm lăng (lăng của vua Tự Đức) vào khoảng đầu năm 1913, kết quả không tìm thấy gì. Thượng thư Nguyễn Hữu Bài đã chống lại việc đào tìm kho báu tại Khiêm lăng này.
Theo bộ Đại Nam thực lục - Đệ lục kỷ phụ biên, vào tháng 7 âm lịch năm 1915, giữa lúc thi công ống nước trong Đại nội, người ta đã chạm phải hầm bạc. Đào xuống hầm, họ lấy lên được 60 rương gỗ chứa 10 ngàn thỏi bạc cùng một số tiền đồng. Viên Khâm sứ Charles đề nghị trích 20 ngàn đồng trong số bạc trên cùng 50 ngàn đồng lấy từ công quỹ để mua trái phiếu quân dụng do Pháp phát hành, hầu đóng góp vào chi phí chiến tranh mà chính quốc đang trải qua trong Thế chiến thứ nhất 1914 - 1918.
Đó là những tình tiết cuối cùng về kho báu triều Nguyễn trước khi kết thúc triều Duy Tân năm 1916.
Theo LÊ NGUYỄN (TNO)